Việt Nam và các món quà chiến lược của Phó Tổng thống Kamala Harris

Việt Nam và các món quà chiến lược của Phó Tổng thống Kamala Harris

  • Nguyễn Giang
  • bbcvietnamese.com

5 giờ trước

\"Kamala
Chụp lại hình ảnh,Bà Kamala Harris thay mặt Tổng thống Joe Biden để thực thiện chính sách ngoại giao của Hoa Kỳ tại Đông Nam Á bằng chuyến thăm tới Singapore và Việt Nam tháng 8/2021

Hôm 26/08/20021, bà Kamala Harris, Phó tổng thống nữ của Hoa Kỳ đầu tiên tới Hà Nội đã hoàn tất chuyến thăm củng cố \’quyền lực mềm\’ của Mỹ ở Việt Nam khi nước này đang chống chọi với Covid-19.

Lô vaccine 1 triệu liều bà cho mang đến \”trong vòng 24 giờ sau khi đáp xuống Hà Nội\” đánh dấu đỉnh điểm của chiến dịch quyến rũ ngoại giao được báo chí Hoa Kỳ, Việt Nam và khu vực chú tâm.

Người Việt Nam thường trọng tình hơn lý, và nghĩ \”một miếng khi đói bằng một gói khi no\” nên quà vaccine \”Made in USA\” tạm đẩy các hồ sơ địa chính trị, hợp tác quân sự, nhân quyền xuống hàng hai.

Nhưng với quyết định bỏ ra 1,2 tỷ USD để xây một Tòa Đại sứ thuộc hàng đắt nhất thế giới ở khu Cầu Giấy, Hà Nội, có vẻ như chính phủ Mỹ muốn tính con đường lâu dài bằng sự hiện diện bề thế, sâu rộng dần dần trong xã hội Việt Nam

Họ không muốn vội vàng như đã từng làm trong quá khứ ở Đông Dương.

Xét về góc độ lịch sử đó, sách lược của bà Kamala Harris, thay mặt Tổng thống cao niên Joe Biden, đối với Việt Nam hiện nay vẫn là mở lối \”thuyết phục, hỗ trợ\”, giống như hai vị tiền nhiệm của bà: Phó tổng thống Richard Nixon và Phó tổng thống Lyndon Johnson từng sang Việt Nam trước đây.

Nhưng kết quả cuối cùng của các chuyến đi đó phần nào phụ thuộc vào đối tác Việt Nam của họ, mà như lịch sử cho thấy, đều không thể gánh chịu các sức ép quá lớn của thời thế, và của Washington.

Cái nhìn xuyên suốt và công khai về VN của Hoa Kỳ

Về các chuyến công du của lãnh đạo nước họ, người Mỹ lưu trữ lại đầy đủ chi tiết về lịch trình, nội dung làm việc, các công điện sứ quán đánh về Washington.

Ai cũng có thể vào trang history.state.gov để xem.

Tính liền lạc đáng kinh ngạc này cho thấy không ai có thể coi Hoa Kỳ là quốc gia \”non trẻ\”.

Ngược lại, họ mới là chính quyền biết rút ra các bài học lịch sử kỹ nhất, kể cả khi đó là bài học sai, thất bại.

Ta hãy xem các ông Nixon và Johnson sang Việt Nam trong nửa sau Thế kỷ 20 làm gì?

Phó tổng thống Richard Nixon thăm Sài Gòn, Đà Lạt và Hà Nội năm 1953:

Văn bản 033.1100 NI/11-253: Despatch của Đại sứ Hoa Kỳ tại Sài Gòn Donald Heath ngày 02/11/2953 mô tả kỹ chuyến thăm của ông Nixon, người làm phó cho Tổng thống Dwight D. Eisenhower tới Đông Dương để hỗ trợ cho chính quyền Quốc gia Việt Nam của cựu hoàng Bảo Đại.

Ngoài việc thăm Sài Gòn, và Hà Nội, ông Nixon được Quốc trưởng Bảo Đại (Chief of State) đón và mời tiệc tại biệt điện ở Đà Lạt.

Tuy thế, chính quyền của ông đã rơi vào tình thế rất yếu trước sức tất công của Việt Minh, theo chính lời ngài Quốc trưởng nói với vị khách Mỹ.

Quốc gia Việt Nam sẽ \”ngay lập tức trở thành con mồi (prey) của Việt Minh nếu không có viện trợ\” từ Pháp, theo chính lời vị chủ tiệc.

Viện trợ quân sự cho Quân đội Quốc gia Việt Nam thực ra đến từ Mỹ, theo công điện của Heath.

