Afghanistan: Đừng công nhận chế độ Taliban, quân kháng chiến kêu gọi
3 giờ trước
Các lực lượng chống Taliban ở Afghanistan yêu cầu cộng đồng quốc tế không công nhận chính phủ mới mà tổ chức Hồi giáo này tuyên bố hôm thứ Ba.
Nội các chính phủ lâm thời – không có phụ nữ nào, và bao gồm toàn bộ các lãnh đạo Taliban và cộng sự của họ – cũng bị Hoa Kỳ chỉ trích.
Các chiến binh chống đối Taliban ở tỉnh Panjshir nói chính phủ mới là \”bất hợp pháp\”.
Hoa Kỳ bày tỏ lo ngại về các nhân vật trong nội các có liên đới tới các vụ tấn công vào lực lượng Hoa Kỳ.
Chính phủ lâm thời do Mullah Mohammad Hassan Akhund, người có tên trong danh sách đen của Liên Hiệp Quốc, đứng đầu. Một nhân vật khác, Sirajuddin Haqqani, bị FBI của Hoa Kỳ truy nã.
Taliban khẳng định họ đã đánh bại Mặt trận Kháng chiến Quốc gia (NRF) ở Thung lũng Panjshir phía Bắc Kabul, nhưng các lãnh đạo NRF cho biết họ vẫn đang chiến đấu.
Trong một thông cáo, Bộ Ngoại giao Mỹ nói: \”Chúng tôi thấy danh sách [chính phủ] được công bố chỉ gồm các cá nhân là thành viên của nhóm Taliban hay các cộng sự thân cận của họ và không có phụ nữ.
\”Chúng tôi cũng lo ngại về những liên hệ và hồ sơ của một số cá nhân này.
Thông cáo nói Washington sẽ \”tiếp tục yêu cầu Taliban thực hiện các cam kết của họ\” để cho phép người nước ngoài và công dân Afghanistan có giấy tờ đi lại được ra khỏi đất nước an toàn, \”trong đó có việc cho phép các chuyến bay hiện sẵn sàng bay ra khỏi Afghanistan\”.
EU cũng chỉ trích chính phủ Taliban, nói rằng tổ chức Hồi giáo này đã làm ngược lại cam kết xây dựng chính phủ \”bao gồm nhiều thành phần và toàn diện\”.
\”Chúng tôi cũng nhắc lại chúng tôi trông đợi rõ ràng rằng Taliban phải đảm bảo rằng mảnh đất Afghanistan không được dùng để đe dọa các quốc gia khác,\” thông cáo viết. \”Thế giới đang theo dõi rất sát sao.\”
Taliban giành kiểm soát trên khắp Afghanistan một cách chóng vánh chừng ba tuần trước. Hiện giờ tổ chức này phải đối mặt với nhiều thách thức ở đất nước bị chiến tranh tàn phá, trong đó có việc ổn định nền kinh tế và được quốc tế công nhận.
Hôm thứ Tư, một nhóm phụ nữ biểu tình ở Kabul giơ bức ảnh một nữ cảnh sát được cho là bị Taliban bắn chết.
Biểu tình này diễn ra sau một số cuộc biểu tình khác kêu gọi cho phụ nữ Afghanistan được tham gia vào đời sống xã hội, Người biểu tình cũng lên án điều họ cho là sự ủng hộ của Pakistan đối với Taliban.
Phía Taliban phủ nhận dùng bạo lực chống lại người biểu tình. Pakistan cũng phủ nhận có bất kỳ vai trò nào ở Afghanistan.
Các bộ trưởng được dặn phải thực thi \’luật Hồi giáo\’
Đầu ngày thứ Ba, một thông cáo phát ra từ Lãnh tụ Tối cao Taliban Mawlawi Hibatullah Akhundzada yêu cầu chính phủ mới phải giữ nghiêm luật Sharia – hệ thống luật Hồi giáo. Taliban có cách diễn giải vô cùng hà khắc về luật Sharia. Taliban muốn có mối quan hệ \”lành mạnh\” với các nước khác và sẽ tôn trọng các hiệp ước và luật quốc tế chừng nào chúng không mâu thuẫn với \”luật Hồi giáo và các giá trị quốc gia của đất nước\”, thông cáo của Taliban viết.
Hassan Akhund, thủ tướng tạm quyền mới, từng làm phó thủ tướng từ 1996 đến 2001, khi Taliban nắm quyền lần trước. Ông ta có ảnh hưởng lớn về mặt tôn giáo hơn là quân sự trong phong trào.
Việc ông được bổ nhiệm làm thủ tướng được coi là một khoan nhượng, sau khi có tin về tranh giành quyền lực giữa một số nhân vật Taliban trung dung và những người cực đoan.
Taliban trước đó đã nói họ muốn thành lập một chính phủ đa dạng và bao trùm.
Bộ trưởng Nội vụ trong danh sách khủng bố của Mỹ
Sirajuddin Haqqani, bộ trưởng nội vụ tạm quyền, là thủ lĩnh của nhóm phiến quân mang tên mạng lưới Haqqani, nhóm là một chi nhánh của Taliban. Ông ta là người đứng đằng sau một số vụ tấn công làm chết nhiều người nhất trong cuộc chiến kéo dài hai thập kỷ ở Afghanistan, trong đó có một vụ đánh bom xe tải ở Kabul năm 2017 làm hơn 150 người thiệt mạng.
Không như tổ chức Taliban rộng hơn, mạng lưới Haqqani bị Hoa Kỳ gọi là một tổ chức khủng bố nước ngoài. Mạng lưới này cũng giữ quan hệ chặt chẽ với al-Qaeda.
Cục Tình báo Liên bang Mỹ (FBI) nói ông này bị truy nã để xét hỏi về vụ tấn công một khách sạn năm 2018 làm một người Mỹ thiệt mạng, và vì ông đứng đằng sau các vụ tấn công quân đội Mỹ ở Afghanistan.
Các vị trí khác trong nội các mới gồm:
•Mullah Yaqoob, quyền bộ trưởng quốc phòng. Ông là con trai của người sáng lập Taliban và lãnh tụ tối cao đã quá cố Mullah Omar.
•Người đồng sáng lập Taliban Mullah Abdul Ghani Baradar sẽ là một trong các phó thủ tướng. Ông ta đã phụ trách việc ký thỏa thuận rút quân của Mỹ hồi năm ngoái.
•Amir Khan Muttaqi, bộ trưởng ngoại giao tạm quyền, cũng là người từng tham gia đàm phán rút quân.