Afghanistan: Lãnh đạo quân kháng chiến sẵn sàng \’hòa đàm\’ với Taliban
6 tháng 9 2021
Lãnh đạo của nhóm kháng chiến Afghanistan đang tiến hành các trận chiến dữ dội chống lại Taliban ở Thung lũng Panjshir cho biết phái này sẵn sàng tham gia các cuộc đàm phán hòa bình.
Ahmad Massoud nói ông ủng hộ một kế hoạch do các giáo sĩ tôn giáo đưa ra để dàn xếp thương lượng, đồng thời kêu gọi Taliban chấm dứt cuộc tấn công của họ.
Trước đó, tin tưc cho rằng Taliban đã nhanh chóng giành được vị trí ở Panjshir.
Afghanistan: Nhiều phi cơ mắc kẹt tại phi trường chờ khởi hành
Tỉnh nằm ở phía bắc thủ đô Kabul, là ví dụ tiêu biểu nhất về cuộc kháng chiến chống lại sự cai trị của Taliban.
Nhóm chiến binh theo đạo Islam đã giành quyền kiểm soát phần còn lại của Afghanistan ba tuần trước, và lên nắm quyền ở Kabul vào ngày 15/8/2021 sau sự sụp đổ của chính phủ được phương Tây hậu thuẫn.
Trong một thông điệp đăng trên Facebook, ông Massoud nói Mặt trận Kháng chiến Quốc gia Afghanistan (NRF), bao gồm các cựu thành viên lực lượng an ninh Afghanistan và dân quân địa phương, sẽ sẵn sàng ngừng chiến đấu nếu Taliban ngừng các cuộc tấn công.
Không có phản ứng ngay lập tức từ Taliban.
Panjshir, một thung lũng núi hiểm trở, là nơi sinh sống của 150.000 đến 200.000 người.
Đây là một trung tâm kháng chiến khi Afghanistan bị Liên Xô chiếm đóng vào những năm 1980 và trong thời kỳ cai trị trước đó của Taliban, từ năm 1996 đến 2001.
NRF cho biết người phát ngôn của họ là Fahim Dashti và một chỉ huy, Tướng Abdul Wudod Zara, đã thiệt mạng trong cuộc xung đột, trong khi một tướng Taliban nổi tiếng và 13 vệ sĩ cũng thiệt mạng.
Trước đó, Taliban nói lực lượng của họ hiện đang ở thủ phủ tỉnh Bazarak, nơi họ gây ra \”nhiều thương vong\” cho đối phương, mặc dù điều này bị NRF phản đối.
Gần một nửa dân số cần viện trợ nhân đạo
Trong khi đó tại Kabul, trưởng nhóm nhân đạo của Liên Hợp Quốc, Martin Griffiths đã gặp các thủ lĩnh Taliban và kêu gọi họ bảo vệ tất cả thường dân, đặc biệt là phụ nữ, trẻ em gái và người thiểu số.
Ông xuất hiện trong hình chụp ảnh với Mullah Abdul Ghani Baradar, một trong những người sáng lập phong trào Taliban.
Một phát ngôn viên của Liên Hợp Quốc cho biết các nhà lãnh đạo Taliban đã đưa ra cam kết cho phép tiếp cận nhân đạo cho tất cả những người có nhu cầu và đảm bảo quyền tự do đi lại cho tất cả những người lao động nhân đạo, cả nam và nữ.
Theo Liên Hợp Quốc, 18 triệu người Afghanistan, gần một nửa dân số, đang cần hỗ trợ nhân đạo.
Trong các diễn biến khác, một thành viên Hạ viện Mỹ, ông Michael McCaul cáo buộc Taliban ngăn cản người Afghanistan và các công dân Mỹ rời Afghanistan qua sân bay Mazar-i-Sharif.
Trong khi đó, một tổ chức phi chính phủ xác nhận họ có những người đang phải chờ đợi để lên một trong các chuyến bay mặc dù Taliban bác bỏ cao buộc đã \’cản trở\’.
Vào ngày Chủ nhật, các tay súng Taliban đã bắn chết một nữ cảnh sát đang mang thai, tên là Banu Nega, ở tỉnh Ghor, theo các nhân chứng, trong lúc Taliban cho biết họ không liên quan đến cái chết và đang điều tra vụ việc.
Cũng trong ngày 05/9, Taliban đã cung cấp thêm chi tiết về cách thức phân biệt giới tính sẽ được ban hành trong các trường đại học. Trong một tài liệu mở rộng, các nhà chức trách mới cho biết nam và nữ phải được ngăn cách, nếu cần bằng một tấm màn.
Lý tưởng nhất là phụ nữ sẽ được phụ nữ dạy dỗ nhưng nếu không có thì những \”trưởng lão\” có đức hạnh có thể giảng dạy, hãng tin AFP đưa tin, còn nữ sinh phải mặc abaya, hoặc áo choàng, và niqab, hoặc quấn khăn che mặt.
Kể từ khi lên nắm quyền, Taliban đã cố gắng thể hiện khoan dung hơn, nhưng các vụ bạo hành và đàn áp vẫn được đưa tin xảy ra ở nhiều vùng của Afghanistan. Hôm thứ Bảy, các quan chức Taliban giải tán một cuộc biểu tình của hàng chục phụ nữ ở Kabul đòi quyền lợi.
Các nhóm nhân quyền cũng đã ghi lại các vụ giết người trả thù, giam giữ và đàn áp các tôn giáo thiểu số. Taliban trước đó chính thức nói rằng họ sẽ không tìm kiếm sự trừng phạt đối với những người từng làm việc cho chính phủ cũ.