Một tổ hợp bất động sản của Evergrande ở tỉnh Giang Tô, Trung Quốc. (Ảnh: Getty)
Cồng kềnh nhưng dễ đổ vỡ: Chỉ một gã khổng lồ BĐS Trung Quốc phá sản, cả nền kinh tế lung lay
Bình luậnMộc Trà • 13/09/21
Thỉnh thoảng, trên thế giới lại xuất hiện một vài công ty phát triển lớn mạnh và lộn xộn đến mức các chính phủ đều lo sợ không biết điều gì sẽ xảy ra với nền kinh tế đó nếu nó thất bại. Ở Trung Quốc, Evergrande – gã khổng lồ bất động sản nổi tai tiếng – chính là một công ty như thế.
Evergrande nổi tiếng là nhà phát triển bất động sản mắc nợ nhiều nhất thế giới và nhà nước đã cho “thở oxy” suốt nhiều tháng qua. Những tin xấu dồn dập liên quan đến Evergrande trong những tuần gần đây đã khiến nhiều chuyên gia cảnh báo về không thể tránh khỏi: thất bại.
Cơ quan xếp hạng Fitch tuần này nhận định rằng khả năng Evergrande mất khả năng thanh toán \”có thể sẽ xảy ra\”. Moody\’s, một cơ quan xếp hạng khác, cho biết Evergrande không còn cả tiền lẫn thời gian. Evergrande đang phải đối mặt với khoản nợ hơn 300 tỷ USD, hàng trăm tòa nhà dân cư chưa hoàn thành và hàng ngàn nhà cung cấp giận dữ đã đóng cửa các công trường xây dựng. Công ty thậm chí đã bắt đầu thanh toán các hóa đơn quá hạn bằng cách bàn giao tài sản chưa hoàn thành.
Các nhà quan sát đang theo dõi xem liệu các nhà quản lý Trung Quốc có thực hiện đúng cam kết làm trong sạch khu vực doanh nghiệp của nước này bằng cách để những “quả bom nợ” như Evergrande sụp đổ hay không.
Làm thế nào Evergrande lại trở thành \’quả bom nợ\’ như vậy?
Trong những ngày vinh quang cách đây một thập kỷ, ngoài ngành nghề chính là bất động sản, Evergrande còn kinh doanh nước uống đóng chai, sở hữu đội bóng đá chuyên nghiệp tốt nhất Trung Quốc và thậm chí có một thời gian ngắn còn “đá sân” sang cả lĩnh vực chăn nuôi lợn. Nó trở nên cồng kềnh và lộn xộn, đầu tư dàn trải đến mức mua lại cả một đơn vị sản xuất ô tô điện, để rồi sau đó bị trì hoãn sản xuất hàng loạt.
Ngày nay, Evergrande được coi là một “tổ mối hổng” có thể đe dọa làm vỡ “con đê lớn” – hệ thống các ngân hàng lớn nhất Trung Quốc.
Công ty được thành lập vào năm 1996 này đã thúc đẩy sự bùng nổ bất động sản ở Trung Quốc. Quá trình này đã đô thị hóa các vùng đất rộng lớn của đất nước và dẫn đến việc các hộ gia đình phải dồn gần 3/4 tài sản của mình để trả cho chi phí mua nhà ở. Nhờ đó, Evergrande đã trở thành trung tâm quyền lực trong một nền kinh tế dựa vào thị trường bất động sản để tăng trưởng kinh tế siêu tốc.
Người sáng lập tỷ phú của Evergrande, ông Xu Jiayin, là thành viên của Hội nghị Hiệp thương Chính trị Nhân dân Trung Quốc, một nhóm tinh hoa gồm các cố vấn có quan hệ chính trị tốt. Mối quan hệ của ông Xu có lẽ đã giúp các chủ nợ tin tưởng để tiếp tục cho Evergrande vay tiền khi công ty này phát triển và mở rộng sang các lĩnh vực kinh doanh mới. Tuy nhiên, cuối cùng, Evergrande đã nơi vào vòng xoáy nợ do chính nó tạo ra, lớn đến mức chính quyền có muốn cứu nó thì cũng phải dè chừng.Xu Jiayin, tỷ phú sáng lập của Evergrande, vào năm 2009. Những ngày này công ty có gần 800 dự án chưa hoàn thành trên khắp Trung Quốc. (Ảnh: Getty)
Trong những năm gần đây, công ty này đã phải đối mặt với các vụ kiện từ những người mua nhà vẫn đang chờ hoàn thiện căn hộ mà họ đã thanh toán một phần. Số tiền liên quan đến các vụ kiện tụng lên đến hàng trăm tỷ USD. Một số nơi đã đình chỉ xây dựng các dự án của Evergrande.
Tại sao công ty này lại cùng một lúc gặp nhiều khó khăn đến như vậy?
