Công ty ngoại quốc đau đầu vì phong tỏa kéo dài ở Việt Nam
Tình trạng phong tỏa kéo dài vì COVID-19 ở Việt Nam ngày càng làm đau đầu công ty ngoại quốc, nhất là những công ty đặt nhà máy sản xuất quần áo, giày dép ở nước này, vì sắp đến mùa lễ cuối năm, theo CNBC hôm Thứ Năm, 16 Tháng Chín.
Nỗi lo đó khiến công ty nghiên cứu BTIG của Wall Street hạ điểm cổ phiếu Nike tuần trước. BTIG dẫn lý do là Nike gặp một loạt vấn đề sản xuất kể từ lần báo cáo tài chánh gần đây nhất. Những trở ngại trong khâu cung ứng dự trù sẽ là chủ đề nóng khi Nike báo cáo tài chánh quý kế tiếp giảm sau khi thị trường chứng khoán đóng cửa Thứ Năm tuần tới.
Nike sản xuất khoảng 350 triệu đôi giày ở Việt Nam năm ngoái, BTIG ước tính. BTIG dự đoán Nike có lẽ không sản xuất được 160 triệu đôi trong năm nay vì lệnh phong tỏa ở Việt Nam.
Không chỉ có Nike. Nguy cơ ngày càng lớn đối với nhiều hãng khác đang chờ nhà máy ở Việt Nam hoạt động lại bình thường, theo báo cáo mới đây của họ với nhà phân tích và nhà đầu tư.
Những khó khăn đó thậm chí khiến vài công ty xem xét lại quyết định dời nhà máy từ Trung Quốc sang Việt Nam.
Hôm Thứ Hai, chính quyền Sài Gòn loan báo gia hạn lệnh phong tỏa thêm hai tuần. Theo lệnh này, mấy tháng qua, nhà máy phải tuân thủ quy định hoặc là giữ công nhân tại chỗ hoặc là ngưng hoạt động hoàn toàn. Chuyên gia cũng lưu ý tình trạng phong tỏa ở miền Bắc Việt Nam không khắt khe bằng trong Nam.
Một số hãng ngoại quốc hy vọng áp lực sẽ giảm dần. Hãng sản xuất legging Lululemon mới đây cho biết họ dự trù nhà máy ở Việt Nam sẽ mở lại dần dần vào giữa Tháng Chín.
Trong khi đó, hãng đồ nội thất cao cấp RH nhắm mở cửa lại nhà máy ở phía Nam Việt Nam vào Tháng Mười. Họ hy vọng nâng sản xuất lên hết công suất vào cuối năm.
Lúc này, nhiều doanh nghiệp đang quan sát và chờ xem tình trạng phong tỏa cũng như hoạt động sản xuất ở Việt Nam sẽ diễn biến ra sao. Nhưng tình hình có lẽ sẽ ảm đạm hơn khi mùa lễ cuối năm đến gần.
Sản xuất bị trì trệ ở Việt Nam hiện nay là một trong số hàng loạt những trở ngại trong hệ thống cung ứng, từ thiếu container chứa hàng, đến bến cảng bì ùn ứ hàng hóa, và khan hiếm tài xế lái xe giao hàng. Một số công ty từng dời nhà máy từ Trung Quốc sang Việt Nam mấy năm qua – nhằm đa dạng hóa hệ thống cung ứng cũng như tránh thuế cao – thậm chí tuyên bố sẽ đưa nhà máy về lại Trung Quốc.
“Cứ thử nghĩ bao nhiêu công sức mà mọi người bỏ ra để đưa nhà máy ra khỏi Trung Quốc, vậy mà giờ đây một trong những nơi duy nhất sản xuất được lại là Trung Quốc,” ông Roger Rawlins, tổng giám đốc Designer Brands, nói với nhà đầu tư tuần trước. “Chuyến tàu lượn mà mọi người đi thời gian qua thật điên rồ.”
Ông Rawlins lưu ý rằng, vì bán ít mặt hàng quần áo và giày thể thao hơn, nên Designer Brands đỡ chịu thiệt hại hơn vài hãng khác trong suốt thời gian phong tỏa ở Việt Nam.
Những hãng bị ảnh hưởng nặng nhất là Ugg và Deckers Outdoor – công ty mẹ của Hoka, Capri Holdings – công ty mẹ của Michael Kors, Nike, Tapestry – công ty mẹ của Coach, Under Armour và Lululemon, theo phân tích của BTIG.
Những sản phẩm mà BTIG nghiên cứu thường mất khoảng ba tháng để sản xuất ở một số nước Á Châu, nhưng nay tốn thêm 12 tuần nữa vì hệ thống cung ứng bị gián đoạn.
“Có thể mất năm đến sáu tháng để nhà máy hoạt động lại bình thường sau khi hết phong tỏa,” ông Camilo Lyon, nhà phân tích của BTIG, cho hay trong bản báo cáo gửi khách hàng. “Thời gian đó bao gồm bốn đến năm tuần bị giao vật liệu thô trễ và thêm tám tuần để nhà máy giải quyết đơn hàng tồn đọng.”
Nhà máy ở Việt Nam cũng có thể gặp khó khăn kiếm thợ trở lại sau khi hết lệnh phong tỏa, theo BTIG.
Theo Người Việt