Bình thường hóa công lý: phỏng vấn hai luật sư của nhà báo Phạm Đoan Trang
Hoa Nguyễn thực hiện riêng cho Saigon NhỏSeptember 8, 202
Nhà báo và nhà bất đồng chính kiến nổi tiếng Phạm Đoan Trang, người đã đạt những giải thưởng như Homo Homini và giải Tự do Báo chí của tổ chức Phóng viên Không Biên giới (RSF) đã bị bắt hơn 11 tháng. Trong lúc cô bị tạm giam, Hội Văn Bút Đức đã vinh danh cô là Thành viên danh dự của họ.
Cơ quan an ninh điều tra Hà Nội đã thông báo đến luật sư việc điều tra Phạm Đoan Trang đã kết thúc hôm 26 Tháng Tám 2021. Trước phiên tòa xử cô sắp diễn ra ở Hà Nội, và phiên tòa về trường hợp của cô ở Liên Hiệp Quốc trong Tháng Chín này, chúng tôi có cuộc phỏng vấn với hai luật sư: Luật sư Đặng Đình Mạnh, đại diện cho nhóm luật sư bào chữa ở Việt Nam; và luật sư Kurtulus Bastimar, người đại diện cho Phạm Đoan Trang ở Liên Hiệp Quốc.
VỚI LUẬT SƯ ĐẶNG ĐÌNH MẠNH
Là một luật sư trong nước chuyên nhận giúp bào chữa cho những người bất đồng chính kiến bị bắt, xin luật sư cho biết đến nay, anh đã bào chữa bao nhiêu trường hợp?
Văn phòng của chúng tôi chưa thống kê. Tôi nhẩm tính theo trí nhớ thì khoảng trên 50 trường hợp. Trong vòng một thập niên qua, chính quyền Việt Nam đã bắt hàng trăm người bất đồng chính kiến. Riêng đối với Điều 117, hiện nay con số người bị tạm giam và chờ ngày ra tòa là 46.
Trong suốt thời gian làm luật sư bào chữa cho người bất đồng chính kiến, anh đã giảm án thành công được vụ nào chưa?
Nếu tính sự giảm án là thành công của một vụ án, thì thú thật, chưa từng có vụ án nào được giảm án cả. Thậm chí, thời gian gần đây, mức hình phạt tuyên đối với những người bất đồng chính kiến ngày càng tăng nặng hơn.
Với tư cách một luật sư làm việc trong một môi trường luật pháp chưa được thực thi đúng đắn, anh có thể chia sẻ điều gì?
Luật pháp Việt Nam hiện nay đã có bước tiến bộ rất dài so với trước đây. Khá nhiều quy định theo chuẩn mực luật pháp quốc tế được ban hành và đều là những tín hiệu rất tốt. Tuy nhiên, cũng cần nhìn nhận vẫn còn khoảng cách rất lớn giữa những quy định tiến bộ của luật pháp và thực tế thực thi luật pháp. Điều này khiến cho nhiều quy định tiến bộ đã bị vô hiệu hóa, không thể đi vào cuộc sống. Ít nhiều đã làm biến dạng bộ mặt công lý mà cả chính quyền và công chúng chờ đợi.
Nhà báo Phạm (Thị) Đoan Trang đã bị tạm giam hơn 10 tháng không được gặp người thân, không được gặp luật sư, giống như nhiều người bất đồng chính kiến khác. Điều này có gây khó khăn gì cho việc bào chữa của luật sư? Hoặc luật sư có gặp khó khăn hay bị đe dọa gì không?
Nhà báo Phạm (Thị) Đoan Trang bị khởi tố về tội danh theo Điều 117 Bộ luật Hình sự trong nhóm tội xâm phạm an ninh quốc gia. Theo quy định Bộ luật Tố tụng Hình sự, nhóm tội này có thể hạn chế sự tham gia của luật sư trong giai đoạn điều tra để bảo đảm bí mật điều tra. Do đó, chúng tôi đã không thể tiếp cận hồ sơ vụ án và thân chủ của mình trong giai đoạn này.
