Vũ Thị Thục Nương: Nữ anh hùng đầu tiên của dân tộc Việt Nam

Vũ Thị Thục Nương: Nữ anh hùng đầu tiên của dân tộc Việt Nam

Tác giả: Vũ Ngọc Phương

Trong thời Bắc thuộc lần nhất tính từ năm 177 Tr.CN khi Triệu Đà xâm lược nước Âu Lạc sát nhập vào Nam Việt, sau đến năm 111 Tr.CN nhà Tây Hán diệt họ Triệu đưa Việt Nam vào thuộc Hán cho tới năm 39 sau Công Nguyên của thời kỳ này có ghi nhận các cuộc nổi dậy của người Việt. Sử sách Trung Quốc có ghi lại các cuộc nổi dậy trong một số năm của người Việt đã khiến nhà Hán phải điều động quân đội từ vùng Kinh Sở  xuống đàn áp. Các cuộc nổi dậy nhỏ lẻ này không đủ mạnh và rộng khắp để đánh thắng được sự thống trị của Nhà Tây Hán. Sau khi Lưu Tú dẹp loạn Vương Mãng và lập nhà Đông Hán, chính sách Hán hóa của Quang Vũ Đế Lưu Tú đối với người Việt càng hà khắc.

Phần nhiều quan lại từ Nhà Tây Hán, Đông Hán đều khắc nghiệt, tham lam, vơ vét các của quý ở Giao Châu như vàng, ngọc trai, long trả, tê, voi, đồi mồi, hương sạ, gỗ quý,… rồi xin đổi đi làm quan nơi khác. Đã thế sưu thuế nặng nề nên người Việt thường xuyên nổi dậy làm loạn. Đến năm Giáp Ngọ ( năm 34 sau CN – năm Kiến Võ thứ 10), vua Đông Hán Quang Vũ đế sai Tô Định sang làm Thái thú quận Giao Chỉ. Tô Định bản tính rất bạo ngược nên chính lệnh càng thêm hà khắc. Tô Định lại thêm tham bạo, cướp giết nhiều người Việt. Trước cuộc Đại khởi nghĩa Hai Bà Trưng năm Kỷ Hợi (39 sau CN), tại Giao chỉ đã có nhiều cuộc nổi dậy trước khởi nghĩa Hai Bà Trưng, lớn nhất và tiêu biểu là cuộc khởi nghĩa Tiên La, huyện Hưng Hà, tỉnh Thái Bình của Bà Vũ thị Thục Nương.

Sự nghiệp

Bà Vũ thị Thục Nương là Nữ Tướng văn võ song toàn, chí khí rất lớn. Bà đã dấy binh khởi nghĩa trước Hai Bà Trưng. Sau này khi Hai Bà Trưng truyền hịch khởi nghĩa có cho sứ giả về mời Bà Vũ thị Thục Nương. Bà nhận tham gia khởi nghĩa Hai Bà Trưng và được Hai Bà Trưng giao cho quyền đứng đầu, thống lĩnh các Nữ Tướng của Hai Bà Trưng. Ngày 17/3 năm Quý Mão ( năm 43 sau Công Nguyên) trong trận chiến cuối cùng chống Mã Viện thống lĩnh hàng chục vạn quân Đông Hán, Bà và các nữ binh đã quyết chiến đến cùng không để giặc bắt và tử tiết khi mới 26 tuổi.

Thần phả, nhiều đạo sắc phong và truyền kỳ dân gian đều thống nhất ghi rằng: Bà Vũ thị Thục Nương sinh vào giờ Dần ngày Rằm tháng Tám năm Bính Sửu (Năm 17 sau CN) tại Phượng Lâu, nay là Phường Phượng Lâu – Thành phố Việt Trì, tỉnh Phú Thọ (Nguyên xưa là đất Phong Châu, Hùng Vương đóng kinh đô Văn Lang ở đấy. Thời Tần đặt làm Tượng Quận, Đời Hán thuộc quận Giao chỉ) . Trước Công Nguyên, nơi đây là cố đô nước Văn Lang độc lập. Gần 2.000 năm qua, tại Phượng Lâu, Việt Trì, Phú Thọ và các đền thờ Bà ở vùng đồng bằng Bắc bộ đều có Lễ lớn kỷ niệm ngày sinh Thánh Mẫu Vũ thị Thục Nương. Trong tất cả các phong tục thờ Thánh và Thần linh ở Việt Nam, đây là một hiện tượng rất đặc biệt – Lễ sinh nhật duy nhất được nhân dân làm hàng năm chỉ có riêng với Bà Vũ thị Thục Nương.

