Peter Arnett, chiến tranh Vùng Vịnh và cuộc phỏng vấn lịch sử với Saddam Hussein (kỳ 2)

Peter Arnett, chiến tranh Vùng Vịnh và cuộc phỏng vấn lịch sử với Saddam Hussein (kỳ 2)

21/08/2021


\"Tổng
Tổng thống Saddam Hussein chụp ảnh với Peter Arnett sau cuộc phỏng vấn tại một tòa nhà an toàn và bí mật của vùng ngoại ô Baghdad vào ngày 30 tháng Một năm 1991. (Hình: Peter Arnett cung cấp)

Đinh Yên Thảo/Alexis Dinh


Được sáng lập năm 1980 tại thành phố Atlanta của tiểu bang Georgia, CNN là kênh truyền hình thuần tin tức 24 giờ đầu tiên của Mỹ. Từ một hãng non trẻ và nhỏ, cuộc chiến tranh Vùng Vịnh lần thứ nhất trong khoảng thời gian 1990-1991 đã đưa số khán giả của CNN qua mặt \”Big Three\”, ba hệ thống truyền hình lớn nhất nước Mỹ bấy giờ là ABC, CBS và NBC nhờ vào những tường trình chiến sự trực tiếp cùng các cuộc phỏng vấn từ trong lòng thủ đô Baghdad của Iraq. Cùng với nhóm phóng viên của CNN, ký giả Peter Arnett đã góp phần mang lại sự thành công này. Trong cuộc phỏng vấn này, ông đã kể lại cho chúng tôi nghe nhiệm vụ tường trình đầy nguy hiểm này cùng việc thực hiện cuộc phỏng vấn lịch sử với Tổng Thống Iraq, Saddam Hussein.

Phóng viên (PV): Sau Chiến tranh Việt Nam, ông làm việc cho CNN trong gần hai thập niên và luôn trong số những phóng viên đầu tiên đến các khu vực chiến sự của thế giới. Trong nhóm được mệnh danh là \”Những chàng trai Baghdad\” (The Boys of Baghdad) trong chiến tranh vùng Vịnh lần thứ nhất, ông có mặt tại Baghdad để tường thuật cuộc tấn công đầu tiên của Mỹ vào Iraq. Ông có thể kể lại việc này và điều gì khiến ông mạo hiểm cho nhiệm vụ tình nguyện này?

\"Nhóm
Nhóm \”Những chàng trai Baghdad\” gồm Bernard Shaw, John Holliman và Peter Arnett. Năm 2002, HBO đã thực hiện bộ phim truyền hình \”Trực Tiếp từ Baghdad\” (Live from Baghdad) dựa theo câu chuyện nhóm ký giả CNN này để nói về chức nghiệp cùng nhiệm vụ phức tạp và nguy hiểm của nghề báo. (Hình: Peter Arnett cung cấp)

Peter Arnett (PA): Quân đội của Saddam Hussein lấn chiếm quốc gia láng giềng Kuwait vào đầu tháng 9 năm 1990, chủ yếu là muốn chiếm lấy kỹ nghệ dầu lửa của xứ này. Hoa Kỳ và Ả-Rập Saudi đã lập ra một liên minh cùng các quốc gia liên quan nhằm đánh đuổi Saddam ra khỏi Kuwait. Chiến tranh vùng Vịnh diễn ra tương đối ngắn, mở màn vào ngày 17 tháng Một năm 1991 bằng việc Mỹ và đồng minh oanh tạc vào các thành phố và cơ sở quân sự của Iraq trong nhiều tuần lễ, theo sau là cuộc tấn công kéo dài 100 giờ để buộc Tổng thống Iraq là Saddam Hussein phải ngồi vào bàn hòa đàm. Chiến tranh sau đó kết thúc nhưng Saddam và chính phủ của ông ta vẫn tồn tại và nắm Iraq thêm 11 năm tiếp theo.

Với một số lượng lớn khán giả, tường trình chiến sự của CNN trở thành kênh truyền hình phải xem lúc đó vì nghị quyết Hội đồng Bảo An Liên Hiệp Quốc lên án cuộc xâm lược Kuwait của Saddam đã nhận được sự ủng hộ của quốc tế. Khi liên minh các lực lượng quân sự lớn nhất được thành lập kể từ sau Đệ Nhị Thế Chiến bắt đầu ném bom Baghdad vào tháng Giêng năm 1991, khán giả thế giới xem tường thuật trực tiếp của CNN đã lên tới con số hàng triệu người. Tường trình trực tiếp về cuộc ném bom khơi chiến đã tạo ra thành công lớn nhất cho CNN.

