Thời cơ để Việt Nam nâng quan hệ với Hoa Kỳ lên Đối tác chiến lược
Bài phân tích của TS. Phạm Quý Thọ
2021-08-23
Phó tổng thống Mỹ Kamala Harris phát biểu ở Singapore hôm 23/8/2021 Reuters
Nâng quan hệ Việt Nam – Hoa kỳ lên thành đối tác chiến lược là phù hợp với lợi ích của hai quốc gia trong bối cảnh hiện nay. Những động thái mạnh mẽ của Hoa Kỳ trong khu vực để triển khai chính sách “xoay trục” sang châu Á, vượt qua cả những chỉ trích gay gắt về sự kiện Afghanistan sụp đổ ngày 15/8/2021 mới đây, củng cố thêm chính sách của Tổng thống Joe Biden với tầm nhìn về trật tự thế giới mới. Việt Nam có liên quan và có lợi ích về nhiều vấn đề trong chính sách này, trong đó có an ninh trên biển Đông, chống đại dịch COVID-19, hỗ trợ cải cách và phát triển kinh tế của Việt Nam. Bởi vậy, việc nâng quan hệ giữa hai nước lên thành Đối tác chiến lược vào thời điểm này là thời cơ thuận lợi.
Bối cảnh trật tự thế giới mới Hoa Kỳ đang thúc đẩy chính sách xoay trục sang châu Á, Phó tổng thống Hoa Kỳ Kamala Harris đang có chuyến công du hai quốc gia Đông Nam Á, Singapore và Việt Nam, chứng tỏ Hoa Kỳ vẫn tiếp tục hiện diện tại châu Á. Theo kế hoạch, bà Harris sẽ tới Việt Nam ngày 24/8. Mục đích của chuyến đi là tăng cường quan hệ và mở rộng hợp tác kinh tế với hai đối tác quan trọng của Mỹ trong khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương. Theo tuyên bố của Nhà Trắng, trong chuyến đi này, Phó tổng thống sẽ thảo luận với Chính phủ Việt Nam về các vấn đề lợi ích chung, bao gồm an ninh khu vực, ứng phó toàn cầu với đại dịch COVID-19, biến đổi khí hậu, và nỗ lực chung của Hoa Kỳ trong việc thúc đẩy một trật tự dựa trên luật pháp quốc tế\”. Gần một tháng trước, vào cuối tháng 7, Bộ trưởng Quốc phòng Hoa Kỳ Lloyd Austin cũng đã có chuyến thăm Việt Nam với mục đích tăng cường \”Liên minh và quan hệ đối tác mạnh mẽ là chìa khóa để duy trì trật tự dựa trên quy tắc ở Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương\” nhằm đối phó với sức mạnh ngày càng tăng của Trung Quốc ở khu vực này và trên thế giới.
Chính sách “xoay trục” sang châu Á được thực hiện bởi những động thái mạnh mẽ, liên tục dựa trên học thuyết với tầm nhìn về trật tự thế giới mới, trong đó Tổng thống Joe Biden có vai trò cập nhật và thúc đẩy. Nguyên Tổng thống Donald Trump đã từng loại bỏ chính sách can dự với hy vọng chào đón Trung Quốc gia nhập nền kinh tế toàn cầu sẽ khiến nước này trở thành một “bên liên quan có trách nhiệm” và mang lại cải cách chính trị. Tuy nhiên, Trung Quốc đang thể hiện ngược lại trong thực tế: quân sự hoá ở Biển Đông, áp đặt chế độ đảng trị đối với Hồng Kông, đe dọa Đài Loan, giao tranh với Ấn Độ và làm cản trở các giá trị dân chủ trong các cơ quan quốc tế. Nhiều quốc gia tỏ ra lo lắng trước chính sách ngoại giao “chiến lang” này.
Nước Mỹ chia rẽ về một số vấn đề, nhưng thống nhất về đối phó với Trung Quốc, Tổng thống Joe Biden đang thúc đẩy học thuyết về Trung Quốc, cuộc đấu tranh giữa các hệ thống chính trị đối thủ, dựa trên niềm tin rằng, Trung Quốc “ít quan tâm đến việc chung sống mà quan tâm nhiều hơn đến sự thống trị”. Hoa Kỳ vẫn làm việc với Trung Quốc trong các lĩnh vực có lợi ích chung, như biến đổi khí hậu, nhưng chống lại tham vọng của họ ở những vấn đề “hung hăng”, đồng thời với củng cố sức mạnh trong nước và tăng cường quan hệ với các đồng minh để tăng cường sức mạnh kinh tế, công nghệ, ngoại giao, quân sự và giá trị dân chủ của họ.