Có 2 nguyên nhân:
Thứ nhất, các cơ quan quản lý Trung Quốc đang triệt hạ thói quen vay mượn liều lĩnh của các nhà phát triển bất động sản. Điều này đã buộc Evergrande bắt đầu bán bớt một tài sản trong đế chế kinh doanh rộng lớn của mình. Công ty đang cân nhắc bán mảng kinh doanh xe điện của mình và đã có các cuộc đàm phán với những người mua tiềm năng. Nhưng một số chuyên gia cho rằng người mua đang chờ đợt bán tháo.
Thứ hai, thị trường bất động sản của Trung Quốc đang chậm lại và nhu cầu về căn hộ mới cũng ít hơn. Tuần này, Viện Tài chính và Phát triển Quốc gia, một tổ chức tư vấn nổi tiếng của Bắc Kinh, tuyên bố sự bùng nổ thị trường bất động sản “đã có dấu hiệu bước ngoặt”, với lý do nhu cầu yếu và dữ liệu bán hàng chậm lại.
Phần lớn số tiền mà Evergrande có được đến từ các căn hộ bán trước chưa hoàn thiện. Theo nghiên cứu từ REDD Intelligence, Evergrande có gần 800 dự án đang dang dở trên khắp Trung Quốc và khoảng 1,2 triệu người vẫn đang chờ đợi để chuyển đến nhà mới của họ.
Evergrande đã giảm giá căn hộ mới nhưng ngay cả điều đó cũng không thu hút được người mua mới. Vào tháng 8, doanh thu của công ty đã chỉ bằng 3/4 so với cùng kỳ.
Liệu Bắc Kinh có ra tay \’trục vớt\’ Evergrande?
Bắc Kinh các cơ quan quản lý Trung Quốc đang muốn triệt hạ thói quen vay mượn liều lĩnh của các nhà phát triển bất động sản, vì thế họ sẽ muốn nói “không”. Nhưng sự sụp đổ có thể gây ra thiệt hại nghiêm trọng, khiến các chủ nhà, nhà cung cấp và các nhà đầu tư trong nước – có khả năng lên đến hàng triệu – rơi vào hoảng loạn, đây là điều mà Bắc Kinh không thể không lo lắng.
Trong nhiều năm, nhiều nhà đầu tư đã đầu tư tiền cho các công ty như Evergrande vì họ tin rằng chúng “quá lớn để đổ vỡ”, và đến cuối cùng Bắc Kinh sẽ luôn bước vào giải cứu nếu mọi thứ trở nên quá tầm kiểm soát. Các nhà đầu tư đã đúng, ít nhất là trong nhiều thập kỷ qua. Nhưng trong vài năm trở lại đây, các nhà chức trách đã thể hiện quyết tâm “thấy chết không cứu”, nhằm kiềm chế vấn đề nợ không bền vững của Trung Quốc. Họ cũng đã yêu cầu các ngân hàng của mình giảm quy mô cho vay đối với nhà phát triển bất động sản này.
Sự thất bại của Evergrande sẽ ảnh hưởng đến nền kinh tế Trung Quốc như thế nào?
Trong lá đơn cầu cứu Evergrande gửi cho chính quyền tỉnh Quảng Đông, nơi tập đoàn đặt trụ sở, đã cảnh báo rằng tập đoàn có thể cạn kiệt thanh khoản, gây ra các rủi ro cho hệ thống tài chính nếu chính quyền không hỗ trợ cho Hengda Real Estate – công ty con của Evergrande, tái cấu trúc và niêm yết cổ phiếu trên Sàn giao dịch chứng khoán Thâm Quyến.
- Mối đe dọa thứ nhất, do tập đoàn khủng hoảng tiền mặt, có thể gây vỡ nợ với số tiền 130 tỷ NTD (19 tỷ USD).
- Mối đe dọa thứ hai, tập đoàn Evergrande có khả năng vỡ nợ lên đến 835,5 tỷ NDT (123,8 tỷ USD) liên quan đến 171 tổ chức tài chính gồm cả ngân hàng và các công ty tín quỹ. Việc vỡ nợ chéo trên quy mô lớn còn dẫn đến tình trạng hỗn loạn tài chính có hệ thống.
- Mối đe dọa thứ ba, 8.441 doanh nghiệp khâu thượng nguồn và hạ nguồn sẽ bị ảnh hưởng, một số trong đó có thể dẫn đến phá sản. Điều này sẽ làm suy yếu nền kinh tế quốc gia.
- Và cuối cùng, 792 dự án BĐS đang triển khai của Evergrande sẽ bị ảnh hưởng, đe dọa tới đời sống và tài chính của 2 triệu người mua nhà; 3 triệu người mất việc làm.
