Chống COVID-19, trống đánh xuôi kèn thổi ngược, kết cục rồi sẽ ra sao?

Chống COVID-19, trống đánh xuôi kèn thổi ngược, kết cục rồi sẽ ra sao?

Bài bình luận của blogger Viết Từ Sài Gòn
2021-09-02

\"ChốngHình minh hoạ: Tấm biển cấm người đi qua ở một khu phố tại Hà Nội vì dịch bệnh COVID-19 hôm 30/8/2021 AFP

Cho đến lúc này, có thế nói rằng tình hình chống dịch COVID-19 tại Việt Nam có vẻ rối như canh hẹ. Và câu chuyện rối rắm này lại bắt đầu từ cái mốc 30 tháng 4, 1 tháng 5 rồi sau đó là bầu cử. Sau cuộc bầu cử trên cả nước, tình hình trở nên xấu đi vì dịch tràn lan ở các thành phố lớn, chết chóc, thiếu thốn do cách ly, giãn cách và nhân dân bắt đầu kêu than, nhà nước mạnh tay hơn khi đưa quân đội vào cuộc. Thế nhưng mọi chuyện gần như bế tắc, bởi bệnh dịch vẫn tiếp tục lây lan và Chính phủ bắt đầu nhận thấy sự bất lực của mình, làm theo kiểu sai đâu sửa đó bằng thứ khẩu hiệu “quyết tâm”. Và càng quyết tâm lại càng bất cập, chẳng khác nào trống đánh xuôi kèn thổi ngược.

Việc trái khoáy này liên tục xảy ra trong thời gian gần. Tại thành phố Hồ Chí Minh, chính phủ cho quân đội vào cuộc và hứa sẽ cung cấp thực phẩm đầy đủ, mọi việc do Nhà nước và quân đội lo. Thế nhưng chưa đầy ba ngày sau thì quân đội gần như im hơi lặng tiếng, chính quyền “mở đường” cho 2.500 shipper vào lại thành phố để cung cấp hàng hóa. Và cũng chỉ sau việc thắt chặt giãn cách, cách ly vài chục giờ đồng hồ thì lại thả cửa, người dân đi lại đông nghẹt một đoạn đường, rồi lại siết chặt. Mọi thứ đều có gì đó tiền hậu bất nhất.

Và đáng sợ hơn là sự trước sau không giống này lại diễn ra khắp các hàng cùng ngõ hẻm, càng làm càng thấy sai. Gần đây nhất là vụ quận Thanh Xuân, thành phố Hà Nội cho di chuyển hàng ngàn dân đi cách ly tập trung. Báo Người lao Động đưa tin: “Tối nay 1-9, quận Thanh Xuân, Hà Nội bắt đầu di dời khoảng 1.187 người dân trong ổ dịch phường Thanh Xuân Trung, đến khu ký túc xá của Đại học FPT (Khu công nghệ cao Hòa Lạc, huyện Thạch Thất) để cách ly tập trung.

Tong đó, đông nhất là 202 người ở Khu tập thể Điện ảnh, 172 người ở nhà G2, 76 người tại ngõ 328 Nguyễn Trãi. Khu vực ổ dịch Thanh Xuân Trung tập trung nhiều chung cư cũ ẩm thấp, môi trường không đảm bảo, diện tích chật hẹp, mật độ dân số đông, nhiều hộ vẫn sử dụng nhà vệ sinh chung nên khả năng lây lan dịch cao.

Ông Lê Hồng Thắng, Phó Chủ tịch UBND quận Thanh Xuân, cho biết việc di dời dân đến vùng an toàn sẽ kéo dài đến hết ngày 3-9.

\”Dù quận đã triển khai mọi biện pháp nhưng số lượng F0 vẫn gia tăng, người dân có tâm lý lo lắng và mong muốn được đến nơi an toàn. Sau khi Thủ tướng chỉ đạo, chúng tôi đã ban hành kế hoạch tạm giãn dân khỏi ổ dịch phường Thanh Xuân Trung\”- ông Thắng nói.

Theo đó, quận đã thành lập 3 tổ công tác, gồm tổ vận động; tổ điều phối và hậu cần; tổ đảm bảo an ninh trật tự.  Hiện điểm nóng của Thanh Xuân Trung tập trung tại 2 ngõ 328 và 330 Nguyễn Trãi, với tổng 700 hộ dân và hơn 2.000 nhân khẩu.