Sự hạn chế của cơ quan điều tra có thể là đúng quy định, hợp pháp một phần nhưng không hợp tình. Vì các lẽ sau:
Bộ luật Tố tụng hình sự quy định việc khởi tố đối với các tội danh có hình phạt cao nhất từ 20 năm tù, chung thân hoặc tử hình thì phải có luật sư tham gia. Vụ án khởi tố cô Phạm (Thị) Đoan Trang theo Điều 117 Bộ luật Hình sự có hình phạt cao nhất lên đến 20 năm tù, nhưng lại hạn chế luật sư tham gia trong giai đoạn điều tra là đã không đảm bảo quy định về quyền có luật sư bào chữa của cô ấy.
Do bị hạn chế tham gia vụ án trong giai đoạn điều tra, cho nên, luật sư đã không thể làm gì để giúp cho thân chủ trong giai đoạn này cả. Đến khi ra tòa xét xử thì hầu như chúng tôi chỉ làm việc trên cơ sở hồ sơ truy tố mà thôi. Điều này hạn chế khả năng luật sư rất nhiều và cũng là sự thiệt thòi cho cô ấy với tư cách là bị can trong vụ án.
Đã từng có nhiều vụ án hình sự oan sai. Do đó, việc có luật sư tham gia từ đầu vụ án đã được xem như là biện pháp tích cực giúp khắc phục tình trạng oan sai. Thế nhưng, các vụ án trong nhóm tội xâm phạm an ninh quốc gia đã bị tước đi biện pháp tích cực này, trong điều kiện không có gì đảm bảo rằng sẽ không xảy ra oan sai cả.
Cho đến nay, ngoài hạn chế việc luật sư tham gia trong giai đoạn điều tra, thì chưa có biểu hiện gì về việc gây khó khăn hay đe dọa đối với luật sư chúng tôi cả.
Trong vụ của nhà báo Phạm (Thị) Đoan Trang, người đã chỉ định đích danh anh bào chữa cho cô ấy trước phiên tòa sắp diễn ra ở Hà Nội, anh có thể nói về quan hệ giữa anh và người được anh bào chữa? Và cảm nghĩ chung của anh về những người bất đồng chính kiến mà anh đã từng bào chữa?
Tôi với cô Phạm (Thị) Đoan Trang có quen biết nhau. Thỉnh thoảng, cô ấy liên lạc để nhờ tôi giải thích về các khái niệm luật pháp. Cùng với cô Đoan Trang và tất cả những người bất đồng chính kiến khác mà tôi đã có dịp tham gia bào chữa cho họ tại tòa án. Thật sự, tôi hết sức cảm phục họ về sự dấn thân, hy sinh bản thân mình để tranh đấu cho quan điểm mà họ đã xác tín.
Phạm Đoan Trang là một nhà báo nổi tiếng cả trong nước lẫn quốc tế. Trường hợp của cô ấy cũng đã được một luật sư nhân quyền quốc tế là Kurtulus Bastimar nộp lên Liên Hiệp Quốc và sẽ có phán quyết trong Tháng Chín này. Mặc dù luật sư Kurtulus Bastimar từng thành công với một trường hợp ở Cuba, người Việt Nam không lạc quan với khả năng thay đổi được bản án bỏ túi dành cho Phạm Đoan Trang do các áp lực quốc tế lên Việt Nam bằng không. Anh có ý kiến gì về điều này?
Là luật sư bảo vệ cho cô Phạm Thị Đoan Trang, tôi mong những điều tốt đẹp nhất đến với cô ấy. Do đó, tôi hoan nghênh tất cả nỗ lực cứu giúp cô ấy thành công, dù điều đó đến từ bất cứ đâu.
Anh dự đoán bản án dành cho Phạm Đoan Trang như thế nào? Và tiến trình pháp lý nào khả quan theo anh để có thể trả lại tự do cho cô ấy?
Tham khảo qua những vụ án xét xử gần đây, tôi thật sự lo ngại về mức hình phạt dành cho cô ấy. Tiến trình pháp lý khả quan nhất mà chúng ta có thể hy vọng là sự đặc xá của chính quyền như trong một vài trường hợp có tiền lệ tương tự.
Tương lai anh có nhận bào chữa cho những người bất đồng chính kiến nữa không khi mọi nỗ lực công sức của luật sư không hề được xem đến?
