Huawei thâm nhập trung tâm nghiên cứu của Đại học Cambridge, giới chính trị Anh thúc giục điều tra

\"Huawei

Tờ The Times của Anh tiết lộ ngày 13/9 rằng, gã khổng lồ viễn thông Trung Quốc Huawei bị cáo buộc \”thâm nhập\” vào trung tâm nghiên cứu của Đại học Cambridge. (DANIEL LEAL-OLIVAS / AFP qua Getty)

Huawei thâm nhập trung tâm nghiên cứu của Đại học Cambridge, giới chính trị Anh thúc giục điều tra

 Bình luậnMai Hạ • 15/09/21

Tờ The Times của Anh tiết lộ ngày 13/9 rằng, gã khổng lồ viễn thông Trung Quốc Huawei bị cáo buộc \”thâm nhập\” vào Trung tâm Quản lý Cambridge Trung Quốc (CCCM), một trung tâm nghiên cứu thuộc Đại học Cambridge của Anh. Hầu hết các quản lý cấp cao của trung tâm này có quan hệ với Huawei. Ngoài ra, trưởng đại diện của trung tâm này là một cựu phó chủ tịch cấp cao của Huawei, người được hưởng phụ cấp đặc biệt của Quốc vụ viện Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ).

Trước thông tin này, giới chính trị Anh đã hối thúc chính phủ mở cuộc điều tra khẩn cấp về sự phụ thuộc của các cơ quan như trường đại học vào quỹ của Trung Quốc.

Ba trong số bốn quản lý cấp cao của CCCM có liên quan đến Huawei

Tờ The Times đưa tin rằng, \”Trung tâm Quản lý Cambridge Trung Quốc\” (CCCM) được đưa vào hoạt động tại Thâm Quyến vào năm 2018. Trưởng đại diện của trung tâm là ông Hồ Ngạn Bình (Hu Yanping), cựu Phó chủ tịch cấp cao của Huawei. Theo bài báo, ông Hồ có tư cách “được hưởng phụ cấp đặc biệt của Quốc vụ viện (ĐCSTQ)”. Khoản trợ cấp này là phần thưởng giá trị dành cho các chuyên gia được ĐCSTQ coi trọng nhất.

Trả lời The Times, Trung tâm CCCM nói rằng ông Hồ Ngạn Bình “hiện không và chưa bao giờ cung cấp bất kỳ dịch vụ nào” cho Trường Kinh doanh Cambridge Judge (Cambridge Judge Business School) hoặc CCCM. Nhưng trang web của trung tâm này cho thấy ông Hồ là đại diện chính của họ. Ngay sau khi bị The Times truy vấn, trung tâm này đã xóa các thông tin liên quan đến ông Hồ khỏi trang web.

Theo mục giới thiệu nhóm quản lý của trang web CCCM, CCCM được đồng sáng lập bởi: Giáo sư Christoph Loch, Hiệu trưởng Trường Kinh doanh Cambridge Judge của Đại học Cambridge; ông Điền Đào (Tian Tao), Cố vấn thâm niên của Ủy ban Cố vấn Quốc tế Huawei; ông Peter William, Giáo sư Khoa Kinh doanh Quốc tế của Trường Kinh doanh Cambridge Judge, và Tiến sĩ Eden Yin, giảng viên cao cấp tại Khoa Tiếp thị của trường Trường Kinh doanh Cambridge Judge. Ông Loch và ông Điền giữ vai trò là đồng Chủ nhiệm của CCCM, ông William và ông Eden Yin là Giám đốc điều hành của trung tâm.

Ba trong số bốn quản lý cấp cao này bị cáo buộc có quan hệ mật thiết với Huawei.

Theo The Times, ông Điền Đào được cho là thân tín của nhà sáng lập Huawei Nhậm Chính Phi. Ông này còn có các buổi diễn thuyết về Huawei tại Trường Cao đẳng Hoàng gia London và Đại học Hàng không và Du hành vũ trụ Nam Kinh – một trong bảy trường đại học quân sự trọng điểm ở Trung Quốc. 

Ông Điền và ông David De Cremer, một nhà nghiên cứu danh dự của CCCM, còn đồng viết một cuốn sách ca ngợi Huawei.

