The Great Dictator: Hitler trong mắt vua hài Chaplin

The Great Dictator: Hitler trong mắt vua hài Chaplin

  • Nicholas Barber
  • BBC Culture

22 tháng 8 2021

\"Getty

Không ngạc nhiên gì khi phim The Great Dictator của danh hài Charlie Chaplin bị cấm chiếu ở Đức và ở tất cả các quốc gia bị Đức chiếm đóng vào năm 1940.

Đương nhiên, một bộ phim chế giễu Adolf Hitler sẽ không bao giờ là lựa chọn số một của mật vụ Đức Quốc xã cho chương trình giải trí tối thứ Sáu.

Điều đáng ngạc nhiên hơn nữa từ góc nhìn của thời nay, đó là danh hài Chaplin đã được cảnh báo trước rằng bộ phim có thể sẽ không được công chiếu ở cả Anh và Mỹ.

Hoà ước Anh – Đức còn tiếp tục duy trì hiệu lực đến tháng 3/1939, và Hoa Kỳ cho tới tận tháng 12/1941 mới chính thức tham chiến Thế Chiến II, một năm sau khi The Great Dictator được công chiếu.

Vậy nên khi Chaplin còn đang viết kịch bản và quay phim – bộ phim có lời thoại đầu tiên của ông – các đồng nghiệp tại xưởng phim mà ông đồng sở hữu đã sợ rằng sẽ không có chính phủ nào dám cho phép chiếu bộ phim này.

\”Tôi bắt đầu nhận được các tin nhắn cảnh báo từ hãng phim United Artists,\” ông viết trong cuốn tự truyện. \”Họ đã được nhắc nhở rằng… tôi có thể sẽ gặp rắc rối ở khâu kiểm duyệt. Cả văn phòng ở Anh cũng rất quan ngại về một hình ảnh bài Hitler và hoang mang không chắc liệu bộ phim có được công chiếu ở Anh hay không. Có rất nhiều bức thư tỏ ý lo lắng từ văn phòng ở New York tha thiết đề nghị tôi đừng làm phim này, và khẳng định rằng nó sẽ không bao giờ được công chiếu ở Anh hay Mỹ.\”

Nhưng không bởi thế mà Chaplin nản lòng. Ông biết rằng The Great Dictator là một tác phẩm đáng làm.

Và đúng như ông dự đoán, nó đã trở thành một bộ phim bom tấn: mang về doanh thu phòng vé cao thứ 2 ở Mỹ vào năm 1941.

Vào dịp kỷ niệm 80 năm ngày công chiếu bộ phim, sự tiên tri chuẩn xác của Chaplin càng khiến người ta kinh ngạc hơn.

The Great Dictator là một kiệt tác điện ảnh. Nó không chỉ là một bộ phim hài tuyệt đỉnh, một vở kịch nghệ chấn động thế giới, mà còn là một tấm gương phản chiếu vô cùng chính xác về tâm lý của Hitler.

\”Ông ấy quả là một người có tầm nhìn,\” Costa-Gavras, một gương mặt lão luyện trong mảng phim ảnh chính trị, người Pháp gốc Hy Lạp, nhận xét trong một bộ phim tài liệu. \”Chaplin nhìn thấy được tương lai trong khi các nhà lãnh đạo thế giới thì không, vẫn cứ đi theo phe Hitler.\”

\"Getty
Chụp lại hình ảnh,Công chiếu vào năm 1940, The Great Dictator được ca ngợi vì khả năng tiên đoán chính xác

Thậm chí đáng nói hơn nữa, đó là danh hài Chaplin không chỉ lột tả chính xác hình tượng Hitler mà còn cả các nhà độc tài nối gót theo ông ta.

\”Bộ phim đã gây được tiếng vang lớn vào thời điểm đó, và nó vẫn sẽ tiếp tục bùng nổ về sau,\” Simon Louvish, tác giả cuốn \’Chaplin: The Tramp\’s Odyssey\’, nói.

Nếu muốn xem một tấm gương phản chiếu những kẻ chuyên chế của Thế kỷ 21, bạn sẽ tìm thấy điều đó trong bộ phim đã được công chiếu từ 80 năm trước.

Thông điệp nghiêm túc

Chaplin đã ghê tởm Đức Quốc xã từ rất lâu rồi, trước khi ông cho ra mắt The Great Dictator. Và ông cũng đã bị Đức Quốc xã ghét từ lâu.

Trong một bộ phim tuyên truyền, Đức Quốc xã lên án ông là một trong \”những kẻ Do Thái ngoại lai tới nước Đức\” – mà không quan tâm tới việc ông không phải là người Do Thái. Trong khi đó, truyền thông Hoa Kỳ gọi ông là \”Moses của Thế kỷ 20\” vì ông đã hỗ trợ tài chính giúp hàng ngàn người tị nạn Do Thái chạy trốn.

