Hứa Gia Ấn, tỷ phú sáng lập của Evergrande, vào năm 2009. Những ngày này công ty có gần 800 dự án chưa hoàn thành trên khắp Trung Quốc. (Ảnh: Getty)
CEO của Evergrande liệu có chung số phận bị kết án tử hình giống cựu CEO China Huarong?
Bình luậnThanh Đoàn • 18/09/21
Khối bom nợ khổng lồ và phức tạp lên tới 300 tỷ USD của ông lớn phát triển BĐS Evergrande đã biến tập đoàn BĐS này trở thành ‘tổ mối hổng’ cực lớn có thể làm vỡ đê hệ thống ngân hàng Trung Quốc. Vậy số phận của CEO tập đoàn Evergrande sẽ ra sao? Ông ta có phải là một trong những nhân vật “đả hổ – diệt ruồi – săn cáo” hay không? Sự đổ vỡ của Evergrande có nằm trong nước cờ chặt đứt nguồn tài chính của thế lực thù địch với ông Tập hay không?
- Khối nợ 300 tỷ USD, tương đương 2% GDP Trung Quốc và lớn hơn GDP Việt Nam;
- 800 dự án nhà ở dở dang và 1,2 triệu khách hàng đã đóng tiền cho Evergrande có thể mất trắng tiền mà không có nhà để ở;
- Có dấu hiệu Bắc Kinh sẽ tái cơ cấu Evergrande. Điều này đồng nghĩa toàn bộ nghĩa vụ nợ (trái phiếu, cổ phiếu) phải chờ tái cơ cấu xong mới xử lý: trái phiếu, cổ phiếu của Evergrande chính thức thành rác trên các thị trường tài chính…
Ngày 16/9, truyền thông quốc tế đồng loạt đăng tin về hàng trăm đối tác là doanh nghiệp vừa và nhỏ biểu tình trước trụ sở của hãng này ở Thâm Quyến, các đối tác của Evergrande muốn tìm kiếm một đảm bảo thanh toán trong sự tuyệt vọng. Hình ảnh người mua nhà ở của hàng trăm dự án còn dang dở của Evergrande hét lên “trả lại tiền cho chúng tôi” tràn ngập mạng xã hội.
Câu hỏi lớn nhất hiện nay không phải là nợ của Evergrande lớn đến đâu, nguy hiểm đến đâu hay Evergrande có đổ vỡ hay không mà là liệu CEO của Evergrande có phải chịu án tử hình như ông Lại Tiểu Dân, CEO của China Huarong – Công ty quản lý tài sản xử lý nợ xấu lớn nhất của Bắc Kinh hay không?
Một câu hỏi như vậy khá bất thường nếu Evergrande là một tập đoàn kinh tế ở quốc gia khác. Nhưng đây là Trung Quốc. Đằng sau một tập đoàn BĐS khổng lồ như Evergrande luôn là một thế lực chính trị lớn hậu thuẫn. Vấn đề ở chỗ, thế lực chính trị hậu thuẫn Evergrande đều là đối thủ chính trị sống – còn của ông Tập Cận Bình, những kẻ thách thức cả mạng sống và quyền lực thực sự của ông Tập kể từ khi ông tại chức.
Trước khi trả lời câu hỏi này, chúng ta cần hiểu một chút về nội tình đấu đá nội bộ của Trung Quốc kể từ khi ông Tập Cận Bình lên nắm quyền. Evergrande, cũng giống China Huarong hay vụ “phong sát” giới nghệ sĩ cuối tháng 8 vừa qua, câu chuyện của nó nằm trong mớ rắc rối thanh trừng phe phái tàn khốc trong nội bộ Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) kể từ năm 2012 tới nay.
