Nhà nước Hồi giáo ở Afghanistan nguy hiểm ra sao?
27/08/2021
Cho dù bị liên quân do Hoa Kỳ đứng đầu nhắm mục tiêu quân sự trong nhiều năm, nhóm có tên Nhà nước Hồi giáo Khorasan vẫn trụ lại và đã thực hiện một cuộc tấn công lớn ở Kabul vào ngày 26/8.
ISIS K ở Afghanistan là ai?
Chi nhánh của Nhà nước Hồi giáo ở Afghanistan đặt tên theo tỉnh Khorasan, một khu vực bao gồm phần lớn Afghanistan, Iran và trung Á vào thời Trung cổ. Nhóm này xuất hiện lần đầu ở miền đông Afghanistan vào cuối năm 2014 và nhanh chóng trở nên khét tiếng vì tàn bạo tột độ. Nhóm này còn được gọi là ISK, hoặc ISIS K.
Nhóm này khởi đầu có vài trăm chiến binh Taliban người Pakistan, là những kẻ đã chạy qua biên giới sang Afghanistan sau khi bị các chiến dịch quân sự đẩy bật khỏi quê hương. Những kẻ cực đoan khác cùng chí hướng đã gia nhập cùng với chúng ở đó.
Khi Taliban tiến hành hòa đàm với Hoa Kỳ trong những năm gần đây, ngày càng có nhiều những thành phần Taliban bất mãn chuyển phe, tham gia nhóm Nhà nước Hồi giáo cực đoan, giúp chúng gia tăng quân số.
Nhóm này cũng đã thu hút được một lượng lớn thành viên từ Phong trào Hồi giáo của Uzbekistan, các chiến binh từ tỉnh duy nhất có đa số người Hồi giáo Sunni của Iran, và các thành viên của Đảng Hồi giáo Turkistan bao gồm người Duy Ngô Nhĩ ở đông bắc của Trung Quốc.
Có nhiều kẻ thấy hấp dẫn về hệ tư tưởng bạo lực và cực đoan của Nhà nước Hồi giáo, bao gồm cả những lời hứa về một vương quốc Hồi giáo để thống nhất thế giới Hồi giáo. Nhưng Taliban không bao giờ tán thành mục tiêu đó.
Nhánh Nhà nước Hồi giáo ở Afghanistan và Pakistan đã chấp nhận lời kêu gọi của Nhà nước Hồi giáo về một cuộc thánh chiến trên toàn thế giới chống lại những người không theo đạo Hồi.
Mặc dù nhóm vẫn chưa tiến hành các cuộc tấn công ngay trên đất Mỹ, nhưng chính phủ Hoa Kỳ tin rằng nhóm này là mối đe dọa lâu dài đối với các lợi ích của Hoa Kỳ và đồng minh ở Nam và Trung Á.
Taliban và ISIS K khác gì nhau?
Taliban và ISIS K là kẻ thù của nhau. Trước đây, Taliban đã tiến hành các cuộc tấn công phối thuộc lớn đánh vào nhóm Nhà nước Hồi giáo ở Afghanistan. Các chiến binh Taliban đôi khi đã hợp lực với cả lính Mỹ và quân đội chính phủ Afghanistan do Mỹ hậu thuẫn để đánh bật Nhà nước Hồi giáo khỏi các vùng ở miền đông bắc Afghanistan.
Một quan chức Bộ Quốc phòng Mỹ không muốn nêu tên vì đang hoạt động bí mật từng nói với hãng tin AP rằng chính quyền của ông Trump đã đi đến thỏa thuận rút quân năm 2020 với Taliban có một phần lý do là họ hy vọng hợp lực với Taliban để chống chi nhánh của Nhà nước Hồi giáo.
Việc rút các lực lượng của Mỹ sẽ làm mất đi năng lực tấn công trên bộ của Mỹ ở Afghanistan trong thời gian tới, đồng thời có nguy cơ làm suy yếu khả năng theo dõi Nhà nước Hồi giáo cũng như kế hoạch tấn công của chúng.
Một trong những mối lo ngại to lớn nhất của Hoa Kỳ về việc rút lực lượng tham chiến của mình sau hai thập kỷ là Afghanistan dưới sự cai trị của Taliban một lần nữa lại trở thành nơi thu hút và là căn cứ cho các phần tử cực đoan lập âm mưu tấn công phương Tây.