Việt Nam: Vượt ngưỡng 10.000 ca Covid-19 một ngày
35 phút trước
Bộ Y tế Việt Nam cho biết có thêm 10.654 ca mắc Covid-19 tính từ 18h ngày 18/8 đến 18h30 ngày 19/8, mức cao nhất từ trước tới nay.
TP Hồ Chí Minh vẫn nhiều nhất với 4.425 ca và Bình Dương thứ 2 với 3.255 ca. Long An có 545 ca trong khi đứng thứ tư là Tiền Giang 478 ca.
Tin cho hay có 380 ca tử vong với TP HCM vẫn chiếm 80% (307 ca).
Tổng số ca nhiễm ghi nhận trong nước từ 27/4/2021 là 308.560 ca, gấp hơn 3 lần \”kịch bản 100.000 ca\” mà chính phủ đưa ra vào tháng 6 và hơn 10 lần “kịch bản 30.000 ca nhiễm” mà chính phủ Việt Nam đưa ra vào tháng 5.
Tin cho hay có hơn 2.300 nhân viên y tế bị lây nhiễm khi làm việc trong cuộc chiến chống Covid-19 thời gian qua và ba người tử vong.
“Ngoài đối mặt với lây nhiễm, y bác sĩ còn chịu áp lực nặng về tâm lý khi bệnh nhân quá đông, trở nặng nhanh, tỷ lệ tử vong cao; thiếu trang thiết bị, máy móc, đồ bảo hộ; ăn uống, ngủ nghỉ qua loa,” theo Vnexpress.
“Hai tháng qua, hơn 12.000 y bác sĩ từ miền Bắc, Trung đã vào tâm dịch phía Nam. Trong đó, 7.000 người chi viện TP HCM, hơn 5.000 người phân bố các tỉnh còn lại,” bản tin báo điện tử này cho biết.
“Thực chi” được 2,2% Quỹ Vaccine Covid-19?
Liên quan tới Quỹ Vaccine phòng, chống COVID-19 mà Chính phủ Việt Nam thành lập hồi tháng 5/2021, Ban Quản lý cho biết tính đến thời điểm 18/8 Quỹ “đã xuất” tổng cộng 197 tỷ đồng theo 3 đợt.
“Theo Ban Quản lý Quỹ, dự kiến trong quý III/2021, Quỹ sẽ xuất 450 tỷ đồng để mua vaccine,” trang tin Chính phủ cho biết.
Như vậy với số tiền Quỹ đã tiếp nhận được tính đến 17h ngày 18/8 là 8.626 tỷ đồng, Quỹ này mới “thực chi” được 2,2%.
“Số vốn nhàn rỗi chưa sử dụng đến của Quỹ được gửi tại các ngân hàng thương mại có uy tín, có năng lực theo nguyên tắc đấu thầu cạnh tranh lãi suất.
“Toàn bộ số tiền thu được nhập Quỹ để hỗ trợ, tài trợ cho hoạt động mua, nhập khẩu, nghiên cứu, sản xuất trong nước và triển khai sử dụng vaccine phòng COVID-19 theo quy định,” theo bản tin này.
Hồi đầu tháng 7, TTXVN đưa tin theo tính toán của Bộ Y tế, để đạt miễn dịch cộng đồng, Việt Nam cần mua 150 triệu liều vaccine phòng COVID-19 để tiêm cho khoảng 75 triệu người với tổng nhu cầu kinh phí ước khoảng 25.200 tỷ đồng.
“Trong đó, ngân sách Trung ương dự kiến bố trí khoảng 16.000 tỷ đồng, ngân sách địa phương chi và huy động đóng góp từ cộng đồng khoảng 9.200 tỷ đồng.
“Như vậy, tới nay dù chưa tính phần ngân sách địa phương, riêng tiền ủng hộ từ cộng đồng đã gần đạt ngưỡng mục tiêu đề ra,” bản tin cho biết.
Pfizer hay Sputnik?
Bộ Y tế Việt Nam hiện phê duyệt 6 loại vaccine sử dụng khẩn cấp là Spunik V, Pfizer/BioNTech, AstraZeneca/Oxford, Moderna, Janssen và Vero Cell (Sinopharm).
Danh sách 7 loại vaccine mà Tổ chức Y tế thế giới phê duyệt sử dụng khẩn cấp không có vaccine Sputnik V của Nga và hiện chưa rõ vaccine Sputnik về Việt Nam được tiêm cho các nhóm nào.
Ngày 12/7 Tuổi Trẻ đưa tin Chính phủ Việt Nam đã có \’\’nghị quyết đồng ý\’\’ về việc giới thiệu Tập đoàn T&T đàm phán mua 40 triệu liều vaccine Sputnik V của Liên bang Nga.
Một cựu chuyên viên Bộ Y tế Việt Nam muốn ẩn danh nói với BBC rằng vào thời điểm đó Việt Nam đang rất cần vaccine nên muốn mua từ nhiều nguồn.
\”Nhưng dường như mới chỉ là “hợp đồng khung” ở dạng đàm phán xong nhưng chưa mua vì sau đó phía Việt Nam đạt được thỏa thuận với Pfizer,\” người này nói thêm.
“Với 2 thỏa thuận với nhà sản xuất [Pfizer], Bộ Y tế cho biết sẽ mua được tổng cộng gần 51 triệu liều vaccine Pfizer. Trong đó quý 3-2021 vaccine sẽ về hằng tuần, số lượng 3 triệu liều trong cả quý 3, quý 4, số lượng vaccine Pfizer về dự kiến lên tới 47 triệu liều, tập trung vào 2 tháng 11 và 12,” Tuổi Trẻ ngày 15/8 đưa tin.