Evergrande lớn mạnh là nhờ sự chống lưng của phe Giang Trạch Dân – đối thủ sinh tử của ông Tập
Evergrande được thành lập vào năm 1996, thời đang nằm dưới sự trị vì của Giang Trạch Dân. Đây cũng là thời điểm mà BĐS Trung Quốc bắt đầu bùng nổ. Rất nhanh, các ưu ái về tiếp cận tài nguyên đất, tiền bạc và quan hệ thân hữu với chính quyền đã làm nên gã khổng lớn nhất và tai tiếng nhất Trung Quốc ngày nay. Evergrande đã trở thành trung tâm quyền lực trong một nền kinh tế dựa vào thị trường BĐS để tăng trưởng siêu tốc.
Người sáng lập Evergrande, tỷ phú Hứa Gia Ấn (Xu Jiayin), là thành viên của Hội nghị Hiệp thương Chính trị Nhân dân Trung Quốc, một nhóm tinh hoa gồm các cố vấn có quan hệ chính trị tốt. Mối quan hệ của ông Hứa có lẽ đã giúp các chủ nợ tin tưởng để tiếp tục cho Evergrande vay tiền khi công ty này phát triển và mở rộng sang các lĩnh vực kinh doanh mới. Tuy nhiên, cuối cùng, Evergrande đã rơi vào vòng xoáy nợ do chính nó tạo ra, lớn đến mức chính quyền có muốn cứu nó thì cũng phải dè chừng.
Nhưng đó là tất cả phần nổi của tảng băng chìm trong mối quan hệ doanh nghiệp – chính quyền ở Bắc Kinh. Thời đại Giang Trạch Dân đã tạo ra các tập đoàn kinh tế lớn, thoải mái tiếp cận tài nguyên đất nước, hưởng mọi ưu ái về chính sách để mang lại tiền bạc, thậm chí là rửa tiền, hỗ trợ thế lực này bành trướng mạnh mẽ.
Một số ví dụ điển hình là công ty xử lý nợ xấu China Huarong, được cho là sân sau của tập đoàn Giang Trạch Dân. China Huarong được thành lập để ôm khối nợ xấu của Bắc Kinh sau khủng hoảng tài chính Châu Á 1997; China Huarong thành lập năm 1999, dưới cái bóng của thế lực Giang Trạch Dân (cũng giống với Evergrande).Cựu Chủ tịch Lại Tiểu Dân của Công ty Quản lý Tài sản China Huarong. Ông này đã bị kết án tử hình. (Ảnh: STR/AFP qua Getty Images)
China Huarong nhanh chóng đóng gói lại nợ xấu, bán ra thị trường nợ trong nước, quốc tế kiếm về một lượng tiền tươi khổng lồ, hiện vào khoảng 42 tỷ USD (theo Bloomberg). Dù sao khoản tiền này bé hơn nhiều so với khối nợ của Evergrande. Lượng tiền này sau đó được tái đầu tư vào vô số lĩnh vực mà China Huarong không có kinh nghiệm. Đây được xem là lý do China Huarong sụp đổ.
Nhưng thực tế, sự phục vụ của China Huarong với thế lực Giang Trạch Dân mới là nguyên nhân cốt lõi khiến ông lớn này phải tái cấu trúc, CEO của China Huarong, Lại Tiểu Dân, phải đứng trước vành móng ngựa. Các tội tham nhũng, hoang dâm của Lại Tiểu Dân bị chính quyền Tập Cận Bình phanh phui triệt để. Lại Tiểu Dân lãnh án tử hình (đã thi hành án), China Huarong rơi vào trạng thái ngủ đông để tái cấu trúc.
Đây là một nước đi cần thiết để ông Tập cắt đứt các huyết mạch tài chính nuôi thế lực chính trị thù địch. Nhưng đây có lẽ là điều mà các nhà đầu tư không tính đến khi rót tiền cho China Huarong hay Evergrande. Người ta đã đầu tư với niềm tin rằng Bắc Kinh sẽ không để bất kể DNNN nào sụp đổ. Dù vậy, nếu sự sụp đổ là cần thiết để duy trì quyền lực và đánh bại đối thủ sinh tử của mình, tại sao ông Tập lại phải nương tay?