Dự kiến, trong đêm nay và ngày mai, quận sẽ thông báo và vận động người dân tình nguyện đăng ký đến khu tạm giãn dân. Với những người còn lại, nếu không tình nguyện, ngày 3-9, quận sẽ áp dụng biện pháp cưỡng chế theo quy định…”.

\"000_9M22UA.jpg\"
Quân đội được triển khai ở các chốt kiểm soát dịch bệnh COVID-19 ở TPHCM hôm 23/8/2021. AFP

Cũng trong những ngày cuối tháng 8, đầu tháng 9, tại Thanh Hóa: “Một xã trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa đã tiến hành phong tỏa tạm thời 278 hộ gia đình, với 388 đối tượng F2 bằng cách khóa cổng, giao chìa khóa cho chủ tịch xã và trưởng thôn để để phòng chống dịch COVID-19.

Đối với 388 đối tượng được xác định là F2 đã có kết quả test nhanh âm tính, xã Hoằng Thái đã quyết định cách ly theo dõi sức khỏe tại nhà trong vòng 14 ngày (tính từ ngày địa phương phát hiện ca bệnh COVID-19).

Theo Nhà báo và Công Luận, chiều ngày 1/9, ông Trịnh Hữu Vui, Chủ tịch UBND xã Hoằng Thái, huyện Hoằng Hóa cho biết, từ ngày 31/8, xã này đã tiến hành khóa cổng đối với 278 hộ gia đình có đối tượng F2 để phòng chống dịch COVID-19.

Trước đó ngày 28/8, địa phương này có công dân đang làm việc tại Bệnh viện Phổi Thanh Hóa mắc COVID-19. Cơ quan chức năng đã tiến hành truy vết, khoanh vùng, lập danh sách các đối tượng F1 đưa đi cách ly tập trung, đồng thời phong tỏa tạm thời 30 hộ dân tại khu dân cư nơi bệnh nhân sinh sống.

Theo đó, tất cả các hộ gia đình có đối tượng F2 đang cách ly tại nhà sẽ bị khóa cổng, bàn giao chìa khóa cho chủ tịch xã và trưởng thôn. Các trường hợp F2 được kiểm tra sức khỏe, đo thân nhiệt hằng ngày. Hội Liên hiệp Phụ nữ xã và trưởng các thôn có trách nhiệm cung cấp lương thực, nhu yếu phẩm cho các hộ gia đình đang cách ly.

Về vấn đề các sự cố như thiên tai, cháy nổ có thể xảy ra cho người dân khi thực hiện khóa cổng, ôn Vui cho biết: “Chúng tôi đã tuyên truyền việc cháy nổ rồi. Ở đây là dân quê thì vườn tược rộng thoải mái hơn. Chúng tôi chỉ khóa cổng chứ không khóa cửa nhà\”.

Chỉ khóa cổng chứ không khóa cửa? Nghĩa là sao? Giãn cách, cách ly hay là nhốt tù? Rõ ràng, ở đây, chính quyền xã đã cho phép họ cái quyền khóa trái, nhốt người dân trong chính căn nhà của họ, đây là vấn đề tối kị trong quyền tự do của con người. Chính quyền có quyền yêu cầu, thậm chí răn đe và dùng biện pháp thắt chặt an ninh ở các đầu hẻm để trình tình trạng người dân ra đường giao du gây nhiễm (ở đây là F2, chưa chắc đã bị nhiễm mà lo chuyện gây nhiễm!) chứ không được phép khóa cổng của dân. Bởi hành vi khóa cổng rồi giao chìa khóa cho trưởng thôn và chủ tịch xã giữ sẽ dẫn đến những hậu quả khó lường nếu có sự cố cháy, nổ hoặc cần cấp cứu… Và còn nhiều thứ biến cố khác khó lường trước.

