Từng được ví như Dubai thứ hai, giờ quốc gia này người dân lái Mercedes, BMW đi xin ăn; quân đội sống nhờ viện trợ

\"Từng

Liban từng là một quốc gia giàu có, xinh đẹp, được chờ đợi trở thành một Dubai thứ hai. (Ảnh:Flickr)

Từng được ví như Dubai thứ hai, giờ quốc gia này người dân lái Mercedes, BMW đi xin ăn; quân đội sống nhờ viện trợ

 Bình luậnNgọc Minh • 13/08/21

Quốc gia Địa Trung Hải này hiện đang vật lộn với cuộc khủng hoảng tồi tệ nhất hành tinh trong vòng 150 năm. Đồng pound Liban đã mất 90% giá trị so với đồng USD ngoài chợ đen kể từ năm 2019.

Liban trước đây từng là một nơi phồn thịnh. Thời những năm 50, 60, 70, quốc gia này từng là trung tâm tài chính, ngân hàng của khu vực, là trạm trung chuyển và sân chơi của giới giàu có Ả Rập lẫn phương Tây. Khi hàng tỷ đô từ các mỏ dầu dồi dào bắt đầu chảy vào vùng Vịnh sau năm 1973, phần lớn số tiền ấy nằm dưới quyền quản lý của các ngân hàng Beirut.

Nhưng thời hoàng kim ấy đã nhanh chóng lụi tàn!

Dubai thứ hai giờ thành Hy Lạp thứ hai

Một năm sau vụ nổ kinh hoàng tại cảng Beirut, Liban tiếp tục chìm sâu vào khủng hoảng kinh tế – chính trị và đất nước vẫn trong tình trạng chưa thành lập được chính phủ mới.

Liban hiện đang vật lộn với tỷ lệ thất nghiệp tăng chóng mặt, lạm phát phi mã dẫn đến đồng tiền bị mất giá kỷ lục và khủng hoảng lương thực trầm trọng. Hơn nửa dân số Liban giờ sống dưới mức đói nghèo.

Giá các loại thực phẩm ở nước này ước tính đã tăng tới 210% chỉ trong vòng 12 tháng qua.

Những người từng trải ở Liban nói rằng cuộc khủng hoảng hiện thời còn tồi tệ hơn nội chiến 1975-1990. Nhà báo Ruth Sherlock của NPR thường trú tại Liban cho biết cô bắt gặp cả những người lái xe sang đi xin thực phẩm để sống qua ngày:

\”Tầng lớp trung lưu của Liban, vốn tương đối nhiều, giờ bị rút ruột. Gần đây, tôi có tới một khu vực vốn của tầng lớp khá giả và ghé vào một buổi từ thiện hỗ trợ thực phẩm của nhà thờ. Trong hàng dài người đợi nhận thực phẩm, có những người tới bằng Mercedes, SUV, BMW, tất cả đều chờ nhận gạo và dầu ăn miễn phí. Tất nhiên với người nghèo thì còn tệ hơn\”.

Cuộc khủng hoảng không chỉ tác động đến dân thường mà cả quân đội:

\”Chính phủ nói họ chẳng còn chút tiền nào. Thế nên, cái mà bạn thấy là sự sụp đổ trong hạ tầng. Ở đây mất điện kéo dài do thiếu nhiên liệu. Quân đội Liban giờ cũng phải dựa vào viện trợ nước ngoài để nuôi quân. Tệ hơn, họ phải mở dịch vụ du lịch bằng trực thăng để kiếm thêm từng đồng từ du khách\”, cô Sherlock cho hay.

Giải thích cho nghịch lý người giàu có lái Mercedes lại phải đi xin thực phẩm, cô Sherlock nói:

\”Khi đồng tiền bị mất giá, thông thường người ta sẽ tìm tới những khoản tiết kiệm bằng đồng USD mà họ gửi vào nhà băng. Nhưng nhiều người không thể tiếp cận được tài sản của mình bởi chỉ qua 1 đêm, ngân hàng Liban đã đóng băng tất cả các tài khoản USD để ngăn bị tháo vốn tiền gửi\”.

Ngân hàng – trung tâm trong nền kinh tế định hướng dịch vụ của Liban – đã tê liệt. Người gửi tiền bị chặn, không thể rút được tiền USD ra khỏi tài khoản của mình hoặc nhận thông báo rằng các nguồn quỹ họ có thể tiếp cận đều đã cạn kiệt.Du lịch từng là nguồn thu chủ yếu của quốc gia Địa Trung Hải đẹp đẽ này. (Ảnh: Flickr)

Một nhà nước thất bại

Một số nhà kinh tế học mô tả hệ thống tài chính của Liban là mô hình dùng tiền mới vay để trả nợ cũ. Một kiểu vận hành cực kỳ lệch lạc.

