Cựu đại sứ Mỹ tại VN trở thành người đứng đầu Hội đồng Kinh doanh Mỹ-ASEAN
23/08/2021
Hội đồng Kinh doanh Mỹ-ASEAN loan báo từ thủ đô Washington, Mỹ, rằng ông Ted Osius chính thức nắm chức vụ Chủ tịch kiêm Giám đốc Điều hành (CEO) của hội đồng này từ ngày 23/8, kế nhiệm ông Alexander Feldman, người đã lãnh đạo hội đồng hơn 12 năm và sắp chuyển sang Singapore làm Chủ tịch Boeing Đông Nam Á.
Ông Ted Osius từng giữ chức đại sứ Mỹ ở Việt Nam từ năm 2014-2017, sau đó nghỉ hưu khỏi ngành ngoại giao Mỹ.
Một thông cáo báo chí Hội đồng Kinh doanh Mỹ-ASEAN cho biết trên cương vị mới là Chủ tịch kiêm CEO của hội đồng, cựu Đại sứ Osius sẽ lãnh đạo và thúc đẩy các nỗ lực của hội đồng nhằm loại bỏ các rào cản về thương mại và đầu tư ở Hiệp hội Các Quốc gia Đông Nam Á (ASEAN), đồng thời nâng tầm quan trọng của mối quan hệ kinh tế Mỹ-ASEAN trong chính sách công của Mỹ, của ASEAN và trong con mắt của các nhà lãnh đạo doanh nghiệp.
Kể từ năm 1984, Hội đồng Kinh doanh Mỹ-ASEAN là tổ chức vận động hàng đầu của các tập đoàn Mỹ hoạt động ở ASEAN. Hội đồng có 9 văn phòng ở Mỹ, Việt Nam và các nước Đông Nam Á.
170 công ty là thành viên của hội đồng có tổng doanh thu xấp xỉ 7 nghìn tỉ đô la và sử dụng hơn 14,5 triệu người lao động.
Cựu Đại sứ Osius cho biết ông vinh hạnh được lãnh đạo Hội đồng Kinh doanh Mỹ-ASEAN, một tổ chức quan trọng, theo thông cáo của hội đồng.
Ở thời điểm ngay trước khi ông chính thức trở thành lãnh đạo của hội đồng, trả lời phỏng vấn riêng với VOA, cựu Đại sứ Osius viết qua email rằng ASEAN và đặc biệt là Việt Nam nằm ngay trong trung tâm của một mạng lưới các hiệp định thương mại tự do, bao gồm cả các hiệp định như vậy với các nền kinh tế lớn nhất trong khu vực.
Vẫn trong email với VOA, ông Osius nêu bật lên sức nặng của ASEAN, trong đó có Việt Nam, đối với chính sách “Nước Mỹ trở lại” của chính quyền Biden-Harris ở Mỹ. Cựu đại sứ Mỹ viết: “Với dân số 662 triệu người và GDP là 3,2 nghìn tỉ đô la, 10 nước của Hiệp hội ASEAN hết sức quan trọng đối với Mỹ và việc Mỹ duy trì sự hồi phục kinh tế thời hậu đại dịch COVID”.
Cựu Đại sứ Osius chỉ ra rằng khu vực tư nhân Mỹ đầu tư hơn 338 triệu đô la ở ASEAN trong năm 2020, nhiều hơn tổng số tiền họ đầu tư vào 4 nước Trung Quốc, Ấn Độ, Nhật Bản và Hàn Quốc. Trong cùng năm, Mỹ xuất khẩu hàng hóa và dịch vụ trị giá 122 tỉ đô la sang ASEAN, là mức cao thứ tư sau kinh ngạch xuất khẩu của Mỹ sang Canada, Mexico và Trung Quốc, vẫn theo nhà ngoại giao kỳ cựu của Mỹ đã nghỉ hưu.
Ông Osius có kinh nghiệm làm việc hơn 30 năm trong cả khu vực chính phủ lẫn tư nhân, trong đó chức vụ gần đây nhất của ông là Phó Chủ tịch về Chính sách Công và Quan hệ Chính phủ chuyên trách châu Á-Thái Bình Dương của Google.
Trước đó, ông là đại sứ Mỹ ở Việt Nam, lãnh đạo đội ngũ phái bộ ngoại giao Mỹ xây dựng và thực hiện các chiến lược làm sâu sắc quan hệ kinh tế, an ninh và văn hóa giữa hai nước. Ông được chủ tịch nước Việt Nam trao tặng Huân chương Hữu nghị.
Nhà ngoại giao cấp cao này gắn bó với Việt Nam kể từ những năm 1990, khi ông là một viên chức ngoại giao Mỹ làm việc ở thành phố Hồ Chí Minh giữa lúc quan hệ ngoại giao giữa hai nước trong quá trình được khôi phục.
Ngoài ra, ông Osius đã sống và làm việc ở Singapore, Thái Lan, Philippines, và từng là phó đại sứ Mỹ ở Indonesia.
Vị cựu đại sứ Mỹ là tác giả của nhiều cuốn sách, trong đó, cuốn mới nhất có tên “Không gì là không thể: Mỹ hòa giải với Việt Nam” sẽ được phát hành vào tháng 10 năm nay, viết về việc ông trải nghiệm và tham gia vào lịch sử của hai nước trong 25 năm trở lại đây.