Nhưng trên hết, cho dù người dân có đồng ý khóa cổng thì chính quyền cũng phải biết giới hạn quyền lực của mình ở đâu. Đằng này, lãnh đạo địa phương còn chống chế rằng “chúng tôi không có khóa cửa nhà”. Điều đó chỉ chứng tỏ nhận thức về chống dịch và pháp luật của cán bộ địa phương quá kém, không thể nói gì hơn. Và hơn nữa, dường như các chỉ thị, chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ vẫn có gì đó lòng vòng đối với họ nên mới xảy ra chuyện kỳ quái trên.

Trong khi đó, ở phiên họp gần đây nhất, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã “Phân tích diễn biến dịch bệnh trên thế giới, ngay cả các nước có điều kiện, tiềm lực kinh tế lớn vẫn bị động và quá tải về hệ thống y tếThủ tướng nhấn mạnh, phải xác định tính chất phức tạp, khốc liệt, khó lường, khó dự báo của dịch bệnh, phải xác định cuộc chiến này còn lâu dài, phải thích ứng và có cách làm phù hợp...\”

Chủ trì cuộc họp với Ban chỉ đạo phòng chống COVID-19 với 1.060 xã, phường, thị trấn tại 20 địa phương sáng 29/8, Thủ tướng Phạm Minh Chính – Trưởng Ban chỉ đạo quốc gia phòng chống dịch COVID-19 – đã nghe báo cáo, đồng thời nhấn mạnh thêm một số nội dung các địa phương cần lưu ý khi triển khai thực hiện các biện pháp tăng cường giãn cách. 

Trên cả nước hiện có 23 tỉnh, thành phố đang thực hiện giãn cách theo Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ, nhưng TPHCM, Đồng Nai, Bình Dương không tham dự cuộc họp do các đoàn công tác của Ban chỉ đạo quốc gia vừa trực tiếp kiểm tra, làm việc tại các địa phương này từ 26-27/8.

Tại cuộc họp, Thủ tướng liên tục đặt các câu hỏi để làm rõ nhiều vấn đề, yêu cầu các đại biểu cần nói thẳng, nói thật trên cơ sở theo dõi sát tình hình, báo cáo kịp thời, nhất là về những nơi, những việc chưa làm tốt. Mục đích là để lãnh đạo nắm tình hình thực tế, có chỉ đạo phù hợp, kịp thời, hiệu quả.

\”Chúng ta đặt mục tiêu kiềm chế, kiểm soát dịch bệnh, song cũng xác định cuộc chiến này còn lâu dài, phải sống chung lâu dài với dịch bệnh, không thể khống chế tuyệt đối, phải thích ứng và có cách làm phù hợp; phòng là cơ bản, chiến lược lâu dài, chống là quan trọng, thường xuyên\”

Có một câu hỏi: Liệu mọi chính sách chống dịch là vì dân hay vì một thứ gì khác? Và kết cục của việc chống dịch này là sao?

Bởi nếu vì dân, thì ngay từ đầu, các vấn đề về dân sinh phải được quan tâm đúng mức, không để tình trạng bí bách, đói khó và trốn chạy vùng dịch như trốn chạy chiến tranh diễn ra khắp mọi nơi. Nếu vì dân (mà cho đến bây giờ, nếu thống kê nghiêm túc, người ta sẽ khó để trả lời rằng có bao nhiêu người chết COVID-19 bởi do tác động của đói khát, thiếu hụt dinh dưỡng, hoảng loạn dẫn đến mất sức sống). Và người ta cũng không thể nói được là có bao nhiêu người đã chết nơi gầm cầu, chết vì bị ghẻ lạnh giữa cộng đồng, chết vì một thứ gì đó chẳng liên quan đến dịch!

Đó là một kết cục buồn, bởi rồi cuối cùng, người ta cũng phải chấp nhận sống chung với dịch. Nhưng trước khi sống chung với dịch, nhân dân phải trải qua hoang mang, đói khổ, khủng bố tinh thần, mệt mỏi, tuyệt vọng, ngửa cổ kêu gào từng bữa ăn, than trời không thấu, chạy thục mạng tìm nơi an toàn, bị rào trước chặn sau, bị khóa trái cửa, bị đập cửa xông vào nhà bắt đi cách ly… Không có hành xử thú vật nào là người dân không nếm trải! Để rồi, sống chung với dịch!

* Bài viết không thể hiện quan điểm của Đài Á Châu Tự Do.

Bài Liên Quan

Leave a Comment