Liên Hiệp Châu Âu phải làm gì để tự chủ về quốc phòng ?
Đăng ngày: 20/09/2021
Thùy Dương
Cuộc khủng hoảng Afghanistan với đợt rút quân trong hỗn loạn của Mỹ khỏi Kabul, và mới đây nhất là vụ Mỹ – Anh – Úc ký thỏa thuận lập liên minh quốc phòng AUKUS với việc Úc hủy hợp đồng mua 12 tàu ngầm của Pháp lại một lần nữa làm dấy lên những tranh luận về việc Liên Hiệp Châu Âu thiếu khả năng tự chủ, lệ thuộc vào Mỹ …
Đã có rất nhiều lời kêu gọi của giới lãnh đạo châu Âu nói chung và Pháp nói riêng về việc Liên Âu cần khẩn trương tăng cường sự tự chủ chiến lược, khả năng ra quyết định và năng lực hành động trên thế giới, cũng như thành lập một lực lượng quân sự riêng. Báo Pháp Le Figaro ngày 13/09/2021, trong chuyên mục Giải mã, lưu ý là những nhận định và vấn đề đều không phải là mới đối với Liên Hiệp Châu Âu. Nhưng ngoài những kiến nghị về nguyên tắc, quốc phòng châu Âu hiện giờ tiến triển ra sao ?
« Lực lượng tiên phong » của châu Âu sẽ bao gồm những gì ?
Liên Âu hiện giờ đang xem xét đề xuất về một lực lượng tạm gọi là « lực lượng tiên phong » gồm 5.000 quân. Được giới thiệu lần đầu tiên vào tháng 05/2021 và được lãnh đạo ngoại giao châu Âu Josep Borrell ủng hộ mạnh mẽ, theo dự kiến đề xuất này phải được xem xét vào ngày 16/11, nhưng cho đến nay vẫn không có được sự chấp thuận của tất cả các quốc gia thành viên Liên Âu.
Trên lý thuyết, lực lượng này phải có khả năng đảm nhiệm các sứ mệnh như bảo đảm an ninh cho một sân bay, hoặc bảo vệ các lợi ích của châu Âu trong trường hợp xảy ra khủng hoảng. Tướng Graziano, chủ tịch ủy ban quân sự, cơ quan quân sự cao nhất của Liên Âu, chuyên chỉ đạo các chiến dịch hiếm hoi của châu Âu và tư vấn về ngoại giao cho Bruxelles, giải thích : « Mục tiêu là có đầy đủ các khả năng quân sự ». Nói cụ thể, lực lượng này phải có khả năng chỉ huy chung, khả năng vận chuyển chiến lược, sơ tán y tế khẩn cấp … Dự án về lực lượng tiên phong có thể sẽ là « đầu tầu » thúc đẩy sự phát triển các năng lực nói trên.
Châu Âu có năng lực quân sự riêng hay không ?
Liên Hiệp Châu Âu không thiếu các cơ quan chuyên trách về an ninh hoặc về các thách thức liên quan đến quốc phòng. Thế nhưng, Liên Âu lại không có khả năng quân sự của riêng mình, mà phải phụ thuộc vào phương tiện của các quốc gia thành viên. Kể từ năm 2007, Liên Âu được cho là có hai « đội chiến đấu ». Được biên chế khoảng 1.500 binh sĩ thường trực, các đội này có thể được triển khai trong vòng chưa đầy 10 ngày tại những nơi xảy ra khủng hoảng ở xa Bruxelles đến 6.000 km. Nhưng việc tập hợp các đội này cần có sự nhất trí của các nước thành viên. Vả lại trong hơn một thập kỷ qua, các binh sĩ đó chưa bao giờ được triển khai.
Tuy nhiên, Claudia Major, chuyên gia về các vấn đề quốc phòng thuộc Viện Khoa học và Chính trị Đức SWP, nhận định các đội chiến đấu này có thể là hạt nhân nòng cốt của lực lượng được gọi là « lực lượng tiên phong » trong tương lai và chặng đầu tiên sẽ là tiến hành các cuộc tập trận chung với các nhóm chiến đấu. Tướng Graziano cũng muốn Liên Âu mở một cuộc tranh luận về thể chế để cho phép Bruxelles ra quyết định theo đa số.
Tuy nhiên, bộ trưởng Quốc Phòng Đức, Annegret Kramp-Karrenbauer, lưu ý trên diễn đàn của Atlantic Council hồi đầu tháng 09 là Liên Âu không nên sa vào cuộc tranh luận về việc nên hay không nên thành lập một lực lượng phản ứng nhanh mới của riêng mình, bởi trên thực tế, điểm hạn chế của Bruxelles không phải là thiếu năng lực kỹ thuật, hoặc gặp khó khăn về thể chế, mà chủ yếu là do Liên Âu thiếu ý chí chính trị để cùng nhau hành động.
Có thể chờ đợi gì từ « La bàn chiến lược » ?
« La bàn chiến lược » là một nội dung khác trong chương trình nghị sự quốc phòng châu Âu. Đằng sau thuật ngữ này là việc 27 quốc gia thành viên Liên Âu phải xác định các ưu tiên và định hướng chiến lược của mình, để nêu lên chi tiết các mối đe dọa Liên Âu. « La bàn chiến lược » là một trong những thách thức khác mà Paris đặt ra cho nhiệm kỳ chủ tịch luân phiên Liên Hiệp năm 2022 của Pháp. Chuyên gia Claudia Major nhận định đó là một cuộc thao dượt quan trọng, buộc các nước châu Âu phải trao đổi và lắng nghe lẫn nhau. Nhưng kết quả cũng có thể chỉ là sự đồng thuận tối thiểu. Lịch trình bầu cử ở Đức và Pháp không có lợi cho sáng kiến nói trên.
