Phim Pháp đoạt giải Sư tử vàng liên hoan Venise
Đăng ngày: 14/09/2021
Tuấn Thảo
Bộ phim Pháp \’\’L\’Événement\’\’ là Sự kiện quan trọng nhất nhân kỳ bế mạc liên hoan phim Venise, với buổi lễ trao giải truyền thống hôm 11/09/2021.
Trên bảng vàng năm nay, bộ phim nói về chủ đề phá thai của nữ đạo diễn Pháp Audrey Diwan đã vượt trội so với 20 tác phẩm khác cùng tham gia chương trình tranh giải chính thức. Bộ phim này đã nhận Sư tử vàng, giải thưởng cao quý nhất, từ tay chủ tịch ban giám khảo là đạo diễn Hàn Quốc Bong Joon-Ho.
Phải chăng do trùng hợp ngẫu nhiên mà liên hoan Venise đã khai mạc hồi đầu tháng 9/2021, hầu như vào cùng thời điểm lệnh cấm phá thai chính thức có hiệu lực tại bang Texas, Hoa Kỳ. Đối với giới phê bình quốc tế đến Venise tham dự liên hoan, thì dù muốn hay không, mảng tin thời sự đã tạo ra tiếng vang cho chủ đề nhạy cảm này, gây thêm sự chú ý đối với bộ phim Pháp mang tựa đề \’\’L\’Événement\’\’ hiểu theo nghĩa của một \’\’biến cố\’\’ trong cuộc đời của người phụ nữ, nhiều hơn là một \’\’sự kiện\’\’. Nhà làm phim Audrey Diwan về đầu trên bảng vàng đúng một năm sau khi nữ đạo diễn Cholé Zhao (Triệu Đình) được ban giám khảo liên hoan Venise trao giải Sư tử vàng cho bộ phim Nomadland (Kẻ du mục).
Một bộ phim tâm lý nhưng không nặng tính tuyên ngôn
Khi lên sân khấu nhận giải Sư tử vàng, nữ đạo diễn Pháp cho biết là cô đã thực hiện bộ phim này với tất cả tâm huyết và tấm lòng, những tình cảm lẫn lộn giữa phẫn nộ và ham muốn. Bản thân cô cũng không ngờ rằng chủ đề phá thai lại mang nhiều tính thời sự đến như vậy, một cách tiêu cực hơn là tích cực. Audrey Diwan cũng hy vọng rằng nỗ lực của đoàn làm phim sẽ giúp cho khán giả hiểu thêm về tâm can cũng như nỗi đoạn trường của người phụ nữ, ở bất cứ thời nào hay lứa tuổi nào, họ đều đau đớn khổ sở khi đứng trước quyết định có nên phá thai hay không.
Bộ phim này là một \”cuộc hành trình nội tâm\’\’, ống kính với lối quay phim gần sát và ngang tầm nhìn của nhân vật chính, mời khán giả thử đặt mình vào \”thế kẹt\’\’ của người phụ nữ trẻ trong phim. Bộ phim được giới phê bình đánh giá có nhiều bề dày và chiều sâu tâm lý nhưng vẫn không quá nặng tính tuyên ngôn xã hội, theo kiểu dấn thân đấu tranh đòi nữ quyền.
\’\’L\’Événement\’\’ là bộ phim truyện thứ nhì của Audrey Diwan, một phiên bản điện ảnh phóng tác từ quyển sách cùng tên của nhà văn Annie Ernaux. Được viết theo lối tự truyện, quyển sách kể lại những kinh nghiệm của chính tác giả trong bối cảnh nước Pháp đầu những năm 1960, khi vấn đề phá thai vẫn còn bị cấm đoán, bị xã hội bảo thủ lên án. Vào thời bấy giờ, phụ nữ mang bầu mà không muốn có con, buộc phải phá thai một cách lén lút, thường là trong những điều kiện y tế tồi tệ. Nước Pháp chỉ thông qua luật cho phép phụ nữ phá thai vào năm 1975. Nhưng trước thời điểm hợp pháp hóa, mọi hình thức phá thai đều bị truy tố, kẻ vi phạm (kể cả người giúp phụ nữ phá thai) đều có nguy cơ bị kết án tù giam.
Khi chuyển thể tác phẩm \’\’L\’Événement\’\’ lên màn ảnh lớn, đạo diễn Audrey Diwan đã muốn dựa vào câu chuyện có thật của một nhà văn Pháp trưởng thành trong một xã hội còn có một cái nhìn hạn hẹp khắt khe đối với vai trò trong gia đình cũng như trong xã hội của người phụ nữ. Bộ phim kể lại câu chuyện của Anne, một nữ sinh viên khoa văn. Khi khám phá rằng cô đang mang bầu, Anne đứng trước một sự chọn lựa khó khăn : nghỉ học về quê để sinh con, hay là tìm cách phá thai nhưng phải giấu chuyện này để tránh cho gia đình bị liên lụy.
