Cựu TT Pháp Hollande hồi tưởng về loạt khủng bố 2015 tại Paris

Cựu TT Pháp Hollande hồi tưởng về loạt khủng bố 2015 tại Paris

Đăng ngày: 08/09/2021

\"Cựu
Cựu tổng thống Pháp François Hollande (T) trả lời phỏng vấn của RFI (Valérie Gas và Romain Auzouy) vào mùa hè năm 2021. Pierre RENE-WORMS / FMM – PIERRE RENE-WORMS

Trọng Nghĩa

Pháp mở phiên tòa từ ngày 08/09/2021 để xét xử các thủ phạm loạt tấn công khủng bố ngày 13/11/2015 tại Paris, một vụ khủng bố cực kỳ đẫm máu, được tiến hành gần như cùng lúc tại sân vận động Stade de France (phía bắc Paris), nhiều quán cà phê vỉa hè, quán bar và nhà hát Bataclan trong nội thành, đã khiến 130 người thiệt mạng, và 350 người bị thương.QUẢNG CÁO

Tổng thống Pháp thời đó François Hollande đã cùng với RFI ôn lại khoảnh khắc khủng khiếp đánh dấu nhiệm kỳ 5 năm của ông và giải thích cách ông ứng phó với tình hình vào lúc đó.

\”Chứng nhân\” vụ khủng bố tại Stade de France

Trong bài phỏng vấn rất dài dành cho hai nhà báo RFI Valérie Gas và Romain Auzouy, cựu tổng thống Pháp trước hết cho biết là ông gần như là chứng nhân trực tiếp, vì đã có mặt tại sân vận động Stade de France, ngoại ô bắc Paris để xem một trận đấu giao hữu giữa hai đội tuyển Pháp-Đức, đúng vào lúc khủng bố tấn công. Ông Hollande giải thích:

François HollandeTôi biết tin vì hôm đó tôi ở sân vận động Stade De France, và nghe thấy một tiếng nổ lớn, khiến chúng tôi nghĩ đến một vụ tấn công khủng bố, nhưng cũng có thể là tiếng pháo nổ vì hôm đó diễn ra một trận đá bóng. Thế rồi chúng tôi nghe thấy tiếng nổ thứ hai, và lúc đó thì không còn nghi ngờ gì cả…

Khi ấy, bộ phận an ninh cho chúng tôi biết là có một quả bom đã phát nổ, thủ phạm cho nổ bom đã chết, và rõ ràng đó là một hành động khủng bố. Tôi đã quyết định đến chỗ đặt văn phòng của bộ phận an ninh ( của sân vận động ) để tìm hiểu rõ về những gì đã xẩy ra, và về nguy cơ khủng bố lẻn được vào bên trong sân vận động, vì nếu đúng là như vậy, thì đó sẽ là một sự kiện nghiêm trọng, vì ai cũng thấy được là tình trạng sẽ như thế nào nếu có khủng bố bên trong sân vận động.

Chính vào lúc đó mà tôi nhận được một cú điện thoại của thủ tướng Manuel Valls, báo cho tôi biết một số tin mà ngay sau đó tôi được bộ trưởng Nội Vụ Bernard Cazeneuve gọi điện báo cáo. Đó là những thông tin về những vụ xả súng vào khách ngồi bên ngoài các quán cà phê ở nội thành Paris, những tiếng súng nghe được rất rõ ràng và khả năng có người bị thiệt mạng.

Và đến lúc ấy, chúng tôi đã hiểu rằng vụ tấn công khủng bố không chỉ liên quan đến sân vận động Stade de France, mà là một chiến dịch quy mô, do một hay nhiều nhóm khủng bố tiến hành, và tạo ra cảm giác – điều sau đó đã được chứng thực – là một cuộc chiến đã được khởi động ngay trên lãnh thổ Pháp.

Bình tĩnh cho tiếp tục trận bóng ở Stade de France

Phản ứng của nhân vật lãnh đạo Pháp lúc đó rất bình tĩnh, không hề hoảng hốt, và ông cho biết đã yêu cầu duy trì trận đấu bóng cho đến hết và không thông báo về sự cố, để khán giả khỏi náo loạn. Khi được hỏi là lúc đó ông có hãi sợ hay không, cựu tổng thống Pháp cho biết:

François Hollande: Sợ à? Không phải là sợ cho bản thân tôi, và cả cho những người đang ở trong sân vận động cũng thế, vì tôi đã biết rõ là không một tên khủng bố nào lọt được vào bên trong Stade de France. Và tôi đã ra chỉ thị là phải cho trận đấu tiếp tục, đừng dùng giờ nghỉ giải lao giữa trận để dừng luôn trận đấu, và không được báo cho mọi người biết về những gì vừa xẩy ra, cho dù trong số những người có mặt cũng có một vài người biết tin nhờ các mạng xã hội. Và như vậy toàn thể công chúng đều ở lại bên trong sân vận động, và không có hiện tượng bỏ chạy tán loạn.

Và như vậy, bản thân tôi cũng tiếp tục ở lại Stade de France cho đến khi hiệp hai bắt đầu, trước khi kín đáo rời đi.

Sau đó, khi có thêm một số thông tin, tôi đã đến Bộ Nội Vụ để được xác nhận thêm về những thông tin đó, và tôi đã nhận ra rằng chúng ta phải đối phó với những nhóm khủng bố mà ta không biết được là chúng có thể dã man đến mức độ nào, và sẽ chọn thêm những mục tiêu đánh phá nào, sau các quán cà phê, nhà hát Bataclan…

Quyết định đầu tiên của tôi là tuyên bố tình trạng khẩn cấp, kế đến là đóng cửa biên giới. Quyết định thứ ba là ra lệnh vô hiệu hóa những tên khủng bố đã xông vào nhà hát Bataclan và bắt giữ nhiều người làm con tin.