Chính quyền Tổng thống Joe Biden đang bị chỉ trích gay gắt về việc không lập kế hoạch đầy đủ cho sự sụp đổ nhanh chóng của Afghanistan. Ngày 15/8 Kabul rơi vào tay phe Taliban khiến tình hình trở nên hỗn loạn, và việc rút quân Mỹ, sơ tán công dân nước ngoài đang gặp khó khăn, tuy nhiên ông Biden vẫn khẳng định rằng việc rút quân là đúng đắn và cần thiết để tập trung vào việc đối mặt với những thách thức lớn hơn. Hơn thế, học thuyết Biden dường như được cập nhật thêm rằng Hoa Kỳ “không cố gắng tái tạo một quốc gia thông qua triển khai quân sự. Không chiến đấu vô thời hạn trong một cuộc xung đột không vì lợi ích quốc gia của Mỹ, không chiếm đóng hay tham dự các cuộc nội chiến nước ngoài. Và, ở cấp độ chiến thuật, có thể tham gia vào hoạt động chống khủng bố nhưng không phải chống nổi dậy và sẽ sử dụng sức mạnh để nhắm vào các mối đe dọa trực tiếp đối với Hoa Kỳ.https://www.youtube.com/embed/4fNkcxm9EOU
Bài học được rút ra là việc áp đặt thể chế cho các đối tác là chính sách thất bại và cần phải thay đổi. Nó có ý nghĩa quan trọng tạo cơ sở quan hệ mới với các đối tác, đặc biệt những quốc gia có chế độ chính trị khác biệt như Việt Nam. Đây là một trong những điểm nhấn mà ông Biden đang dùng để “kết thúc kỷ nguyên hậu 9/11” và quyết tâm đối mặt với những thách thức và cơ hội trong nhiều thập kỷ tới.
Việt Nam có quan hệ Đối tác toàn diện với Hoa Kỳ từ tháng 7/2013. Những nguyên tắc cơ bản được duy trì và thúc đẩy như tôn trọng toàn vẹn lãnh thổ, chế độ chính trị và con đường phát triển của nhau vì lợi ích của hai nước, góp phần duy trì hòa bình, ổn định và hợp tác phát triển của khu vực. Đến nay mối quan hệ này đã đạt tầm mức cao hơn, thực chất hơn cả về chính trị và kinh tế, cả về song phương và đa phương, từ đó niềm tin được củng cố và tạo cơ sở để nâng quan hệ giữa hai nước trở thành đối tác chiến lược để hai bên cùng phát triển trong bối cảnh mới.
Chính sách tự do hàng hải quốc tế của Hoa Kỳ và các đồng minh phù hợp với lợi ích lâu dài đảm bảo an ninh biển đảo của Việt Nam. Trong đó, Trung Quốc tự vẽ “đường chín đoạn” ở Biển Đông và đang dùng sức mạnh quân sự đe doạ các quốc gia có chủ quyền tại đây. Việt Nam luôn thể hiện quan điểm giải quyết tranh chấp biển đảo trong khu vực và trên thế giới cần dựa trên quan hệ đa phương và luật pháp quốc tế, đặc biệt là Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982. Mới đây, ngày 10/8, Thủ tướng Việt Nam Phạm Minh Chính khẳng định lại quan điểm này tại phiên Thảo luận mở cấp cao trực tuyến với chủ đề “Tăng cường an ninh biển: Một lĩnh vực hợp tác quốc tế” do Thủ tướng Ấn Độ chủ trì.
Ngoài ra, Hoa Kỳ cũng ủng hộ Việt Nam trong những vấn đề chống biến đổi khí hậu – vấn đề đang nghiêm trọng, nhất là biển dâng và xâm nhập mặn đồng bằng sông Cửu Long liên quan đến kìm hãm dòng chảy sông Mê Kông từ thượng nguồn bị chặn bởi hàng chục nhà máy thuỷ điện của Trung Quốc.
Đối với vấn đề cấp bách như chống đại dịch COVID-19 đang bùng phát mạnh ở Việt Nam, chính phủ Hoa Kỳ vừa hỗ trợ hơn năm triệu liều vắc-xin và thiết bị y tế mà không ràng buộc bất cứ điều kiện tiên quyết nào. Đây là sự thể hiện thiện chí cụ thể được công chúng tích cực đón nhận ở Việt Nam nhưng tương phản với thái độ miễn cưỡng chủng ngừa vắc-xin Trung Quốc…
Niềm tin giữa hai quốc gia vì lợi ích chung đang được quan tâm từ cả hai phía dựa trên khung khổ chính sách mới có thể đặt nền tảng cho việc nâng cấp quan hệ Việt Nam – Hoa kỳ. Thủ tướng Phạm Minh Chính là nhân vật được kỳ vọng cho những chính sách đột phá. Ông đã phát biểu thể hiện quan điểm của Việt Nam về những vấn đề quan hệ quốc tế và khu vực tại Hội nghị quốc tế: Tương lai châu Á tổ chức vào cuối tháng 5/2021, rằng “cần một khuôn khổ hợp tác mới với những đột phá cần thiết để vừa giúp nền kinh tế trụ vững qua đại dịch, vừa đặt nền tảng cho sự phát triển bền vững và bao trùm trong tương lai.”
Ở Việt Nam mỗi quyết định chính trị quan trọng cần có sự lãnh đạo tập thể Bộ Chính trị. Sau Đại hội 13, sự đồng thuận tập thể dễ đạt được hơn, không chỉ bởi vì sự ổn định nội bộ, mà hơn thế, bởi vì Việt Nam cần có nhân tố thúc đẩy cho thời kỳ phát triển mới. Bởi vậy, việc nâng cấp quan hệ thành Đối tác chiến lược toàn diện với Hoa Kỳ là thời cơ và như một “cú hích” cho một mô hình phát triển kinh tế nhanh dựa vào động lực và thể chế thị trường, dựa vào đầu tư nước ngoài có chất lượng từ và các đối tác như Hoa Kỳ và phương Tây.
* Bài viết không thể hiện quan điểm của Đài Á Châu Tự Do.