Điều tương tự đang có đang diễn ra ở Evergrande? Câu trả lời là CÓ. Chỉ khác là khối nợ của Evergrande lớn gấp 8 lần của China Huarong nên ông Tập cần thêm thời gian và biện pháp phù hợp sao cho đánh chuột không vỡ bình. Vấn đề là cái bình quá lớn.
Vào ngày 23/7, tờ Liberty Times của Đài Loan đưa tin rằng những người chống lưng cho Hứa Gia Ấn vượt qua cuộc khủng hoảng tài chính 2007 là các tài phiệt Hong Kong Trịnh Dụ Đồng (Cheng Yu-tung) đã qua đời từ năm 2016 và Lưu Loan Hùng (Joseph Lau). Các tài phiệt tài chính Hong Kong này lại có mối quan hệ mật thiết với tay sai thân cận nhất của Giang Trạch Dân – Tăng Khánh Hồng và em trai là Tăng Khánh Hoài – những con hổ lớn mà ông Tập Cận Bình đã “đả” ngay trong 3 năm đầu tiên tại vị.
Evergrande đã điên cuồng mua đất để được niêm yết cổ phiếu trên sàn giao dịch Hong Kong vào năm 2007. Sau đó, cơn sóng thần tài chính quét qua, các ngân hàng thắt chặt tiền và CEO Hứa Gia Ấn phải đối mặt với một cuộc khủng hoảng tài chính. Vào thời điểm đó, ông trùm Hong Kong Dương Thụ Thành (Albert Yeung) (người sáng lập Emperor Group, 1 trong 3 người thống trị giới nghệ thuật Hong Kong, 2 người còn lại là Đổng Bình và Tăng Khánh Hoài) đã ra tay giúp đỡ và kết nối cho Hứa gặp Trịnh Dụ Đồng. Trịnh là con rể của ông Châu Chí Viễn (Chow Chi-yuen) – người sáng lập Chow Tai Fook. Trịnh đã liên thủ cùng Lưu Loan Hùng để bơm máu cho Evergrande. Evergrande vượt qua cơn khủng hoảng và niêm yết ở Hong Kong.
Vào tháng 12 năm 2020, Tập đoàn Evergrande tách Evergrande Property ra và niêm yết tại Hong Kong. Nguồn tài chính cuối cùng đổ vào trước khi niêm yết là bà Trần Khải Vận (Kimbee Chan Hoi-wan), vợ của ông Lưu Loan Hùng, đã đầu tư 3 tỷ nhân dân tệ. Trong những năm gần đây, vợ chồng Lưu Loan Hùng liên tục tăng nắm giữ cổ phiếu và trái phiếu của Evergrande. Cả hai cùng nắm giữ 6,48% và 2,39% Evergrande lần lượt dưới danh nghĩa công ty và cá nhân.
Truyền thông Hong Kong cũng tiết lộ rằng, sở dĩ Hứa Gia Ấn có mối liên hệ chặt chẽ với những người giàu ở Hong Kong là nhờ Hứa có mối quan hệ mật thiết với gia đình Tăng Khánh Hồng. Hứa Gia Ấn từng là thành viên ban giám đốc của Hong Kong Association of Cultural Industries – được mệnh danh là câu lạc bộ người giàu Hong Kong. Tăng Khánh Hoài từng là Thanh tra đặc biệt tại Hong Kong của Bộ Văn hóa Trung Quốc. Khi Fantasia Holdings Group của con gái Tăng Khánh Hoài là Tăng Bảo Bảo (Baby Zeng) được niêm yết tại Hong Kong vào năm 2009, bạn bè của Hứa Gia Ấn là Trịnh Dụ Đồng và Lưu Loan Hùng đều mua.