Bà là con gái Nhà giáo Vũ Công Chất, ông còn là thầy thuốc, ngày nay ở Phú Thọ có đền thờ ông là một trong những thầy giáo Việt dậy chữ Khoa Đẩu là chữ Việt cổ thời bấy giờ. Chi họ Vũ Công vốn định cư ở tả ngạn sông Lô mà dấu tích, thư tịch cổ còn ghi Thủy Tổ họ Vũ gốc Việt Thường là các Cụ Vũ Công Bách – Cao Minh Đại Vương và Vũ Công Điền – Cao Sơn Đại Vương ( Hai cụ được thờ ở khắp nước Việt Nam, hai Cụ là bậc Thượng đẳng Phúc Thánh, tượng thờ ngồi hai bên tả, hữu của Đức Tản Viên Sơn Thánh). Sau Chi Họ Vũ Công dời sang cư trú ở hữu ngạn sông Lô đối diện quê cũ. Tại đây, các đời tiếp theo có Nhà giáo thầy thuốc Vũ Công Chất. Mẹ bà Thục Nương là Bà Hoàng thị Mầu, cả hai vợ chồng thân sinh ra Bà Thục Nương đều là người gốc Việt Thường. Sinh thời Bà Vũ thị Thục Nương là một người phụ nữ có nhan sắc tuyệt vời, đoan trang, trung hậu, đảm đang, văn hay võ giỏi nên hiệu là Ngọc Hoa Công chúa. Từ nhỏ, Bà vừa học nghề thuốc, luyện võ và đi chữa bệnh trong dân gian do hai Cụ Thân sinh truyền dậy. Khi 16 tuổi, Bà còn dạy dân phát triển nghề nông, sáng tác những bài hát dân ca và truyền dậy hát đối, hát xoan, hát đúm vẫn còn truyền lại đến nay ở vùng Phú Thọ, Vĩnh Phúc. Bà cùng với hai cụ thân sinh còn chỉ bảo dân thời ấy quần tụ lại để xây dựng, phát triển Xã – Thôn Việt trong vùng Phong Châu từ những năm đầu thế kỷ I sau Công Nguyên.

Thời ấy, bên kia sông Bạch Hạc ở xã Nam Chân có chàng trai rất có tài đức là Phạm Danh Hương, vào cuối mùa thu năm Quý Tỵ ( năm 33 sau Công Nguyên), đã đặt lễ Nạp Thái (Lễ Chạm ngõ) được hai Thân sinh và Bà nhận lời, theo Lễ là 6 tháng nên chờ đến đầu mùa Thu năm Giáp Ngọ ( năm 34 sau CN) thì làm lễ Thân Nghinh ( Lễ rước dâu). Năm ấy, Bà vừa 17 tuổi.

Không may, liền bên Châu Bạch Hạc có một Quan lang giầu sang quyền thế nhất vùng đã nhiều lần mang lễ vật lớn xin cưới Bà đều bị từ chối, khi biết ông bà Vũ Công Chất và Hoàng thị Mầu cùng Bà Thục Nương đã nhận lễ với Phạm Danh Hương, Quan lang Bạch Hạc vô cùng tức giận liền súc siểm, bầy mưu xui Tô Định vừa nhận chức Thái Thú để chiếm đoạt Bà. Tô Định được mưu, bèn giả làm khách buôn đến tận nơi chiêm ngưỡng dung nhan Bà thấy như Tiên Nữ giáng trần, khi trở về quân doanh liền sai tướng đem quân bắt Cha Bà – ông Vũ Công Chất và chồng chưa cưới là Phạm Danh Hương tới trị sở Giao Châu bắt phải từ hôn và dâng Bà cho Tô Định. Dụ dỗ hàng tháng trời không được, Tô Định đã dùng cực hình ép buộc cũng không được nên đã giết cả hai người. Tô Định thân cầm quân tới vây bắt Bà. Được tai mắt dân ở Châu Bạch Hạc báo tin, đang đêm cả hai mẹ con trốn chạy rồi thất lạc. Bà cầm kiếm phá vây, chạy thoát ra bờ sông Bạch Hạc, nhẩy xuống được thuyền độc mộc, tay chèo, tay kiếm xuôi dòng sông Nhị Hà ( sông Hồng) mà về đến vùng đất ven biển lúc đó ( nay là huyện Hưng Hà, tỉnh Thái Bình) thì men theo nhánh sông nhỏ (nay là sông Luộc) mà vào. Thời kỳ này nước biển đã rút nhưng vùng đất của tỉnh Thái Bình vẫn còn là vùng đất nước lợ với những cánh rừng lớn bạt ngàn và ven biển là rừng sú, vẹt rất hiểm trở nên chưa bị quân Đông Hán chiếm đóng. Bà chèo thuyền theo nhánh sông Luộc vào sâu đến đất Tiên La thì dừng lại lên bờ vào ẩn náu làm tiểu đồng trong chùa Tiên La. Ngày ngày quét dọn sân chùa, đêm đêm luyện võ. Khi đã quen với lương dân vùng Tiên La, Bà vừa dậy học, vừa dùng thuốc Nam chữa bệnh cho dân. Được dân mến mộ, Bà dậy dân trồng trọt, chăn nuôi,… như thế đến năm Bính Thân ( năm 36 sau CN) thì cho người tin cẩn tìm đón được mẹ Bà về Tiên La phụng dưỡng.

