Người dân thiếu đói bị làm khó khi xin hỗ trợ của Nhà nước
Cao Nguyên
2021-08-19
Hình minh hoạ: Người dân TPHCM nhận thực phẩm qua rào trong thời gian giãn cách do dịch bệnh hôm 20/7/2021 Reuters
Chính quyền TP.HCM mới đây thông báo đã tung ra hai gói hỗ trợ COVID trong hai tháng 7 và 8/2021, bao gồm tiền mặt cũng như nhu yếu phẩm cho lao động tự do mất việc làm, người nghèo và cận nghèo trong thành phố.
Với gói hỗ trợ lần hai, lãnh đạo thành phố hứa hẹn rằng lao động nghèo, ai có mặt tại TP.HCM thì đều được hỗ trợ, không phân biệt tạm trú hay thường trú.
Viện lý do để không trợ cấp
Trên Facebook, một nhóm có tên “Những Người Chưa Nhận Được Trợ Cấp Covid” với gần 8.000 thành viên tham gia. Trong đó, có rất nhiều người phản ánh rằng mình là lao động tự do, thất nghiệp do COVID và đang trong hoàn cảnh khó khăn nhưng vẫn chưa nhận được một đồng nào do Chính phủ trợ cấp.
Và tất cả những người lao động mà Đài Á châu Tự do phỏng vấn sau đây đều xác nhận cho đến ngày 19/8, họ chưa nhận được tiền từ các gói hỗ trợ trên vì nhiều lý do khác nhau.
Ông Tài làm nghề phục vụ quán ăn ở Bình Chánh cho biết ông không nhận được tiền hỗ trợ dù đã nộp giấy tờ lên phường chờ xác minh. Cán bộ địa phường nói với ông Tài là phường “bốc hồ sơ ngẫu nhiên” nên có người nhận được hỗ trợ, người không. Ai trúng thì được nhận tiền, còn lại thì chờ đợt sau:
“Không, chưa nhận được một cái gì luôn. Có hỏi, có làm giấy tờ, cũng đã có xác minh giấy tờ nộp rồi, nhưng mà cũng im ru không nghe nói năng gì tới hết.
Họ nói là bây giờ muốn gì thì lên trên xã trên phường hỏi chứ nó không biết gì hết. Có người nhận được, có người không nhận được. Người ta thắc mắc thì nó nói là giờ trên phường xã bốc hồ sơ ngẫu nhiên. Người nào bốc trúng trước thì được trước. Còn người nào chưa bốc tới thì phải chờ chứ nó không biết gì hết trơn.”
Ông Nghiêm, trước dịch chạy xe ba gác mướn ở Nhà Bè cũng không được hỗ trợ từ Chính phủ. Lý do là cấp trên chưa rót tiền xuống:
“Không nhận được cái gì hết. Từ đầu mùa tới giờ nhận được hai bịch rau với lại 10 ký gạo.
Mình hỏi người quen biết trên xã về tiền hỗ trợ thì người ta nói rằng mình chạy xe ba gác này là Nhà nước cấm nên là không có.
Hai tháng này là không đi làm được lấy đâu mà có tiền, tổng cộng tiền nhà trọ điện nước là hơn ba triệu/một tháng. Bây giờ khi nào người ta ném đồ ra sân thì mình đi thôi.
Có lần phản ánh 1022 (tổng đài hỗ trợ trong mùa dịch) thì nó có gọi về cho địa phương. Bên địa phương xác nhận rồi gọi cho tôi hỏi một hồi rồi nó chốt lại là tiền chưa về.”
Ông Hải, nhà ở Hóc Môn chia sẻ, ông và vợ buôn bán tự do, phải nuôi hai con nhỏ, nhưng đã mất việc ba tháng rồi. Cách đây vài hôm ông Hải có nhắn tin xin quà trên Zalo thì được Uỷ ban xã cho năm ký gạo, nhưng không có tiền:
“Có nhận được năm ký gạo với mì nhưng mà tiền thì chưa có. Mình không nhận được một triệu rưỡi.
Mình có nghe hỗ trợ thì mình làm đơn nhưng mà không thấy. Có thì mình mừng không có thì thôi, chứ bây giờ biết làm sao!”
Chị Dương, ở Bình Chánh là trợ giảng cho một trung tâm Tiếng Anh, có bố làm nghề hớt tóc, còn mẹ bán quán cà phê nhỏ. Cả ba đều mất việc mấy tháng nay nhưng không có tiền hỗ trợ vì nhà mất việc nhưng không được xếp vào hộ nghèo:
“Nhà em cũng không được hỗ trợ. Ba mẹ cũng không được hỗ trợ gì hết. Cũng là nằm trong diện lao động tự do nhưng mà nó tinh vi lắm, nó không cho mình lãnh.
Lúc mình hỏi là nhà em có được lãnh không, thì nó bảo là nhà mày đâu có nghèo đâu mà đòi.”
Cuối tháng bảy, Bộ LĐ-TB & XH công bố sáu đường dây nóng để giải đáp các thắc mắc liên quan gói hỗ trợ 26.000 tỷ đồng. Phóng viên RFA nhiều lần gọi đến số 0911151166, số này phụ trách về các chính sách hỗ trợ lao động bị mất việc và lao động tự do, nhưng không có ai nghe máy.
Ngày 10/8, mạng báo Lao Động dẫn lời Giám đốc Sở LĐ-TB & XH TP.HCM ông Lê Minh Tấn lý giải về việc có nhiều người lao động phản ánh không nhận được hỗ trợ vì hai nguyên nhân. Thứ nhất là người lao động không cư trú hợp pháp trong thành phố. Thứ hai là người lao động không có thu nhập thấp hơn bốn triệu đồng/tháng.