Rõ ràng là, hậu quả từ những mối đe dọa nêu trên rất nghiêm trọng, rủi ro có thể xâm lấn khắp hệ thống tài chính rộng lớn của Trung Quốc, dẫn đến sự suy yếu chính sách tài khóa quốc gia mà ĐCSTQ đã mất công sức xây dựng và thực hiện. Trụ sở chính của Evergrande ở Thâm Quyến. Công ty nhanh chóng mở rộng trong nền kinh tế dựa vào thị trường bất động sản để tăng trưởng kinh tế siêu tốc. (Ảnh: Getty Images)
Các nhà đầu tư nước ngoài lo lắng rằng nếu Evergrande thất bại, tất cả số tiền họ đang nợ sẽ tan thành mây khói. Các nhà chức trách ở Bắc Kinh đã chỉ ra rằng họ không còn sẵn sàng cứu trợ các trái chủ nước ngoài và trong nước. Trong bất kỳ thủ tục phá sản nào, họ sẽ ở vị trí thấp trong danh sách ưu tiên của các chủ nợ được lấy bất kỳ tài sản nào của công ty Trung Quốc này.
‘Ổ ung nhọt’ rồi cũng phải vỡ, dù sớm hay muộn
BĐS Trung Quốc vốn là một ngành có tính rủi ro cao. Sự tồn tại của thị trường này không còn là một nhiệm vụ kinh tế, mà còn là một nhiệm vụ chính trị. Thị trường luôn gắn liền với 3 nhóm đối tượng:
- Chính quyền địa phương dựa vào việc bán đất để có nguồn thu;
- Nhà đầu tư kinh doanh dựa vào các khoản vay;
- Người mua nhà và BĐS dựa vào các khoản vay thế chấp.
Cả ba nhóm này đều phải dựa vào các ngân hàng thương mại quốc doanh – mà ở đó – ông chủ thực sự lại là chính quyền ĐCSTQ.
Kể từ thế kỷ 20, hơn 100 cuộc khủng hoảng kinh tế đã xảy ra và hầu hết nguyên nhân đều do bong bóng BĐS gây ra. Điển hình gần đây là các cuộc khủng hoảng BĐS ở Nhật Bản, Mỹ và Tây Ban Nha.
ĐCSTQ tạo nên bong bóng BĐS lớn nhất trong lịch sử thế giới hiện đại, bong bóng này lẽ ra đã vỡ từ lâu nếu nó xảy ra ở một quốc gia khác.
ĐCSTQ đang nỗ lực kiểm soát nền kinh tế. Tuy nhiên, họ cũng đang ở trong tình thế khó xử vì không thể mạo hiểm để bong bóng vỡ, cũng như không thể để nó phát triển lớn hơn. Tất cả các chính sách điều tiết mà ĐCSTQ đưa ra trong những năm gần đây đều có một mục tiêu là “để bong bóng từ từ co rút lại”.
Đa phần người sở hữu BĐS không muốn giá nhà đất giảm; khi mà 70% giá trị tài sản của người dân Trung Quốc là BĐS. Nếu giá nhà đất giảm sẽ khiến tổng giá trị tài sản của họ sụt giảm và đương nhiên họ không muốn điều đó xảy ra, Ngay cả với những người đã trả xong nợ vay mua nhà hay vẫn còn đang trả. Do vậy, cả chính phủ và người dân Trung Quốc hy vọng giá nhà đất sẽ giữ được mức ổn định tương đối.
Chi tiêu tiêu dùng của người dân Trung Quốc được kỳ vọng sẽ tăng lên, chuyển chi tiêu từ mua nhà sang các loại hình khác như hàng hóa, dịch vụ, đầu tư, sản xuất… nếu bong bóng BĐS vỡ. Nhưng giả định này quả là không thực tế đối với một quốc gia như Trung Quốc.
Theo số liệu thống kê của Ngân hàng Trung ương Trung Quốc, khoản nợ bình quân của một thanh niên sinh sau năm 1990 là 127.000 NDT (18.826 USD). Trong khi đó, 560 triệu người Trung Quốc không có tiền tiết kiệm trong năm 2019. Do đó, dù bong bóng có vỡ cũng không thức đẩy được tiêu dùng, bởi những yếu tố sau:
- Những người mua nhà bằng vay thế chấp sẽ vẫn phải tiếp tục trả nợ;
- Bong bóng BĐS vỡ sẽ gây ra tỷ lệ thất nghiệp trên diện rộng với hơn 50 ngành nghề liên quan.
Vì vậy, hậu quả của vỡ bong bóng BĐS là cơn ác mộng đối với chính phủ, hệ thống ngân hàng, doanh nghiệp và đại bộ phận người dân Trung Quốc. Mức độ nghiêm trọng của hậu quả còn phụ thuộc vào “sức căng” của bong bóng trước khi vỡ. Tập đoàn Evergrande đối với ĐCSTQ không còn chỉ là mối đe dọa, mà còn là cuộc chạy đua với thời gian.
Lê Minh – Mộc Trà
NGUỒN TIN THAM KHẢO