Sau mấy năm, Tiên La trở thành vùng trù phú, dân Việt khắp nơi về cư ngụ, khai khẩn đất hoang dẫn nước ngọt về trồng lúa. Thấy dân đã đông, lòng người đã thuận.  Mùa Xuân, tháng Giêng năm Đinh Dậu (năm 37 sau CN) Bà dựng cờ khởi nghĩa trên gò Kim Quy. Nghe lời hiệu triệu của Bà, người Việt khắp nơi đã nô nức kéo về theo Bà. Sau hơn một trăm năm Bắc thuộc, chính sách Hán hóa đã làm cho số dân là nam giới trong người Việt sụt giảm, vì thế binh sỹ của Bà tuyển chọn cũng toàn là con gái, vừa luyện tập binh pháp, vừa trồng trọt chăn nuôi để có lương cho quân trở nên đội quân rất tinh nhuệ. Mẹ Bà là Hoàng thị Mầu cũng ở trong quân lo việc phân phát binh lương và chữa bệnh, chữa thương cho tướng sỹ. Vừa chiêu binh mãi mã, vừa dậy dân khai khẩn đất hoang,…. chỉ mấy năm Tiên La trở thành một vùng trù phú, binh lực ngày một mạnh. Bà cầm quân tiến đánh quân Đông Hán, mở rộng vùng tự trị của người Việt ngày một rộng lớn sang đến huyện Quỳnh Phụ tỉnh Thái Bình, các huyện Ninh Giang, Thanh Miện tỉnh Hải Dương, Tiên Lữ, Phủ Cừ tỉnh Hưng Yên ngày nay.

Nhiều lần quân Đông Hán kéo quân sang đánh đều bị đội quân Nữ binh tinh nhuệ do Bà thống lĩnh đánh cho thua trận rút chạy khỏi các vùng đất của người Việt.

Tô Định ngày càng bạo ngược, chính trị tàn ác, dân Việt đã oán giận chồng chất. Năm Kỷ Hợi ( năm 39 sau CN, Nhà Đông Hán, vua Quang Vũ Lưu Tú, năm Kiến Vũ thứ 15) Tô Định lại giết Thi Sách Quận Châu Diên, Phủ Vĩnh Tường ( nay là Vĩnh Yên) . Vợ Thi Sách là Trưng Trắc ( quê ở làng Hạ Lôi, huyện Yên Lãng, tỉnh Phúc Yên)  là con gái Lạc Tướng Mê Linh cùng với em là Trưng Nhị cất quân khởi nghĩa. Hai Bà Trưng cho sứ giả sang mời Bà hội quân cùng đánh Tô Định.

Bà Vũ thị Thục Nương cùng đội Nữ binh hưởng ứng, cùng các Nữ tướng của Hai Bà Trưng đánh bại quan quân Đông Hán. Tô Định chạy thoát về Quảng Châu. Bà Vũ thị Thục Nương đã cùng các Nữ Tướng khác trong đội quân của Hai Bà Trưng giải phóng cả một vùng duyên hải của Giao chỉ Bộ ( gồm miền Bắc Việt Nam, vùng Lưỡng Quảng và quận Hải Nam bây giờ) . Chỉ trong năm Kỷ Hợi ( 39 sau CN) đến mùa xuân năm Canh Tý ( 40 sau CN), Tất cả dân Việt cùng đại quân của Hai Bà Trưng hạ được 65 thành trì, quan quân Đông Hán phải bỏ chạy qua sông Trường Giang về phương Bắc.

