Thủ đoạn xâm lược mới của Bắc Kinh ở Biển Đông
Chỉ vài ngày sau chuyến công du Đông Nam Á của Phó Tổng thống Hoa Kỳ Kamala Harris – mà trọng tâm là vận động hai nước Singapore và Việt Nam hợp tác chống lại sự cưỡng bức của Trung Quốc trên Biển Đông – chính quyền cộng sản Bắc Kinh đã tung ra các thủ đoạn mới, vừa đe nẹt các nước nhỏ trong khu vực, vừa thách thức trật tự quốc tế dựa trên luật lệ mà Hoa Kỳ cổ xúy.
Hôm Thứ Sáu 27 Tháng Tám, chính phủ Trung Quốc công bố các quy định mới về khai báo đối với các tàu thuyền đi vào vùng biển mà nước này tuyên bố chủ quyền, bao trùm phần lớn diện tích Biển Đông, eo biển Đài Loan và Biển Hoa Đông – nơi Trung Quốc tranh chấp với nhiều quốc gia khác. Quy định mới này là một phần trong cái gọi là Luật An toàn giao thông hàng hải của Trung Quốc có hiệu lực từ ngày 1 Tháng Chín 2021, bất chấp sự phản đối của quốc tế do nó đi ngược với Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển 1982 (UNCLOS) mà Trung Quốc đã ký kết.
Quy định quái đản của Bắc Kinh
Quy định mới bắt buộc mọi tàu thuyền treo cờ nước ngoài phải khai báo với nhà chức trách Trung Quốc khi đi vào vùng biển thuộc lãnh hải Trung Quốc”.
Đài Truyền hình trung ương Trung Quốc (CCTV) trích quy định cho biết năm loại tàu phải khai báo gồm: (i) tàu ngầm; (ii) tàu chạy bằng năng lượng hạt nhân; (iii) tàu chở vật liệu phóng xạ; (iv) tàu chở chất độc hại như dầu hỏa, hóa chất hoặc khí hóa lỏng và (v) các tàu khác ‘có thể gây nguy hiểm cho an toàn giao thông hàng hải Trung Quốc’… Các tàu phải khai báo danh tính, số IMO [số định danh của Tổ chức Hàng hải Quốc tế], vị trí tàu, địa điểm và ngày giờ khởi hành, địa điểm sắp đến tiếp theo và ngày giờ dự kiến đến, số điện thoại vệ tinh, tên hàng hóa nguy hiểm và số lượng cụ thể. Sau khi đi vào “vùng lãnh hải Trung Quốc”, nếu hệ thống nhận diện tự động (AIS) trên tàu hoạt động tốt thì không cần khai báo. Với tàu không có AIS hoặc AIS bị hư, thủy thủ đoàn phải báo cáo danh tính, vị trí vào thời điểm báo cáo và tốc độ di chuyển mỗi hai tiếng đồng hồ cho nhà chức trách Trung Quốc.”
Thời báo Hoàn Cầu của Trung Quốc đe dọa: “Cục An toàn hàng hải Trung Quốc cảnh báo các trường hợp không tuân thủ sẽ ‘bị xử lý theo quy định của pháp luật’ và ‘nếu tàu bất tuân là tàu quân sự thì đây sẽ là một hành động ‘khiêu khích’ và sẽ bị quân đội Trung Quốc ‘xua đuổi hoặc trừng phạt’”.
Hồi Tháng Giêng năm nay, Trung Quốc đã ban hành Luật Hải cảnh mới, có hiệu lực từ ngày 1 Tháng Hai vừa qua, cho phép cảnh sát biển của nước này sử dụng vũ khí tấn công tàu bè nước ngoài xâm phạm “vùng lãnh hải” của nước này ở Biển Đông và Biển Hoa Đông.
Kết hợp lại, Luật Hải cảnh và Luật An toàn giao thông hàng hải của Trung Quốc cho thấy Bắc Kinh quyết sử dụng vũ lực để áp đặt yêu sách chủ quyền, hay là “vùng lãnh hải Trung Quốc”, lên các vùng biển quốc tế, trùm lên vùng đặc quyền kinh tế (Exclusive Economic Zone, EEZ) của các quốc gia láng giềng ven biển Đông.