Tôi không e ngại trong việc nhận bào chữa cho những người bất đồng chính kiến. Vì lẽ, nó là một trong các hoạt động hành nghề thông thường của nghề luật sư mà thôi. Đồng thời, bằng việc nhận bào chữa cho những người bất đồng chính kiến, tôi đang cố gắng thuyết phục các đồng nghiệp của mình rằng hãy bình thường hóa chúng trong phạm vi nghề nghiệp.
Trước tình hình đất nước thật sự ảm đạm về nhân quyền và dân chủ, giới luật sư Việt Nam có suy nghĩ hay sáng kiến gì muốn chia sẻ để thay đổi, thưa anh?
Tôi xin nợ câu trả lời cho câu hỏi này.
VỚI LUẬT SƯ KURTULUS BASTIMAR
Xin anh vui lòng giới thiệu bản thân với độc giả của chúng tôi…
Tôi là một luật sư nhân quyền quốc tế người Kurd. Tôi tốt nghiệp Trường Luật Châu Âu thuộc Đại học Maastricht vào năm 2018, nơi tôi tập trung vào luật nhân quyền Châu Âu và luật nhân quyền quốc tế.
Sau khi tốt nghiệp, tôi trở lại Thổ Nhĩ Kỳ và bắt đầu bảo vệ nhân quyền trên toàn thế giới. Tôi đã hành nghề như một luật sư nhân quyền quốc tế kể từ khi tốt nghiệp. Tôi đã đại diện cho những người bảo vệ nhân quyền, tác giả, nhà văn và tù nhân chính trị từ Iran, Việt Nam, Belarus, Cuba, Romania, Bahrain, Pakistan và Thổ Nhĩ Kỳ trước Ủy ban Nhân quyền Liên Hiệp Quốc và Nhóm công tác Liên Hiệp Quốc về giam giữ tùy tiện. Tôi cũng là một tác giả. Cuốn tiểu thuyết Giã Từ Tự Do của tôi đang chuẩn bị xuất bản ở Hà Lan, Việt Nam và Brazil.
Điều gì khiến anh chọn làm các trường hợp từ Việt Nam?
Khi tôi còn nhỏ, tiếng mẹ đẻ của tôi là tiếng Kurd bị cấm, và ở Thổ Nhĩ Kỳ, những người nói tiếng Kurd bị tra tấn và giam giữ. Từ lâu, nhận thức được rằng người dân của tôi đã bị từ chối quyền tự do ngôn luận, tôi đã chọn cống hiến đời mình để bảo vệ các quyền của con người, đặc biệt quyền tự do ngôn luận.
Trong các phương tiện truyền thông mà tôi theo dõi, tôi thấy rằng những người bày tỏ quan điểm của họ ở Việt Nam thường bị bắt giữ. Quốc gia này đã và vẫn nằm trong số các quốc gia thường xuyên vi phạm quyền tự do ngôn luận nhất. Và tôi đồng cảm với người dân Việt Nam vì tôi có thể hiểu được từ trải nghiệm của mình việc bị từ chối quyền tự do ngôn luận có ý nghĩa như thế nào. Vì vậy, tôi quyết định đứng về phía những người Việt Nam đang bị xâm phạm quyền lợi.
Trường hợp của hai nhà báo Phạm Đoan Trang và Lê Hữu Minh Tuấn có sự khác biệt nào không?
Ngay cả khi có sự khác biệt nhỏ, phần lớn nội dung của hai trường hợp là giống nhau. Trong mỗi trường hợp, chính phủ Việt Nam nhắm bắn vào một trong những quyền cốt lõi để phát triển một xã hội dân chủ: quyền tự do ngôn luận.
Anh có biết về những trường hợp vi phạm các công ước quốc tế trước đây của Việt Nam (cụ thể là vi phạm quyền tự do ngôn luận) không?
Tất nhiên. Có nhiều trường hợp Nhóm công tác về giam giữ tùy tiện của Liên Hiệp Quốc ra phán quyết rằng quyền tự do ngôn luận đã bị vi phạm, trong đó có trường hợp của Đào Quang Thực (Thầy giáo Đào Quang Thực, người đã mất trong nhà tù Hòa Bình khi thụ án 14 năm) (Thông báo số: 36/2020), và nhiều người khác.
