Covid-19: Pháo đài Detrick trở thành trung tâm trong thuyết âm mưu của TQ ra sao?
7 giờ trước
Một chiến dịch tin giả rằng virus Covid-19 có nguồn gốc từ một căn cứ quân sự của Mỹ ở Maryland đã trở nên rất phổ biến ở Trung Quốc trước khi tình báo Mỹ công bố một báo cáo về nguồn gốc virus.
Vào tháng 5, Tổng thống Mỹ Joe Biden đã ra lệnh điều tra trong 90 ngày để xem liệu virus Covid-19 xuất phát từ một tai nạn trong phòng thí nghiệm hay xuất hiện từ sự tiếp xúc giữa người với động vật bị nhiễm bệnh.
Cho đến lúc đó, thuyết \”rò rỉ phòng thí nghiệm Vũ Hán\” đã bị hầu hết các nhà khoa học bác bỏ vì coi đó là thuyết âm mưu thiểu số.
Nhưng bây giờ khi báo cáo sắp được công bố, Trung Quốc ra đòn. Trong vài tuần qua, các nguồn tin Trung Quốc đã cho lan truyền một tuyên bố vô căn cứ rằng Covid-19 được sản xuất tại Mỹ.
Sử dụng mọi thứ, từ nhạc rap cho đến các bài đăng tin giả trên Facebook, các chuyên gia cho rằng các nỗ lực tuyên truyền đã thành công trong việc thuyết phục độc giả ở Trung Quốc bày tỏ sự hoài nghi đối với chỉ trích quốc tế về vai trò của nước này trong đại dịch Covid-19.
Tuy nhiên, theo các chuyên gia, điều này chỉ mang lại rất ít trong việc hợp pháp hóa tuyên bố của Trung Quốc với thế giới bên ngoài.
Có những cáo buộc gì?
Hầu hết người Mỹ có thể chưa bao giờ nghe nói về Pháo đài Detrick, nhưng nó đang trở thành một cái tên quen thuộc ở Trung Quốc.
Các nhà tuyên truyền Trung Quốc đã thúc đẩy một âm mưu cho rằng Covid-19 được tạo ra và bị rò rỉ từ cơ sở quân sự ở Frederick, Maryland, cách Washington DC khoảng 80 km về phía bắc.
Từng là trung tâm của chương trình vũ khí sinh học Mỹ, nơi đây hiện có các phòng thí nghiệm y sinh học nghiên cứu các loại virus bao gồm Ebola và bệnh đậu mùa. Lịch sử phức tạp của nó đã làm dấy lên nhiều đồn đoán ở Trung Quốc.
Một bài hát rap của nhóm nhạc dân tộc chủ nghĩa Trung Quốc CD Rev có nội dung hàm ý rằng những âm mưu bất chính đang được phòng thí nghiệm này ấp ủ. Gần đây bài rap này đã được Triệu Lập Kiên, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc, cổ xúy.
Nhịp điệu của bài hát – \”Bao nhiêu âm mưu chui từ phòng thí nghiệm của bạn / Bao nhiêu xác chết được mang một tấm thẻ / Bạn đang che giấu điều gì / Mở cánh cửa đến Pháo đài Detrick\” – thật khó hiểu, nhưng góc nhìn của nó \”nói lên suy nghĩ của chúng tôi\”, ông Triệu Lập Kiên viết trong một tweet vào tháng Tám.