Thách thức luật quốc tế
Cả Luật Hải cảnh và Luật An toàn giao thông hàng hải của Trung Quốc đều áp dụng trong “vùng lãnh hải Trung Quốc” – một khái niệm mà Bắc Kinh giải thích trái ngược với Công ước UNCLOS 1982, để bao trùm lên toàn bộ Biển Đông trong phạm vi đường lưỡi bò chín đoạn (nine dashed line) mà Bắc Kinh tùy tiện vẽ ra. (ảnh minh họa 1)
UNCLOS quy định một quốc gia ven biển có một “lãnh hải” (territorial waters) rộng 12 hải lý (22km) tính từ đường cơ sở đất liền (baseline), ngoài “lãnh hải” là “vùng tiếp giáp” (contiguous zone) cũng rộng 12 hải lý; và vùng đặc quyền kinh tế” (EEZ) rộng 200 hải lý tính từ đường cơ sở – là nơi quốc gia ven biển có độc quyền khai thác các tài nguyên hải sản và khoáng sản. Bên ngoài vùng lãnh hải 12 hải lý là vùng biển quốc tế (international waters), tàu thuyền, kể cả chiến hạm, của tất cả các nước khác được tự do qua lại mà không phải thông báo hoặc xin phép quốc gia ven biển. (ảnh minh họa 2)
Theo điều 2 của Luật lãnh hải và vùng tiếp giáp năm 1992 của Trung Quốc, “vùng lãnh hải” được định nghĩa là “vùng nước tiếp giáp với lãnh thổ Trung Quốc” mà lãnh thổ Trung Quốc bao gồm “đất liền và các đảo ngoài khơi xa, Đài Loan và các quần đảo Điếu Ngư, Bành Hồ, Đông Sa, Tây Sa (Việt Nam gọi là Hoàng Sa), Nam Sa (Trường Sa)”. Cách giải thích tùy tiện và vô lý này của Trung Quốc về “vùng lãnh hải” hoàn toàn trái ngược với Công ước UNCLOS vừa trình bày trên.
Theo công pháp quốc tế, nếu một đạo luật của một quốc gia nào đó trái ngược với các hiệp định quốc tế mà quốc gia đó đã ký kết thì luật quốc tế phải được tôn trọng hơn, luật quốc tế có khả năng phủ quyết luật nội địa. Trong trường hợp này, Bắc Kinh đã dùng luật nội địa để phủ định luật quốc tế – một hành vi vừa coi thường công pháp quốc tế vừa tạo ra một tiền lệ nguy hiểm cho cộng đồng thế giới.
Quan điểm pháp lý đó của Trung Quốc đã bị tòa án quốc tế bác bỏ. Phán quyết của Tòa Trọng tài Thường trực (Permanent Court of Arbitration, PCA) thuộc UNCLOS đặt tại The Hague, Hòa Lan, ban hành ngày 14 Tháng Bảy 2016 quyết định các đòi hỏi chủ quyền của Trung Quốc tại Biển Đông là “bất hợp pháp”, yêu cầu Trung Quốc phải tôn trọng các quy định của UNCLOS trong vấn đề Biển Đông.
Xâm chiếm và đe dọa
Tuy nhiên, âm mưu độc chiếm Biển Đông, biến Biển Đông thành ao nhà của Trung Quốc đã có từ rất lâu, và Bắc Kinh đã kiên trì thực hiện mưu đồ đó bằng những thủ đoạn xâm chiếm dần dần theo kiểu gặm từng miếng nhỏ: Chiếm phần phía Đông quần đảo Hoàng Sa năm 1956 trong lúc chuyển giao quyền lực giữa Pháp và Việt Nam Cộng Hòa; chiếm phần phía Tây Hoàng Sa trong trận hải chiến Tháng Giêng 1974 sau khi quân đội Hoa Kỳ rút khỏi miền Nam; chiếm một số đá ngầm ở quần đảo Trường Sa năm 1988, bồi đắp thành các hòn đảo nhân tạo và xây dựng căn cứ quân sự; thành lập các đơn vị hành chính mới để “quản lý và tăng cường kiểm soát các vùng biển mà nước này tuyên bố chủ quyền”.
