Covid: Quỹ Công đoàn VN cần cứu trợ công nhân sắp thành \’cùng khổ\’?
- T.K. Tran
- Gửi bài từ Stuttgart, Đức
6 tháng 9 2021
Không còn đường sống thời dịch bệnh, hàng trăm ngàn người lũ lượt di tản từ những khu công nghiệp ở miền Nam về lại quê nhà ở miền Trung, ở miền Bắc VN¸ vạ vật mệt mỏi nằm ngủ la liệt trên lề đường.
Rồi đây họ sẽ sinh sống ra sao ở những vùng đất xơ xác mà nông dân phải „biến sỏi đá thành cơm\”, hay ở những vùng biển mà ngư dân không thể đánh cá vì bị tàu Trung Quốc.
Hình ảnh bốn phụ nữ đèo nhau trên hai chiếc xe đạp đi hàng trăm, hàng ngàn cây số từ miền Nam về miền Trung, hay hình ảnh người phụ nữ trẻ ôm đứa con sơ sinh 9 ngày tuổi ngồi trên xe máy ngày đêm trên đường về quê là biểu tượng của một chính sách khai thác vắt kiệt con người của nhà nước.
\’Mục tiêu kép: vừa chống dịch vừa sản xuất\’ của nhà nước không lấy sự an sinh của con người làm tâm điểm mà chú trọng tới hàng hóa sản xuất trong lúc diệt dịch
Để đạt được mục tiêu mà Thủ tướng Việt Nam đề ra, nếu có việc làm người công nhân phải ngày đêm ăn ngủ tạm bợ trong nhà máy, theo chính sách \”ba tại chỗ\”, một chính sách mà sau vài tuần ứng dụng sự thất bại đã rõ nét.
Nếu mất việc, nhiều thủ tục nhiêu khê cản trở trợ cấp cho người thất nghiệp.
Về phần người lao động tự do, mất việc có giấy tờ lưu trú hợp pháp thì được hứa 50000 đồng/ngày, lao động tự do không hộ khẩu thì chẳng được gì dù rằng họ là hàng triệu con người chỉ riêng ở thành phố HCM.
Với 50.000 đồng người ta có thể mua được thực phẩm cho một ngày để khỏi bị chết đói.
Nhưng còn vấn đề nhà ở? Khi không đi làm được thì không thể trả tiền thuê phòng trọ, trong khi 83% công nhân Sài Gòn phải ở thuê.
Rồi lại còn tiền điện, tiền nước và nhiều món chi tiêu linh tinh khác nữa.
Cho nên chúng tôi thấy chính phủ cần phải có biện pháp quyết liệt để giúp người lao động trong cơn dịch tầm thế kỷ này:
1. Cần có nghị quyết cấm không được đuổi người thuê nhà trong thời gian dịch bệnh.
Đành rằng đụng chạm tới quyền tư hữu của một bộ phận người dân có tiền có của, kinh doanh địa ốc, xây dựng nhà trọ cho công nhân thuê mướn không đơn giản, song tình thế đòi hỏi sự đóng góp của mọi tầng lớp dân chúng, nhất là giới giầu có.
Chủ trương „lấy sức dân để giúp dân\” chính là đây. Chỉ cử cán bộ Công đoàn tới các khu nhà trọ để xin xỏ giảm hay hoãn tiền trọ là không đủ. Ngày xưa, sau chiến thắng thống nhất đất nước, khi chủ trương đánh\” tư sản mại bản\” nhà nước đã gây nhiều oán hận.
Nhưng ngày nay, nếu có chủ trương cấm đuổi nhà người nghèo không có, hoặc chỉ có ít thu nhập thì sẽ được sự đồng tình của mọi người dân, giúp nhà nước chút chính danh.
Ngay ở Mỹ, xứ tư bản hàng đầu, mà chính phủ Mỹ cũng đã ra quyết định cấm đuổi nhà người lao động thất nghiệp trong thời dịch bệnh cao điểm gây nạn thất nghiệp tràn lan, thì tại sao nước Xã hội chủ nghĩa Việt Nam không bảo vệ dân nghèo được bằng phương thức này?
2. Cần giảm thiểu thủ tục hành chánh, gia tăng mức cứu trợ, không chỉ một lần, cho người lao động thất nghiệp.
Lấy thí dụ ở Đức, nơi tôi đang sống: khi xí nghiệp đóng cửa trong thời dịch bệnh, người chủ doanh nghiệp vẫn phải tiếp tục trả lương giãn việc (Kurzarbeitergeld) bằng 60%-70% lương cầm tay (netto) cho công nhân mất việc làm.