Ông Triệu, người nổi tiếng với phong cách ngoại giao hiếu chiến, đã đóng một vai trò quan trọng trong việc truyền bá thuyết \”nguồn gốc Hoa Kỳ\”. Một số tweet từ tài khoản của ông này vào năm ngoái lần đầu tiên thu hút sự chú ý rộng rãi đến Fort Detrick. \”Điều gì đằng sau việc đóng cửa biolab ở Fort Detrick?\” ông viết vào tháng 7/2020, \”Khi nào thì Hoa Kỳ sẽ mời các chuyên gia điều tra nguồn gốc của virus ở Hoa Kỳ?\”
Trong những tháng gần đây, lời kêu gọi của ông đã được các nhà ngoại giao Trung Quốc có trụ sở tại nhiều quốc gia khác nhau hưởng ứng. Đài truyền hình nhà nước Trung Quốc CCTV thậm chí đã phát sóng một phóng sự đặc biệt dài một giờ, \”Lịch sử đen tối đằng sau Pháo đài Detrick\”, tập trung vào các vụ vi phạm tại phòng thí nghiệm năm 2019, để củng cố các tuyên bố về sự lỏng lẻo trong an ninh phòng thí nghiệm, vốn được các quan chức Trung Quốc và truyền thông nhà nước lặp đi lặp lại. Một hashtag liên quan đến vấn đề này đã có hơn 100 triệu lượt xem trên Weibo – một nền tảng tương đương Twitter của Trung Quốc.
Ira Hubert, nhà phân tích điều tra cấp cao tại công ty phân tích xã hội Graphika cho biết: \”Chúng tôi thấy một chiến dịch bền vững hơn liên quan đến nhiều tài khoản và đến từ nhiều vùng để quảng bá câu chuyện về Pháo đài Detrick.
Một giả thuyết phổ biến khác, do tờ báo lá cải Global Times đưa ra, cố gắng kết nối nguồn gốc của virus với một chuyên gia về virus corona người Mỹ, Tiến sĩ Ralph Baric và các nhà nghiên cứu tại Pháo đài Detrick.
Tờ báo cho rằng Tiến sĩ Baric đã tạo ra một loại virus corona lây nhiễm sang người mới, trích dẫn một nghiên cứu mà ông Baric là đồng tác giả về sự lây truyền của virus từ dơi trên tạp chí Nature Medicine.
Trong ghi chú của biên tập viên, tạp chí cho hay họ ý thức được nghiên cứu đã được sử dụng để truyền bá lý thuyết sai lệch, nhưng ghi chú này không được đưa vào bài viết của Global Times.
Global Times cũng đưa ra một bản kiến nghị trực tuyến kêu gọi cư dân mạng Trung Quốc ký vào một bức thư ngỏ yêu cầu Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) mở cuộc điều tra Pháo đài Detrick. Mọi người có thể \”ký\” vào bức thư chỉ bằng một cú nhấp chuột, và lời kêu gọi đã thu thập được hơn 25 triệu \”chữ ký\”.
Tuyên truyền từ Thụy Sĩ đến Fiji
Các chuyên gia cho rằng Bắc Kinh đang tìm cách lôi kéo độc giả không phải là người Trung Quốc vào cuộc tranh cãi về nguồn gốc của Covid-19 để làm nhiễu thông tin.
Một ví dụ rõ ràng được lần giở vào tháng 7, khi truyền thông nhà nước Trung Quốc bắt đầu đưa tin không ngừng về những lời chỉ trích được viết trong một bài đăng trên Facebook của \”Wilson Edwards\”, một người dùng tự xưng là một nhà khoa học Thụy Sĩ.
\”Ông Edwards\” lập luận rằng Washington \”bị ám ảnh bởi việc tấn công Trung Quốc về vấn đề truy xuất nguồn gốc, đến nỗi họ không muốn nhìn vào các dữ liệu và kết quả nghiên cứu.\”
Nhưng đại sứ quán Thụy Sĩ tại Trung Quốc sau đó nói rằng không có công dân Thụy Sĩ nào có tên này, và kêu gọi truyền thông Trung Quốc gỡ bỏ các bản tin \”sai sự thật\”.
Các chuyên gia tin rằng \”Wilson Edwards\” có thể không tồn tại, nhưng thay vào đó, đây là một tài khoản giả mạo được tạo ra để tuyên truyền. Trang Facebook của ông này được ra mắt vào ngày ông ta đăng bài về Covid-19. Một tài khoản Twitter mới dưới tên \”Wilson Edwards\” cũng đã tweet cùng một thông điệp vào ngày hôm đó.
