Tượng Nữ tướng Lê Chân ở thành phố Hải Phòng (Nguồn wikipedia)
Lê Chân là một trong những nữ tướng đã tham gia cuộc khởi nghĩa do Hai Bà Trưng lãnh đạo chống lại nhà Hán năm 40 sau công nguyên. Đó là một mốc son chói lọi cho tinh thần, ý chí quật cường nhân dân ta.
Ngày nay, nguồn sử liệu chính thống về thời Trưng Vương nói chung và nữ tướng Lê Chân nói riêng rất hạn chế. Một thời kỳ đáng tự hào như vậy mà trong bộ chính sử đầu tiên (Đại Việt Sử ký) của sử gia Lê Văn Hưu chỉ là những dòng ghi chép ít ỏi.
Theo bản thần tích còn được lưu giữ tại đền Nghè (thuộc quận Lê Chân ngày nay) bà là con gái của ông Lê Đạo và Trần Thị Châu, quê ở An Biền, huyện Đông Triều, phủ Kinh Môn, xứ Hải Dương (nay là xã An Thủy, huyện Đông triều, tỉnh Quảng Ninh). Hai ông bà sống với nhau đã 40 tuổi mà vẫn chưa có con nên đã lên núi Yên Tử cầu phật cho một đứa con. Một hôm bà ra đồng thấy một bàn chân to nên ướm thử rồi về có thai, sau đó hạ sinh một bé gái, nghĩ đến bàn chân đã ướm trước đó nên đã đặt tên là “Chân”.
Cuộc khởi nghĩa của Hai Bà Trưng
Bà sinh ra trong bối cảnh đất nước đang chịu ách đô hộ của phong kiến phương Bắc. Năm 34, vua Quang Vũ sai Tô Định sang làm thái thú quận Giao Chỉ, một kẻ nổi tiếng là độc ác, gian xảo. Khi nghe tin về tài sắc của bà Lê Chân nên Tô Định muốn đưa bà về hầu hạ, tuy nhiên đã bị ông bà Lê Đạo từ chối, do không đạt được mục đích nên hắn đã giết ông bà Lê Đạo.
Nhằm trả thù cho cha mẹ, đồng thời trốn chạy khỏi sự truy đuổi của Tô Định, bà đã cùng với một số thanh niên trong làng chạy ra vùng ven biển. “Đây là một vùng đất rộng màu mỡ, bà đã cùng với các bạn khẩn hoang, làm ruộng, xậy dựng lại làng xóm, chẳng bao lâu nơi đây trở thành môt vùng giàu có, được gọi là An Dương, sau này nhân dân nhớ đến công ơn của bà nên đã đổi lại là An Biền (quê của bà Lê Chân ở Hải Phòng)”. Bên cạnh việc lao động sản xuất, bà đã ngầm liên kết với các hào trưởng nhằm tạo một thế lực mạnh chuẩn bị cho cuộc chiến đấu.
Năm 40, nghe tin Hai Bà Trưng phất cờ khởi nghĩa, bà đã cùng với toàn bộ nghĩa quân gia nhập vào cuộc khởi nghĩa. Tham gia cùng với Bà, còn có các nữ tướng như Thánh Thiên, Thiều Hoa, Bát Nạn, Nàng Hội…và các anh hùng hào kiệt bốn phương. Trong cuộc kháng chiến này, nữ tướng Lê Chân cùng với nữ tướng Thánh Thiên được cử làm tường tiên phong, đi vây đánh phủ Thái thú. Thái thú Tô Định trước sự tấn công của nghĩa quân đã phải bỏ chạy đến quận Nam Hải. Cuộc khỏi nghĩa của Hai Bà Trưng đã thu hút được sự tham gia đông đảo của nhân dân, như lời nhận xét của sử gia Lê Văn Hưu: “Trưng Trắc, Trưng Nhị là đàn bà, hô một tiếng mà các quận Cửu Chân, Nhật Nam, Hợp Phố và 65 tỉnh thành trong lĩnh Ngoại đều hưởng ứng, việc dựng nước xưng vương dễ như trở bàn tay”.
Kháng chiến thắng lợi, Hai Bà Trưng lên ngôi vua, đóng đô ở Mê Linh (Vĩnh Phúc), “nữ tướng Lê Chân được giao trọng trách là Chưởng quản binh quyền nội bộ, đóng đại bản doanh ở Giao Chỉ và trấn thủ miền Đông Bắc”. Trong khi trấn giữ miền Đông Bắc, bên cạnh việc canh giữ biên cương, bà còn mộ thêm dân, chăm lo phát triển mở mang trang ấp.