Sau đó chủ doanh nghiệp phải làm hồ sơ, thủ tục hành chánh để xin nhà nước hổ trợ lại số tiền này. Như vậy người công nhân với trình độ hạn chế, không thông hiểu việc giấy tờ vẫn nhận tiền đều đặn.
Phần việc hành chính giấy tờ lôi thôi là việc của chủ doanh nghiệp. Với cách làm này, nhà nước cũng bớt việc, chỉ phải cứu xét một đơn của chủ chứ không phải hàng ngàn đơn của công nhân.
3. Cần bao phủ mức cứu trợ 50.000 đồng/ngày cho tất cả mọi lao động tự do, không phân biệt là họ đã có giấy thường trú, tạm trú hay không, bởi tính cách khẩn cấp của nó.
Cũng như khi khẩn cấp đưa nước uống cho một người sắp chết khát trong sa mạc, người ta không thể hỏi anh có thông hành hợp lệ hay không. Vả chăng với số lượng công an đông đảo hơn trung bình trên thế giới trên tổng dân dân số, cộng với lực lượng dân phòng, tổ dân phố…thực sự không khó đối với Nhà nước để biết đúng đối tượng cần giúp đỡ, tránh lạm dụng.
Có người sẽ đặt câu hỏi là ngân sách ở đâu cho việc mở rộng hỗ trợ này?
Câu trả lời là hãy sử dụng triệt để và toàn bộ tài chánh của Công đoàn Việt Nam. Khách quan nhận định thì Công đoàn cũng đã sử dụng phần nào quỹ để hỗ trợ người lao động gặp khó khăn. Họ tuyên bố đã hỗ trợ khoảng 1.223 tỷ đồng cho hơn 1 triệu người, như vậy bình quân mỗi người được lãnh trên 1 triệu đồng.
Tuy nhiên, so với khối lượng tiền trong ngân hàng của Công đoàn là 29.000 tỷ, theo các nguồn chính thức ở VN (xem thêm báo Thanh Niên 22/09/2020), thì số tiền hỗ trợ cho dân nghèo mới chỉ bằng khoảng 4,2% tiền mà Công đoàn hiện có. Kể thêm cả những giúp đỡ bằng hiện vật như các gói quà, siêu thị 0 đồng, bếp ăn yêu thương…thì phần hỗ trợ của Công đoàn vẫn còn quá khiêm tốn, mang tính cách ban ơn nhiều hơn là thực thi một bổn phận.
Quỹ của Công đoàn không phải là quỹ phước thiện của nhà nước ban cho dân lao động, không phải là tài sản của riêng cá nhân nào.
Phần lớn tiền trong quỹ là do đóng góp lâu năm của người công nhân, trực tiếp qua phí Công đoàn, gián tiếp qua phần đóng góp của doanh nghiệp, cũng là trích ra từ phần thặng dư giá trị, lợi nhuận do người lao động tạo nên.
Tiền trong quỹ Công đoàn là tiền của người lao động, phải trả lại cho họ trong lúc họ gặp khó khăn. Nếu không sử dụng để hỗ trợ người lao động vào thời buổi này thì tiền Công đoàn đã tích lũy sẽ để làm gì?
Sử dụng hết toàn bộ quỹ Công đoàn cho việc cứu trợ người lao động, cuộc sống và nhân phẩm của người lao động sẽ được bảo toàn, sẽ không có cảnh công nhân phải đi xin ăn, phải ngủ dưới gầm cầu hay phải dắt díu nhau đi bằng xe máy hàng ngàn cây số về quê.
Hiện nay tình hình dịch bệnh chưa có dấu hiệu thuyên giảm, có nghĩa là việc phong tỏa chặt nhiều đô thị lớn mà Việt Nam gọi là \”giãn cách xã hội\” vẫn tiếp tục.
Tình trạng của người lao động không công ăn việc làm vẫn ngày càng xấu thêm trước khi có lối thoát.
Thiết nghĩ, điều này đòi hỏi nhà nước phải sớm nhạy bén đề ra những giải pháp quyết đoán hiệu quả giúp đỡ người lao động trước khi giai cấp công nhân trở thành giai cấp người cùng khổ với những hệ lụy chính trị xã hội khôn lường.
Bài thể hiện quan điểm riêng của T.K. Tran, người quan sát các hoạt động nghiệp đoàn châu Âu và Việt Nam, hiện sống ở Stuttgard, Đức. Xem thêm bài cùng tác giả: