Abdul Ghani Baradar – chân dung ông trùm Taliban

Abdul Ghani Baradar – chân dung ông trùm Taliban

August 19, 2021

\"\"

Từng trốn chui nhủi nhiều thập niên ròng, Abdul Ghani Baradar là một trong những thủ lĩnh đang nằm trên trang nhất truyền thông thế giới. Trở về Kabul hôm Thứ Ba 17 Tháng Tám 2021 trên đoàn xe SUV trắng, giữa tiếng reo hò tung hô của hàng ngàn người Afghanistan, “bóng ma” Abdul Ghani Baradar đã “hiện hình” đường đường chính chính…

Trong khi Washington Post viết rằng không ai có thể biết chính xác Baradar bao nhiêu tuổi, The Guardian cho biết, Baradar sinh năm 1968 tại tỉnh Uruzgan và cung cấp thêm chi tiết rằng thủ lĩnh-sáng lập Taliban, Mohammad Omar, là anh/em rể của Baradar. Là một trong những nhân vật thủ lĩnh đáng chú ý nhất Taliban, Abdul Ghani Baradar đã trải qua gần hết cuộc đời trong hang núi, rừng sâu và nhà tù. Vị trí Baradar trong hàng ngũ Taliban là rất quan trọng. Cùng Mohammad Omar, Baradar đã trở thành bộ não chiến lược của Taliban trong cuộc chiến đánh Liên Xô khi nước này đưa quân vào Afghanistan năm 1979. Cuối thập niên 1990, Baradar giữ vị trí thống đốc một số tỉnh Afghanistan.

Khi Mỹ đổ bộ vào Afghanistan năm 2001, Baradar cũng được xem là nhân vật phác thảo chiến lược đánh Mỹ. Không lâu sau, khi bị Mỹ oanh tạc dữ dội và tổn thất nghiêm trọng, Baradar lại trở thành người đàm phán với Hamid Karzai (sau đó là tổng thống) về việc Taliban đầu hàng. Theo Washington Post, trung tá hưu Jason Amerine, lúc đó là một đại úy thuộc Lực lượng đặc biệt Hoa Kỳ, còn nhớ mình từng ngồi sát bên Karzai tại Pakistan vào Tháng Mười Một 2001 khi Karzai nói chuyện với Baradar qua điện thoại vệ tinh. Tuy nhiên, vài tuần sau, Baradar phái một biệt đội ám sát Karzai. Đến đầu Tháng Mười Hai 2001, không chịu nổi đạn bom Mỹ, Baradar đề nghị đầu hàng. Đề nghị này bị khước từ.

Năm 2002, Baradar nổi điên khi một vụ oanh tạc của Mỹ giết chết hàng chục người dự một đám cưới tại tỉnh Uruzgan, trong đó có họ hàng Baradar. Sau đó, Baradar trốn sang Pakistan và ẩn náu ở Karachi. Đến trước năm 2010, khi Tổng thống Barack Obama đưa thêm hàng chục ngàn binh sĩ Mỹ đến Afghanistan, Baradar nổi lên như một trong những thủ lĩnh đầu sỏ của Taliban. Từ nơi ẩn nấp trên đất Pakistan, Baradar vẫn chỉ huy được các chiến dịch tấn công trực diện lẫn khủng bố. Cùng lúc, đương sự thiết lập kênh đàm phán mật với chính quyền Hamid Karzai. Tháng Hai 2010, trong một chiến dịch phối hợp giữa CIA và tình báo Pakistan, Baradar bị bắt. Đương sự bị giam trong nhà tù Pakistan. Tình báo Pakistan không đồng ý dẫn độ Baradar theo yêu cầu chính quyền Afghanistan.

\"\"
Abdul Ghani Baradar và công sứ Hoa Kỳ Zalmay Khalilzad tại lễ ký kết Hòa ước Doha tại Qatar ngày 29 Tháng Hai 2020 (ảnh: Fatih Aktas/Anadolu Agency/Getty Images)

Năm 2018, với sự đồng ý của Tổng thống Donald Trump, Công sứ Hoa Kỳ đặc trách vấn đề Afghanistan – Zalmay Khalilzad – yêu cầu Pakistan thả Baradar để đương sự có thể tham gia tiến trình đàm phán. Tháng Chín 2020, Baradar xuất hiện với tư cách là đặc phái viên chính trị của Taliban tại Doha (Qatar), đàm phán với đại diện Hoa Kỳ là Ngoại trưởng Mike Pompeo, để gút lại một hòa ước mà Mỹ đã ký với Taliban vào vài tháng trước (Tháng Hai 2020), với nội dung Mỹ rút toàn bộ quân khỏi Afghanistan trong 14 tháng. Buổi lễ ký kết được thực hiện giữa công sứ Hoa Kỳ Zalmay Khalilzad và Abdul Ghani Baradar tại một khách sạn ở Doha, dưới sự chứng kiến của Ngoại trưởng Mike Pompeo. Văn bản hòa ước đề ngày 29 Tháng Hai 2020. Một trong những yêu cầu được đưa vào hòa ước là việc thả hàng ngàn chiến binh Taliban ngay trước khi các cuộc thương thảo trực tiếp được thực hiện, trong đó có sáu nhân vật cấp cao Taliban. Không phải tự nhiên mà Taliban sau đó đã ăn mừng và cho rằng Hòa ước Doha là một chiến thắng.

\"\"
Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị trong cuộc gặp Abdul Ghani Baradar tại Thiên Tân ngày 28 Tháng Bảy 2021 (ảnh: Li Ran/Xinhua/ Getty Images)

Cách đây vài tháng, người ta thấy Baradar bắt tay với Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị. Cuộc gặp được tổ chức tại Thiên Tân cuối Tháng Bảy 2021. Trong cuộc gặp, Vương Nghị nói rằng Taliban là một sức mạnh chính trị và quân sự mạnh mẽ ở Afghanistan và Bắc Kinh kỳ vọng rằng Taliban sẽ đóng vai trò quan trọng trong “tiến trình tái thiết, hòa hợp và hòa bình” của Afghanistan. Trung Quốc không che giấu ý định củng cố quan hệ với Taliban. Trung Quốc đầu tư rất mạnh vào Trung Á, qua chương trình Vành đai-Con đường; và Bắc Kinh cũng từng thảo luận khả năng mở rộng Hành lang kinh tế Trung Quốc-Pakistan qua ngả Afghanistan. Trong cuộc gặp Baradar, Vương Nghị nói rằng Afghanistan là “láng giềng lớn nhất của Trung Quốc”; và rằng việc Mỹ và NATO rút khỏi Afghanistan là “thất bại của chính sách Mỹ đối với Afghanistan”…

Trước khi gặp Vương Nghị, Tháng Ba 2021, Abdul Ghani Baradar đã đến Moscow. Tất cả cho thấy vai trò của Baradar đối với tương lai chính trị Afghanistan nói riêng và với khu vực nói chung là rất đáng chú ý. Nếu không trở thành tổng thống thì khả năng Baradar ngồi ghế thủ tướng hoặc ngoại trưởng là điều hoàn toàn có thể hình dung.

Theo SGN

Bài Liên Quan

Leave a Comment