Khi bắt đầu làm bộ phim, lúc ban đầu có tựa đề \”The Dictator\”, Chaplin như \”một người đang thực thi sứ mệnh cao cả\”, Louvish nói.

\”Một số nghệ sĩ đương thời với Chaplin, như Laurel và Hardy, chỉ muốn làm các phim hài hước để kiếm tiền. Nhưng Chaplin đã xây dựng rất nghiêm túc những thông điệp mình muốn truyền tải. The Great Dictator không chỉ đơn thuần là một bộ phim. Đây là một lời cảnh tỉnh rất cần kíp cho xã hội vào thời điểm lúc bấy giờ.\”

Tuy nhiên, động lực thực hiện bộ phim của Chaplin còn được thúc đẩy bởi nhiều lý do khác ngoài chủ nghĩa nhân văn.

Chính bản thân ông cũng hiếu kì về mối liên hệ kỳ lạ của mình với Hitler, người sinh cùng một tuần với ông vào tháng 4/1889.

Có một bài hát châm biếm Führer (trong tiếng Đức có nghĩa là Quốc trưởng), do Tommy Handley thu âm vào năm 1939, mang tựa đề là \”Who Is That Man…? (Who looks like Charlie Chaplin)\” (\”Đó là ai..? (Người trông giống Charlie Chaplin)\”).

Bài xã luận trên tạp chí The Spectator, nhân kỷ niệm 50 năm ngày sinh của hai người, đã phân tích sâu sắc về mối liên hệ kỳ lạ giữa họ:

\”Định mệnh thật là trớ trêu khi… Charles Chaplin và Adolf Hitler được đưa đến thế giới này chỉ cách nhau có vỏn vẹn bốn ngày… Số phận đã sắp đặt cho họ ngày sinh và bộ ria mép trứ danh (Hitler là người bắt chước Chaplin để bộ ria đặc biệt), tiết lộ nguồn gốc chung sự tài hoa thiên phú trong mỗi con người họ. Một điều không thể phủ nhận là cả hai đều là những thiên tài. Mỗi người phản ánh một thực tế – thế khó của \”người đàn ông tầm thường\” trong xã hội hiện đại. Mỗi người là một tấm gương biến hình dị dạng, một để dành cho những điều tốt đẹp, và một là để cho ác quỷ chưa từng ai biết đến.\”

\"Getty
Chụp lại hình ảnh,Chaplin đã nhấn mạnh những điểm giống nhau về vẻ bề ngoài của ông với Hitler khi đóng vai bạo chúa Tomainia

Alexander Korda, nhà sản xuất người Anh sinh ra ở Hungary, là người đã gợi ý cho Chaplin rằng nên tận dụng sự tương đồng giữa ông và Hitler.

Thế nhưng rõ ràng là khi các khán giả đã quá quen thuộc với hình tượng gã lang thang trong phim \”Little Tramp\”, nay trong bộ phim mới nếu \”gã lang thang\” đó quay ngoắt 180 độ để mang sắc thái của một kẻ bạo chúa thì thật là quá khó chấp nhận đối với khán giả.

Vì vậy, vua hề tài hoa Chaplin đã quyết định thủ cả hai vai. Ông vừa là Adenoid Hynkel, nhà chuyên chế độc tài của Tomainia, vừa là \’Jewish Barber\’ (\’Anh Thợ cạo người Do Thái\’) vô danh, khiêm tốn, mất trí nhớ.

Trong phần mở đầu của bộ phim có chú thích như sau: \”Bất kỳ sự giống nhau nào giữa nhà độc tài Hynkel và Jewish Barber chỉ hoàn toàn là trùng hợp ngẫu nhiên.\”

Không ngoài dự đoán, sự giống nhau ngẫu nhiên này đã dẫn đến việc hai người đàn ông bị nhầm lẫn với nhau, nhưng phải đến khúc cao trào của bộ phim thì chi tiết này mới đắt giá.

Anh thợ cạo hối hả chạy lên bục thuyết trình nơi mà kẻ giống anh như lột đang chuẩn bị diễn thuyết, và với giọng thật của mình, trong 5 phút liên tục, Chaplin nói về lòng nhân ái và tình huynh đệ, điều mà hoặc là làm lộ diễn biến tiếp theo của phim (dưới góc nhìn phân tích của nhà phê bình văn học Roger Ebert, người từng thắng giải Pulitzer), hoặc sẽ nâng tầm bộ phim: \”Hơn cả máy móc, chúng ta cần tình người! Hơn cả sự khôn ngoan, chúng ta cần sự tử tế, ân cần!\”

Tuy nhiên, trong suốt bộ phim, Chaplin đan xen hai cốt truyện riêng biệt của hai nhân vật khiến người xem chúng ta sẽ không thể nào quên được những nạn nhân trong tội ác diệt chủng của Đức Quốc xã cũng như kẻ đã gây ra cảnh đó.