Câu chuyện \”Wilson Edwards\” dường như được đưa tin lần đầu tiên bởi một hãng tin song ngữ tiếng Anh-Trung bí ẩn có trụ sở tại Fiji, Đài tiếng nói Nam Thái Bình Dương.
Mặc dù vẫn chưa rõ liệu Đài tiếng nói Nam Thái Bình Dương có được nhà nước Trung Quốc hậu thuẫn hay không, ứng dụng di động của nó được phát triển bởi một công ty con thuộc sở hữu của hãng thông tấn nhà nước China News Service, hãng tin nhà nước đầu tiên của Trung Quốc đưa tin về các tuyên bố của Edwards.
BBC phát hiện ra rằng ngay cả trước khi bài đăng trên Facebook của Edwards thu hút sự chú ý của giới truyền thông, nó đã được hàng trăm tài khoản Facebook có trụ sở ở Đông Nam Á chia sẻ, chẳng hạn như \”Eastman Tyla\” ở Malaysia và \”Tyree Schmidt\” ở Indonesia.
\”Tyla\” và \”Schmidt\” cũng lưu một danh sách dài các tin bài ủng hộ Trung Quốc trên trang Facebook của họ, ca ngợi cách xử lý của Bắc Kinh đối với đại dịch.
Không có bằng chứng thuyết phục về việc ai điều hành các tài khoản mạng xã hội này, chúng thường trích dẫn trực tiếp các cụm từ được sử dụng bởi người phát ngôn của Trung Quốc hoặc từ các cơ quan truyền thông Trung Quốc.
Và Graphika, công ty phân tích xã hội, đã xác định được một mạng lưới các tài khoản giả mạo và bí mật ủng hộ Trung Quốc trên Twitter, Facebook và YouTube. Chúng là nơi lan truyền chính lý thuyết Fort Detrick.
Điều này nói gì về chiến dịch tuyên truyền của Trung Quốc?
Chiến dịch gây ảnh hưởng toàn cầu mới nhất của Trung Quốc liên quan đến Covid-19 có thể không khiến nước này có thêm nhiều người bạn mới ở nước ngoài, nhưng các nhà phân tích cho rằng nó đã thành công trong việc thuyết phục khán giả trong nước.
\”Đối với số đông, mối quan tâm lớn nhất [của chính phủ Trung Quốc] là sự chính danh hóa trong nước\”, Trợ lý Truyền thông Toàn cầu của Đại học Bang Georgia, Giáo sư Maria Repnikova nói với BBC.
Gần đây, nhiều nhà ngoại giao Trung Quốc đã lên Twitter, vốn bị cấm ở nước này, nhưng các thông điệp gây chiến của họ dường như nhắm vào khán giả trong nước.
Giáo sư Repnikova nói rằng Trung Quốc đã xóa nhòa ranh giới giữa tuyên truyền trong nước và ngoài nước trong nhiều năm, nhưng chiến lược này không phải không kéo theo rủi ro, vì thông điệp bên ngoài kém hiệu quả hơn có thể gây căng thẳng cho quan hệ đối ngoại của Trung Quốc.
Trong khi đó, truyền thông nhà nước Trung Quốc đã chọn được nhiều nguồn tin nước ngoài hơn, và các blogger video nước ngoài ngày càng đóng vai trò nổi bật trong sự thôi thúc cung cấp thông tin sai lệch của Bắc Kinh. Theo Giáo sư Repnikova, những nỗ lực này nhằm \”hợp pháp hóa Trung Quốc từ bên ngoài\”.
Sự gia tăng của các yếu tố nước ngoài trong chiến dịch thông tin sai lệch của Trung Quốc báo hiệu một sự thay đổi trong chiến lược tuyên truyền của Bắc Kinh.
\”Không chỉ là kể một câu chuyện,\” Giáo sư Repnikova nói, \”Đó là việc tạo ra một câu chuyện.\”