Afghanistan và Đông Á, Great Game nằm ở đâu?
- Joaquin Nguyễn Hòa
- Viết từ San Jose, California
4 giờ trước
Ngày 31/8/2021 người lính Mỹ cuối cùng rời sân bay Kabul, chấm dứt 20 năm can thiệp của nước Mỹ vào Afghanistan.
Cũng ngày này, 104 năm trước, 31/8/1907, tại St Petersburg, nước Nga, hai đế quốc Anh và Nga ký một hiệp ước chấm dứt cái gọi là Trò chơi vĩ đại (Great Game), một cuộc tranh chấp kéo dài gần một thế kỷ giữa Nga và Anh, tranh giành ảnh hưởng tại Afghanistan.
Great Game bắt đầu từ thế kỷ 19
Great Game (người Pháp gọi là Grand Jeu) có nghĩa là một trò chơi có nhiều rủi ro, nhưng nếu thắng thì cũng nhiều lợi lộc. Khái niệm này xuất hiện ở châu Âu từ lâu, có khi liên quan đến giới cờ bạc, nhưng lần đầu tiên áp dụng như là một thuật ngữ địa chính trị là do viên đại úy Arthur Conolly (1807-1842) của quân đội Anh, được phái đến Afghanistan như là cố vấn chính trị. Ông Conolly đưa ra vào năm 1830 và sau đó từ này được tác giả người Anh Rudyard Kipling thi vị hóa nó lên trong các tiểu thuyết về thời thuộc địa của ông.
Khi người Anh bình định được Ấn Độ vào đầu thế kỷ 19, thì đế quốc Nga hoàng cũng tràn xuống vùng Trung Á chinh phục, lôi kéo các hãn quốc (khanat) Hồi giáo ở đây. Lo ngại trước ảnh hưởng của người Nga, nhất là đối với thuộc địa Ấn Độ (lúc ấy còn bao gồm cả Pakistan ngày nay) đế quốc Anh chủ trương phải biến Afghanistan, và cả vùng Trung Á gần đó như Ba Tư, Tây Tạng, nằm dưới sự ảnh hưởng của mình, hay ít nhất trở thành vùng trái độn (buffer zone) trung lập.
Trước hiệp ước Anh Nga 1907, quân đội Anh đã thực hiện 2 cuộc viễn chinh vào Afghanistan trong Trò chơi lớn này, 1838-1842, 1878-1880 và đều thất bại với nhiều tổn thất. Sau hiệp ước và sau cuộc cách mạng Nga dẫn đến nội chiến sau đó vào năm 1917, Anh lại đưa quân vào Afghanistan vào năm 1919. Sau cuộc viễn chinh thứ ba này Anh mất quyền tài phán về ngoại giao đối với Afghanistan.
Trò chơi lớn đã vẽ ra biên giới Afghanistan một cách nhân tạo, giống như biên giới ở châu Phi thời thuộc địa. Đường biên phía Bắc được một ủy ban hỗn hợp Anh-Nga vạch ra vào năm 1901, chia vùng ảnh hưởn của họ.
Các tộc người Tajik, Uzbek sống ở cả hai bên đường biên giới, và vai trò chính trị của họ còn dư âm đến nay. Cố lãnh đạo Liên minh phương Bắc (Northern Alliance), vị tướng nổi tiếng Ahmad Shah Massoud chống cả Liên Xô lẫn Taliban ở Afghanistan là người Tajik giống như đồng bào ông ở nước Tajikistan từng thuộc Liên Xô. Con trai ông, Ahmad Massoud (sinh năm 1989, tốt nghiệp King\’s College và Học viện quân sự Sandhurst ở Anh), hiện đang là thủ lĩnh duy nhất có lực lượng vũ trang chống lại Taliban sau khi Hoa Kỳ và Nato rút đi.
Đường biên giới phía Nam giữa Afghanistan và thuộc địa Ấn Độ được người Anh và một nhà cai trị Afghanistan vạch ra vào năm 1893, cắt đôi một vùng rộng lớn của cư dân sắc tộc Pashto. Kết quả là tộc Pashto vừa là cư dân đa số ở Afghanistan, và cũng là sắc tộc có hàng chục triệu người, đứng thứ hai ở Pakistan hiện nay. Tộc Pashto là nơi xuất thân của đa số chiến binh Taliban và cũng là đồng bào của bà Benazir Butto, cựu thủ tướng Pakistan. Các lãnh đạo Afghanistan gần đây: Hamid Karzai, Ashraf Ghani; lãnh tụ Taliban Abdul Ghani Baradar và nhà đàm phán Mỹ thời Trump, Zalmay Khalilzad (người đại diện Hoa Kỳ ký thỏa thuận Doha), đều thuộc cùng nhóm sắc tộc Pashto.
Great Game thời Chiến tranh Lạnh
Great Game có vẻ như trở lại Afghanistan khi quân đội Soviet tràn vào đất nước này để hậu thuẫn chính quyền cộng sản ở đây vào năm 1979.
100 ngàn quân Soviet gặp sự chống cự mãnh liệt của các bộ tộc, các nhóm cư dân thành thị theo Hồi giáo, được sự hậu thuẫn của Hoa Kỳ và Pakistan. Những người này được gọi là những chiến binh thánh chiến mujahideen. Sau 10 năm chiến tranh đầy tốn kém, quân đội Soviet rút ra khỏi Afghanistan vào năm 1989, hai năm sau thì đế chế Soviet sụp đổ.
