Tình báo Mỹ hoàn thành báo cáo mật về nguồn gốc coronavirus
Tổng thống Biden hôm thứ Ba 24 tháng Tám đã nhận được một báo cáo mật về nguồn gốc coronavirus từ cộng đồng tình báo quốc gia khi thời hạn 90 ngày điều tra mà ông đặt ra đã kết thúc. Nhưng báo cáo không đưa ra kết luận về nguồn gốc của loại coronavirus mới, không xác nhận liệu mầm bệnh này từ động vật truyền sang người như một phần của quá trình tự nhiên hoặc đã thoát khỏi một phòng thí nghiệm ở Trung Quốc.
Báo Washington Post dẫn nguồn tin từ hai quan chức cao cấp quen thuộc với vấn đề này cho biết như trên và nói thêm rằng cộng đồng tình báo sẽ tìm cách giải mật một số phần của báo cáo trong vòng vài ngày tới để có thể công bố rộng rãi cho công chúng.
Đây là kết quả của 90 ngày nước rút sau khi ông Biden giao nhiệm vụ cho các cơ quan tình báo điều tra để đưa ra một báo cáo “có thể đưa chúng ta đến gần hơn một kết luận cuối cùng” về nguồn gốc của một loại virus đã giết chết hơn bốn triệu người trên toàn cầu và phá hủy nhiều nền kinh tế quốc gia. Nhưng mặc dù đã phân tích hàng loạt thông tin tình báo hiện có và tìm kiếm các manh mối mới, các cơ quan tình báo vẫn không đạt được sự đồng thuận về kết luận cuối cùng.
Cuộc tranh luận về nguồn gốc của virus ngày càng trở nên gay gắt kể từ khi cựu Tổng thống Donald Trump nói rằng virus thoát ra từ một phòng thí nghiệm ở Trung Quốc. Các nỗ lực tìm hiểu nguồn gốc của virus đã trở nên phức tạp do chính quyền Trung Quốc nhất định không cho phép các nhà điều tra quốc tế tìm hiểu sâu hơn.
Chỉ thị “90 ngày” của ông Biden được đưa ra sau khi ông được báo cáo hồi tháng Năm rằng các cơ quan tình báo đã “tập hợp lại hai kịch bản có thể xảy ra” nhưng chưa đi đến kết luận. Có hai cơ quan nghiêng về giả thuyết virus xuất hiện từ sự tiếp xúc của con người với động vật bị nhiễm bệnh, trong khi cơ quan thứ ba nghiêng về kịch bản virus bị rò rỉ do tai nạn trong phòng thí nghiệm.
Giám đốc Tình báo Quốc gia Avril Haines đã cảnh báo vào tháng Sáu rằng các cơ quan này có thể không giải quyết được bí ẩn về nguồn gốc của virus. Bà Haines nói trong một cuộc phỏng vấn với Yahoo News: “Chúng tôi hy vọng sẽ tìm thấy bằng chứng xác thực”. Tuy nhiên, “thật khó làm được điều đó,” bà nói thêm “có thể làm được, nhưng cũng có thể không làm được.”
Bà Haines nói với Yahoo rằng cuộc điều tra nguồn gốc virus có sự tham gia của hàng chục nhà phân tích và quan chức tình báo ở nhiều cơ quan; có các nhóm kiểm tra các giả định của các nhà phân tích và bảo đảm thông tin tình báo được xem xét kỹ lưỡng từ mọi góc độ.
Một quan chức khác cho biết cộng đồng tình báo “không nhất thiết được trang bị tốt nhất để giải quyết vấn đề này”, vì về cơ bản đây là một vấn đề của khoa học.
Bản thân ông Biden trong chuyến thăm đầu tiên tới Văn phòng Giám đốc Tình báo Quốc gia vào tháng Bảy, đã bày tỏ sự cần có một tập thể mạnh hơn để theo dõi các mầm bệnh.
Nhiều nhà khoa học quen thuộc với cuộc tranh luận về nguồn gốc COVID đã nghi ngờ rằng cuộc điều tra kéo dài 90 ngày sẽ giải quyết được vấn đề, một số người nói rằng cuộc điều tra có thể đòi hỏi nhiều năm nghiên cứu.
Giáo sư David Relman, một nhà vi sinh vật học của Đại học Stanford, người đã thúc đẩy một cuộc điều tra rộng rãi về tất cả các giả thuyết về nguồn gốc virus, cho biết vào cuối ngày thứ Ba trong một email: “Chúng ta không nên xếp hồ sơ lại và tháo lui, thay vì vậy chúng ta phải nỗ lực nhiều hơn”.
Quan điểm cho rằng virus có thể đã thoát ra khỏi phòng thí nghiệm đã được quan tâm mạnh mẽ vào mùa xuân này sau khi 18 nhà khoa học viết thư cho tạp chí Science vào tháng Năm nói rằng tất cả các nguồn gốc có thể cần được điều tra, bao gồm cả một tai nạn trong phòng thí nghiệm.