Trong nội bộ Liên Âu, những tuyên bố của tổng thống Pháp Macron cũng có xu hướng gây bực bội. Từ chủ đề đối thoại với Nga, khái niệm tự chủ chiến lược, cho đến những lời chỉ trích NATO, Pháp đều gây khó chịu nhiều hơn là tạo tình đoàn kết trong Liên Âu. « La bàn chiến lược » cũng đồng thời liên quan đến việc xem xét lại khái niệm chiến lược của Liên Hiệp Châu Âu.
Đâu là mối liên hệ giữa quốc phòng Liên Âu và NATO ?
Khi nói đến một sự « tự chủ chiến lược của châu Âu », không phải là Bruxelles giữ khoảng cách với Hoa Kỳ hay Liên minh quân sự Bắc Đại Tây Dương NATO, mà là Liên Âu có khả năng hành động độc lập, nếu cả Washington và NATO đều không muốn can thiệp trong trường hợp xảy ra khủng hoảng. Nhưng chính quyền nhiều nước đang tự hỏi tại sao phải tạo ra một cơ cấu cạnh tranh, bởi 21 trong số 27 quốc gia thành viên Liên Âu là thành viên của NATO và nhiều quốc gia trong số đó dựa vào chiếc ô hạt nhân của Hoa Kỳ trong khuôn khổ NATO. Còn khả năng răn đe hạt nhân của Pháp không thể thay thế ô hạt nhân của Mỹ, nhất là khi đối với Paris, không thể có chuyện Pháp chia sẻ trách nhiệm về việc này.
Trong nội bộ NATO cũng có những cảnh báo về bất kỳ động thái nào có thể làm suy yếu cấu trúc quân sự của Liên Minh Bắc Đại Tây Dương. Từ một thập kỷ nay, Washington cũng kêu gọi các đồng minh « chia sẻ gánh nặng » nhiều hơn nữa, nhất là tăng ngân sách quốc phòng của các quốc gia thành viên. Thế nhưng, chuyên gia Claudia Major cũng lưu ý là các quốc gia cũng phải mất nhiều năm mới tái thiết được các năng lực quân sự.
Trong khi chờ đợi, một số quốc gia châu Âu đã có khả năng hành động quân sự, nhưng Liên Âu lại không thể có ý kiến thống nhất. Hơn nữa, do vị thế đặc biệt của một số quốc gia « trung lập » như Áo, Ireland, Malta, các nước không liên kết như Phần Lan và Thụy Điển, hoặc như Đan Mạch thì đã ký điều khoản « opting-out » – lựa chọn không tham gia về mặt quốc phòng, nên mọi chuyện khó xử lý. Nhưng dù sao đi nữa thì châu Âu vẫn có thể tạo ra ảnh hưởng trong các lĩnh vực khác, nhất là về kinh tế, lĩnh vực mà Liên Âu có thể giữ vai trò cường quốc.
Châu Âu có thể là một cường quốc công nghiệp quân sự ?
Sau vài năm, Quỹ quốc phòng châu Âu mới chính thức được thông qua vào tháng 04/2021. Lần đầu tiên trong lịch sử Liên Âu, Bruxelles sẽ dành một phần ngân sách để phát triển các khả năng và công nghệ quân sự. Đó là một cuộc cách mạng nhỏ. Tuy nhiên, các tham vọng của Quỹ đã được điều chỉnh giảm bớt. Dự kiến ban đầu là 13 tỷ euro, nhưng Quỹ chỉ được cấp 8 tỷ euro cho giai đoạn 2021-2027 và sẽ dành để tài trợ cho các dự án quốc phòng chung của Liên Âu.
Thách thức trong việc hợp lý hóa thị trường châu Âu cũng không nhỏ : sự đa dạng về thiết bị giữa lực lượng vũ trang các nước làm suy yếu « khả năng tương tác » của họ. Trong khi đó, nội bộ châu Âu vẫn bị chia rẽ về chiến lược công nghiệp quốc phòng và việc mua thiết bị của Mỹ vẫn là ưu tiên hàng đầu đối với những quốc gia đang lo ngại về « lòng nhân từ » của Washington. Ngay cả Đức cũng đang tiến hành chiến lược này.
Nhìn một cách tổng thể, hợp tác quốc phòng Pháp-Đức đang tiến triển với nhiều khó khăn. Mặc dù Paris và Berlin đã đạt được thỏa thuận liên quan đến dự án quan trọng SCAF, loại chiến đấu cơ tương lai, nhưng những dự án khác vẫn chưa có mấy tiến triển, chẳng hạn như dự án về Hệ thống Chiến đấu Mặt đất Chủ lực (Main Ground Combat System – MGCS) liên quan đến loại xe thiết giáp trong tương lai. Trong nhiều lĩnh vực khác liên quan đến quân sự, chẳng hạn như về không gian, sự cạnh tranh giữa hai nước rất lớn. Paris và Berlin vẫn liên tục va chạm nhau, do những cách nhìn nhận khác nhau về các mối đe dọa và chiến lược quân sự.
Le Figaro kết luận chừng nào mọi chuyện còn tiếp diễn như vậy và Liên Âu còn thiếu động lực chính trị thì nền quốc phòng của Liên Hiệp Châu Âu sẽ khó mà đạt được tiến bộ.