Hình ảnh logo Huawei trên bộ định tuyến mạng đô thị thông minh Huawei NetEngine 8000 tại sự kiện 5G được tổ chức ở London hôm 20/2/2020. (ISABEL INFANTES / AFP / Getty Images)
Huawei bị cáo buộc cài đặt \’cửa hậu’ để trộm cắp bí mật thương mại trong dự án lớn ở Pakistan
Bình luậnVăn Thiện • 15/08/21
Business Efficiency Solutions LLC (BES), một công ty phần mềm có trụ sở ở tiểu bang California, Hoa Kỳ, đã đâm đơn kiện Huawei lên một tòa án ở bang này với cáo buộc đánh cắp bí mật thương mại, gián điệp và cài đặt một “cửa hậu” theo dõi công việc của họ trong một dự án cho chính phủ Pakistan.
Đơn kiện được đệ trình vào thứ Tư, ngày 11/8, có các cáo buộc chống lại Huawei liên quan đến việc công ty Trung Quốc tham gia vào một dự án gọi là “Dự án Lahore”.
Đơn kiện của công ty pháp lý Akin Gump Strauss Hauer & Feld LLP nêu rõ rằng vào năm 2015 “chính phủ Pakistan đã khởi động một chương trình được thiết kế để cải tổ toàn diện ngành cảnh sát và các cơ quan thực thi pháp luật hiện có bằng công nghệ mới, sáng tạo để làm cho các thành phố của Pakistan an toàn hơn”. Hợp đồng trị giá 150 triệu USD.
Đơn khiếu nại nói rằng \”Huawei thiếu khả năng tự mình thực hiện một dự án kỹ thuật tiên tiến như vậy và thiếu khả năng phát triển các biện pháp kiểm soát cần thiết và phần mềm tùy chỉnh một mình hoặc đúng tiến độ để nộp thầu công việc cho chính phủ Pakistan”.
Tuy nhiên, BES lại có đủ kỹ năng và biết cách hoàn thành dự án. Sau khi Huawei tích cực vận động hành lang, một liên danh chính thức đã được hình thành với Huawei là nhà thầu chính và BES là nhà thầu phụ độc quyền cho dự án.
Trộm cắp tài sản trí tuệ
Sau khi Huawei đấu thầu thành công dự án, gã khổng lồ Trung Quốc đã có được “hệ thống phần mềm hoàn chỉnh, bao gồm cả ‘các thiết kế cấp thấp’ độc quyền, bí mật thương mại của BES. Trong khi đó, Huawei bắt đầu từ chối nghĩa vụ thanh toán với BES cho dự án Lahore và bác bỏ nghĩa vụ của mình đối với BES liên quan đến các dự án Thành phố An toàn bổ sung theo hợp đồng”.
Đơn kiện cáo buộc rằng sau khi Huawei sở hữu các bí mật thương mại có giá trị của BES và các tài sản trí tuệ khác, họ bắt đầu bí mật mua một số phần nhất định của hệ thống phần mềm BES từ các nguồn khác, bao gồm cả từ các nhà cung cấp mà BES đã xác định trước đó cho Huawei.
Vào mùa thu năm 2018, Huawei sau đó bắt đầu theo đuổi các hợp đồng phát triển các dự án thành phố an toàn khác ở Pakistan trong khi vẫn sử dụng tài sản trí tuệ của BES. Điều này vi phạm thỏa thuận với BES và các giấy phép hạn chế mà BES đã cung cấp trong dự án Lahore.
Đơn khiếu nại khẳng định rằng “BES không phải là nạn nhân đầu tiên của hành vi trộm cắp tài sản trí tuệ của Huawei. Theo Bộ Tư pháp Hoa Kỳ, Huawei đã đánh cắp mã nguồn, phần mềm và bí mật thương mại bí mật từ nhiều công ty khác, bao gồm cả các công ty công nghệ lớn ở Hoa Kỳ”.
Một cửa hậu kỹ thuật số
BES đã được ký hợp đồng để phát triển tám hệ thống phần mềm cho chính phủ Pakistan bao gồm hệ thống trao đổi dữ liệu, hệ thống quản lý tòa nhà, một trung tâm pháp y truyền thông kỹ thuật số và một trung tâm giám sát truyền thông để giám sát các nền tảng truyền thông xã hội như Facebook và Twitter.
Cơ sở hạ tầng kỹ thuật số mà Pakistan đang triển khai có thể được sử dụng để thiết lập một hệ thống tín dụng xã hội lạc hậu không khác gì hệ thống hiện đang được áp dụng ở Trung Quốc.
Đơn kiện cáo buộc Huawei sử dụng phần mềm \”như một cửa hậu từ Trung Quốc vào Lahore để truy cập, thao túng và trích xuất dữ liệu nhạy cảm quan trọng đối với an ninh quốc gia của Pakistan”.
BES khẳng định trong đơn khiếu nại của họ rằng các hệ thống mà họ tạo ra cho Pakistan “không chỉ đơn giản là các sản phẩm được dự trù trong RFP [Đề nghị mời thầu] cho Dự án Lahore theo Thỏa thuận nhà thầu phụ giữa Huawei-Pakistan và BES, mà còn bao gồm các bí mật thương mại có giá trị của BES trong cốt lõi hoạt động kinh doanh của BES”.
Hành động bắt nạt của Huawei
Vào tháng 6/2016, một nhân viên Huawei-Trung Quốc, Andy Queguoji, đã liên hệ với BES để yêu cầu truy cập vào mã hiện có cho tất cả tám hệ thống mà BES đã phát triển, nói rằng Huawei cần quyền truy cập vào các hệ thống để kiểm tra chúng.
Khi BES phản ứng về yêu cầu nói trên, Jeffery Chenfeng, Giám đốc điều hành Huawei-Pakistan “chỉ ra rằng \’lệnh\’ đến trực tiếp từ Ban Giám đốc của Huawei-Trung Quốc và đe dọa sẽ chấm dứt mọi thỏa thuận giữa các bên nếu BES không tuân thủ ngay lập tức lệnh của Huawei-Trung Quốc”.
BES cuối cùng đã nhượng bộ, gửi Huawei-Trung Quốc bản sao kỹ thuật số của hệ thống cũng như tải hệ thống xuống đĩa cứng bên ngoài và chuyển nó đến phòng thí nghiệm của Huawei ở Trung Quốc theo yêu cầu của ông Chenfeng.
Tuy nhiên, BES có đưa ra một số điều kiện. Một, họ có quyền truy cập vào phòng thí nghiệm nơi hệ thống của họ đang được thử nghiệm và hai, BES có thể giám sát việc xóa hệ thống sau khi quá trình thử nghiệm hoàn tất. Huawei-Trung Quốc ban đầu đồng ý, nhưng khi đến thời điểm xóa hệ thống, Huawei-Trung Quốc đã từ chối.
Văn Thiện
Theo Vision Times