Nội bộ Taliban lục đục ?

Afghanistan : Nội bộ Taliban lục đục ?

Đăng ngày: 15/09/2021

\"(Ảnh
(Ảnh minh họa) – Giáo sĩ Baradar, người đồng sáng lập Taliban, tại Doha, Quatar, tháng 07/2021. Việc không xuất hiện trước công chúng lâu ngày làm dấy lên tin đồn ông đã chết. KARIM JAAFAR AFP/File

Thu Hằng

Abdul Ghani Baradar, một trong những nhà đồng sáng lập Taliban và được bổ nhiệm làm phó thủ tướng Afghanistan, không xuất hiện trước công chúng từ nhiều ngày nay. Trước nhiều tin đồn trên mạng xã hội, Taliban ngày 14/09/2021 lên tiếng bác tin giáo sĩ Baradar đã chết trong một vụ xả súng vì cạnh tranh giữa các đối thủ.QUẢNG CÁO

Tân phó thủ tướng Baradar đã không xuất hiện trong phái đoàn chính phủ Afghanistan gặp ngoại trưởng Qatar Mohamed Ben Abdoulrahman al-Thani ngày 12/09. Ngay cả khi Taliban bác thông tin ông bị bắn chết hay bị thương, phó thủ tướng Baradar cũng không xuất hiện mà chỉ có một đoạn băng thu âm được Taliban công bố. Taliban giải thích ông « đang đi công tác trong những ngày gần đây », đồng thời « xác nhận 100% là chúng tôi không có bất đồng, cũng chẳng có vấn đề gì ».

Theo những đoạn video được Taliban công chiếu, giáo sĩ Baradar được cho là đang tham gia họp ở Kandahar (phía nam Afghanistan). Hãng tin Anh Reuters không kiểm chứng được tính xác thực của những tài liệu này.

Taliban phải lên tiếng trong bối cảnh có nhiều tin đồn về bất đồng giữa phe quân sự, đại diện là Sirajuddin Haqqani và phe chính trị, như giáo sĩ Baradar. Nhà lãnh đạo tối cao của Taliban, giáo sĩ Haibatullah Akhundzada, cũng không xuất hiện trước công chúng từ khi Taliban chiếm được Kabul ngày 15/08 và chỉ ra thông cáo khi thành lập chính phủ. Theo tin đồn ở Pakistan và Afghanistan, ông được cho là đã chết vì Covid-19 hoặc trong một trận oanh kích. Taliban từng giấu tin giáo sĩ Omar, nhà sáng lập Taliban, đã chết trong suốt 2 năm, đến tận năm 2015 mới xác nhận.

Talban bị tố cáo dùng vũ lực trấn áp biểu tình

Về tình hình nhân quyền, từ khi lên nắm quyền, Taliban liên tục bị tố cáo có những vi phạm, trong đó có vi phạm các quyền của phụ nữ, và tiếp tục sát hại thường dân. Theo BBC ngày 13/09, ít nhất 20 người ở Panshir đã bị Taliban hành quyết. Trong khi đó, tại Kandahar, hôm qua hàng nghìn người Afghanistan biểu tình phản đối việc Taliban ra lệnh trục xuất khoảng 3.000 người khỏi một khu dân cư của lực lượng an ninh trước đây. Họ chỉ có 3 ngày để rời khỏi khu vực mà nhiều người đã sống đến 30 năm.

Cựu đại sứ Afghanistan ở Liên Hiệp Quốc Nasir Ahmad Andisha đã yêu cầu mở lại điều tra về các vụ Taliban vi phạm nhân quyền trong bối cảnh Cao Ủy Nhân Quyền cũng cáo buộc tân chính quyền Kabul ngày càng sử dụng vũ lực để trấn áp các cuộc biểu tình.

Bài Liên Quan

Leave a Comment