Phát hiện hơn 46.000 tấn than không rõ nguồn gốc tại 17 điểm ở Hải Dương
Bình luậnĐông Dương • 28/08/21
Cục Quản lý thị trường tỉnh Hải Dương đã phát hiện 46.154 tấn than không rõ nguồn gốc xuất xứ, không có hoá đơn, chứng từ tại 17/21 điểm kinh doanh than ở thị xã Kinh Môn.
Như tin đã đưa, hôm 24/8, Cục Quản lý thị trường Hải Dương cùng Cục Cảnh sát Kinh tế (C03 – Bộ Công an) đã kiểm tra 15/21 điểm kinh doanh than (bãi than) của các cá nhân và doanh nghiệp nằm rải rác trong khu vực thị xã Kinh Môn (tỉnh Hải Dương) và phát hiện hàng chục nghìn tấn than không rõ nguồn gốc.
Đại diện Tổng Cục Địa chất và Khoáng sản (Bộ Tài nguyên và Môi trường) cho biết, hàng hóa tồn trữ tại các điểm kiểm tra được xác định ban đầu là than các loại, xít và quặng. Theo đó, tổng lượng hàng tồn tại 17 địa điểm kiểm tra khoảng 379.072 tấn.
Tại đây, mỗi bãi than đều nằm xa khu dân cư, cách nhau khoảng 5 – 7 km, có những bãi than rộng hàng chục ha, giáp bờ sông tạo thuận tiện cho việc vận chuyển bằng đường thuỷ.
Mỗi bãi than có nhiều doanh nghiệp bao gồm cả tổ chức, cá nhân quản lý. Nhiều chủ hàng không có mặt tại thời điểm làm việc nên lực lượng chức năng đã gặp một số khó khăn nhất định.
Qua thống kê sơ bộ 17/21 điểm tại đây, có 6 tổ chức, cá nhân có tổng khối lượng hàng hóa (than, khoáng sản) thực tế lớn hơn khoảng 46.154 tấn so với số lượng ghi trên hóa đơn, chứng từ đầu vào, cũng như thể hiện trên sổ sách theo dõi tồn kho, trong quá trình kiểm tra chưa xuất trình được hóa đơn, chứng từ đầu vào, có dấu hiệu vi phạm trong hoạt động thương mại.
Có 11 tổ chức, cá nhân có số lượng hàng hóa thực tế tại địa điểm kinh doanh bằng hoặc ít hơn số lượng theo hóa đơn chứng từ đầu vào cũng như thể hiện trên sổ sách theo dõi tồn kho với tổng khối lượng 56.319 tấn (hụt).
Trong trường hợp số lượng hàng hóa hao hụt vi phạm sai số cho phép chiếm tỉ trọng lớn so với tổng lượng hàng hóa luân chuyển, cơ quan chức năng xác định đây là lượng hao hụt không có lý do, không có căn cứ phù hợp.
Có 3 tổ chức, cá nhân chưa thực hiện xong việc đo, vẽ mặt bằng, xác định khối lượng lấy mẫu hoặc cơ sở kiểm tra chưa xuất trình hết hóa đơn, chứng từ có liên quan cho đoàn kiểm tra.
Thị xã Kinh Môn là thị xã vùng bán sơn địa, được bao bọc xung quanh và chia cắt bởi nhiều con sông lớn thuộc hệ thống sông Thái Bình như: sông Kinh Thầy, sông Đá Vách, sông Kinh Môn và các con sông nhỏ.
Theo ghi nhận, địa phận thị xã Kinh Môn và huyện Kim Thành (tỉnh Hải Dương) có sông Kinh Môn chảy qua, từ lâu đã trở thành khu vực tập kết than lậu cực lớn ở miền Bắc. Than lậu được khai thác tại Quảng Ninh rồi vận chuyển bằng đường thủy về tập kết tại đây, hợp thức hóa hồ sơ rồi mang đi tiêu thụ.
Trước đó, cuối tháng 7, đầu tháng 8/2021, báo chí đã phản ánh thực trạng tại khu vực cầu Mây (huyện Kim Thành) từ hơn 10 năm qua đã tồn tại hàng chục bãi than, bãi vật liệu xây dựng không phép.
Ngày 10/9/2020, Văn phòng Chính phủ đã có Văn bản số 7503 về việc kiểm tra, xử lý thông tin vi phạm pháp luật đê điều tại huyện Kim Thành (Hải Dương) theo yêu cầu của Thủ tướng Chính phủ. Tuy nhiên, sau công văn của Thủ tướng, những bãi than trái phép tại khu vực này vẫn hoạt động, chỉ khác là hoạt động lén lút hơn, không còn rầm rộ như trước.
Đại diện lãnh đạo Sở GTVT Hải Dương xác nhận, khu vực cầu Mây đã được cắm mốc bảo vệ hành lang cầu rõ ràng. Tuy vậy, thời gian qua có hiện tượng một số người cố tình xâm phạm hành lang cầu làm bãi tập kết than, vật liệu xây dựng.
Qua tìm hiểu được biết, khu vực bến bãi đang hoạt động được chính quyền địa phương cho người dân thuê. Sau đó, người dân tự ý cho thuê lại để kinh doanh, chế biến than.
Ông Nguyễn Văn Đức – Hạt trưởng Hạt Đê điều Kim Thành cho biết, hiện, có 10 chủ doanh nghiệp đang hoạt động kinh doanh bến bãi tại khu vực này.
Đông Dương