Sau nội chiến, Li-băng trở nên giàu có nhờ các nguồn thu từ du lịch, viện trợ nước ngoài, thu nhập từ ngành công nghiệp tài chính và số tiền hào phóng do các nước Ả Rập vùng Vịnh rót vào.

Một trong những nguồn thu USD thường xuyên nhất là tiền gửi từ hàng triệu người Liban lao động ở nước ngoài. Ngay cả trong cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008, họ cũng vẫn gửi tiền về nhà.

Tuy nhiên, nguồn tiền này bắt đầu chậm lại từ năm 2011 khi các cuộc đấu đá bè phái trong nội bộ chính trường Liban dẫn tới căng thẳng về chính trị.

Cùng lúc đó, phần lớn Trung Đông, gồm cả nước láng giềng Syria, rơi vào hỗn loạn. Các nước Hồi giáo Sunni ở vùng Vịnh thì quay lưng khi thấy tầm ảnh hưởng ngày càng lớn của Iran ở Liban thông qua tổ chức vũ trang Hezbollah.

Đồng USD đã trở thành đơn vị tiền tệ chính thức được chấp nhận ở nền kinh tế bị đô-la hóa này. Tới năm 2016, ngân hàng bắt đầu đưa ra mức lãi suất cao cho các khoản tiền gửi mới bằng đồng tiền này. Không những vậy, đồng pound Liban được ghim ở mức 1.500 pound đổi 1 USD suốt 2 thập kỷ và có thể được đổi thoải mái ở ngân hàng hoặc siêu thị. Điều này đã khuyến khích USD chảy vào và ngân hàng có thể tiếp tục vung tay chi tiêu.

Năm 2016, ngân hàng trung ương Banque du Liban đã cho ra mắt kỹ thuật tài chính thực hành (financial engineering), một loạt cơ chế dẫn tới các khoản lợi tức kếch xù cho những đồng đô-la gửi mới. Vì thế khi lượng tiền USD trong dự trữ ngoại tệ tăng lên thì hậu quả kéo theo là tăng nợ. Theo nguồn tin của CNN, tài sản của ngân hàng trung ương không đáng kể so với số nợ mà nó đang gánh. Phí chi trả nợ của Liban đã lên tới 1/3 ngân sách.

Khi ngân hàng không còn đủ USD để thanh toán nợ, các chủ nợ quyết định khép hầu bao. Đồng tiền mất giá trầm trọng, trượt từ 1.500 pound đổi 1 USD xuống còn 15.000 pound đổi 1 USD vào mùa hè năm nay.

Hệ thống chính trị của Liban, vốn dựa trên cơ chế lợi ích nhóm, không có khả năng thay đổi. Những bước cải cách kinh tế có thể làm biến chuyển bộ mặt của Liban sẽ gây đảo lộn cán cân quyền lực và tấn công vào các nhóm lợi ích lớn. Vì thế, chính quyền nước này đành “ôm cây đợi thỏ” – chờ người bên ngoài tới cứu mình.

Theo đánh giá của giới phân tích, Liban hiện rất cần một gói cứu trợ quốc tế rộng lớn, song để nhận được gói giải cứu tài chính này, Beirut cần phải tiến hành các cuộc cải cách kinh tế sâu rộng và giải quyết triệt để vấn nạn tham nhũng. Theo kế hoạch, trong ngày 4/8 sẽ diễn ra hội nghị quốc tế dự kiến để huy động khoản viện trợ 357 triệu USD nhằm đáp ứng các nhu cầu cấp thiết nhất của người dân Liban. Hội nghị sẽ được Tổng thống Pháp Emmanuel Macron và Tổng thư ký Liên hợp quốc (LHQ) Antonio Guterres đồng chủ trì . Theo ước tính của LHQ, Liban hiện cần khoản viện trợ lên tới 357 triệu USD để giải quyết các vấn đề cấp bạch liên quan đến an ninh lương thực, giáo dục, y tế và cung cấp nước sạch.

Hơn nữa, dù Liban có được cứu trợ vì lý do địa chính trị đi chăng nữa, thì họ nên nhớ rằng, không có bữa trưa nào miễn phí, cứu trợ tài chính luôn đi kèm một cái giá vô cùng đắt. Cứ hỏi người Hy Lạp thì biết, cho tới 1 thập kỷ sau Hy Lạp vẫn đang rất chật vật, và giờ họ phải bấu víu vào Trung Quốc, mà Trung Quốc thì suy cho cùng, cũng chỉ đến trong hình hài của một \”thảm họa\” phi hạt nhân mà thôi.

Ngọc Minh

Bài Liên Quan

Leave a Comment