AUKUS: Tức giận về hiệp ước an ninh Anh-Úc-Mỹ, Pháp triệu hồi đại sứ
9 giờ trước
Pháp cho biết đang triệu hồi các đại sứ tại Mỹ và Úc để tham vấn, nhằm phản đối thỏa thuận an ninh Anh-Úc-Mỹ.
Ngoại trưởng Pháp cho biết \”quyết định bất thường\” này được đưa ra do \”tính nghiêm trọng đặc biệt\” của vụ việc.
Với liên minh mới, có tên Aukus, Úc được cung cấp công nghệ để đóng tàu ngầm chạy bằng năng lượng hạt nhân.
Động thái này đã khiến Pháp tức giận vì Úc đã bỏ một thỏa thuận trị giá hàng tỷ đôla ký với Pháp.
Hiệp ước Aukus được coi là một nỗ lực nhằm chống lại ảnh hưởng của Trung Quốc ở Biển Đông – nơi đang có tranh chấp.
Hiệp ước được công bố hôm thứ Tư bởi Tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden, Thủ tướng Vương quốc Anh Boris Johnson và người đồng cấp Úc Scott Morrison.
Pháp được thông báo về liên minh Aukus chỉ vài giờ trước khi thông báo công khai được đưa ra.
Trong một tuyên bố vào cuối ngày thứ Sáu, Bộ trưởng Ngoại giao Pháp Jean-Yves Le Drian, người đã mô tả hiệp ước là một \”cú đâm sau lưng\”, cho biết các đại sứ đang được triệu hồi theo yêu cầu của Tổng thống Emmanuel Macron.
Ông Le Drian nói, thỏa thuận này \”cấu thành những hành vi không thể chấp nhận được giữa các đồng minh và đối tác mà hậu quả của nó ảnh hưởng trực tiếp đến tầm nhìn của chúng ta về các liên minh, quan hệ đối tác và tầm quan trọng của Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương đối với châu Âu\”.
Một quan chức Nhà Trắng cho biết chính quyền Biden lấy làm tiếc về động thái của Pháp và sẽ làm việc với Pháp trong những ngày tới để giải quyết những bất đồng của họ.
Phát biểu tại Washington, Ngoại trưởng Úc Marise Payne cho biết bà hiểu \”sự thất vọng\” của Pháp và hy vọng sẽ làm việc với Pháp để đảm bảo nước này hiểu \”giá trị mà chúng tôi đặt lên mối quan hệ song phương\”.
Việc triệu hồi đại sứ là rất bất thường giữa các đồng minh, và đây được cho là lần đầu tiên Pháp triệu hồi các đại sứ của hai nước. Các nhà ngoại giao Pháp ở Washington đã hủy bỏ một buổi dạ tiệc kỷ niệm mối quan hệ giữa Mỹ và Pháp được lên kế hoạch vào thứ Sáu.
Cơn thịnh nộ từ đồng minh lâu đời nhất của Mỹ
Paris đã bị \’đánh úp\’ bởi động thái của Úc. Đó là một cú đánh vào kinh tế.
Nhưng các quan chức Pháp thậm chí còn tức giận hơn khi họ chỉ nghe nói về thỏa thuận này chỉ vài giờ trước khi thông báo công khai, và đó là một phần của thỏa thuận an ninh mới liên quan đến ba quốc gia bao gồm cả Anh – đây cũng là một điều hoàn toàn bất ngờ, họ nói.
Quyết định triệu hồi đại sứ của Pháp có lẽ là chưa có tiền lệ. Nước này là \”đồng minh lâu đời nhất\” của Mỹ, như một quan chức Nhà Trắng lưu ý. Ông cho biết Washington sẽ làm việc với Pháp trong những ngày tới để giải quyết những khác biệt giữa hai bên.
Nhưng điều này ít ra giống như một đánh giá sai lầm đáng xấu hổ của một chính quyền đã hứa sẽ hợp tác chặt chẽ với các đồng minh.
Với hiệp ước Aukus, Úc sẽ trở thành quốc gia thứ bảy trên thế giới vận hành tàu ngầm chạy bằng năng lượng hạt nhân. Hiệp ước này cũng sẽ chứng kiến các đồng minh chia sẻ khả năng mạng, trí tuệ nhân tạo và các công nghệ dưới đáy biển khác.
Hiệp ước này đã kết thúc một thỏa thuận trị giá 37 tỷ đôla mà Pháp ký với Úc vào năm 2016 để đóng 12 tàu ngầm thông thường. Trong khi đó, Trung Quốc cáo buộc ba cường quốc trong hiệp ước có \”tâm lý Chiến tranh Lạnh\”.