Truyền thông Hong Kong đưa tin con trai của Tăng Khánh Hồng là Tăng Vĩ (Zeng Wei) có mối giao hảo lâu dài và Đới Vĩnh Cách (Dai Yongge), người đứng đầu Tập đoàn Nhân Hòa (Renhe Commercial Holdings Co Ltd). Đới không chỉ giúp Tăng Vĩ mua nhà ở Úc, mà còn chuyển nhượng 40% cổ phần của tập đoàn cho Tưởng Mai (Jiang Mei) vợ của Tăng Vĩ – là cựu dẫn chương trình CCTV. Hứa Gia Ấn và Đới Vĩnh Cách là bạn thân, thường chơi bài với nhau, cùng là fan bóng đá. Từng rộ tin Hứa Gia Ấn cho Tăng Vĩ mượn một căn biệt thự ở Úc để tổ chức tiệc.
Bằng chứng chắc chắn nhất về việc Evergrande nhận được hậu thuẫn của phe Giang Trạch Dân chính là sự lớn mạnh của nó dưới triều đại nhà họ Giang. Ngoài ra, bằng chứng thoát hiểm ngoạn mục khó khăn tài chính hồi năm 2007 với các tài phiệt Hong Kong cũng là nhờ mối quan hệ mật thiết với thế lực của Giang Trạch Dân, cũng đều đi đến một kết luận quan trọng: CEO của Evergrande phục vụ cho lợi ích của thế lực Giang Trạch Dân. Thậm chí, là nguồn tài chính của thế lực này dựa vào vơ vét tài nguyên đất, ưu đãi vốn và vô số ưu đãi khác do khoác danh DNNN Trung Quốc.
Và như vậy, cũng giống hệt như Lại Tiểu Dân, cựu CEO của China Huarong, số phận ông Hứa Gia Ấn, CEO của Evergrande, như treo trên sợi chỉ mành. Sự khác biệt lớn nhất giữa Lại Tiểu Dân và Hứa Gia Ấn là quy mô nợ mà họ tạo ra. Hứa Gia Ấn tạo ra quả bom nợ gấp 8 lần quả bom nợ của Lại Tiểu Dân. Diệt trừ Hứa Gia Ấn và xử lý Evergrande sẽ lập tức đe dọa tới sự tồn vong của hệ thống ngân hàng đang rất khó khăn của Bắc Kinh. Ông Tập hẳn phải cân nhắc rất nhiều. Nhưng vấn đề chỉ là thời gian vì Evergrande và Hứa Gia Ấn đã lớn mạnh nhờ Giang Trạch Dân và phục vụ cho thế lực này; một thế lực mà ông Tập Cận Bình đang phải hàng ngày chiến đấu sống còn vì sinh mệnh và quyền lực của mình trong suốt 8 năm qua.
Cuộc chiến sống còn
Trong ba năm đầu tiên ông Tập Cận Bình đã khiến cả thế giới ngạc nhiên với chiến dịch “đả hổ, diệt ruồi, săn cáo” (ĐH-DR-SC), trong đó nổi bật nhất là phiên tòa thế kỷ xét xử Bạc Hy Lai. Chiến dịch ĐH-DR-SC của ông Tập đã phơi bày lối sống vô luân, phi đạo đức liên quan đến tình dục, ma túy, rửa tiền và thậm chí giết người bịt miệng của một số lãnh đạo cấp cao của ĐCSTQ.
Đây có thể là nước cờ của ông Tập để dứt điểm ung nhọt từ vụ “âm mưu đảo chính, soán Đảng, đoạt quyền” của nhóm người Bạc Hy Lai, Chu Vĩnh Khang, Lệnh Kế Hoạch và Tôn Chính Tài vào tháng 3/2012.
Lãnh đạo Trung Quốc Tập Cận Bình và người tiền nhiệm Giang Trạch Dân dự bế mạc Đại hội ĐCSTQ lần thứ 19 tại Đại lễ đường Nhân dân ở Bắc Kinh, Trung Quốc vào ngày 24/10/2017. (Wang Zhao / AFP qua Getty Images)
Qua chiến dịch ĐH-DR-SC, những con hổ lớn tưởng chừng bất khả xâm phạm như Bạc Hy Lai, Chu Vĩnh Khang, cựu Phó chủ tịch nước Tăng Khánh Hồng đều sa lưới. Tất cả đều phải ngồi tù hoặc quản thúc nội bộ.