Ở khu xóm ổ chuột, anh chàng thợ cạo hiền lành nên duyên với cô thợ giặt Hannah, nhân vật do vợ của Chaplin lúc bấy giờ là Paulette Godard thủ vai. (Cảnh quân lính thuộc Lực lượng Bão táp của Đức Quốc xã ném cà chua mà họ vừa cướp từ một cửa hàng rau quả là cảnh miêu tả khiến người ta nổi điên nhất về cảnh bắt nạt hèn hạ nhất có thể tưởng tượng ra.)

Trong khi đó, tại cung điện của mình, Hynkel – tức Gã Ngốc chứ không phải là một Quốc trưởng – đang tính kế xem làm sao để đè bẹp được đối thủ Benzino Napaloni, nhân vật được cho là nhằm ám chỉ Thủ tướng Ý khi đó, Mussolini.

Cả hai tuyến nhân vật đều ghi dấu ấn mạnh mẽ, và chúng khiến cảnh mỉa mai nhất trên màn ảnh lại trở nên mờ nhạt.

Trong tác phẩm điện ảnh To Be or Not to Be của đạo diễn Ernst Lubitsch, ra mắt vào năm 1942, từ \”Jew (Do Thái)\” không bao giờ được nhắc đến.

Chaplin không giữ ý đến thế. Nằm ở trung tâm của những phân cảnh ở xóm ổ chuột là những chữ \”Jew\” được viết in hoa lem nhem trên tất cả các cửa sổ.

Khi đang cố lau sạch các chữ này, anh thợ cạo bị binh lính SA đuổi đi trong những đoạn hình ảnh gợi nhớ cảnh diễn viên Buster Keaton né tránh một rừng cảnh sát trong bộ phim nổi tiếng Cops.

Trong một cảnh đuổi bắt, lính SA đã quăng thòng lọng vào cổ anh thợ cạo và treo anh lên cột đèn.

Anh được cứu sống ở giây cuối cùng, và nhịp độ Chaplin xoay chuyển giữa hài hước và kinh dị thực sự căng như dây đàn, làm người xem hồi hộp đến ngạt thở.

Một điều đáng lưu ý nữa là những tay lính SA lại không hề nói giọng Đức – hoặc thậm chí là giọng của tầng lớp quý tộc Anh, như nhiều lính Đức Quốc xã trong các phim Hollywood sau này. Hầu hết họ nói giọng Mỹ.

\"Getty
Chụp lại hình ảnh,Diễn viên Jack Oakie thủ vai Napaloni, nhà độc tài chuyên chế người Ý đối đầu với bạo chúa Hynkel theo những cách rất ấu trĩ

Trong cung điện của Hynkel, cách thể hiện mang tính ít hài hước hơn và xoáy sâu hơn vào sự tàn bạo, hiểm ác.

Chaplin vẽ nên bức biếm hoạ những trò chơi khăm chính trị của châu u theo kiểu đần độn truyền thống trong phim Duck Soup (Tô Súp vịt) của anh em nhà Marx (trong đó, nhân vật Napaloni do Jack Oakie thủ vai giống như với nhân vật anh chàng người Ý thông minh nhiệt tình, do Chico Marx diễn.)

Những tội ác kinh hoàng của kẻ độc tài không hề bị bỏ qua: chỉ với một ý nghĩa bất chợt trong đầu mà Hynkel ra lệnh xử tử 3000 người biểu tình.

Tuy nhiên, Chaplin tập trung vào sự phù phiếm, ngu ngốc và ấu trĩ của nhân vật.

Trong một phân cảnh gây cười, chiếc tủ đựng đầy ắp hồ sơ ở phía sau bàn làm việc của hắn hoàn toàn không có ngăn kéo, thay vào đó là những chiếc gương bí mật. Khi Napaloni có chuyến công du cấp nhà nước tới quốc gia láng giềng Bacteria, Hynkel và Napaloni còn đua nhau xem ghế của ai cao hơn khi ngồi cạo râu, và ai chiếm được vị trí đẹp hơn khi chụp ảnh.