Ông Cremer đã có bài phát biểu quan trọng tại một sự kiện của Huawei vào tháng 8/2021. Trong bài phát biểu, khi nói về trí tuệ nhân tạo, ông đã quảng bá cho điện thoại thông minh của Huawei.

Giám đốc điều hành CCCM William đã viết một bài báo cho tờ báo chính thức của ĐCSTQ, ca ngợi ngành công nghệ của Trung Quốc và sử dụng video để lên án vụ tấn công Huawei. Ông William còn lãnh đạo Trung tâm Đối thoại Anh – Trung về các vấn đề toàn cầu tại Trường Cao đẳng Jesus thuộc Đại học Cambridge. Tờ The Times tiết lộ năm ngoái rằng, trung tâm này đã nhận được 200.000 bảng Anh (khoảng 276 nghìn USD) tài trợ từ ĐCSTQ và 155.000 bảng Anh (khoảng 213,9 nghìn USD) từ Huawei.

Ông Eden Yin, một giám đốc điều hành khác của CCCM, đã làm việc với ông Điều Đào để viết bài quảng cáo cho Huawei.

Giới chính trị Anh yêu cầu điều tra khẩn cấp

Ông Johnny Patterson, Giám đốc “Hong Kong Watch”, một tổ chức phi chính phủ của Anh cho biết, \”Mối quan hệ của Huawei với ĐCSTQ đã không còn là điều gì bí mật, dường như trung tâm này (CCCM) đã bị Huawei thâm nhập. Đại học (Cambridge) nên điều tra. Mối quan hệ mật thiết giữa Huawei và Đại học Cambridge có tác động nghiêm trọng đến an ninh quốc gia và đạo đức”.

Phía Huawei trả lời rằng, công ty này rất tự hào về mối quan hệ với các trường đại học Anh và mọi cáo buộc đối với công ty là vô lý. Huawei nói những cáo buộc này phản ánh sự hiểu lầm căn bản về mối quan hệ đối tác giữa giới học thuật và doanh nghiệp.

Các thông tin trước đó cho biết, trong những năm gần đây, 20 trường đại học hàng đầu ở Anh đã nhận được hơn 40 triệu bảng Anh tài trợ từ Huawei và các doanh nghiệp nhà nước Trung Quốc. Năm 2018, Đại học Oxford đã tuyên bố rằng họ ngừng nhận tài trợ từ Huawei.

Ông Iain Duncan Smith, cựu lãnh đạo Đảng Bảo thủ Anh cho biết hôm 12/9 rằng, trong những năm gần đây, các trường đại học Anh đã \”phụ thuộc quá nhiều vào viện trợ tài chính của Trung Quốc (ĐCSTQ)” và nói rằng, Đại học Cambridge là một trong những trường hợp “tồi tệ nhất”. Ông Smith cho rằng, chính phủ Anh cần khẩn trương điều tra các cơ quan và công ty liên quan phụ thuộc vào Trung Quốc.

Nghị sĩ Đảng Bảo thủ Anh Tom Tugendhat, người đứng đầu Nhóm Nghiên cứu Trung Quốc, Chủ tịch Ủy ban Đặc biệt về Đối ngoại nói rằng, ảnh hưởng học thuật rõ ràng là một vấn đề, giống như các trường đại học sẽ không bao giờ nhận tiền từ các công ty thuốc lá để điều tra mối quan hệ giữa thuốc lá và bệnh ung thư. Do đó, các tổ chức phải hết sức thận trọng về nguồn tiền mà họ nhận được.

Huawei luôn bị các nước phương Tây cáo buộc có quan hệ mật thiết với chính quyền ĐCSTQ. Các luật liên quan của ĐCSTQ cũng yêu cầu các công ty Trung Quốc chia sẻ thông tin người dùng với chính phủ. Dựa trên những cân nhắc về an ninh quốc gia, nhiều quốc gia như Anh, Úc, Mỹ, v.v. đã loại Huawei khỏi việc xây dựng 5G.

Mai Hạ 

Theo The Epoch Times

Bài Liên Quan

Leave a Comment