Bài phát biểu với toàn dân lúc nửa đêm

Một trong những hành động chưa từng thấy của tổng thống François Hollande lúc bấy giờ là lên hệ thống truyền thanh và truyền hình ngay vào nửa đêm hôm đó để thông báo cho toàn dân Pháp về loạt khủng bố vừa xẩy ra và những quyết định của ông. François Hollande giải thích:

François Hollande: Đầu tiên hết, trước khi phát biểu, tôi đã chờ có đủ yếu tố để làm chủ được tình hình, cho dù vẫn chưa vô hiệu hóa được toàn bộ các phần tử khủng bố.

Tôi cũng đã chờ cho đến khi có được tất cả các quyết định hệ trọng mà tôi vừa đề cập đến, đặc biệt là quyết định ban hành tình trạng khẩn cấp, vốn buộc tôi phải triệu tập ngay một phiên họp của Hội Đồng Bộ Trưởng.

Sau nửa đêm, tôi cho rằng người dân Pháp có quyền được thông tin, và nhiệm vụ của tôi là phải thông báo cho dân chúng biết về tính chất nghiêm trọng của những gì vừa xẩy ra, cung cấp cho họ những thông tin rất khủng khiếp, và loan báo những quyết định của tôi.

Và tôi cũng kêu gọi toàn dân đoàn kết, vì lẽ, trái với những vụ khủng bố hồi tháng Giêng cùng năm, khi mọi người Pháp đều muốn xuống đường để bày tỏ lòng gắn bó với quyền tự do, lần này người Pháp bị chấn động và sững sờ. Mục tiêu của khủng bố Hồi Giáo cực đoan chính là chia rẽ xã hội chúng ta, đẩy chúng ta vào tình trạng không phản ứng được một cách tương xứng với thách thức đặt ra, hay phản ứng lung tung, ngược với các giá trị căn bản của chúng ta.

Chính vì các lý do đó mà tôi đã lên tiếng vào lúc nửa đêm, và sau đó tôi đích thân đến hiện trường nhà hát Bataclan sau khi biết được là những kẻ khủng bố đã bị vô hiệu hóa, và các con tin đã được giải thoát. Rủi thay, tổn thất rất đáng kể, cả về số người thiệt mạng lẫn số người bị thương.

Trong nhà hát Bataclan \”chỉ nghe thấy tiếng chuông điện thoại di động\”

Đối với cựu tổng thống François Hollande, bài phát biểu lúc nửa đêm trong đó ông nhấn mạnh đến thảm kịch “kinh hoàng” mà nước Pháp vừa trải qua là điều ông phải làm vừa với tư cách một nguyên thủ quốc gia,  vừa với tư cách một bậc cha mẹ lo lắng trước khả năng con cái mình là nạn nhân của quân khủng bố. Ông giải thích tâm trạng của ông khi quyết định lên tiếng:

François Hollande: Đó là tâm trạng của một nguyên thủ quốc gia phải đáp trả một cách cứng rắn, phải quan tâm đến việc đoàn kết đất nước, với một tinh thần trách nhiệm cao độ để đưa ra những quyết định đúng đắn.

Nhưng tôi cũng là một người cha trong gia đình, một người hiểu được tâm trạng của những người cùng lứa tuổi với tôi, muốn tìm kiếm những đứa con của mình vì không biết chúng ở đâu.

Tôi lúc nào cũng nhớ lại những lời mà các nhân viên công lực nói với tôi vào lúc đó, là khi họ tiến vào bên trong nhà hát, nơi có người chết, họ chỉ nghe thấy tiếng chuông điện thoại di động. Đó là những cuộc gọi của các gia đình muốn biết tin người thân của mình. Bản thân tôi cũng thuộc số gia đình đó, tôi cũng tìm mấy đứa con của tôi.

Vì vậy, tôi cũng phải đặt mình vào hoàn cảnh các gia đình đó để hiểu được là họ đã phải trải qua một hoàn cảnh như thế nào. Đó không phải là một cách suy luận thuần lý trí, mà đơn giản là vì tôi cũng cùng cảnh ngộ với họ.

Cuộc tấn công vào nhà hát Bataclan để giải thoát con tin bắt đầu vào lúc 0 giờ 18 phút, rất lâu sau khi tổng thống ra lệnh tiến hành. Ông François Hollande giải thích lý do vì sao:

François Hollande: Tôi đã có quyết định tấn công ngay từ lúc đến Bộ Nội Vụ và được biết là có ít nhất hai tên khủng bố đã đột nhập vào nhà hát, nổ súng sát hại một phần khán giả và giữ vài chục người khác làm con tin.

Vì thế tôi đã yêu cầu lực lượng đặc biệt can thiệp, và chúng tôi đã phải chờ đợi rất lâu trước khi cuộc đột kích được thực hiện. Lý do là vì có một khoảng cách rất lâu, thậm chí nhiều tiếng đồng hồ, kể từ lúc tôi ra lệnh cho đến khi lực lượng tấn công có thể hành động.

Nhiều người đã đặt câu hỏi là tại sao lại phải chờ lâu như vậy. Câu trả lời là những chiến sĩ rất dũng cảm đó, những cảnh sát đó, phải đàm phán với quân khủng bố trước, rồi sau đó mới có thể hành động sao cho các con tin không bị đạn lạc.

Họ đã làm được điều đó với một cách chuyên nghiệp đáng phục, vì như quý vị đều biết, trong một chiến dịch tấn công kiểu đó, những cảnh sát hay hiến binh đi đầu luôn là những người đầu tiên trúng đạn của các thành phần khủng bố.

Bài Liên Quan

Leave a Comment