Sau khi đã giành lại bờ cõi, Hai Bà Trưng lên ngôi xưng là Trưng Nữ Vương lấy quốc hiệu là Đại Việt. Trưng Nữ Vương xác lập quyền tự chủ của người Việt, chấm dứt thời kỳ Bắc thuộc lần thứ nhất. Trưng Nữ Vương xét công trạng có phong cho Bà Vũ thị Thục Nương làm Uy Viễn Đông Nhung Đại Tướng quân – xếp hạng công đầu. Nhưng Bà xin trả lại quan ấn cùng với đội Nữ Binh trở về Tiên La, Hưng Hà, tỉnh Thái Bình vừa rèn quân lại vừa làm ruộng và chăn nuôi. Tại Tiên La, Bà tiếp tục  chữa bệnh cho dân bằng thuốc Nam ( Thời Hùng Vương là Bộ Lục Hải, đời Tần thuộc Tượng Quận, đời Hán thuộc Giao Chỉ).

Năm Tân Sửu ( năm 41 sau CN)  vua Quang Vũ nhà Đông Hán lại sai Mã Viện là danh tướng lúc bấy giờ làm Phục Ba Tướng quân, Phó tướng là Phù Lạc hầu Lưu Long, cùng với Lâu thuyền Tướng quân là Đoàn Chí kéo mấy chục vạn quân tinh nhuệ chia làm hai đường thủy, bộ sang đánh nước Đại Việt của Trưng Nữ Vương. Ngay khi cánh quân bộ của Đông Hán do Phó Tướng Lưu Long vượt sông Trường Giang tiến về phía Nam đã bị đội Tiền quân Việt do Nữ Tướng Phật Nguyệt đón đánh dữ dội. Phật Nguyệt Công chúa được Trưng Vương phong giữ chức Thao Giang Thượng Tả Tướng thuỷ quân, Chinh Bắc Đại tướng quân, Tổng trấn Động đình và Trường Sa.

Một Nữ tướng có tên là Hoàng Thiều Hoa – Tả tướng Chinh Bắc Tướng quân lĩnh đạo Trung quân trấn giữ Nam Hải. Tướng Đào Hiển Hiệu chỉ huy tiền quân Việt từ Trường Sa rút về Nam đã đóng lại ở Thiên Đài, bắc Ngũ Lĩnh. Khi thấy đại quân Lưu Long tiến vào, quân Việt không chịu lui quân, tất cả đã ở lại tử chiến, khiến quân Hán chết mấy vạn quân mới đi qua được ải Thiên Đài. Ngày nay trên Thiên Đài, núi Đại Minh, tỉnh Quảng Tây, Trung Quốc, ở bên ngoài miếu thờ Đào Hiển Hiệu – tướng của Hai Bà Trưng cùng một nghìn quân sỹ đã quyết tử tại cửa ải độc đạo hiểm yếu tại Bắc núi Nam Lĩnh để ghìm chân đại quân Đông Hán do Lưu Long làm Phó tướng, vẫn còn đôi câu đối khắc trên đá: “Nhất kiếm Nam hồ kinh Vũ-đế/Thiên đao Bắc lĩnh trấn Lưu Long”. Nghĩa là : “Một kiếm đánh trận ở phía Nam hồ Động-đình làm kinh sợ vua Vũ đế (Ý nhắc đến sự kiện nữ tướng Phật Nguyệt của Hai Bà Trưng đón đánh Mã Viện ở phía Nam hồ Động-đình. Vũ đế là Hán Quang Vũ nhà Đông Hán)/ Một nghìn tay đao Bắc Lĩnh giữ Lưu Long”.

Bà Vũ Thị Thục Nương lúc đó là Đốc lĩnh toàn quân trấn giữ Giao Chỉ ( Vùng miền Bắc đến miền Trung Việt Nam ngày nay) đã cùng các nữ  tướng của Hai Bà Trưng chia quân đón đánh quân Đông Hán. Nhưng thế quân Đông Hán quá lớn, sau nhiều tháng giao tranh, các cánh quân Hai Bà Trưng lần lượt tan vỡ. Hai Bà Trưng chạy về đến xã Hát Môn thuộc huyện Phúc Lộc tỉnh Sơn Tây thì thế bức quá, Hai Bà Trưng gieo mình xuống sông tự tận, bấy giờ nhằm ngày mùng 6 tháng 2 năm Quý Mão (năm 43 sau CN). Tướng Đô Dương chỉ huy một đội quân thua chạy về đến huyện Cư Phong ( nay thuộc vùng Thanh Hóa) thì ra hàng quân Đông Hán.

