Bác sĩ Pháp gốc Việt: nên chống dịch bệnh bằng khoa học, không bằng ý chí
21/09/2021
Bác sĩ về hưu Nguyễn Quốc Nam ở thủ đô Paris, Pháp, nói với VOA rằng ông đồng tình với biện pháp chống dịch 5K ở Việt Nam (Khẩu trang – Khử khuẩn – Khoảng cách – Không tập trung – Khai báo y tế), nhưng ông nhấn mạnh rằng chống đại dịch COVID-19 phải bằng phương pháp khoa học, chứ không phải bằng ý chí của chế độ.
Ông cũng nêu quan ngại về vấn đề sức khỏe của người lao động nghèo, đặc biệt là những người trẻ, một số trong nhóm này đã quyết định rời bỏ thành phố Hồ Chí Minh về quê chống dịch, trong khi việc tiếp cận vaccine của họ thì không dễ dàng.
Sau đây là nội dung cuộc phỏng vấn giữa VOA và bác sĩ Nguyễn Quốc Nam.
VOA: Hiện nay số ca nhiễm và tử vong COVID-19 tại Việt Nam vẫn còn tăng, đặc biệt ở Tp. Hồ Chí Minh, bác sĩ nhận định gì về tình hình dịch bệnh ở Việt Nam?
Bác sĩ Nguyễn Quốc Nam: Đó là nỗi lo của tất cả những người Việt Nam chúng ta. Tôi ngạc nhiên là cũng cùng đợt dịch này, cùng một ekip và cùng nhóm người trong nước để lo về việc này, nhưng tình hình lại khác hẳn với năm vừa qua.
Bây giờ thì có vaccine rồi, trong nước làm quỹ mua vaccine, và chờ đợi sự viện trợ, riêng Mỹ thôi đã viện trợ cho Việt Nam 6 triệu liều.
Khi chưa có vaccine, tôi nghĩ việc kêu gọi đồng bào thực hiện 5K rất là hay. Ngoài cái đó ra, tôi thấy không có gì tích cực trong việc lo cho sức khỏe của người dân, chẳng hạn như lập khu cách ly không đáp ứng điều kiện vệ sinh cần thiết, người ta bị dương tính mà còn gom chung với nhau như vậy mà không săn sóc tốt thì là mối lo rất lớn.
Những gì mà mình ở bên ngoài nhìn thấy chỉ là tảng băng nổi lên một phần nhỏ thôi, còn phần lớn ở dưới, vì đặc tính của chế độ không cho người dân biết tất cả sự thật, nên mình chỉ biết qua sự công bố của họ thôi. Tôi nghĩ người dân cũng ở trong hoàn cảnh đó, và khi họ không còn niềm tin nữa thì điều đó rất tai hại.
Hiện nay, điều quan trọng là phải làm thế nào để người dân có được những liều vaccine của quốc tế viện trợ.
VOA: Một số người dân đồng tình với cách phòng chống dịch của chính quyền, một số tỏ ra lo sợ, một số phàn nàn về tình trạng ngăn cấm đi lại vì như vậy cuộc sống của họ khó khăn. Bác sĩ có kỳ vọng rằng cách chống dịch của Việt Nam sẽ thành công?
Bác sĩ Nguyễn Quốc Nam: Tôi rất bi quan. Tôi không tin rằng mức độ bảo hiểm xã hội của đất nước Việt Nam ở tầm vóc của các quốc gia tân tiến.
Trong quá khứ mình cũng đã nhìn thấy rồi, mình không thể tiếp tục nói những điều không thật đối với người dân; việc mất niềm tin và sự hoảng loạn, ví dụ như người ở thành phố bỏ chạy về các tỉnh nông thôn, những điều này chứng minh cho thấy rõ rằng người dân đã mất niềm tin và họ rất lo sợ, họ không an tâm. Điều này khiến tôi không lạc quan.
Tôi chỉ hy vọng rằng số lượng vaccine mà quốc tế viện trợ cho Việt Nam sẽ đến được lớp người cùng khổ nhất, vì đó là những người ở trong tình trạng bị lây nhiễm dễ dàng nhất, vì họ chung đụng với nhau, một yếu tố làm cho sự lây lan; họ ăn uống không đầy đủ nên cơ thể cũng yếu hơn.