Trong khi đó, Bí thư Thành uỷ TPHCM hôm 15/8 phát biểu rằng “Người đang cư ngụ tại thành phố, không phân biệt thành phần nào, ở đâu, chỉ cần khó khăn, thiếu thốn thì thành phố giúp đỡ vô điều kiện”.
Chính quyền các cấp đùn đẩy trách nhiệm
Không nhận được tiền từ các gói hỗ trợ, bà Dương và ông Tài chủ động đến hỏi tổ trưởng dân phố nơi mình sinh sống thì được yêu cầu lên phường mà hỏi, ở khu phố chỉ có nhiệm vụ lập danh sách. Lên phường xã hỏi thì được chỉ lên quận, lên đến quận thì họ cho số tổng đài hỗ trợ mùa dịch 1022. Khi gọi vào đây chất vấn về gói hỗ trợ thì nhân viên trực máy hứa rằng sẽ ghi nhận thông tin và chuyển lại về phường xã.
Bà Dương kể với RFA:
“Nó hứa lèo, hứa suông. Nó cho số điện thoại gọi lên cũng không giải quyết được gì. Nó kêu là cấp trên giải quyết, nó không biết gì hết. Gọi điện lên trên đó hỏi thì nó nói là cấp trên đó nữa chưa giải quyết. Nói chung là cứ đưa cấp trên ra để đùn đẩy trách nhiệm. Cuối cùng họ vẫn không giải quyết.”
Ông Tài nói:
“Ở đây mình gặp trực tiếp tổ trưởng để hỏi thì tổ trưởng nạn ngang nạt dọc nói là mốt có gì thì đi lên trên phường trên xã mà hỏi.
Khi mà mình gọi điện lên trên phường trên xã hỏi thì nó đá lên lên quận. Khi mình điện lên quận thì nó kêu mình điện qua 1022 là tổng đài chăm sóc những người khó khăn mùa COVID này.
Khi mà mình điện lên 1022 thì nó nói là nó sẽ ghi nhận ý kiến của mình rồi chuyển lại về địa phương. Chuyển sao không biết nhưng cũng không thấy ai gọi, không thấy ai xác minh gì hết.
Ở đây gọi cả chục lần nhưng nó nói chỉ ghi nhận được ba lần chứ nó không ghi nhận thêm lần thứ tư. Nó đều nói là sẽ gửi về địa phương, thì địa phương cũng im ru thôi à.”
Đe doạ người lên tiếng trên Mạng xã hội
Trong nhóm “Những Người Chưa Nhận Được Trợ Cấp Covid”, có một người yêu cầu được giấu tên đăng status có nội dung là nếu đến ngày 20/8 mà chưa nhận được tiền hỗ trợ thì sẽ lên trụ sở chính quyền địa phương biểu tình, đồng thời kêu gọi mọi người cùng tham gia với mình.
Ngay sau đó, ông này bị công an mời làm việc, yêu cầu xoá bài và viết cam kết sẽ không đi biểu tình, nếu không sẽ bị phạt:
“Em cũng có bị mời lên rồi. Họ bắt em viết giấy cam kết, bắt em nói là đăng tin không đúng sự thật. Họ nói em là do hoàn cảnh khó khăn cho nên lần này chỉ cảnh cáo, nhắc nhở, còn nếu tái phạm nữa ra thì sẽ phạt hành chính.”
Người này nói với RFA rằng ông đã bị mất việc từ tháng năm tới giờ, đói mà cũng không có tiền đóng trọ. Mấy tháng nay sống chủ yếu nhờ mạnh thường quân cho quà chứ Chính phủ cũng không hỗ trợ được gì.
Bà Dung làm công nhân ở Đồng Nai nhưng cũng phải nghỉ việc do dịch. Bà nói hồi đầu tháng tám có lên Zalo xin thuốc men cho ba mẹ già trên 80 tuổi. Bốn ngay sau đó, ông tổ trưởng nơi bà sinh sống dẫn theo ba người đàn ông khác xông vô nhà bà Dung lúc chín giờ tối để chửi bới, đe doạ bà Dung vì đã lên mạng xã hội xin thuốc. Bà Dung kể:
“Ông trưởng ấp kéo thêm ba người nữa, cỡ 8:30 tối rồi mà la mắng, chửi, bắt lỗi là tại sao lại đăng Zalo.
Ảnh nói là nếu không xin lỗi về cái bài Zalo đó thì anh sẽ mời cả gia đình em lên xã làm việc. Em thiệt là bức xúc luôn. Trong khi giãn cách nữa mà ảnh vô nhà em chửi như vậy đó.”
Về hai gói hỗ trợ an sinh xã hội mùa COVID của TP.HCM, Theo báo chí Nhà nước, đã có gần 334.200 người, tương đương 100% số người lao động tự do trong thành phố đã nhận hỗ trợ lần một vào tháng 7/2021, mỗi người 1,5 triệu đồng/tháng. Tổng chi đợt một là 501 tỷ đồng.
Trong đợt hỗ trợ lần hai, tình từ ngày 2/8, ngoài số lao động phổ thông đã được nhận tiền trong đợt một, lãnh đạo thành phố thông báo sẽ phát tiền và thực phẩm thêm cho những hộ nghèo và cận nghèo, với tổng ngân sách đợt hai là gần 900 tỷ đồng, sẽ hoàn tất giải ngân trước ngày 15/8.