Trên cả đất Giao chỉ, còn lại vùng duyên hải là quân Đông Hán chưa chiếm được (nay là duyên hải miền Bắc Việt Nam). Tại đây,  đội Nữ binh tinh nhuệ của Bà Vũ thị Thục Nương cố thủ tiếp tục cầm cự ở vùng Lục Hải ( Thái Bình ngày nay)  khi đó là vùng sình lầy và rừng ngập mặn. Thấy vậy, Mã Viện cho đại quân Đông Hán tất cả kéo đến vây kín mấy vòng cả trên bộ lẫn dưới sông biển. Sau 39 ngày bị vây hãm, quân của Bà hết lương, tướng sỹ cầm binh khí ngắn đánh giáp công quyết tử không còn một người nào. Quân Đông Hán cũng bị chết rất nhiều.

Ngày 17 tháng 3 năm Quý Mão ( năm 43 sau CN), Bà Vũ thị Thục Nương tay cầm mộc, tay cầm kiếm, một mình một ngựa xông vào tả xung hữu đột chém giết quân Đông Hán như vào chỗ không người, sau gần một ngày quyết chiến, đến chiều tối Bà một mình một người một ngựa phá được vòng vây, giặc đuổi theo không kịp. Khi Bà chạy về đến Gò Kim Quy (bây giờ chính là nơi dựng đền Tiên La, nay là thôn Tiên La nơi có địa giới giáp danh hai xã Đoan Hùng và Tân Tiến, huyện Hưng Hà, tỉnh Thái Bình), người và ngựa đều kiệt sức. Mình đầy thương tích nặng, Bà xuống ngựa rồi tự vẫn không để giặc bắt. Dân quá xót thương chôn giấu thi hài của Bà cùng ngựa chiến tại gò Kim quy rồi xóa hết dấu tích không cho giặc biết. Giặc lùng tìm gắt gao nhiều tháng nhưng không thấy phải rút hết. Dân đã dựng một đền thờ bằng tranh tre trên mộ Bà, nhiều đời sau mới thay bằng gỗ và đá. Gương tiên liệt trung trinh của Bà được loan truyền khắp trong dân Việt lúc bấy giờ, bởi vậy gần hết các Nữ Tướng còn lại của Hai Bà Trưng cũng đều noi gương ấy mà tự vẫn khi đang lẩn trốn không để cho giặc Đông Hán bắt.

Bà Vũ thị Thục Nương là một trong những Nữ Anh Hùng chống ngoại xâm đầu tiên của Dân tộc Việt Nam

Công đức của Bà sâu dầy, uy linh hiển hách đến mức Bà được dân Việt tôn thờ là Thượng Đẳng Phúc Thánh, Tối linh, Tối cao. Tương truyền trong tâm linh người Việt Nam là Bà hiển linh kiêm cả ba ngôi vị Thánh Mẫu Thượng Thiên, Thánh Mẫu Thượng Ngàn, Thánh Mẫu Thoải Phủ trong trong Đạo Thánh Mẫu Việt Nam. Những nơi đặt đền thờ Bà, dân chúng đều được yên bình. Vì thế mà lịch sử của Bà rõ và chi tiết. Sau khi Bà Vũ thị Thục Nương tử tiết hiển linh, nhân dân nhớ thương Bà đã lập đền thờ chính của Bà tại xã Tiên La, Huyện Hưng Hà, tỉnh Thái Bình, đến nay đã trải qua gần 2,000 năm khói hương không bao giờ dứt.

Ngày nay, ngay trong hậu cung đền Tiên La vẫn còn mộ Bà và con ngựa chiến đã cùng Bà xông pha chiến trận. Sau đền Tiên La, Thái Bình, suốt một giải các tỉnh duyên hải Bắc Bộ cũng đều có đền thờ Bà có tên là Tiên La Hải Phòng, Tiên La Nam Định,…Trải gần hai nghìn năm qua, năm nào cũng đều có tế lễ, nhân dân nói rằng hàng năm vào ban đêm của ngày chính kỵ, trên nóc hậu cung rực sáng một vầng hào quang. Khắp các nơi trên đất nước Việt Nam đều có thờ Thánh Mẫu là ngôi vị tối linh sau khi Bà hóa, lớn nhất là ở Phủ Dầy, tỉnh Nam Định. Tuy nhiên, tại Đền Tiên La Thái Bình là nơi có mộ của Bà (Kim thân) vẫn được coi là nơi linh thiêng bậc nhất.

