Tranh chấp nảy lửa giành bộ tài liệu của trợ lý Mao Trạch Đông
Nhật ký của Lý Nhuệ (Ly Rui), một trợ lý thân cận của cố lãnh tụ Đảng Cộng sản Trung Quốc Mao Trạch Đông, đã châm ngòi cho cuộc chiến giành quyền kiểm soát phiên bản “lịch sử không chính thức” (Unofficial History) của đảng. Chính con gái của “người trong cuộc” (the insider) này đã tuồn nhật ký của cha ra khỏi Trung Quốc và giao cho Đại học Stanford. Nhưng người vợ góa của ông Lý lại nói chúng bị đánh cắp. “Cuộc chiến” giữa mẹ kế và con chồng đang bước sang giai đoạn cao trào – như được thuật mới đây trên The Wall Street Journal (15 Tháng Chín 2021).
Lý Nhuệ chép lại những gì?
Trong 80 năm, Lý Nhuệ, người từng là trợ lý thân cận của Mao Trạch Đông, đã miệt mài viết thư từ và nhật ký để “biên niên” lại chi tiết về những trải nghiệm dài đầy biến động bên trong “trái tim” của Đảng Cộng sản Trung Quốc. Trước khi ông qua đời vào năm 2019, người con gái có với đời vợ trước đã kịp chuyển bộ tài liệu lưu giữ của cha ra khỏi đất nước và nhờ kho lưu trữ lịch sử Trung Quốc của Đại học Stanford bảo quản.
Giờ đây, cái gọi là “the Li materials” (Bộ tài liệu của Lý) đang trở thành chủ đề của trận chiến pháp lý giữa Đại học Stanford và người vợ góa của ông còn sống tại Bắc Kinh. Trong hàng triệu bản viết tay bằng chữ Hán, ông Lý ghi lại những ngày đầu vào đảng, cuộc cách mạng đưa Đảng Cộng sản lên nắm quyền và những kinh nghiệm của ông trong vị thế thư ký riêng cho họ Mao vào thập niên 1950, cùng với 20 năm bị cải tạo vì làm sai các chính sách kinh tế của Mao.
Sau khi được phục hồi chính trị và nghỉ hưu, ông Lý vẫn tiếp tục viết. Là một cán bộ cộng sản trung thành cho đến ngày qua đời ở tuổi 101, ông Lý được giới học thuật và truyền thông biết đến là “người trong cuộc” (insider) hiếm hoi công khai chỉ trích cuộc đàn áp đẫm máu của đảng tại Quảng trường Thiên An Môn hoặc dự án xây dựng đập Tam Hiệp. Trong nhật ký, ông Lý ghi chi tiết từng vụ việc. Ông lập danh sách những quan chức mà ông được gặp và những gì họ bàn bạc, trong suốt thời gian ông phục vụ và leo lên dần trong bậc thang quyền lực.
Thời điểm ông thức dậy khỏi giường và thời tiết bên ngoài ban công nơi ở tại tầng sáu khu tập thể ở Bắc Kinh cũng được ông ghi lại. “U ám đến rõ ràng. Thức dậy quá 6g30 một chút” – đó là đoạn mở đầu cho một bài viết vào ngày Chủ nhật Tháng Mười 2017, trong đó nói về một cựu lãnh đạo Trung Quốc, về cuộc Cách mạng Văn hóa, một vụ cháy rừng và giá cả hàng hóa xen giữa những tin tức vừa xem trên truyền hình, hình ảnh gia đình và liên lạc với một gia đình chính trị cao cấp. “Thường thì cha tôi chỉ ghi lại những gì xảy ra trong cuộc sống thật hàng ngày, rất ít khi kèm nhận định cá nhân”- người con gái Lý Nam Anh (Li Nanyang) nói với The Wall Street Journal.
Tuy nhiên trong những ghi chép, vẫn có nhiều sự kiện kịch tính được ông khéo léo chia sẻ suy nghĩ, chẳng hạn cuộc đàn áp Thiên An Môn ngày 4 Tháng Sáu 1989. Ông viết: “Những người lính bắn bừa bãi bằng súng máy, cả bắn xuống đất lẫn lên trời. Ngày hôm đó thật buồn tẻ, tôi cứ than vãn mãi. Đảng khiến mọi thứ đi vào bế tắc, không có cách nào xoay chuyển. Tôi tự hỏi làm thế nào đảng có thể đối mặt với thực trạng và xin lỗi người dân”.