Chính phủ Hoa Kỳ đã yêu cầu tất cả các cơ quan truyền thông Mỹ phải rời khỏi Baghdad nhưng Ted Turner, nhà sáng lập CNN là người có triết lý là tường trình \”thời cuộc quốc tế cả hai phía\” đã khuyến khích nhân viên ở lại và đưa tin về vụ đánh bom. Vào ngày thứ hai của cuộc chiến, tôi là nhân viên CNN duy nhất quyết định ở lại và tường trình chiến sự.

Tôi đã cố gắng thuyết phục các nhân viên chủ chốt của CNN cùng ở lại Baghdad với tôi. Tôi cần kỹ sư Nick Robertson giúp cho việc thông tin liên lạc. Tôi cần nhà sản xuất Robert Weiner cho việc liên lạc với chính phủ. Tôi cần một chuyên viên quay phim và một nhà biên tập. Tôi đã nói với tất cả về lý do tại sao tôi sẽ ở lại rằng, khách sạn Al Rasheed mà chúng tôi đặt văn phòng cũng là nơi trú ẩn của các nhà ngoại giao Ả Rập và gia đình của họ, những người đứng ngoài cuộc chiến. Tôi biết chúng tôi có thể tin tưởng là giới chức trách Iraq sẽ cho phép chúng tôi tiếp cận đủ để cung cấp các bản tin giá trị.

Chúng tôi có đủ phương tiện liên lạc trong tay: điện thoại vệ tinh đặc biệt đã có tại khách sạn và các thiết bị truyền video di động đang nằm trong một chiếc xe tải chờ đợi ở khu vực lân cận Amman tại vùng biên giới với Jordan để lái vào Iraq và cho phép chúng tôi tường trình trực tiếp về chiến sự ngay từ khách sạn Al Rasheed.

\"Peter
Peter trực tiếp tường trình qua vệ tinh từ Baghdad. (Hình: Peter Arnett cung cấp)

Còn với những lo ngại rằng chính phủ Hoa Kỳ có thể phá hủy cả khách sạn, thì tôi biết rằng một khi CNN đã bắt đầu phát sóng đến khán giả khắp thế giới thì Tổng Thống George H. Bush sẽ khó có thể ra lệnh phá hủy khách sạn chúng tôi ngụ được. Và tôi cũng tin tưởng Hoa Kỳ sẽ không cố tình \”bứng gốc\” chúng tôi.

Những lời kêu gọi cùng ở lại của tôi đến các nhân viên chủ chốt của văn phòng CNN tại Bagdad không thành công. Vào ngày thứ ba của cuộc đánh bom, chỉ có mình tôi tại sảnh tiếp tân đá cẩm thạch của khách sạn Al Rasheed đã không còn nhân viên nào cả. Tôi rất hào hứng. Tôi bắt đầu tường thuật qua điện thoại vệ tinh nhiều lần trong ngày đến khán giả thế giới, mà theo như lời của một giám đốc quản trị của CNN tại Atlanta là có đến 100 quốc gia và mọi người đang \”theo dõi từng lời nói\”.

Không có bất cứ sự cạnh tranh tin tức nào ngay tại Iraq lúc đó. Thực hiện công việc này, tường trình trên đất địch đơn độc trong một cuộc chiến của Hoa Kỳ, không phải là chuyện một giấc mơ trở thành sự thật bởi vì tôi chưa bao giờ mơ về một sự việc khó xảy ra như vậy.

Chính phủ Hoa Kỳ không hài lòng việc CNN cho phép tôi ở lại Baghdad và tận mắt tường thuật về chiến dịch ném bom cùng các ảnh hưởng của nó lên người dân Iraq. Tôi đã đưa tin vào ngày thứ sáu của cuộc ném bom là chính phủ Iraq thông báo rằng các oanh tạc cơ của Mỹ đã phá hủy một nhà máy mà họ bảo là chế biến sữa cho trẻ em tại vùng ngoại ô Baghdad. Tôi đã tường trình về thiệt hại tận mắt.

Sáng hôm sau đọc tin trên BBC thì nghe phát ngôn viên của Bạch Ốc là Marlin Fitzwater gọi tôi là kẻ nói dối. Tổng thống đã xem bản tin của tôi về nhà máy \”sữa cho trẻ em\” và không hài lòng. Fitzwater cho biết nhà máy này là \”một cơ sở chế tạo vũ khí sinh học\” và là một mục tiêu hợp pháp.

Vậy là bắt đầu một trường thiên tiểu thuyết gây tranh cãi nhất trong sự nghiệp của tôi, là nền tảng cho những lời chỉ trích từ các quan chức chính phủ cùng các dân biểu cánh hữu trong suốt cuộc chiến và trong vài năm sau đó. Trong nhiều lần trở lại Baghdad sau chiến tranh, tôi đã kiểm chứng rằng nhà máy này chế biến sữa bột cho trẻ em, đúng như những gì người Iraq đã nói.

PV: Đó là một thực tế mà truyền thông đối diện dù ở bất cứ nơi đâu một khi tường trình điều bị xem là bất lợi cho chính phủ. Vậy sau đó ông liên lạc để phỏng vấn tổng thống Saddam Hussein ra sao?