Vì Bảo Đại đã \”cảm ơn Hoa Kỳ cung cấp 385 triệu đô la cho ngân sách năm đó của Pháp\”, trong đó có những khoản chuyển sang Đông Dương cho quân pháp và Quốc gia VN chống Việt Minh.

\”Bảo Đại không cảm thấy rằng đàm phán với Việt Minh là một khả năng có tính thực tiễn, và ông cũng không trông đợi phe Cộng sản chấp nhận một cuộc đình chiến,\” Donald Heath viết.

Một điểm khúc mắc xảy ra ngay tại bữa tiệc ở Đà Lạt, theo phía Mỹ ghi nhận.

Đó là việc cựu hoàng Bảo Đại từ chối gợi ý của Phó TT Nixon nắm quyền tổng tư lệnh quân đội Quốc gia VN.

\”Ông ta nói là Quốc trưởng, trên thực tế ông ta đã là Tổng tư lệnh (Commander-in-Chief) rồi.\”

Phía Hoa Kỳ không bình luận gì trong điện tín mật của họ về chuyện ông cựu hoàng \”không muốn cầm quân\”.

Nhưng câu văn của Heath, người có mặt cùng Nixon ở Đà Lạt, bày tỏ chút ít ngạc nhiên:

\”Ông ấy né tránh khá vòng vèo việc có nên chăng ông phải mặc quân phục rồi ra đứng trước quân lính…\”

Một chi tiết nữa là đại sứ Heath vẫn dùng danh xưng cũ \’His Majesty\’ để nói về Quốc trưởng Bảo Đại trong câu \”chúng tôi có cuộc nói chuyện hơn một giờ bữa tiệc mà Hoàng đế chiêu đã Phó Tổng thống ở villa của Ngài\” (after the official dinner which His Majesty tendered the Vice President at his villa in Dalat).

Năm 1954, sau trận Điện Biên và cùng với đàm phán tại Geneva, Bảo Đại thực chất không còn quyền lực.

Năm 1955, ông bị phế truất trong trưng cầu dân ý do Thủ tướng Ngô Đình Diệm tổ chức.

Phó Tổng thống Johnson thăm Sài Gòn năm 1961:

\"AFP/Getty
Chụp lại hình ảnh,Tổng thống Mỹ Lyndon Johnson (trái), Tổng thống VNCH Nguyễn Văn Thiệu (giữa) và Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Clark Clifford (phải) trong kỳ họp thượng đỉnh Mỹ-Việt hôm 20/7/1968 tại Honolulu. Khi còn làm Phó TT, ông Johnson đã tới Sài Gòn năm 1961

Ở một giai đoạn trọng yếu khác cho đồng minh VNCH, Hoa Kỳ cử Phó Tổng thống Lyndon Johnson (thời Tổng thống JF Kennedy) sang Sài Gòn.

Giao lưu hai bên có vẻ dồn dập.

Công điện của Hoa Kỳ (13/05/1961), nay lưu trong văn khố có tựa đề chung về chuyến đi của Johnson sang Nam VN và chuyến thăm ngay sau đó của Bộ trưởng Phủ Tổng thống, kiêm Bộ trưởng Phụ tá Quốc phòng VNCH Nguyễn Đình Thuần sang Hoa Kỳ (Vice President Johnson\’s Trip to Asia, May 9-24, 1961, and the Visit of Vietnamese Secretary of State for the Presidency Thuan to Washington, June 12-17, 1961)

Bên cạnh các tuyên bố ngoại giao, gồm cả lời ca ngợi Tổng thống Ngô Đình Diệm là \”Churchill của châu Á\”, ông Johnson đề cao vai trò cùa quân đội VNCH và hứa tăng viện trợ quân sự để chống lực lượng cộng sản.

Nhưng những gì xảy ra sau khi ông trở về Mỹ mới đáng chú ý.

Lyndon Johnson ủng hộ cho thuyết domino nói rằng \”mất Nam VN thì Hoa Kỳ sẽ phải \”chuyến đấu (chống CS) trên bãi biển Waikiki (Hawaii) và cuối cùng là trên đất liền Hoa Kỳ (on our shores)\”.

Cá nhân tôi thấy đây là một thứ rhetoric bắt chước Churchill rất dở.

Vì Churchill nói về nước Anh sẵn sàng chiến đấu \”trên không, trên bộ, tử thủ trên từng bãi biển chống phát-xít Đức\” trước kế hoạch đã hình thành để đánh đảo Anh của Hitler.

Còn phe cộng sản nói chung, kể cả Liên Xô chứ đừng nói gì đến Bắc Việt Nam chưa từng dám nghĩ tới chuyến xâm lấn lãnh thổ Hoa Kỳ, như mọi tài liệu lịch sử về Chiến tranh Lạnh cho ta biết.