Thông điệp ở đây là Hynkel không phải là chiến lược gia tầm cỡ hay nhà lãnh đạo tài thánh gì. Hắn chỉ là một đứa trẻ to xác – như đã được Chaplin biểu đạt xuất thần, đỉnh điểm là trong phân cảnh Hynkel khiêu vũ hoan hỉ cùng với quả địa cầu bơm hơi, mơ làm \”hoàng đế thế giới\”.

Hắn là một kẻ lừa dối, hèn hạ, lố bịch, áp chế, dối trá, bị ám ảnh về hình ảnh bản thân trong mắt công chúng, sàm sỡ các thư ký, khoác lác về những khu nhà xa hoa của mình, và đảo ngược những chính sách then chốt của chính mình để có thể nắm quyền lâu hơn.

\”Với tôi, điều thú vị nhất trên đời là chế nhạo những kẻ mạo danh,\” Chaplin viết trong cuốn tự truyện, \”và khó có thể tìm ra kẻ mạo danh nào qua mặt được Hitler.\”

\"Getty
Chụp lại hình ảnh,Chaplin thể hiện nhân vật Hynkel như một gã hề luôn cảm thấy bất an, và nhấn mạnh vào sự huênh hoang lố bịch của hắn ta

Những lời hò hét diệt chủng tộc người Do Thái của Hynkel (bao gồm những tiếng hét man rợ của Đức Quốc xã, nhấn mạnh từ \”Juden\”) nghe thật rùng rợn, nhưng lại không hề có tính thuyết phục. Đó chỉ là thứ nhu cầu rốt ráo nhằm khiến người dân Tomainia quên đi những thất bại kinh tế của hắn.

Như người trợ thủ đắc lực và là nhân vật ám chỉ Goebblels, Garbitschc (do Henry Daniell đóng) nói: \”Dùng bạo lực với người Do Thái có thể sẽ giúp hướng người dân ra khỏi việc lo nghĩ cái ăn.\”

Bộ phim bị cáo buộc là đơn giản hoá những tội ác tày trời của Đức Quốc xã.

Bản thân Chaplin trong cuốn tự truyện của mình nói rằng: \”Nếu tôi thật sự biết được những nỗi kinh hoàng ở các trại tập trung thì có lẽ tôi đã không thể làm được phim The Great Dictator; tôi không thể giễu cợt việc sát nhân điên rồ của Đức Quốc xã.\”

Nhưng Chaplin không chỉ đơn thuần là chế nhạo Hitler – như đạo diễn Mel Brooks đã làm trong bộ phim The Producers ra mắt năm 1967 – mà ông còn nhìn thấu được bản chất sự ngạo mạn mong manh của những nhà lãnh đạo thế giới.

Nhìn nhận về những nhà độc tài ngày nay và những người có thể sẽ trở thành độc tài, ở bất kỳ quốc gia nào, bạn đều có thể dễ dàng nhận thấy bản chất ấu trĩ ở họ mà Chaplin đã nhìn thấu từ trước: họ phát rồ trước những cơ hội được chụp hình, sống xa hoa, phóng túng, thay đổi chính sách như chảo chớp, các âm mưu hiểm độc, những cuộc diễu hành đánh bóng bản thân và những bộ ngực treo đầy huân chương.

Nhân vật Herring, do Billy Gilbert thủ vai, lấy cảm hứng từ Thống chế Göring, có đầy huân chương gắn kín quân phục, đến nỗi Hynkel phải bảo Herring xoay vai ra để tìm chỗ mà đính thêm huân chương!

Hitler đang ở đỉnh cao quyền lực khi bộ phim The Great Dictator được thực hiện, nhưng Chaplin đã nhìn thấu được rằng, với bất kể một kẻ độc tài nào, dù là của thời trước hay sau này, thì bản tính ác độc sẽ luôn đi đôi với sự non nớt bên trong.

Theo nhà viết tiểu sử Jürgen Trimborn, phần lớn bộ phim được lấy cảm hứng từ buổi công chiếu phim tài liệu ủng hộ Hitler của đạo diễn phim Leni Riefenstahl, Triumph of the Will (Niềm tin Chiến thắng), tại Bảo tàng Nghệ thuật Hiện đại New York.

Trong khi những khán giả khác thì phải rùng mình kinh hãi thì Chaplin lại cười lớn trước những cảnh tượng lố bịch.

Chính thái độ này đã giữ ông quyết tâm thực hiện bộ phim The Great Dictator khi bị thúc giục phải từ bỏ nó.

\”Tôi đã rất kiên định và quyết tâm hoàn thành tác phẩm,\” ông viết trong tự truyện của mình, \”vì Hitler quả thực đáng bị chế giễu.\”

Bài tiếng Anh đã đăng trên BBC Culture.

Bài Liên Quan

Leave a Comment