Lịch sử Việt Nam ghi rõ tháng 2 năm Đinh Hợi ( 1287) khi 30 vạn quân Nguyên Mông  lại sang xâm lược nước ta: ” Ô Mã Nhi đuổi theo (vua Trần) không kịp, đem quân trở về qua Long Hưng ( Phủ Tiên Hưng – Huyện Hưng Hà, tỉnh Thái Bình ngày nay) biết ở đấy có Chiêu Lăng, là lăng tổ nhà Trần, bèn sai quân phá nát cả đi”. Trong khi lăng, mộ vua Nhà Trần cách đấy có hơn 1 Km đường chim bay là Đền Tiên La, Hưng Hà rộng lớn uy nghi, nhưng quân Nguyên Mông không hề đụng đến Đền, đến mộ của Bà. Sang thế kỷ XIII, quân Nhà Minh sang chiếm đóng nước ta 20 năm, phá tất cả đền, chùa, bia, sách, bắt giết thanh niên, trẻ con là con giai,… cũng không dám đụng vào Đền và mộ của Bà tại Tiên La – Thái Bình. Dân gian truyền tụng là do Uy Linh Bà vô lượng nên không thế lực nào dù độc ác hung tàn đến đâu ở cõi trần gian không thể xâm phạm được.

Đạo Thánh Mẫu Việt có ba ngôi thể hiện cho ba sức mạnh siêu nhiên là Thượng Thiên Thánh Mẫu quản về Lửa, Thượng Ngàn Thánh Mẫu quản về núi rừng trên đất và đất, Thượng Thoải Thánh Mẫu quản về Nước cùng tất cả các hiện tượng mưa, bão, lũ lụt, sông, biển. Đó là ba hiện tượng kỳ vĩ là Lửa – Đất – Nước thể hiện sự sinh và diệt của của vũ trụ và trái đất.

Qua nhiều tài liệu về Thần phả, Thần tích, Sắc phong của nhiều triều đại phong kiến Việt Nam và các Dã Sử đều có viết Bà Vũ thị Thục Nương sau khi hóa hiển linh là Thánh Mẫu kiêm quản Tam Tòa trong Đạo Thánh Mẫu. Các sắc phong đều ghi Bà có Thánh hiệu: Ứng Võ Anh Uy Dũng Bảo quốc, Trung chính, Thượng đẳng Phúc Thánh, Tối linh, Tối Uy. Thánh Mẫu hiệu Ngọc Hoa công chúa Vũ thị Thục Nương kiêm quản 3 Ngôi cao nhất tại Tam Tòa của Đạo Thánh Mẫu.

Trong Dân gian còn truyền tụng Bà có hàng chục bài chầu văn lưu truyền trong dân gian ca ngợi Thánh tích, công đức của Bà khi cử hành Thánh Lễ Đạo Mẫu Việt Nam. Trong đó có bài văn chầu giống như trường ca dân gian đã kể lại khá đầy đủ Thánh tích của Bà với những tư liệu lịch sử xác đáng. Bản trường ca sử thi này được cho là đã do các Danh Nho Bắc Hà  trong các cuộc khởi nghĩa Văn Thân Việt Nam chống Pháp cuối thế kỷ XIX, đầu thế kỷ XX viết nên, đã được truyền khẩu trong dân gian Việt như sau:

