48 giờ nắm quyền của Taliban tại Kabul: Phụ nữ ‘biến mất’ khỏi đường phố

48 giờ nắm quyền của Taliban tại Kabul: Phụ nữ ‘biến mất’ khỏi đường phố

\"\"/

Quang cảnh một quảng trường khi các “chiến binh” Taliban tuần tra trên đường phố Kabul, Afghanistan vào ngày 17 Tháng Tám năm 2021, khi Taliban nắm quyền kiểm soát Afghanistan – Ảnh: Haroon Sabawoon/Anadolu Agency/Getty Images

Đường phố Kabul sầm uất trông gần như không có gì thay đổi. Mọi người vội vã qua lại, các chủ cửa hàng sắp xếp những loại hàng hóa đầy màu sắc của họ, và cảnh sát điều khiển giao thông…

Tuy nhiên, theo CNN, thủ đô của Afghanistan có một thay đổi lớn: Không thấy phụ nữ trên đường phố.

Kể từ Chủ Nhật, 15 Tháng Tám, hầu hết phụ nữ Afghanistan ở trong nhà. Rõ ràng họ khiếp sợ các chiến binh Taliban, dù trên các phương tiện thông tin, đại diện Taliban nói rằng quyền phụ nữ sẽ được họ bảo vệ.

Sự tàn bạo trong quá khứ của Taliban khiến rất hiếm phụ nữ mạo hiểm ra đường trong những ngày này. Những phụ nữ dũng cảm nhất khi ra đường thì phải khoác lên người bộ trang phục truyền thống Hồi giáo, và che kín khuôn mặt bằng nuqabs hoặc mạng che mặt.

Nhiều phụ nữ có học thức, đã có 20 năm xây dựng sự nghiệp hiện đang tuyệt vọng tìm lối thoát cho mình và cho những đứa con gái của họ. Một phụ nữ nói với CNN:

“Tôi đang nghĩ về tương lai của mình, các con gái mình, điều gì sẽ xảy ra nếu chúng giết tôi – hai đứa con gái tôi sẽ không còn mẹ”.

Cô ấy không chỉ sợ mình sẽ là mục tiêu tấn công của Taliban, điều lo sợ khủng khiếp hơn, là con gái cô dễ dàng trở thành nô lệ tình dục cho Taliban.

Một người phụ nữ khác, đã làm việc cho một số tổ chức phi chính phủ quốc tế nhiều năm, cũng tìm cách đào thoát khỏi Afghanistan, nhưng cho đến nay, sau 48 giờ Taliban có mặt tại Kabul, vẫn chưa ai đáp lại lời cầu xin tuyệt vọng của cô. Cô nói:

“Thật không dễ dàng tìm chiếc vé ra nước ngoài trong những ngày này, dù tôi có hơn 10 năm kinh nghiệm làm việc với [các tổ chức] quốc tế. Không thể tin được, không ai trong số họ giúp tôi. Không một ai”.

Nỗi sợ hãi đang bao trùm

Với một cửa hàng quần áo ở trung tâm Kabul, việc Taliban tiếp quản thủ đô lại giúp họ kinh doanh tốt hơn. Một chủ cửa hàng nói với CNN rằng, ông ta đã bán được nhiều bộ burqas trong những ngày gần đây.

Burqas là bộ quần áo ôm sát cơ thể từ đầu đến chân, có tấm lưới che mắt. Đây là trang phục bắt buộc của phụ nữ khi Taliban cai trị lần cuối ở Afghanistan vào những năm 1990.

Burqas đã ít phổ biến hơn ở Kabul trong hai thập niên qua, nhưng giờ đây, nó trở thành một trang phục bắt buộc của phụ nữ trên đường phố khi Taliban trở lại.

Người chủ cửa hàng cho biết khách hàng của anh ta – phần lớn là nam giới – rất sợ hãi và đang tìm mua chúng cho vợ, con gái và những người phụ nữ khác trong gia đình họ. Họ cảm thấy từ bây giờ, mặc một chiếc burqa có thể là cách duy nhất để họ giữ an toàn trên các đường phố.

Do đó, điều không ngạc nhiên là giá của burqas mỗi ngày một tăng. Và đó là thực tế căng thẳng của cuộc sống ở Kabul bây giờ.

Hiện tại, đại diện Taliban khẳng định rằng cuộc sống vẫn diễn ra bình thường, đồng thời yêu cầu các nhân viên chính phủ quay trở lại làm việc, kể cả phụ nữ.

Lãnh đạo Taliban còn khẳng định không có nguy hiểm nào đối với “tài sản, danh dự và tính mạng” của công dân Afghanistan và họ đã yêu cầu các chiến binh không được vào nhà dân hoặc tịch thu xe cộ tài sản của họ.

Tuy nhiên, những lời hứa đó không đủ để xoa dịu nỗi sợ hãi của người dân.

Tại trung tâm Kabul, binh lính Taliban trang bị vũ khí dày đặc đi tuần tra từng ngóc ngách. Không khí lo sợ bao trùm từng khu phố, người dân biết chắc chắn rằng những quy định hà khắc theo luật Hồi giáo sẽ ụp xuống đầu họ bất cứ lúc nào.

Homira Rezai, người lớn lên ở đất nước bị chiến tranh tàn phá cho đến năm 13 tuổi và hiện đang sống ở Dudley, đã mô tả cách mà Taliban đã lập danh sách phụ nữ để nhắm vào các hình phạt trong tương lai.

Cô nói với  BBC Women’s Hour: “Chỉ một giờ trước, tôi nhận được thông tin cập nhật từ Kabul rằng họ đang đi từng nhà để tìm kiếm những phụ nữ là nhà hoạt động xã hội, nữ blogger, nữ YouTuber, hoặc bất kỳ phụ nữ nào có vai trò trong sự phát triển của nền dân sự xã hội ở Afghanistan”.

“Họ đi từng nhà để nhắm vào những người phụ nữ đó và đánh dấu các cửa nhà bằng dấu sơn màu hồng hoặc màu sáng, để chắc chắn rằng ‘Đây là ngôi nhà chúng tôi sẽ quay lại’.

Bài Liên Quan

Leave a Comment