Bên cạnh đó, những con ruồi là hàng ngàn quan chức lớn nhỏ đều bị điều tra và ngồi tù, tính ra số lượng ruồi bị bắt đông không kể hết, nếu chỉ tính trong năm 2013 có hơn 6.500 quan chức biến mất không dấu vết, hơn 8.000 quan chức trốn ra nước ngoài, và khoảng 1.500 người đã tự sát.
Đồng thời chiến dịch săn cáo cũng phối hợp với Interpol để truy bắt các quan chức trốn ra nước ngoài. Tính đến nay đã có hơn một triệu Đảng viên ĐCSTQ bị trừng phạt, bao gồm các tướng lĩnh, các quan chức cấp cao cho đến cấp thấp.
Tất cả các Đảng viên phạm tội sẽ phải đối mặt với kỷ luật bất kể một ai.
Và cuối cùng một con hổ lớn nhất được gọi là “siêu hổ”, đó chính là Giang Trạch Dân đang bị đồn đoán sẽ rơi vào tầm ngắm.
Nếu nói đến sự dã man của ĐCSTQ trong thời gian gần đây, mà không nhắc đến thế lực ma quỷ Giang Trạch Dân là một thiếu sót rất lớn.
Sở dĩ thế lực Giang Trạch Dân gọi là ma quỷ vì thế lực này đã tạo ra một hệ thống kiếm tiền khổng lồ từ các doanh nghiệp nhà nước để vơ vét tài nguyên, tham nhũng và bóc lột nhân công rẻ mạt đến việc đàn áp, diệt chủng lạnh người Ngô Duy Nhĩ, những người tu luyện Pháp Luân Công. Khủng khiếp nhất trong cỗ máy kiếm tiền khổng lồ của thế lực ma quỷ này là tạo ra một ngành công nghiệp mổ xẻ và buôn bán nội tạng của hàng triệu người Trung Quốc bị gán nhãn “tù nhân lương tâm”. Tập đoàn này được cho là cũng sẵn sàng kiếm tiền cho các đường dây mua bán trẻ em, đầu độc thực phẩm và vật liệu trong nhiều ngành nghề, v.v.
Điều gì buộc ông Tập phải đối đầu trực diện đến mức sống còn với thế lực Giang Trạch Dân?
Thứ nhất, Giang Trạch Dân là người hỗ trợ và muốn đưa Bạc Hy Lai (chứ không phải ông Tập Cận Bình) lên kế nhiệm Hồ Cẩm Đào.
Bạc Hy Lai là tay sai đắc lực của Giang, hai tay của Bạc Hy Lai nhuốm đầy máu người Trung Quốc trong cuộc diệt chủng lạnh mổ cướp tạng nhiều thập kỷ. Bởi tội ác này, Bạc Hy Lai đã từng bị tòa án Quốc tế tại Tây Ban Nha truy tố về tội ác diệt chủng đối với Pháp Luân Công cùng với Giang Trạch Dân và một số người khác. Chính điều này khiến cho nhiều nhân sự cấp cao trong ĐCSTQ chống đối.
Và chính điều đó hình thành một thế lực khác đối đầu với thế lực Giang Trạch Dân và hỗ trợ Tập Cận Bình là người kế tục Hồ Cẩm Đào.
Thứ hai, phe Giang Trạch Dân đuổi cùng, giết tận Tập Cận Bình trong suốt thời gian ông Tập tại vị. Kế hoạch ‘soán đảng, đoạt quyền’, ám sát ông Tập của phe Giang Trạch Dân kể từ khi ông Tập nắm quyền được trao cho Bạc Hy Lai và Chu Vĩnh Khang. Họ tiến hành hết sức tinh vi và trôi chảy, nhưng đến giai đoạn cuối lại đảo ngược bất ngờ, qua việc cánh tay phải của Bạc Hy Lai là Giám đốc công an Trùng Khánh Vương Lập Quân bất ngờ chạy trốn vào Lãnh sự quán Mỹ ở Thành đô, khiến cho mọi kế hoạch của phe phái Giang Trạch Dân bị đổ vỡ vào phút cuối.