Trong thập niên qua, chính quyền Việt Nam đã bắt giữ tùy tiện hàng trăm người bất đồng chính kiến. Trong bối cảnh quốc tế đang nỗ lực vận động chính phủ Việt Nam tuân thủ Công ước Quốc tế về Nhân quyền mà họ đã cam kết, rõ ràng thể chế quốc tế không đủ mạnh để gây áp lực lên một chính phủ độc tài như Việt Nam. Là một luật sư nhân quyền quốc tế, người từng làm việc với nhiều vụ việc ở các quốc gia khác nhau, anh có thể so sánh mức độ vi phạm của Việt Nam với các quốc gia khác như thế nào?
Tôi có thể nói rằng Việt Nam là quốc gia thường xuyên vi phạm quyền tự do ngôn luận và quyền được xét xử công bằng so với các quốc gia khác. Chính phủ Việt Nam vi phạm các quyền quan trọng nhất: quyền tự do ngôn luận, quyền tự ý lập hội trong khi các nước khác chủ yếu vi phạm quyền được xét xử công bằng.
Với tư cách là một luật sư nhân quyền quốc tế, anh cảm thấy thế nào khi nhận được phản hồi từ chính phủ Việt Nam?
Tôi cảm thấy rằng tôi đang bảo vệ quyền của nạn nhân trước một cơ quan có thẩm quyền có quyền bịt miệng nạn nhân, nhưng tôi cảm thấy có quyền lực hơn cơ quan đó vì tôi bảo vệ quyền của nạn nhân trước chính phủ Việt Nam ở cấp độ pháp luật quốc tế. Các công ước quốc tế về quyền con người tồn tại nhằm ngăn cản nhà cầm quyền thực hiện quyền lực vô hạn đối với công dân của họ.
Tôi cảm thấy rằng chính phủ, trong sự bảo vệ của họ, mô tả một bức tranh về luật lý tưởng và việc áp dụng nó. Họ giải thích khi bào chữa cho luật nhân quyền nên được áp dụng như thế nào nhưng những gì họ làm trong thực tế hoàn toàn khác với mô tả của họ trên lý thuyết. Tôi cảm thấy rất vui vì khi kết thúc phiên tòa, tôi được hưởng niềm hạnh phúc khi thắng kiện và cho cả thế giới thấy rằng nạn nhân mà tôi bào chữa là đúng và chính quyền sai.
Anh đã thành công với trường hợp của Lê Hữu Minh Tuấn, nhưng sự im lặng của nhà chức trách Việt Nam sau đó cho thấy họ không tôn trọng phán quyết quốc tế và tiếp tục vi phạm các công ước quốc tế mà họ đã ký kết. Là một luật sư nhân quyền mẫn cán, sáng kiến tiếp theo của anh là gì để khiến họ thực hiện các cam kết của mình?
Tôi đã quyết định hợp tác chặt chẽ với những người và tổ chức phi chính phủ có tác động quốc tế mạnh mẽ. Tôi đang nỗ lực mở rộng các mạng lưới này để bắt đầu một chiến dịch mạnh mẽ nhằm tăng cường sự tôn trọng đối với các quyết định của Nhóm công tác Liên Hiệp Quốc. Câu chuyện về trường hợp của Lê Hữu Minh Tuấn không kết thúc ở đây; tôi sẽ tiếp tục chiến đấu cho anh ấy cho đến khi anh ấy được tự do.
Trong tương lai, anh có muốn giúp đỡ những người khác bị bắt oan ở Việt Nam không?
Tôi muốn giúp họ trong tương lai. Do đó, tôi muốn hợp tác với các nhà báo, các tổ chức phi chính phủ và các nhà bảo vệ nhân quyền quan tâm đến các vi phạm nhân quyền ở Việt Nam.
Anh có thông điệp gì cho các đồng nghiệp và người dân Việt Nam trong hành trình tìm kiếm tự do và dân chủ?
Thông điệp của tôi với các đồng nghiệp ở Việt Nam là: “Xin đừng từ bỏ đấu tranh cho nhân quyền vì bạn không đơn độc; có sự ủng hộ mạnh mẽ từ trái tim đến trái tim mà không thể bị cản trở bởi quyền lực của chính phủ hoặc chính sách cấm đoán của chính phủ. Vì vậy, xin các đồng nghiệp của tôi đừng quên: phản kháng là sống!”
Theo SGN