Mất hợp đồng tàu ngầm với Úc, Pháp có thể quay sang Ấn Độ

Mất hợp đồng tàu ngầm với Úc, Pháp có thể quay sang Ấn Độ

Đăng ngày: 21/09/2021

\"
Bộ trưởng Quốc Phòng Ấn Độ Rajnath Singh và bộ trưởng Quân Lực Pháp, bà Florence Parly, tại một buổi lễ ở một nhà máy tập đoàn chế tạo máy bay Pháp Dassault Aviation tại Mérignac, gần Bordeaux, miền tây nam nước Pháp, ngày 08/10/2019. AP – Bob Edme

Anh Vũ

Bị đổ bể hợp đồng lớn trang bị tàu ngầm cho Úc, nhưng trong cái rủi vẫn còn có cái may, Pháp vẫn có thể quay sang một cường quốc khác trong vùng Ấn Độ – Thái Bình Dương, đó là Ấn Độ, nước từ nhiều năm nay vẫn đang có tham vọng hiện đại hóa hạm đội hải quân để đối phó với đà bành trướng của Trung Quốc.

Giới quan sát nhận thấy, sau khi bị cú « đâm sau lưng » của Mỹ-Úc trong vụ hợp đồng cung cấp tàu ngầm đang gây ồn ào những ngày qua, Pháp có thể sẽ rút ra những bài học cần thiết, cởi mở hơn nhiều trong các dự án cung cấp tàu ngầm cho các nước. Theo nhà phân tích Harsh Pant, thuộc trung tâm nghiên cứu chính trị tại New Delhi, Observer Research Foundation, « thỏa thuận Aukus cho thấy các nước trong vùng Ấn Độ -Thái bình Dương mong muốn kiềm chế sự hiện diện của Trung Quốc sẽ phải triển khai hợp tác trong lĩnh vực công nghệ cao », đẩy mạnh hiện đại hóa quốc phòng, đặc biệt trong lĩnh vực hải quân đối với những nước có vùng biển rộng lớn. Đây cũng là mối quan tâm của Ấn Độ nhiều năm nay. Nước này đang nhìn vào vụ khủng hoảng tàu ngầm giữa Pháp với các đồng minh Mỹ-Úc với sự chú ý đặc biệt.

Theo nhiều nhà phân tích tại New Delhi, Ấn Độ sẽ có thể nắm bắt cơ hội này để thúc đẩy Pháp chuyển giao công nghệ trong lĩnh vực đóng tàu ngầm, đặc biệt là lớp tàu ngầm tấn công chạy bằng năng lượng hạt nhân. 

Từ nhiều năm qua, chính phủ Ấn Độ đang cố gắng hiện đại hóa hạm đội hải quân của mình. Ông Pravin Sawhney, tổng biên tập tạp chí quốc phòng Force, được nhật báo Le Figaro, trích dẫn cho biết « về mặt chính thức, Hải quân (Ấn Độ) nhận có 15 tàu ngầm, nhưng một số là loại cũ. Chỉ có 8 hay 9 chiếc còn hoạt động. Hải quân của chúng tôi phải tính đến khả năng hiện diện của Trung Quốc trong Ấn Độ Dương và khả năng liên kết tác chiến của họ với hạm đội của Pakistan. »

Vì thế mà nâng cấp, hiện đại hóa năng lực hải quân là nhiệm vụ cấp bách của quân đội Ấn Độ. Hồi tháng 6 vừa rồi, bộ Quốc phòng Ấn đã cho phép Hải quân gọi thầu đóng 6 tàu ngầm tấn công quy ước chạy bằng diesel-điện. Các con tàu này sẽ được đóng tại Ấn Độ bởi một công ty trong nước phối hợp với đối tác nước ngoài, với trị giá đầu tư khoảng 5 tỷ euro.

Công trường thứ hai là đóng 6 tàu ngầm tấn công sử dụng năng lượng hạt nhân. Tổng giá trị của dự án này lên tới 12 tỷ euro và dự kiến chiếc đầu tiên được hoàn thành vào năm 2032. Có điều là Ấn Độ không có khả năng công nghệ về động cơ chạy năng lượng hạt nhân mà bắt buộc phải nhập khẩu công nghệ này. Ấn Độ đã tính đến việc nhờ cậy  Pháp, một trong số nước hiếm hoi làm chủ được công nghệ động cơ hạt nhân, để được chuyển giao công nghệ.

Chuyên gia Harsh Pant được trích dẫn ở trên nhận định : « Pháp và Ấn Độ đều rất quan tâm đến tự chủ chiến lược. Cả hai nước đều không muốn bị lệ thuộc vào Hoa Kỳ. Các điều kiện đã hội đủ để triển khai hợp tác mới ».  Cùng chia sẻ với ý kiến này, ông Raja Mohan, giáo sư Đại học Quốc gia Singapore, nhật xét trên nhật báo The Indian Express số ra ngày 20/09 : « Cuộc khủng hoảng tàu ngầm mang lại cho Ấn Độ và Pháp cơ hội làm sâu sắc hơn sự hợp tác trong vùng Ấn Độ Dương ».

Càng ngày càng cảm thấy bị bao vây bởi Pakistan và Trung Quốc, và để chống lại một Trung Quốc đầy tham vọng với lực lượng hải quân đang được hiện đại hóa nhanh chóng, như một tất yếu, Ấn Độ phải tăng cường năng lực hải quân. Trong các dự án trang bị tàu ngầm đang tiến hành, Naval Group của Pháp vẫn luôn là sự lựa chọn ưu tiên của chính phủ Ấn Độ, cũng như New Delhi đã từng lựa chọn chiến đấu cơ Rafale để « thay máu » lực lượng không quân. Với Pháp, quay về với thị trường quốc phòng Ấn Độ dường như khả tín hơn bao giờ hết.

Hôm nay trong cuộc điện đàm giữa tổng thống Pháp Emmanuel Macron và thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi, hai bên đã khẳng định quyết tâm « cùng nhau hành động trong không gian Ấn Độ – Thái Bình Dương rộng mở ». Theo thông cáo của phủ tổng thống Pháp, ông Macron đã nhắc lại « Pháp cam kết góp phần tăng cường tự chủ chiến lược của Ấn Độ, bao gồm cả công nghiệp cũng như công nghệ, trong khuôn khổ quan hệ chặt chẽ dựa trên sự tin cậy ». Những tuyên bố nhiều cân nhắc và nhiều ẩn ý được đưa ra giữa cuộc khủng hoảng lòng tin trong đồng minh mà Pháp đang phải đối mặt.

Bài Liên Quan

Leave a Comment