PA: Tôi ngạc nhiên về cơ hội phỏng vấn Saddam vì lãnh tụ Iraq nhận thức được những mối đe dọa lên tính mạng của ông ta từ phía Mỹ. Tôi biết rằng chuyện phỏng vấn Saddam Hussein trong một cuộc chiến do hầu hết các quốc gia trên thế giới phát động để chống lại ông ta cũng sẽ gây tranh cãi. Tôi thề sẽ không nhân nhượng với Saddam nhất có thể. Chắc chắn CNN sẽ phát sóng toàn bộ cuộc phỏng vấn. Mỗi từ tôi nói ra sẽ được xem xét thận trọng.

Tôi cũng ngạc nhiên khi Saddam không mặc quân phục vốn dĩ mà xuất hiện trong bộ đồ vest thời trang và cà-vạt hoa. Khi gặp tôi, Saddam hỏi, \”Tại sao anh ở lại với chúng tôi?\” Tôi trả lời, \”Đây là nghề nghiệp của tôi, là sinh kế\”. Vị lãnh tụ Iraq trả lời: \”Chà, tôi hy vọng anh còn sống sót sau lần này\”. Saddam cũng hỏi, \”Anh có một danh sách các câu hỏi cho tôi không?\” Tôi trả lời, \”Không có, bởi vì tôi không được thông báo trước về việc gặp ông. Nhưng bây giờ tôi ở đây, tôi muốn hỏi ông những câu hỏi mà cả thế giới muốn được nghe trả lời.\” Các nhân viên Iraq đã chuẩn bị ba máy quay phim để thu hình cuộc phỏng vấn rồi sau đó họ đưa cho tôi những cuốn băng thu được.

\"Peter
Peter Arnett trước một khu dân cư đổ nát do bị oanh tạc vì quân đội cho là có thể là nơi ẩn náu của kẻ thù. Các tường trình từ Baghdad như vậy của ông đã bị quân đội và giới ủng hộ chiến tranh chỉ trích, theo lời ông. (Hình: Peter Arnett cung cấp)

Tôi nhận thấy rằng những cuộc đánh bom đã đưa Baghdad chìm vào trong bóng tối và bộ chỉ huy cấp cao của Hoa Kỳ đã thông báo rằng họ đang chiến thắng trong cuộc chiến. Saddam trả lời rằng ánh sáng rực rỡ nhất vẫn còn. Đó là ánh sáng trong tâm hồn của người dân và phe đồng minh không giành được chiến thắng từ những vụ ném bom mà là sự xấu hổ vì đã phát động các cuộc tấn công Iraq ngay từ đầu.

Tôi biết tôi cần khui được nhiều câu trả lời đáng tin hơn từ ông ta. Tôi thấy chỉ trong vài ngày ném bom, thiệt hại gây ra cho Iraq còn nhiều hơn so với cuộc chiến kéo dài tám năm với quốc gia láng giềng Iran. Saddam đầy né tránh. Tôi thử khiêu khích ông ta bằng cách hỏi thẳng về quyết định của ông ta khi sử dụng các phi công đồng minh bị bắt để làm bia chắn tại các vị trí chiến lược. Ông giả lơ trong các câu trả lời. Chuyện phiên dịch chậm cũng gây khó khăn cho tôi trong việc cật vấn ông ta một cách chính xác hơn.

Chúng tôi đã đấu nhau trong 90 phút và tôi đã yêu cầu ngừng cuộc phỏng vấn. Tôi cảm thấy mình đã giữ được lập trường của mình. Còn Saddam hầu như rất bình tĩnh và nói chuyện suôn sẻ. Tôi nói với Saddam rằng, dường như mọi tư lịnh chiến trường trong suốt chiều dài lịch sử đều có những nghi ngờ về trận chiến trước mặt. Tôi hỏi,\” Ông có bất cứ nghi ngờ gì không? \”. Ông ta trả lời, \”Thậm chí một phần triệu cũng không\”.

Hệ thống chuyển video di động của CNN đã đến khách sạn Al Rasheed trong khi tôi đang phỏng vấn. Nhóm chuyên viên kỹ thuật đã chuyển tất cả băng thu hình về tổng hành dinh Atlanta ngay trong đêm và đến đầu giờ chiều ngày hôm sau, cuộc phỏng vấn được phát sóng.

Tôi tiếp tục nhiệm vụ tường trình trực tiếp từ Baghdad cho đến tàn cuộc chiến. Saddam cuối cùng đã đầu hàng vào ngày 28 tháng 2 năm 1991.

Kỳ cuối: Peter Arnett, chiến trường Afghanistan và cuộc gặp gỡ trùm khủng bố Osama Bin Laden.

Bài Liên Quan

Leave a Comment