Năm 2010, ông viết về Mao: “Mao hoàn toàn đi ngược lại hướng mà loài người nên đi!”. Hướng đi của Mao hoàn toàn chống lại các giá trị phổ quát của tự do, dân chủ, tiến bộ trong khoa học, pháp quyền và ngược chiều với loài người. Mười năm của Cách mạng Văn hóa đã đẩy Trung Quốc đến bờ vực của sự sụp đổ hoàn toàn. Ông Lý cũng viết về hai lần gặp Tập Cận Bình vào năm 1984 và 2002; và cuộc thảo luận về vị thế lãnh đạo của ông Tập vào năm 2018 khi Đảng Cộng sản Trung Quốc tìm cách bỏ giới hạn nhiệm kỳ chủ tịch, đồng thời khéo léo nhắc đến một bài viết trên báo nước ngoài có tiêu đề “Democracy is dead” (Nền dân chủ đã chết).
“Bộ tài liệu cá nhân cho thấy ông Lý là người ghi chép trung thực và chăm chỉ, là người xiển dương quan điểm rằng đảng có thể tự cải cách” – học giả nổi tiếng về Trung Quốc Phùng Sùng Nghĩa (Feng Chongyi), hiện làm việc tại Đại học Công nghệ Sydney, người từng gặp ông Lý gần như hàng năm, nhận định: “Chỉ nội việc lưu giữ được bộ tài liệu thực chất này trong khoảng thời gian dài đã là giá trị”.
Cỗ máy kiểm duyệt Trung Quốc được xem là “không châm chước” đối với các vấn đề liên quan đến Đảng Cộng sản. Những thông tin thậm chí đời thường nhất cũng bị coi là “bí mật quốc gia”. Vụ rò rỉ hiếm hoi nào về các nhân vật chính trị chóp bu cũng ngay lập tức tạo ra dư luận. Ví dụ vụ lộ mật các đoạn ghi âm lén về Triệu Tử Dương (Zhao Ziyang), thủ tướng thời Thiên An Môn, người sau đó bị thất sủng và bị quản thúc hết phần đời còn lại.
Nhà báo Mỹ Adi Ignatius (hiện là biên tập viên của Harvard Business Review), đồng sản xuất cuốn hồi ký họ Triệu năm 2009 giúp làm sáng tỏ cuộc đàn áp Thiên An Môn dựa trên các bản ghi âm, cho biết: “Khi các đoạn băng này được chuyển lậu ra khỏi Trung Quốc, các cộng sự của ông Triệu đã phải sử dụng phiên bản đầu tiên email mã hóa để tránh bị an ninh nhà nước phát hiện. Tất cả những gì xảy ra sau hậu trường tại Trung Quốc đều có giá trị xuất bản”.
Cuộc chiến giữa mẹ kế và con chồng
Bề dày lý lịch của ông Lý làm cho bộ tài liệu đồ sộ của ông trở nên độc đáo đối với những người khai thác. Anthony Saich, một chuyên gia về Trung Quốc tại Trường Harvard Kennedy và từng gặp ông Lý, nhận định: “Chỉ nhìn những vị trí mà ông ấy từng đảm nhiệm và những người mà ông ấy biết cũng đủ thấy những gì ông ấy để lại có ý nghĩa lớn chừng nào đối với hoạt động nghiên cứu và tìm hiểu sự thật bên trong giới chính trị tinh hoa Trung Quốc”.
Đại học Stanford lập luận trong hồ sơ phản kiện gửi lên tòa án: “Việc xuất bản nhật ký của ông Lý bị cấm tại Trung Quốc, vì vậy nếu nhật ký của ông ta vẫn ở đó thì chúng sẽ có thể bị tiêu hủy”. Vấn đề trọng tâm của vụ kiện cáo là: nhật ký và các bản viết tay của ông Lý có bị kết tội là đồ ăn cắp từ Trung Quốc hay không? Đó là câu hỏi mà Tòa án Hạt Bắc California phải trả lời, nơi các luật sư ở hai phe trong cuộc chiến này đang cố khẳng định quyền sở hữu bộ tài liệu, về mặt pháp lý, thuộc về thân chủ họ – giữa bà Lý Nam Anh 71 tuổi (con gái ông Lý; đang sống ở Mỹ) và bà Trương Ngọc Trân (Zhang Yuzhen; 91 tuổi; người vợ thứ hai của ông Lý; đang sống ở Bắc Kinh).