Sau khi lập được các căn cứ quân sự trang bị đầy đủ ở Hoàng Sa và Trường Sa, cùng với việc hiện đại hóa hải quân và mở rộng lực lượng cảnh sát biển (hải cảnh) Trung Quốc bắt đầu đẩy mạnh các thủ đoạn lấn chiếm, đe dọa và cưỡng ép, đưa tàu thăm dò và giàn khoan dầu khí vào các vùng đặc quyền kinh tế, truy đuổi và đâm chìm tàu đánh cá của ngư dân các nước láng giềng, càng ngày càng hung hăng và tàn nhẫn. Các nước Việt Nam, Philippines, Malaysia và cả Indonesia lần lượt trở thành nạn nhân của chiến lược bành trướng lãnh thổ của Trung Quốc trên Biển Đông. Ngoại trừ Philippines – quốc gia có hiệp định phòng thủ chung với Hoa Kỳ – là nước duy nhất kiện Trung Quốc ra tòa án quốc tế, các nạn nhân còn lại hầu như không có biện pháp nào hiệu quả để phản kháng hoặc ngăn chặn hành vi lấn chiếm của Trung Quốc ngoài những lời phản đối chiếu lệ.
Ngay sau khi Phó Tổng thống Hoa Kỳ Kamala Harris rời Việt Nam hôm 26 Tháng Tám, Trung Quốc đã nhanh nhảu cử tàu thăm dò đáy biển Hải Dương Địa Chất 10 (Haiyang Dizhi 10) đi vào vùng EEZ Việt Nam tại khu vực Bãi Tư Chính (Vanguard Bank) phía Nam đảo Côn Sơn – có khả năng khởi đầu cho một cuộc xung đột mới. Cùng thời điểm này, tàu Hải Dương Địa Chất 8 của Trung Quốc cũng xâm nhập vùng đặc quyền kinh tế của Philippines, chỉ cách bờ biển đảo Palawan khoảng 54 hải lý, với mục đích tương tự, buộc Hải quân Philippines phải cử chiến hạm ra theo dõi và truy đuổi. Âm mưu và thủ đoạn của Trung Quốc đe dọa, cưỡng bức các nước nhỏ để độc chiếm Biển Đông và nguồn tài nguyên dưới lòng biển diễn ra rất đa dạng, độc địa và hầu như chưa bao giờ ngừng lại.
Bây giờ các quy định mới của Trung Quốc về khai báo, về luật hải cảnh, cộng đồng quốc tế – và các nước nạn nhân ở Đông Nam Á – phải đối diện với một thực tế mới: Nếu tuân thủ yêu cầu khai báo thì mặc nhiên công nhận đòi hỏi chủ quyền của Trung Quốc trên phần lớn Biển Đông; còn ngược lại, nếu không chấp nhận yêu cầu khai báo của Trung Quốc mà hành xử theo luật hàng hải quốc tế thì nguy cơ xung đột với lực lượng hải cảnh Trung Quốc là hoàn toàn có thể. Lời khai báo của các tàu thuyền trên Biển Đông cũng có thể được Bắc Kinh sử dụng làm bằng chứng cho chủ quyền của họ; còn chống đối bằng vũ lực không phải là lựa chọn đúng cho các tàu thuyền dân sự vốn không được trang bị để chiến đấu.
Nguy cơ xung đột tăng cao
Theo một số nhà quan sát, quy định mới của Trung Quốc còn nhắm tới các tàu quân sự mà Bắc Kinh gọi là “các tàu có thể gây nguy hiểm cho an toàn giao thông hàng hải” – một quy định rất mơ hồ, có thể diễn giải kiểu gì cũng được. Thời báo Hoàn Cầu ám chỉ điều này là nhắm tới các tàu quân sự nước ngoài, cụ thể là các hạm đội Mỹ. Trong các chiến dịch bảo đảm tự do hải hành (FONOPs) ở Biển Đông, Hải quân Mỹ luôn luôn nhấn mạnh “Hoa Kỳ sẽ tiếp tục bay qua, đi thuyền qua và hoạt động ở bất cứ nơi nào luật quốc tế cho phép”. Nếu Trung Quốc liều lĩnh cản trở hoạt động của các chiến hạm Mỹ tại Biển Đông, eo biển Đài Loan hoặc vùng biển Hoa Đông gần đảo Senkaku của Nhật Bản thì chiến tranh là khó tránh khỏi và hậu quả sẽ vô cùng thảm khốc không chỉ cho Trung Quốc, Hoa Kỳ mà cả khu vực và thế giới. Cho dù giữa Trung Quốc và Hoa Kỳ không nổ ra chiến tranh thì căng thẳng leo thang là điều chắc chắn.