Phim dựa vào câu chuyện thật của một nhà văn Pháp
Hành trình đầy gian truân của Anne bắt đầu khi cô chọn con đường thứ hai, nhất là cô không phải là con nhà giàu, cho nên không thể nào rời Pháp sang nước ngoài một thời gian, tại những nơi mà phụ nữ muốn phá thai sẽ không bị truy tố… Đằng sau vấn đề này là cả một khối thành kiến xã hội đối với người phụ nữ. Bác sĩ, y tá, giáo sư, bạn học cùng trường, tất cả đều sợ và không muốn giúp đỡ cô sinh viên. Anne quyết định tự phá thai, trong lúc cô ở nhà một mình, cho dù điều đó hết sức rủi ro, Anne có nguy cơ mất mạng nếu bị xuất huyết quá nhiều, và cho dù có cầm được máu, thì nguy cơ bị sốc do nhiễm trùng toàn thân cũng rất cao.
Trong vai Anne, đạo diễn Audrey Diwan đã chọn nữ diễn viên người Pháp gốc Rumani Anamaria Vartolomei. Đây là vai diễn quan trọng đầu tiên với chiều sâu tâm lý khá phức tạp đối với một cô gái mới ngoài 20 tuổi, nhưng lối diễn xuất tự nhiên của cô đã được đa số các ngòi bút phê bình tại liên hoan Venise tán thưởng khen ngợi, cho đây là một trong những vai diễn đặc biệt gây ấn tượng trong kỳ liên hoan năm nay. Bản thân Anamaria cho biết là mãi đến khi đóng phim này, cô mới ý thức được rằng quyền phá thai vẫn còn khá mong manh. Trên thế giới, vẫn còn nhiều quốc gia hoàn toàn cấm phụ nữ làm chuyện đó.
Vào năm 41 tuổi, nữ đạo diễn người Pháp Audrey Diwan đã thực hiện cú đột phá ngoạn mục với bộ phim thứ nhì của mình. Trước khi đoạt giải Sư tử vàng tại liên hoan phim Venise, cô đã tham gia vào khá nhiều dự án làm phim, chủ yếu trong khâu viết kịch bản của các bộ phim thuộc thể loại trinh thám hình sự, chẳng hạn như phim \”Bac Nord\” của đạo diễn Cédric Jimenez đang được chiếu tại các rạp hát ở Pháp, kể lại câu chuyện của một đội cảnh sát điều tra tại vùng ngoại ô phía Bắc Marseille (2021). Ngoài ra còn có phim \”La French\” nói về các đường dây buôn ma túy cũng tại thành phố Marseille (2014).
Audrey Diwan đảm nhiệm khâu kịch bản trước khi chuyển qua nghề đạo diễn lần đầu tiên vào năm 2019, và từ cách viết kịch bản phim cô đã phát huy sở trường thắt nút sao cho phim thêm gay cấn, để rồi gỡ nút sao cho hợp tình hợp lý, thuyết phục dễ dàng đông đảo người xem.
Từ Cannes đến Venise : Ngày đăng quang của các nữ đạo diễn
Qua việc trao giải Sư tử vàng năm nay cho bộ phim \’\’L\’Événement\’\’, đạo diễn Hàn Quốc Bong Joon-ho, từng đoạt Cành cọ vàng với phim \’\’Parasite\’\’ (Ký sinh trùng) một mặt đã muốn công nhận tài năng của Audrey Diwan, mặt khác ông muốn tránh một cuộc tranh luận không cần thiết liên quan tới những bộ phim hợp tác sản xuất với nền tảng trực tuyến Netflix. Mặc dù đã mở rộng sân chơi cho các bộ phim đến từ kênh phân phối này, tuy nhiên vào năm 2018, liên hoan Venise đã gây tranh cãi khi trao giải Sư tử vàng cho tác phẩm \”Roma\” của đạo diễn Alfonso Cuarón, một bộ phim được cho là có nhiều giá trị nhưng hầu như không được chiếu ở các rạp phim và chủ yếu chỉ được giới thiệu trên mạng phim Netflix.
Giải Sư tử vàng năm nay nếu như chưa phải là thời điểm lên ngôi của \’\’nữ quyền\’\’, nhưng ít ra cho thấy các liên hoan phim quốc tế nói chung dành nhiều tình cảm ưu ái cho các nữ đạo diễn. Trong ngành điện ảnh, cho tới tận bây giờ, số phụ nữ nắm giữ những vai trò quan trọng vẫn là thiểu số.
Chỉ hai tháng sau khi liên hoan phim Cannes trao Cành cọ vàng cho bộ phim \’\’Titane\’\’ của nữ đạo diễn trẻ tuổi người Pháp Julia Ducournau, đến phiên một bộ phim khác cũng của Pháp và cũng do một nữ đạo diễn thực hiện, giành lấy giải Sư tử vàng. Liệu xu hướng này sẽ có tiếp tục trong những năm tới hay không, điều này chưa ai dám quả quyết là đúng nhưng ít ra 2021 là một năm \’\’thượng hạng\’\’, đánh đấu ngày công nhận các nữ đạo diễn như những gương mặt mới, đầy tài năng hứa hẹn sáng chói.