Tại sao Bắc Hàn phóng tên lửa hành trình có thể khiến quốc gia khác lo lắng?
- Ankit Panda
- Chuyên gia phân tích về Bắc Hàn
17 tháng 9 2021
Đầu tuần này, Bắc Hàn tuyên bố đã thử nghiệm thành công tên lửa hành trình tầm xa có thể tiếp cận được hầu hết các mục tiêu tại Nhật Bản.
Không giống các tên lửa đạn đạo, tên lửa hành trình có thể đổi hướng và xoay chuyển trong gần như toàn bộ quá trình bay, cho phép chúng có khả năng tấn công từ những góc độ không ngờ đến.
Điều này cho thấy Bắc Hàn đang tiếp tục theo đuổi những cách thức đa dạng và phức tạp hơn để phát triển vũ khí hạt nhân.
Rõ ràng là đại dịch, thiên tai và nền kinh tế khó khăn chỉ có tác động rất ít đến việc ngăn chặn ưu tiên của Bình Nhưỡng trong việc phát triển vũ khí chiến tranh hạt nhân.
Vụ thử mới nhất đã mang đến một loạt các câu hỏi – Tại sao Bắc Hàn lại thực hiện vào lúc này, mức độ quan trọng ra sao, và động thái này cho chúng ta thấy gì về những ưu tiên của Bình Nhưỡng?
Bình Nhưỡng vẫn giữ nguyên lập trường
Bắc Hàn đã thực hiện một lộ trình tinh lọc về mặt chất lượng và mở rộng về số lượng năng lực hạt nhân kể từ mùa xuân năm 2019.
Nhà lãnh đạo Bắc Hàn, Kim Jong Un, kể từ sau cuộc họp thượng đỉnh thất bại vào tháng 2/2019 với cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump tại Hà Nội, đã cho thấy quyết tâm tiếp tục dồn tiền vào việc phát triển vũ khí hạt nhân và theo đuổi một chiến lược quốc phòng \”dựa vào chính sức lực của mình\”.
Thế nhưng tại sao Bắc Hàn lại chọn thực hiện điều này thậm chí khi đang chật vật với nạn đói và cuộc khủng hoảng kinh tế ngày càng nghiêm trọng?
Có nhiều mục đích ở đây.
Về nội bộ, các vụ thử đã giúp khuếch trương các tuyên bố của Kim Jong Un về việc theo đuổi chiến lược quốc phòng dựa vào chính mình và tăng cường sức mạnh ngôn từ.
Về ý nghĩa thực tiễn thì các vũ khí mới của Bắc Hàn, như tên lửa hành trình, làm phức tạp kế hoạch của các quốc gia đối thủ trong việc ứng phó với khả năng mới của Bình Nhưỡng.
Không giống như tên lửa đạn đạo, tên lửa hành trình bay thấp và chậm hướng đến mục tiêu.
Các tên lửa hành trình mà Bắc Hàn thử nghiệm gần đây bao phủ trên một phạm vi khoảng 1.500 km và mất hơn 2 giờ bay.
Các tên lửa đạn đạo có phạm vi hoạt động tương đương và thời gian bay chỉ tính theo phút, thế nhưng việc Bắc Hàn quan tâm đến tên lửa hành trình có thể vì để các đối thủ khó khăn trong việc phát hiện các vụ phóng và tiến hành phòng vệ.
Và các vụ phóng thử cho thấy Kim Jong Un – mặc dù đang công khai đối phó với tình trạng khó khăn của quốc gia, vẫn kiên định trong việc tiếp tục phát triển năng lực hạt nhân.
Nếu chúng ta không thấy sự chuyển biến mang tính nền tảng trong các ưu tiên của Bắc Hàn hoặc một nỗ lực ngoại giao thành công từ phía Mỹ thì Bình Nhưỡng có thể tiếp tục sẽ chọn lọc và tăng cường năng lực của mình.
Một điều đáng chú ý là tại sao Bắc Hàn lại chọn giới thiệu hệ thống vũ khí vào thời điểm này?