Báo Thanh Niên trích dẫn nguồn tin từ Đài Loan đưa tin ‘Chu Vĩnh Khang từng cố ám sát ông Tập’. Đài truyền hình tiếng Trung bên ngoài Trung Quốc NTDTV trích các nguồn tin nội bộ cho biết trong 5 năm tại vị, ít nhất 10 cuộc ám sát ông Tập đã diễn ra. Chu Vĩnh Khang (trái), Bí thư Ủy ban Chính trị và Lập pháp Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc, năm 2007, và Bạc Hy Lai vào tháng 3 năm 2011. (Trái sang phải: Teh Eng Koon / AFP / Getty Images, Feng Li / Getty Images)
Thứ ba, phe cánh của Giang Trạch Dân trong quân đội và chính quyền vẫn còn rất mạnh. Gần đây nhất, trong một bài báo đăng vào cuối tháng 7/2021 vừa qua, ông Lý Duy Kiệt (Li Weijie), Tư lệnh Trung đoàn Bắc Kinh thuộc Lực lượng Cảnh sát Vũ trang ĐCSTQ, nhấn mạnh rằng phải thực sự đả thông \”cây số cuối cùng\” để Chủ tịch Quân ủy (tức ông Tập Cận Bình) có thể đảm đương toàn bộ hệ thống. Sau phát biểu này, ngoại giới mới hiểu rằng ông Tập vẫn chưa hoàn toàn kiểm soát được quân đội ĐCSTQ.
Cắt đứt mạch máu tài chính tiếp tế cho thế lực Giang Trạch Dân
Quyền lực của tập đoàn Giang Trạch Dân lớn mạnh và có thể duy trì lâu như vậy nhờ nguồn tài chính dồi dào mà thế lực này đã tạo lập trong suốt thời gian ông Giang tại vị.
Gần đây, động thái đánh sập, thay đổi nhân sự, ‘diệt ruồi’ ở các DNNN, các tập đoàn kinh tế tư nhân thân với thế lực Giang, thậm chí phong sát cả giới giải trí vì rửa tiền cho thế lực này cho thấy, ông Tập đã đi một nước cờ cực kỳ khôn ngoan: cắt đứt mạch máu tài chính tiếp tế cho tập đoàn Giang Trạch Dân. Không có dòng máu tài chính tiếp tế, thế lực này sẽ bị cô lập, các nhân sĩ trung thành sẽ nhanh chóng phản chủ và khả năng đả được con hổ lớn nhất là Giang Trạch Dân là hoàn toàn có thể.
Tuy nhiên, tài chính và chính quyền khá khác nhau, trong khi thanh trừng quan chức với danh nghĩa \”chống tham nhũng\” trong vài năm qua, chính quyền Tập Cận Bình cũng muốn \”chống tham nhũng\” trong lĩnh vực tài chính. Tuy nhiên, trong lĩnh vực tài chính, các mối quan hệ phức tạp, lợi ích đan xen, chỉ cần bất cẩn một chút là có thể gây ra khủng hoảng tài chính, giống như bóc củ hành, tiến độ rất chậm.
Evergrande và Hứa Gia Ấn chưa thể sụp đổ ngay chính vì nó dính líu quá sâu vào hệ thống tài chính và nó đã “quá lớn để đổ vỡ”; nhưng điều đó không có nghĩa là Evergrande không thể đổ vỡ hay số phận của Hứa Gia Ấn sẽ được ưu ái hơn Lại Tiểu Dân.
Do đó, để chiến thắng trong cuộc chiến sinh tử với thế lực Giang, nhổ cỏ tận gốc thế lực này, chắc chắn ông Tập Cận Bình sẽ không dễ dàng buông tha Evergrande và Hứa Gia Ấn.
Thanh Đoàn