Nếu như Great Game Anh Nga hồi thế kỷ 19 là cuộc cạnh tranh thế lực giữa hai đế quốc, thì Great Game thời Liên Xô – Hoa Kỳ vào thế kỷ 20 lại mang thêm màu sắc ý thức hệ của cuộc Chiến tranh Lạnh, và nằm trong một khung cảnh toàn cầu rộng lớn hơn rất nhiều.
Tháng 1/1979 quân đội Việt Nam với sự hỗ trợ của Liên Xô, và dùng không ít vũ khí VNCH để lại ở miền Nam đã vào truất phế Khmer Đỏ tại Campuchia. Tháng 2/1979 quân Giải phóng Nhân dân Trung Hoa tấn công sau lưng \”người anh em\” Việt Nam cộng sản. Tháng 12/1979 quân đội Liên Xô bắt đầu cuộc chiến Afghanistan. Người Việt nào có mặt ở Việt Nam trong những năm 1980 hẳn phải nhớ bài hát rất đậm tính tuyên truyền tình hữu nghị cộng sản: \”Afghanistan chúng tôi đứng bên bạn.\”
Quân đội Liên Xô rút khỏi Afghanistan năm 1989, quân đội Việt Nam cũng rút khỏi Campuchia cùng năm ấy.
Great Game trong Thế kỷ 21 đi tới đâu?
Cuộc chiến 20 năm của nước Mỹ tại Afghanistan bắt đầu bằng việc phe Taliban tại Afghanistan dung dưỡng tổ chức Al-Queda thực hiện cuộc khủng bố 11/9/2001 vào tòa tháp đôi tại New York.
Trong 20 năm đó nước Nga trở lại, tuy không đến mức như đế chế Liên Xô trước kia, nhưng cũng bắt đầu mạnh bạo hơn trên trường quốc tế, như là hậu thuẫn chế độ Assad ở Syria, sát nhập bán đảo Crimea, ủng hộ nhóm ly khai thân Nga ở Ukraine. Nhưng yếu tố quan trọng nhất là sự trỗi dậy của Trung Quốc, thách thức quyền lực của Hoa Kỳ về đủ phương diện, trên phạm vi toàn cầu, và trước mắt là châu Á Thái Bình Dương. Rõ ràng nhất của tham vọng Trung Hoa chính là đại dự án Vành đai & Con đường, phục hồi con đường tơ lụa trên bộ xuyên Trung Á sang Nam Âu, và bành trướng về phía Nam trên đường biển để tiến sang Ấn Độ Dương, tới tận Đông Phi.
Nhiều tay chơi mới nổi lên như Pakistan, Thổ Nhĩ Kỳ, và cả những hệ phái Hồi giáo với mức độ cực đoan khác nhau, đặt ra các thách thức khu vực cho mọi cường quốc. Con đường Tơ lụa của Bắc Kinh phải chinh phục tất cả những tay chơi này.
Thế nhưng ta thấy ảnh hưởng của Bắc Kinh đối với Đông Nam Á sẽ dễ dàng hơn vì các nước ở đây nhỏ yếu, ít nhiều cùng văn hóa với Trung Quốc so với vùng Nam Á, và quan hệ kinh tế đã rất sâu rộng với Trung Quốc.
Great Game có lẽ không còn ở Afghanistan và Trung Á nữa mà nó chuyển về châu Á Thái Bình Dương. Quan sát hành động của Hoa Kỳ trong 10 năm qua có thể thấy rõ điều này. Vào những năm cuối của chính quyền Obama, Mỹ quyết định chuyển trục (pivot) sang châu Á, tổ chức những cuộc tuần tra trên biển Đông. Thời tổng thống Trump, mặt dù Mỹ rút khỏi Hiệp ước Đối tác xuyên Thái Bình Dương, nhằm bao vây Trung Quốc, nhưng vẫn duy trì các cuộc tuần tra biển Đông và phục hoạt khái niệm địa chính trị Ấn Độ-Thái Bình Dương với bốn cường quốc chủ chốt là Mỹ, Ấn Độ, Nhật Bản và Úc. Chỉ trong vài năm mà có đến hai lần hàng không mẫu hạm Hoa Kỳ ghé cảng Đà Nẵng của Việt Nam.
Tháng 8/2021, cùng một lúc với cuộc rút quân gây nhiều chỉ trích của Mỹ tại Afghanistan là chuyến thăm Singapore và Việt Nam của phó tổng thống Kamala Harris. Chuyến thăm này diễn ra chỉ vài ngày sau khi tướng Lloyd Austin đứng đầu Ngũ Giác Đài thăm Hà Nội, và chỉ vài tháng sau khi ông Anthony Blinken, ngoại trưởng, cùng ông Lloyd Austin thăm Nhật Bản và Hàn Quốc.
Xâu chuỗi các sự kiện trong vài tháng của chính quyền Biden, người ta thấy rõ một trục địa chính trị kéo dài nằm phía Đông Trung Quốc, Tokyo-Seoul-Hà Nội-Singapore, không kể Đài Bắc vẫn là điểm chiến lược không công khai với việc tiếp tục những hợp đồng vũ khí trị giá hàng tỷ Mỹ kim.
Theo tôi, điều thú vị có lẽ là trên bức tường phía Đông đó, Tokyo-Seoul-Đài Bắc-Hà Nội-Singapore, thì điểm xung yếu nhất đối với người Mỹ là nơi họ chưa hoàn toàn chinh phục, vì những vấn vương của ý thức hệ: Hà Nội.
Cuộc chơi Toàn cầu Lớn vì thế sẽ còn nhiều diễn biến đáng quan tâm những năm tới.
Bài thể hiện quan điểm riêng của ông Joaquin Hoà Nguyễn, hiện sống tại San Jose, California, Hoa Kỳ