Những người ủng hộ lý thuyết “phòng thí nghiệm” chỉ ra thông tin tuyệt mật, được tiết lộ lần đầu tiên trong những ngày cuối của chính quyền Trump, rằng có ba nhân viên không rõ danh tính từ Viện Vi rút học Vũ Hán (Wuhan Institute of Virology) – một trong những cơ sở tân tiến nhất thế giới chuyên nghiên cứu về coronavirus – đã phải vào bệnh viện vào tháng Mười Một năm 2019 vì các triệu chứng giống như bệnh cúm.
Trong suốt năm 2020, giả thuyết “phòng thí nghiệm” đó trở nên phổ biến do yếu tố chính trị của năm bầu cử. Lời ông Trump khẳng định virus phát ra từ một phòng thí nghiệm được đưa ra khi ông và các quan chức chính quyền khác tìm cách đổ lỗi cho Trung Quốc về sự bùng phát toàn cầu và cố gắng làm chệch hướng sự chú ý của công chúng khỏi thành tích xử lý kém cỏi của chính quyền trong việc phòng chống đại dịch.
Tuy nhiên, nhiều nhà khoa học lưu ý có một lịch sử lâu dài về chuyện virus nhảy từ động vật sang người. Có nhiều kịch bản hợp lý có thể xảy ra, bao gồm khả năng virus lây lan từ động vật hoang dã hoặc động vật nuôi trong nhà được bày bán ở các khu chợ động vật đông đúc. Nhiều trường hợp nhiễm bệnh ban đầu tập trung xung quanh chợ hải sản Hoa Nam ở Vũ Hán, nơi sau đó người ta phát hiện thấy dấu vết của virus trên bề mặt các quầy hàng.
Lý thuyết bệnh lây truyền từ động vật đã được củng cố một báo cáo đăng trên tạp chí Nature ngày 7 tháng Sáu 2020, ghi lại 38 loài động vật được bán tại 17 chợ ở Vũ Hán trước đại dịch. Các tác giả cho biết nhiều loài động vật được nuôi nhốt trong các lồng, chuồng kém vệ sinh và được coi là mang mầm bệnh động vật.
Giáo sư Robert Garry, một nhà vi sinh vật học của Đại học Tulane ở Louisiana, người ủng hộ mạnh mẽ lý thuyết bệnh từ động vật, cho biết trong một email: “Bây giờ chúng tôi biết chắc chắn rằng động vật nhạy cảm với [coronavirus] đã được bán tại các chợ ở Vũ Hán và điều đó làm thay đổi các phép tính một cách lớn lao”.
Các chuyên gia về tiến hóa bộ gen của virus cũng xác định rằng coronavirus mới gần như chắc chắn không được thiết kế như một vũ khí sinh học vì nó có một số đặc điểm xuất hiện tự nhiên được thấy ở nhiều chủng coronavirus khác. Nhưng ngay cả các nhà khoa học ủng hộ nguồn gốc tự nhiên cũng nói rằng nếu không có bằng chứng xác thực về sự lây truyền từ động vật sang người thì không thể loại trừ khả năng một tai nạn trong phòng thí nghiệm đã dẫn đến bùng phát dịch bệnh.
Và nhiều câu hỏi vẫn chưa được giải đáp. Vẫn chưa xác định loài vật nào mang virus này trước khi lây nhiễm sang người – một công việc kéo dài nhiều năm trong các cuộc điều tra bùng phát dịch bệnh trước đây.
Những người ủng hộ lý thuyết rò rỉ phòng thí nghiệm cũng không tìm thấy bất kỳ bằng chứng trực tiếp nào cho thấy SARS-CoV-2 đã ở bên trong phòng thí nghiệm ở Vũ Hán trước đại dịch, mặc dù phòng thí nghiệm chưa công bố các hồ sơ liên quan, vốn đang được các nhà khoa học và chính phủ trên thế giới tìm kiếm.
Một đoàn điều tra viên từ Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã có chuyến thăm ngắn ngủi tới phòng thí nghiệm Vũ Hán vào tháng Hai và sau đó tuyên bố rằng sự cố rò rỉ phòng thí nghiệm là “hết sức khó xảy ra”. Tuy nhiên, Tổng giám đốc WHO, Tedros Adhanom Ghebreyesus, bác bỏ kết luận đó và nói rằng sẽ còn quá sớm để loại bỏ lý thuyết rò rỉ trong phòng thí nghiệm. Cuộc điều tra hồi tháng Hai của WHO cũng bị một số nhà khoa học và nhà nghiên cứu quốc tế chỉ trích, họ kêu gọi điều tra thêm.
Thư ký báo chí Tòa Bạch Ốc Jen Psaki hôm thứ Hai cho biết công chúng sẽ được thông báo về kết quả của báo cáo. “Vào lúc này, tôi không biết định dạng nào sẽ được công bố,” bà Psaki nói.
Nguồn Tin nóng