Trái ngược với các nhận định, thì chuyện công bố và thử nghiệm vũ khí có tác động rất ít đến các chi tiết trong chính sách của chính quyền Tổng thống Biden hoặc dịp kỷ niệm 20 năm vụ tấn công khủng bố ngày 11/9, thời điểm trùng hợp với các cuộc thử nghiệm gần đây.
Khả năng mang đầu đạn hạt nhân
Một điểm thu hút sự quan tâm lớn đối với Hàn Quốc, Nhật Bản và các cộng đồng quốc tế đó là khi truyền thông nhà nước Bắc Hàn mô tả các tên lửa mới được thử nghiệm là \”vũ khí chiến lược.\”
Thường thì điều này có nghĩa Bình Nhưỡng hy vọng có thể gắn đầu đạn hạt nhân vào tên lửa.
Trước đây không có hệ thống tên lửa hành trình nào tại Bắc Hàn có thể mang theo đầu đạn hạt nhân.
Thế nhưng việc phát triển các tên lửa hành trình này không phải là bất ngờ. Kim Jong Un vào tháng 1/2021 đã thông báo hệ thống mới này đang được phát triển.
Kim Jong Un cũng ngụ ý rằng hệ thống tên lửa này cũng có thể sử dụng trong tương lai với khả năng chiến lược tiềm năng là mang theo đầu đạn hạt nhân.
Chúng ta biết điều gì khác về những tên lửa này?
Tên lửa hành trình về mặt chức năng khác với tên lửa đạn đạo mà Bắc Hàn thử nghiệm chỉ 2 ngày sau đó.
Các lệnh trừng phạt của Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc cũng cấm Bắc Hàn không thử nghiệm tên lửa đạn đạo – những không cấm thử nghiệm tên lửa hành trình.
Điều này bởi vì Liên Hiệp Quốc xem tên lửa đạn đạo mang tính đe doạ hơn vì mang theo một lượng chất nổ nhiều hơn và có phạm vi hoạt động dài hơn, bay nhanh hơn.
Vì sao Bắc Hàn cứ tiếp tục phóng tên lửa?
Thế nhưng không giống tên lửa đạn đạo vốn hạn chế trong khả năng chuyển hướng bay vào những giai đoạn cuối cùng của hành trình vì số lượng chất nổ lớn khi hạ xuống bề mặt trái đất, tên lửa hành trình có thể đổi hướng và xoay chuyển trong hầu như toàn bộ chuyến bay, cho phép chúng có khả năng tấn công từ những góc độ không ngờ đến.
Trong khi đó, khi bay tầm thấp đồng nghĩa hệ thống radar mặt đất sẽ thường chỉ phát hiện được các tên lửa trong giai đoạn cuối cùng của hành trình, khi đó tên lửa đã bay quá thấp để có thể bị ngăn chặn thành công.
Các tên lửa hành trình căn bản không phải là công nghệ mới đối với Bắc Hàn. Trong hàng năm qua, Bắc Hàn đã thử nghiệm và chọn lọc lại những tên lửa hành trình diệt hạm có từ thời Liên Xô.
Thế nhưng những tên lửa hành trình này chỉ là một phần trong nỗ lực lớn hơn từ phía Bắc Hàn.
Như Tổng Giám đốc Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế (IAEA) gần đây đánh giá thì Bình Nhưỡng cũng đã tái khởi động hoạt động của một lò phản ứng hạt nhân tại khu phức hợp Yongbyon, cho thấy họ đã bắt đầu lại hoạt động sản xuất plutonium dùng trong vũ khí hạt nhân.
Tuy nhiên, các tên lửa được thử nghiệm gần đây đã vượt hơn 1 cấp độ xét về phạm vi hoạt động của những tên lửa hành trình thế hệ cũ hơn.
Việc thử nghiệm tên lửa đạn đạo chỉ vài ngày sau vụ thử nghiệm tên lửa hành trình đã cho thấy khả năng của Bắc Hàn trong việc bắt đầu lại một chiến dịch phát triển, thử nghiệm và đánh giá vũ khí hạt nhân kéo dài.
Ankit Panda là nhà nghiên cứu thuộc Chương trình Chính sách Hạt nhân, Quỹ Carnegie Endowment for International Peace.