Nghiên cứu treo ngược tê giác được trao giải Ig Nobel 2021
- Jonathan Amos
- Phóng viên Khoa học của BBC
9 giờ trước
Một nghiên cứu về tác động của việc treo ngược lên sức khỏe tê giác đã giành một trong những giải Ig Nobel năm nay.
Những chủ nhân thắng giải còn bao gồm các nhóm nghiên cứu với công trình về vi khuẩn trong kẹo cao su bị dính trên vỉa hè hoặc cách kiểm soát gián trên tàu ngầm.
Các giải thưởng Ig Nobel vui nhộn này dĩ nhiên không thể sánh bằng các giải Nobel \”thật\” được.
Buổi lễ trao giải không thể diễn ra như thông lệ tại Đại học Harvard ở Mỹ vì các lệnh hạn chế do Covid
Và thay vào đó phần vui nhất đã diễn ra trên mạng.
Tạp chí khoa học vui, Annals of Improbable Research cho biết các giải Ig Nobel làm cho chúng ta cười nhưng rồi khiến cho chúng ta phải suy nghĩ.
Và nghiên cứu về tê giác \’chiến thắng\’ trong hạng mục \’Vận tải\’ đã cho thấy chính xác điều này. Có gì ngớ ngẩn hơn khi treo ngược 12 con tê giác trong 10 phút?
Thế nhưng bác sĩ thú y chuyên về động vật hoang dã, Robin Radcliffe từ Đại học Cornell và các đồng nghiệp của mình đã thực hiện việc này tại Namibia bởi vì họ muốn biết sức khỏe của tê giác có thể bị suy giảm hay không khi bị treo ngược bên dưới một máy bay trực thăng.
Hoạt động này ngày càng được sử dụng nhiều trong công tác bảo tồn ở Châu Phi nhằm giúp di chuyển tê giác giữa các khu vực sinh sống rải rác.
Tuy nhiên, không ai từng điều tra căn bản xem liệu chức năng tim và phổi của những con tê giác đã được gây mê sẽ bị ảnh hưởng thế nào khi bị treo ngược lúc bay, Robin cho biết.
Bác sĩ Robin nói với BBC News: \”Namibia không phải là quốc gia đầu tiên vận chuyển tê giác khi treo ngược chúng dưới máy bay trực thăng, nhưng đây là quốc gia đầu tiên suy nghĩ về cách làm này và quyết định \”Nào, hãy nghiên cứu và xem liệu điều này có an toàn cho tê giác hay không?\”.
Và vì vậy, đội ngũ của Robin, phối hợp của Bộ Môi trường, Lâm nghiệp và Du lịch đã Du lịch của Namibia đã dùng cần cẩu để treo ngược 12 con tê giác đen được gây mê và tiến hành đo lường những phản ứng về mặt thể chất của chúng.
\”Tôi nghĩ lý do là khi một con tê giác nằm nghiêng thì tư thế nằm sẽ có các ảnh hưởng về mặt lưu thông máu. Nói cách khác, việc lưu thông máu ở phần dưới của phổi nhiều hơn, nhưng phần trên của phổi, vì trọng lực, không được lưu thông tốt, vì vậy khi một con tê giác bị treo ngược, thì căn bản giống như đang đứng thẳng; việc lưu thông máu qua phổi sẽ được cân bằng.
\”Chúng tôi cũng đã thấy rằng những con tê giác nằm nghiêng quá lâu, hoặc trên phần xương ức – thì đặc biệt chúng bị tổn thương cơ, bị viêm cơ, vì chúng quá nặng. Và không có áp lực nào lên chân của chúng, ngoại trừ mắt cá chân bị quấn dây xung quanh,\” Robin giải thích.
Theo thông lệ thì những người đoạt giải Nobel như Frances Arnold (Hóa học, 2018), Marty Chalfie, và Eric Maskin (Kinh tế, 2007) trao giải Ig Nobel cho những người chiến thắng.
Người chiến thắng phải tự in chiếc cúp Ig Nobel từ file PDF và một khoản tiền mặt dưới hình thức là một giấy bạc ngân hàng giả trị giá 10 ngàn tỷ đôla Zimbabwe.
Khi được hỏi sẽ làm gì với \”khoản tiền\” này, bác sĩ Robin Radcliffe cười và nói: \”Chúng tôi luôn hy vọng sẽ nhận được tài trợ.
\”Khi tôi lần đầu nghe về giải thưởng Ig Nobel, tôi không chắc là giải thưởng này đúng hay sai. Nhưng tôi tin là thông điệp đó \’khiến bạn cười rồi suy nghĩ\’ – tất cả là về chúng ta. Ngày càng có thêm nhiều người hiểu về các nỗ lực mà chúng tôi đang cố gắng thực hiện để cứu giúp loài động vật tuyệt vời đang sinh sống trên cùng hành tinh với con người.\”
Các thành viên cùng bác sĩ thú y Pete Morkel cho biết thêm: \”Điều này đã thật sự thay đổi nơi cư trú của loài tê giác, và thậm chí hơn thế là thay đổi chỗ ở của loài voi. Cột chân và nâng loài động vật to lớn này lên cao giờ đã được chấp thuận. Việc tiếp theo mà chúng tôi phải làm là nghiên cứu các loài động vật khác gồm trâu, hà mã và thậm chí có thể là hươu cao cổ.\”
Danh sách chủ nhân giải Ig Nobel năm 2021:
Sinh học: Susanne Schötz, với phân tích sự khác nhau giữa gừ gừ, líu lo, líu ríu, lầm bầm, kêu meo meo, rên rỉ, réo rắt, rít lên, kêu gào, hú hét, gầm gừ và các dạng giao tiếp khác giữa người và mèo.
Sinh thái: Leila Satari và các đồng nghiệp, sử dụng phân tích gen để xác định các dạng vi khuẩn khác nhau tồn tại trong kẹo cao su bị vứt trên vỉa hè ở các quốc gia khác nhau.
Hóa học: Jörg Wicker và các đồng nghiệp, với công trình phân tích hóa học không khí trong rạp chiếu phim, để kiểm tra liệu mùi từ khán giả có cho thấy mức độ bạo lực, tình dục, thái độ chống đối xã hội, sử dụng ma túy và ngôn ngữ xấu trong phim ảnh mà khán giả đang xem hay không.
Kinh tế: Pavlo Blavatskyy với công trình phát hiện rằng sự béo phì của các chính trị gia có thể là chỉ dấu tốt cho thấy sự tham nhũng của quốc gia đó.
Y khoa: Olcay Cem Bulut và các đồng nghiệp cho thấy đạt khoái cảm tình dục có thể có tác dụng như thuốc chống nghẹt mũi.
Hòa bình: Ethan Beseris và các đồng nghiệp, đã kiểm tra một giả định là loài người mọc râu để tự bảo vệ bản thân không bị đấm vào mặt.
Vật lý: Alessandro Corbetta và các đồng nghiệp với các thí nghiệm để xem tại sao người đi bộ không thường va chạm với người khác.
Động lực học: Hisashi Murakami và các đồng nghiệp nghiên cứu để tìm hiểu tại sao người đi bộ lại đôi khi va chạm với người khác.
Côn trùng học: John Mulrennan Jr và đồng nghiệp, về công trình nghiên cứu \”Phương pháp mới để Kiểm soát Gián trên Tàu ngầm\”.
Vận tải: Robin Radcliffe và các đồng nghiệp, với thí nghiệm xem liệu có an toàn khi vận chuyển tê giác bị treo ngược bên dưới trực thăng hay không.