Trong đơn kiện, bà Trương cáo buộc bà Lý Nam Anh đã cố gây “ảnh hưởng quá mức” đối với người cha cũng như tội “đánh cắp thông tin cá nhân và bảo vật quốc gia”. Năm 2019, một tòa án ở Bắc Kinh trích dẫn luật thừa kế của Trung Quốc đã ra phán quyết rằng bà Trương được quyền sở hữu bộ tài liệu. Trong khi đó, luật sư của Đại học Stanford, Mark D. Litvack thuộc công ty luật Pillsbury Winthrop Shaw Pittman LLP ở Los Angeles, khẳng định: “Ông Lý có ghi rõ trong nhật ký là ông ủng hộ việc giao tài liệu cho Viện Hoover về Chiến tranh, Cách mạng và Hòa bình của Đại học Stanford (Stanford’s Hoover Institution on War, Revolution and Peace)”.
Ông Litvack than phiền rằng tòa án Bắc Kinh không cho Stanford xuất trình bằng chứng trong vụ kiện, với lập luận luật thừa kế không được áp dụng do bộ tài liệu không thuộc quyền sở hữu của ông Lý vào thời điểm ông qua đời. Ông Litvack nói: “Nhưng một thực tế không thể phủ nhận là chúng tôi đã có tất cả chúng trong tay khi ông ấy còn sống”. Phần mình, luật sư của bà Trương – ông Matthew J. Jacobs of Vinson (công ty Vinson & Elkins LLP, San Francisco) – phản bác: “Tất cả sự kiện trong bộ tài liệu đều diễn ra ở Trung Quốc. Vì vậy, dù là đồ trộm cắp, thừa kế hay quà tặng thì quyền tài phán vẫn thuộc về luật pháp Trung Quốc và chỉ tòa án Trung Quốc mới có quyền xét xử”.
Hiện 40 hộp bản thảo và các tệp tin kỹ thuật số liên quan (được gọi chung là bộ hồ sơ số 2019C100) đang được lưu trữ tại khu vực “lịch sử Trung Quốc” rộng lớn tại Viện Hoover, nơi mở cửa cho những người có lịch hẹn vào xem, cùng với hơn 6,000 bộ sưu tập của Hoover từ hơn 150 quốc gia, gồm cả áp phích chính trị Thế chiến thứ nhất, ảnh chụp X-quang cái đầu của Adolf Hitler và lịch sử báo chí Afghanistan trong nhiều thập niên. |
Trong nhiều năm, theo bà Lý Nam Anh, cha bà chấp nhận lý lẽ rằng bộ tài liệu “thuộc về Đảng” nhưng cùng lúc ông Lý cũng thích ý tưởng chúng được đặt trong bộ sưu tập của Viện Hoover, nơi ông từng đến vào Tháng Hai 1989 và bày tỏ sự ấn tượng với bộ sưu tập lịch sử Trung Quốc gồm cả nhật ký của Tưởng Giới Thạch. Trước năm 2017, bà Lý Nam Anh đã chuyển một số thư từ của ông Lý cho Hoover (giúp bà nhận được vị trí nghiên cứu sinh, đặc biệt việc bà Lý Nam Anh có thể giúp Hoover “giải mã” được những đoạn được viết ngoằn nghoèo khó đọc).
Ngày 30 Tháng Một 2017, ông Lý viết về cuộc trò chuyện với vợ và con gái về bộ tài liệu và nói “cô ta (không rõ ám chỉ vợ hay con) đã đồng ý việc tôi muốn trao nhật ký cho Viện Hoover lưu giữ”. Bà Lý Nam Anh kể lại: “Vài ngày sau, cha tôi nói, ‘cứ như thế, con hãy đi đi!”. Bà Lý Nam Anh đã nhét bộ tài liệu hàng chục năm của cha vào hai túi hành lý và hồi hộp chờ đáp chuyến bay của hãng United Airlines đến San Francisco trong nỗi sợ hải quan tịch thu tất cả. “Cho đến nay, tôi vẫn không biết tại sao họ không kiểm tra kỹ!” – bà nói.
Theo SGN