Ngay cả những người trẻ trong tầng lớp thấp nhất ở Việt Nam là bị thiệt thòi nhiều nhất, họ bị lây nhiễm nhiều nhất, điều này trái ngược với các quốc gia tân tiến – ở các quốc gia tân tiến người trẻ bị lây nhiễm vì họ đi chơi không tôn trọng luật lệ, còn ở trong nước thì ngược lại, luật lệ rất khắt khe.
Tôi không nghĩ rằng mình chống được đại dịch bằng ý chí. Mình chống đại dịch bằng khoa học, chứ không chống đại dịch bằng ý chí được! Trong những quốc gia dùng ý chí để thống trị thì nó không có cho mình có cái nhìn lạc quan cho tương lai.
VOA: Bác sĩ có nói rằng vaccine là một biện pháp hữu hiệu nhất để phòng chống dịch. Bác sĩ đánh giá như thế nào về khả năng Việt Nam tự sản xuất vaccine và vaccine này được kỳ vọng sẽ tiêm cho người dân trong năm 2022?
Bác sĩ Nguyễn Quốc Nam: Hiện nay việc điều chế vaccine theo method mới là RNA messenger. Nó dễ hơn method cũ.
Kiến thức khoa học của giới y khoa Việt Nam có khả năng để làm điều này với điều kiện là các phòng thí nghiệm có bằng sáng chế đồng ý chuyển giao công nghệ điều chế cho Việt Nam thì Việt Nam có khả năng.
Chứ tự Việt Nam sáng chế ra vaccine, cả trong quá khứ đến bây giờ, thì tôi chưa thấy. Việt Nam từng nói rằng sẽ có vaccine thế này thế kia, hết tháng 6 rồi đến tháng 9 nói sẽ có, tôi đoán rằng đó chẳng qua là do áp lực của quần chúng…
Hiện nay các quyền lợi của các phòng thí nghiệm quá lớn và tôi chưa thấy có dấu hiệu rằng các phòng thí nghiệm sẽ từ bỏ bằng sáng chế của mình.
Nếu được chuyển giao kỹ thuật, thì tôi nghĩ Việt Nam sẽ làm được, cũng giống như Ấn Độ, Cuba…
VOA: Từ quan sát quốc tế, kinh nghiệm chống dịch ở châu Âu và các nước, bác sĩ có đề xuất cho Việt Nam?
Bác sĩ Nguyễn Quốc Nam: Tôi nghĩ rằng thông tin là điều kiện tiên khởi. Nếu trước đây ở Vũ Hán (Trung Quốc) có thông tin chính xác cung cấp cho y tế quốc tế để cho họ tìm hiểu và chế tạo vaccine thì đại dịch không đến nỗi như ngày hôm nay. Cả thế giới muốn điều tra ở bên Trung Quốc vì họ bưng bít thông tin. Như vậy điều đầu tiên là phải cho người dân có được thông tin rộng rãi và chính xác. Điều này rất quan trọng vì niềm tin rất quan trọng.
Trong các quốc gia tân tiến, nếu chính phủ muốn làm cái gì đó mà người dân không tin tưởng thì bị cản trở rất nhiều và mục tiêu đạt được cũng rất hạn hẹp. Điều này có vẻ như rất khó cho các chế độ như chế độ cộng sản, nơi họ bưng bít thông tin từ lớn đến nhỏ, từ không quan trọng đến quan trọng.
Thứ nữa là người dân phải có được các phương tiện công bằng. Nếu chính phủ không có khả năng thì phải nhận viện trợ, và phải chắc rằng các khoản viện trợ đến tay người dân, chứ không phải dành cho các cấp lãnh đạo. Một số người huênh hoan (trên mạng xã hội) rằng họ không phải đăng ký gì mà cũng được vaccine thì điều đó chứng tỏ rằng chế độ không công bằng.
Thông tin và sự công bằng là hai điều kiện quan trọng để có thể đối đầu với đại dịch như hiện nay. Tôi thấy nơi nào người dân có sự tin tưởng nhiều từ chính quyền thì nơi đó chiến dịch chống dịch bệnh có thành quả tốt đẹp hơn hết.