Tuy nhiên, thời gian hòa bình đã nhanh chóng chấm dứt khi mùa hè năm 41, vua Quang Vũ đã sai danh tướng Mã Viện làm Phục Ba tướng quân chỉ huy đại binh sang đánh nước ta. “Bà Lê Chân cùng với Hai Bà Trưng và nhiều nữ tướng khác đã tham gia những trận đánh ác liệt ở vùng hồ Lãng Bạc (Bắc Ninh) ngày nay, trận đánh phá vây ở Cẩm Khê (Ngày nay có thể là vùng thung lũng Suối Vàng ở chân núi Vua Bà, trong dãy Ba Vì – Hà Tây). Cuộc kháng chiến thất bại, Hai Bà Trưng và nữ tướng Lê Chân đã hi sinh anh dũng.
Cái chết của bà đã được nhân dân nơi đây thần thánh hóa khi cho rằng thi hài của bà biến thành một phiến “đá nổi” trôi về cửa sông Cấm, nhân dân đã đưa phiến đá đó về lập đền Nghè để thờ phụng. Ngày nay, tại khu vực đền Nghè, người dân vẫn tổ chức 3 lần lễ trong năm, đó là: (8/2 âm lịch) ngày sinh của bà Lê Chân; (15/8 âm lịch) ngày nghĩa quân thắng lớn; (25/12 âm lịch) ngày bà Lê Chân hi sinh nhằm để tưởng nhớ đến công lao và sự hi sinh anh dũng của bà.
Có thể nói, sự hi sinh anh dũng của nữ tướng Lê Chân và toàn thể nghĩa quân đã chứng minh được sức sống mãnh liệt, ý chí vươn lên của dân tộc Việt. Đồng thời nó cũng thể hiện cho ý chí khát vọng khẳng định mình của người phụ nữ Việt Nam trong mọi thời đại.
Thơ: Nữ anh hùng đất Việt – Lê Chân (1)
Bình luậnĐông Quan • 29/08/21
Tiên Nữ giáng trần mấy mươi xuân, trốn giặc khai phá đất Hải Phòng. Trưng Vương phất cờ theo nghĩa lớn, đánh giặc thu phục lại non sông. Chặn quân Mã Viện sông Bạch Đằng, ít khó địch nhiều rút Mê Linh. Chống giặc đến cùng rồi tuẫn tiết, hồn thiêng ở lại giữ non sông.
Thánh Chân công chúa đất An Dương(2)
Mày ngài, mắt phượng sánh Vương Tường(3)
Nhà tan, nước mất vì Tô Định(3)
Cứu dân, phục quốc giúp Trưng Vương
Cao cường võ nghệ, rèn quân thủy
Tài ba kinh tế, quản binh lương
Chống quân Mã Viện bao nhiêu trận(6)
An Lão đời nay vẫn ngát hương (7).
06.2015/08.2021
Đông Quan
_________
- Lê Chân (chữ Hán: 黎真; ? – 43), là nữ tướng của Hai Bà Trưng. Bà được coi là người có công khai khẩn lập nên vùng đất An Dương, đời sau phát triển thành thành phố Hải Phòng ngày nay.
- Bà được Trưng Vương phong là Thánh Chân công chúa (聖真公主), giữ chức chưởng quản binh quyền nội bộ, đứng ra tổ chức, luyện tập quân sĩ, tăng gia sản xuất.
- Lê Chân vô cùng xinh đẹp, sánh với các đại mỹ nhân. Vương Tường (王牆) là tên của nàng Vương Chiêu Quân thời Tây Hán, một trong bốn đại , mỹ nhân của Trung Quốc.
- Theo truyền thuyết thái thú nhà Hán là Tô Định muốn lấy bà làm thiếp nhưng bị cha mẹ bà cự tuyệt, chính vì thế y đã sát hại họ. Lê Chân phải bỏ quê theo đường sông xuôi xuống vùng đất An Dương lập nghiệp.
- Trưng Vương giao cho bà giữ chức chưởng quản binh quyền nội bộ, tổ chức, luyện tập quân sĩ, tăng gia sản xuất tích trữ binh lương.
- Năm 43, Mã Viện cầm quân sang tái xâm lược, quân của Hai Bà Trưng thế yếu, chống cự không nổi, Hai Bà hy sinh. Lê Chân cũng hy sinh vào năm đó.
- Đền thờ Nữ tướng Lê Chân được xây dựng tại Núi Voi (An Lão, Hải Phòng), và Đền Nghè ở trung tâm thành phố Hải Phòng.