VĂN CHẦU THÁNH MẪU BÁT NÀN TƯỚNG QUÂN

 Hàng năm Mười bẩy tháng Ba,

Ai về đến huyện Hưng Hà

Tới thăm Lễ Hội tên Bà Thục Nương

Chuyện xưa kể vào đầu thế kỷ,

Sau Công Nguyên ở xứ Giao Châu,

Cố đô Việt mấy nghìn năm trước,

Nước Việt Thường lại đến Văn Lang,

Vua Hùng cùng với Thục Vương Tây Âu Lạc

Dẫn đầu quân Đại tướng Tuần Tranh,

Cùng danh tướng Vũ Công Bách, Vũ Công Điền

Chống nhà Tần năm chục vạn quân

Diệt Đồ Thư giữ yên nước Việt

Xây Cổ Loa nơi cũ Việt Thường

Triệu Đà dùng kế hiểm sâu

Xui con Trọng Thủy làm chồng Mị Châu

Nỏ thần mất lẫy bị quân cướp thành,

Nước Âu Lạc mất,

Lại thuộc quyền Nam Vương

Đến khi Tây Hán tìm đường tiến sang,

Dân nước Việt chịu bao tầng áp bức,

Lặn biển sâu mò ngọc tìm trai,

Vào sâu rừng tìm bắt tê ngưu

Vàng bạc, gỗ thơm, hương liệu quý, …

Phải tìm cho bằng thấy mới xong,

Rồi gom hết lại cho phường xâm lăng

Người dân Việt không còn tuấn kiệt

Khấn Trời xin được Thánh giáng lâm

Năm mười bẩy ngày Rằm tháng Tám,

Đúng canh Dần, Tiên Chúa giáng sinh,

Một Nàng Công chúa xuống trần

Sinh vào họ Vũ ở miền Phượng Lâu

Ở vùng đất cổ Phong Châu

Cha là Công Chất từ lâu đức dày

Mẹ họ Hoàng tên tự Thị Mầu

Đặt tên con gái là nàng Thục Nương

Mười sáu tuổi sắc soi gương nước,

Vẻ xinh tươi mặt ngọc ánh đào

Thướt tha sắc diện nhường nào,

Tây Thi còn thẹn, sánh sao cho bằng

Phận gái đẹp nhưng tài văn võ

Lại đoan trang bao  việc đảm đang,

Khi đến tuổi trăng Rằm có lẻ,

Đã bao người dạm hỏi,

Biết sao trả lời.

Còn có kẻ giầu sang cậy thế,

Ép cha nàng để cưới Thục Nương

Vừa hay sính lễ đến nhà,

Có chàng tuấn kiệt Phạm Hương hỏi nàng.

Lời ước hẹn sang xuân Loan Phượng

Ai cũng mừng tuyệt thế giai nhân

 Ngờ đâu sự biến bất thần

Quan tham Tô Định kéo quân tức thì,

Bắt cha cùng với bắt chàng,

Thoái hôn để cướp lấy Nàng Thục Nương

Thà một chết quyết không hàng giặc,

Đã quyết không cho giặc cướp nàng

Than ôi, cơ sự nhỡ nhàng

Chưa xong lời nói lưỡi gươm cắt rồi.

Thương thay số phận của người trung lương

Giặc kia cường bạo không thường

Quân vây quanh khắp một vùng Phượng Lâu

Truy cho bằng được bắt nàng Thục Nương

Giặc đâu ngờ nàng cao võ nghệ

Tuốt gươm nàng phá vòng vây

Đang đêm thoát hiểm sông này,

Thuyền chèo một mái đến miền Tiên La

 Dựng cờ nghĩa Anh tài Vũ dũng

Dân khắp nơi nô nức theo về

Tập binh, mở rộng cõi bờ,

Giáo gươm sáng đất, ánh cờ đỏ mây

Một vùng thoát khỏi đời nô lệ,

Dân ấm no quyết chống bạo tàn

Mấy lần quân giặc kéo sang,

Phải thua rút chạy vì Nàng Tướng Quân

 Thói tham ác việc không dừng

Năm ba mươi chín lại gây thêm thù

Tô Định giết chết chàng Thi Sách

Để răn đe dân Việt lầm than

Vợ Thi Sách là nàng Trưng Trắc

Cùng với em Trưng Nhị xuất quân

Cho người về Tiên La trưng tập

Mời Tướng quân Thục nữ trinh Nương

Cùng chung việc nước, thù nhà

Hai vai gánh vác sơn hà,

Quyết một trận quét đời nô lệ,

Đem máu xương phá bẻ xiềng gông

Xuất quân đánh trận thành công,

 Sáu lăm thành cũ, cõi bờ về tay.

Xét công trạng trong hàng Nữ tướng,

Nàng Thục Nương xếp hạng công đầu

Ban phong hiệu Ngọc Hoa Công chúa,

Đông nhung Đại Tướng toàn quân Hai Bà

Nàng bái tạ xin về chốn cũ,

Cởi giáp binh để lại thường dân

Tiên La bái tạ Phật đình,

Lại lo canh cửi, phận mình Nữ nhi.

 Trưng Nữ Vương hiển vinh công trạng

Kinh đô này thành cũ Mê Linh

Giao châu độc lập từ đây

Danh xưng Đại Việt lần này có yên?

Vua Quang Vũ dẹp xong Vương Mãng

Lại giao quan tập hợp quân lương

Chọn tất cả hùng binh tinh nhuệ

 Lệnh thêm cho Lưỡng Quảng nam chinh,

Thống quân tướng Phục Ba Mã Viện

Phù lạc hầu phó tướng Lưu Long

Chia đường thủy bộ ầm ầm kéo sang

Hai Bà Trưng chia quân đón đánh

Nàng giáp y dẫn đội tiền quân

Dọc ngang chiến trận khói đen chiến bào,

Quân Đông Hán bạt ngàn đồi núi,

Sức quân đông mạnh mấy quân mình,

Trong vòng trận thế đao binh

Đến khi sức kiệt gieo mình xuống sông

Hai Bà đã vào trong đất Mẹ,

Trôi về đến bến Đồng Nhân,

Nhân dân thương vớt lập thờ tại đây.

