Mỹ quyết định tổ chức kỷ niệm một năm « các Thỏa thuận Abraham »
Đăng ngày: 15/09/2021
Trọng Thành
Chính quyền Joe Biden quyết định kỷ niệm một năm « các Thỏa thuận Abraham », cho phép thiết lập quan hệ chính thức giữa Israel với ba quốc gia Ả Rập. « Các Thỏa thuận Abraham », được ký kết dưới thời tổng thống Donald Trump năm 2020, vốn gây nhiều tranh cãi. Phe Dân Chủ cho đến gần đây vẫn không muốn công nhận các thỏa thuận này.QUẢNG CÁO
Một ngày trước dịp tròn một năm các Thỏa thuận Abraham, ngày hôm qua, 14/09/2021, chính phủ Mỹ thông báo sẽ tổ chức kỷ niệm trực tuyến sự kiện này cùng với Israel và ba quốc gia Ả Rập đã tham gia thỏa thuận, gồm Các Tiểu Vương Quốc Ả Rập Thống Nhất, Bahrein vả Maroc. Việc chính thức dùng tên gọi « các Thỏa thuận Abraham » là một dấu hiệu rõ ràng, từ phía chính quyền Biden, khẳng định thành quả ngoại giao dưới thời tổng thống tiền nhiệm Donald Trump.
Theo AFP, dường như đây là lần đầu tiên chính quyền Biden khẳng định việc ủng hộ « các Thỏa thuận Abraham » sẽ góp phần giải quyết các xung đột giữa Israel và Palestine. Trong một đoạn video được đưa lên Twitter nhân dịp này, người phát ngôn bộ Ngoại Giao Mỹ Ned Price tuyên bố: « Chúng tôi hy vọng rằng khi Israel và nhiều quốc gia trong khu vực cùng trong các nỗ lực chung để thiết lập nên những cây cầu, tạo ra các điều kiện mới cho đối thoại và trao đổi, chúng ta có thể đạt được các tiến bộ cụ thể, hướng đến mục tiêu cổ vũ cho một nền hòa bình giữa Israel và Palestine thông qua thương lượng ».
Việc Các Tiểu Vương Quốc Ả Rập Thống Nhất thiết lập quan hệ chính thức với Israel ngày 15/09/2020 bị Palestine lên án mạnh mẽ, coi như một hành động « phản bội » lại lập trường chung của khối Ả Rập từ nhiều thập niên, theo đó khối Ả Rập chỉ bình thường hóa quan hệ với Israel chừng nào chính quyền Israel giải quyết vấn đề « chiếm đóng bất hợp pháp lãnh thổ Palestine ». Cho đến nay, Ả Rập Xê Út, nền kinh tế lớn nhất của khối, không chấp nhận tham gia thỏa thuận Abraham.
Đầu tư kinh tế : Kết quả không như mong đợi
Tiếp theo Các Tiểu Vương Quốc Ả Rập Thống Nhất, Bahrein, dưới sự thúc đẩy của chính quyền Trump, đến lượt Maroc và Sudan lập quan hệ ngoại giao với chính quyền Israel. Mục tiêu chính của các nước Ả Rập tham gia thỏa thuận Abraham với Israel trước hết là nhằm thu được các lợi ích về kinh tế. Tuy nhiên, một năm sau loạt thỏa thuận được đánh giá là « lịch sử » này, thực tế không được như mong đợi.
Thông tín viên Sami Boukhelifa tường trình từ Jérusalem :
« Ngay sau khi hai nước bình thường hóa quan hệ, các doanh nghiệp Israel chuyên về trí tuệ nhân tạo và các công nghệ tài chính, hay y tế, đã tìm cách chinh phục thị trường Các Tiểu Vương Quốc Ả Rập Thống Nhất. Nhà nước Do Thái, thường được mệnh danh là « Quốc gia khởi nghiệp » (Nation Start-up), có chung nhiều tham vọng với quốc gia giàu có vùng Vịnh trong các lĩnh vực này.
Trong vòng một năm, khoảng 200.000 người Israel đã đến Các Tiểu Vương Quốc Ả Rập Thống Nhất, chủ yếu là Dubai, tiểu vương quốc được coi là hấp dẫn nhất trong số 7 tiểu vương quốc. Mùa hè này, Israel và Các Tiểu Vương Quốc Ả Rập Thống Nhất đã mở sứ quán tại Abou Dhabi và Tel Aviv. Đại diện ngoại giao của Bahrein cũng vừa trình thư ủy nhiệm lên tổng thống Israel thứ Ba 14/09.
Nhưng nếu như Israel tỏ ra thèm khát thị trường Các Tiểu Vương Quốc Ả Rập Thống Nhất, thì đối tác mới của chính quyền Israel dường như lưỡng lự hơn nhiều. Đúng là Abou Dhani thông báo muốn đầu tư 10 tỉ đô la vào Israel, tuy nhiên trong hiện tại, chưa có gì được cụ thể hóa ».