Ngược lại, nhiều bi kịch của chính trường Mỹ, xảy ra do các động lực nội bộ của họ mới tác động sâu rộng ra bên ngoài, nhất là với các nước nhỏ.

Tháng 11/1963, Johnson trở thành tổng thống sau khi JF Kennedy bị ám sát.

Trước đó ba tuần, Tổng thống VNCH Ngô Đình Diệm và bào đệ Ngô Đình Nhu bị nhóm đảo chính giết hại.

Tổng thống Johnson đã thúc đẩy cuộc chiến lên cao hơn, tăng quân tại Nam VN lên hơn nửa triệu.

Điều đánh chú ý nữa là cả hai ông Nixon (làm phó tổng thống 8 năm), và Johnson sau đều lên làm tổng thống Hoa Kỳ, và đều có dính líu đến cuộc chiến Việt Nam.

Riêng với ông Nixon, chuyến thăm 1953 không phải là lần cuối ông thăm Việt Nam.

Năm 1969, khi đã là tổng thống (đảng Cộng hòa), ông sang thăm Sài Gòn cùng phu nhân Patricia.

Họ được Tổng thống VNCH Nguyễn Văn Thiệu đón tiếp.

Trong diễn văn, ông nhắc đến cả chuyến thăm \”15 năm trước đã đưa tôi tới cả Hà Nội\”, và nhấn mạnh tình cảm ông và \”bà Nixon\” dành cho Việt Nam.

\"Hai
Chụp lại hình ảnh,Hai Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu và Richard Nixon tại Sài Gòn năm 1969.

Nhưng cũng chính Nixon đã \”xoay trục\” về Trung Quốc thời Mao để chống Liên Xô, và đi vào lịch sử với chuyến thăm CHND Trung Hoa cùng tuyên bố chung Thượng Hải.

Ông đã \”ngã ngựa\” vì bê bối Watergate (1972), vụ việc mà nhiều sử gia cho là có tác động trực tiếp đến tiến trình cuộc chiến ở Nam VN.

Ngày 30/04/1973, Tổng thống thứ 37 của Hoa Kỳ tuyên bố trong diễn văn trước toàn dân rằng ông \”vô tội\”.

Nhưng các diễn biến pháp lý không dừng khiến ông phải từ chức ngày 8/08/1974.

Nhìn vào lịch sử chia cắt, đau khổ của Việt Nam qua các thời kỳ bị cường quốc bên ngoài xô đẩy trong cuộc tranh giành lợi thế quốc tế của họ, ta thấy Richard Nixon ngẫu nhiên đóng vai trò rất đáng kể.

Hoa Kỳ ngày nay đã khác?

Như tôi viết ở trên, cách tiếp cận của Hoa Kỳ qua các chuyến thăm của ba phó tổng thống đối với người Việt Nam luôn là \”mở rộng vòng tay và hầu bao\”, khuyến khích thay đổi.

Tuy thế, ngày hôm nay như cựu Đại sứ Ted Osius trả lời BBC News Tiếng Việt trước chuyến thăm của Phó Tổng thống Harris, Hoa Kỳ không còn muốn \”thay đổi các chính phủ\” ở Việt Nam như thời trước.

Như thông cáo báo chí Đại sứ quán Hoa Kỳ vừa công bố chiều 25/08/2021 giờ Hà Nội, Phó Tổng thống Kamala Harris và \”các lãnh đạo chính phủ Việt Nam\” (không nêu tên, hàm ý toàn bộ chính quyền?), cam kết \”Tăng cường Quan hệ Đối tác Toàn diện Hoa Kỳ-Việt Nam\”.

Người Mỹ đã đi từ Sài Gòn ra Hà Nội, trở lại đầy đủ, toàn diện và có tầm nhìn chiến lược.

Thành công này có giúp để bà Kamala Harris một ngày lên làm Tổng thống Hoa Kỳ hay không thì chúng ta còn chờ xem.

Thế nhưng điều dễ thấy là khi đón nhận các món quà của Hoa Kỳ, chính phủ Việt Nam đã ghi điểm trong dư luận nước này.

Điều làm Việt Nam nổi bật từ nhiều năm qua là con số cao người dân kiên trì ưu ái nước Mỹ và cả lãnh đạo Mỹ (US leadership), bất kể họ thuộc đảng Dân chủ hay Cộng hòa

Phải chăng đây mới là nền tảng cho quan hệ bền vững của hai nước trong nhiều năm tới đây?

Bài Liên Quan

Leave a Comment