Tướng Đô Dương cũng đã theo hàng giặc kia,

Toàn quân còn có mình nàng lĩnh binh,

Rút quân về giữ Thái Bình.

Sau khi triệt phá binh dân Việt

Mã Viện đưa quân vượt sông Hồng

Đông Nhung Đại Tướng Bát Nàn,

Còn trăm quân sỹ trong vòng giặc vây

Nàng đâu tiếc tấm thân đài các

Vốn là  dòng Nữ phiệt Trâm Anh

Một phen nợ Nước, thù Nhà

Ba chín ngày quyết xông pha,

Lương binh đã hết đoản đao giết thù,

Nữ binh giữ tiết trinh tuẫn tiết,

Trong hàng quân đã chết hết rồi.

Oai phong hùng khí còn nàng,

Tả xung hữu đột một mình xông pha,

Giữa rừng gươm giáo sáng lòa

Vung gươm giặc đổ đất hòa máu tươi.

Chuyện xưa kể xiết bao đau xót,

Vũ thị Thục Nương Đại Tướng Đông Nhung

Chiến bào thắm máu hồng liệt nữ,

Ánh chiều xuân sáng đỏ một vùng,

Tiên La, ngày ấy oai hùng,

Ánh chiều bảng lảng sáng bừng bóng gươm

Giặc kinh hãi rẽ ra trốn chạy

Một mình nàng cưỡi ngựa truy phong,

Phút giây đã vượt muôn trùng giặc vây

Ngựa phi đến cây tùng cổ thụ,

Nơi này xưa Đại tướng qua chơi

Giờ đây trở lại máu tươi đẫm mình,

Nàng vẫn quyết không cho giặc bắt,

Tuốt gươm kề tuẫn tiết cho xong

Một dòng máu đỏ lên trời,

Hỡi ôi, thân xác hóa người nghìn thu.

Nàng thầm gọi:

Mẹ ơi có biết, lúc này con đã thác về Trời.

Đông Nhung Liệt nữ ở đời

Chết thiêng chiến trận tuổi đời thanh xuân!

Uy linh nàng hóa về Trời,

Thành ngôi Thánh Mẫu để đời nhớ thương!

Dân gian dựng đền thờ nơi cũ,

Hai nghìn năm nghi ngút khói hương

Tôn Bà Vũ thị Thục Nương,

Đông nhung Đại tướng lên hàng Thượng Thiên,

Những người đã hóa về Trời,

Trong hàng bất tử để đời tôn vinh,

Bà hiển linh về nơi trần thế, thăm chúng sinh, cứu khổ dân mình

Những người được đức ân tình

Vẫn thường thấy rõ Bà trong tháng ngày

Trung trinh, Thanh thoát, Thánh linh,

Bà đi dạo khắp non xanh, sóng ngàn,

Bóng Bà muôn dặm trời cao,

Giảm bao cảnh khổ nỗi đau cõi đời

Bà đưa Xuân đến muôn nơi,

Như Bà mãi trẻ, Xuân tươi chẳng già!

Đến lại nơi xưa Bà tuẫn tiết,

Hai nghìn năm mộ phủ hoa tươi,

Khói hương không dứt mây trời,

Nhớ Tiên giáng thế,

Nhớ Người cứu dân,

Nhớ buổi ấy nước nhà độc lập

Nhớ công lao, ơn đức của Bà,

Nhớ ngày mười bẩy tháng ba

Là ngày kỵ giỗ giờ Bà hóa thân,

Ngày Mười Ba tháng Giêng Âm lịch,

Trời mưa phùn tịch mịch vào Xuân

Mịt mù khói tỏa màn sương,

Mái đền thấp thoáng còn vương ánh chiều

Tiếng chuông đồng vọng đâu đây,

Tiếng ngân thánh thót như dây tơ vàng.

Chúng con xin được vào cung lễ Bà,

Bà ngồi tĩnh lặng như trong Phật đài

Lâm râm khấn xin Bà phù hộ,

Trong phút giây tưởng thấy Bà cười,

Nhẹ nhàng Bà bảo:

Con ơi,

Sửa lòng thanh sạch,

Thì đời con nhẹ bước trần gian

Tổ ban cho phép tu thân,

Để con không bị trầm luân kiếp này

Nghe lời Bà dậy sâu xa,

Xin thưa, con hiểu, từ rày cố hơn.

Xin Bà một chút chứng tâm,…!

Bài Liên Quan

Leave a Comment