Nhưng có nhiều khả năng khi áp đặt luật mới, Trung Quốc chỉ nhắm đe dọa và cưỡng bức tàu thuyền dân sự và tàu thuyền của các nước nhỏ mà có thể không dám đụng đến Hải quân Hoa Kỳ. Chỉ cần các tàu dân sự chấp hành việc khai báo khi đi vào Biển Đông là Trung Quốc đã có bằng chứng chứng minh cho quyền kiểm soát thực tế của họ trên tuyến giao thông hàng hải quan trọng nhất thế giới. Cách tính toán như vậy cho thấy sự thâm độc trong các hành vi của Bắc Kinh.
Hoa Kỳ và cộng đồng quốc tế phải làm gì?
Cộng đồng quốc tế và các nước châu Á, kể cả Nhật Bản và Nam Hàn, sẽ phản ứng như thế nào? Đã có những tiếng nói trong giới lập pháp và quân đội Mỹ yêu cầu chính quyền Biden bác bỏ các quy định của Trung Quốc và ban hành các chỉ dẫn cho tất cả tàu thuyền treo cờ Mỹ “phớt lờ” các quy định đó. “Hoa Kỳ cần nói rõ rằng, tất cả tàu thuyền của Mỹ, dù dân sự hay quân sự, đều sẽ tiếp tục đi lại tự do trên vùng biển quốc tế. Mọi thế lực cố ngăn cản những hoạt động hợp pháp đó đều sẽ bị Hoa Kỳ trả đũa đích đáng,” báo The Washington Examiner bình luận hôm 31 Tháng Tám.
Trong chuyến thăm Đông Nam Á vừa qua, Phó Tổng thống Kamala Harris đã nhiều lần tố cáo mạnh mẽ mưu đồ của Trung Quốc. Ở Singapore, trong cuộc họp báo chung với Thủ tướng Lý Hiển Long (Lee Hsien Loong) bà Harris nhấn mạnh: “Chúng ta biết Bắc Kinh tiếp tục cưỡng ép, đe dọa và đòi chủ quyền một khu vực rộng lớn ở Biển Đông. Hành động của Bắc Kinh tiếp tục phá hủy cái trật tự quốc tế dựa trên luật lệ và đe dọa chủ quyền của các quốc gia”. Trên chiến hạm USS Tulsa đậu ở quân cảng Changi của Singapore, bà Harris nói với binh sĩ Mỹ: “Lợi ích thiết yếu của chúng ta là đoàn kết với các đồng minh và đối tác ở Đông Nam Á để bảo vệ khu vực Ấn Độ-Thái Bình Dương tự do và rộng mở”. Trong cuộc hội đàm với nhà lãnh đạo cộng sản Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc tại Hà Nội, Phó Tổng thống Harris tiếp tục kêu gọi: “Chúng ta cần tìm cách gây áp lực, tăng sức ép… buộc Bắc Kinh tuân thủ Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển, và thách thức các hành vi bắt nạt và yêu sách hàng hải quá mức của họ”.
Quan điểm của Hoa Kỳ về Biển Đông đã rất rõ ràng. Công ước UNCLOS là nền tảng của trật tự hàng hải ở Biển Đông. Vấn đề bây giờ là Washington nên tận dụng lúc các nước Đông Nam Á và thế giới đang tức giận và lo âu trước các hành động hung hăng nhằm độc chiếm Biển Đông của Trung Quốc để hình thành một liên minh quốc tế để đương đầu với Bắc Kinh và buộc Trung Quốc phải trả giá đắt cho sự liều lĩnh thách thức luật pháp và trật tự quốc tế. Chiến hạm của Anh, Đức, Pháp, Úc, Nhật và Ấn Độ đều đã và đang hiện diện ở Biển Đông và Tây Thái Bình Dương – đây có thể là thời điểm phù hợp để hình thành một liên minh quốc tế như vậy. Các nước nhỏ trong khu vực như Việt Nam, tuy không phải là đối thủ, thậm chí không nhiệt tình chống lại Trung Quốc do sự phụ thuộc về kinh tế và chính trị, cũng nên nắm lấy cơ hội để thể hiện sự ủng hộ luật pháp quốc tế, phản bác quan niệm “lẽ phải thuộc về kẻ mạnh” của đảng Cộng sản Trung Quốc.
Nguồn Tin nóng