Thủ tướng Australia tuyên bố không gặp tổng thống Pháp ở New York

Thủ tướng Australia tuyên bố không gặp tổng thống Pháp ở New York

21/09/2021


\"Thủ
Thủ tướng Australian Scott Morrison.

Thủ tướng Australia Scott Morrison hôm 21/9 tuyên bố ông sẽ không nói chuyện với Tổng thống Pháp tại Liên Hiệp Quốc vào tuần này cho dù cơn thịnh nộ của Pháp về việc hủy bỏ hợp đồng quốc phòng trị giá 40 tỷ USD có thể đe dọa thỏa thuận thương mại Australia-EU.

Tuần trước, Australia đã hủy bỏ thỏa thuận với Tập đoàn Hải quân của Pháp về xây dựng một hạm đội tàu ngầm thông thường. Thay vào đó, nước này sẽ chế tạo ít nhất 8 tàu ngầm chạy bằng năng lượng hạt nhân với công nghệ của Mỹ và Anh sau khi đạt được quan hệ đối tác an ninh ba bên với hai quốc gia này.

Việc hủy bỏ thỏa thuận đã khiến Pháp tức giận, nước này cáo buộc cả Australia và Mỹ đâm sau lưng, và đã triệu hồi các đại sứ từ cả Canberra và Washington.

Trong khi Tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden tìm cách nói chuyện với Tổng thống Pháp Emmanuel Macron để xoa dịu căng thẳng, Thủ tướng Morrison cho biết ông sẽ không tổ chức một cuộc họp song phương riêng với nhà lãnh đạo Pháp.

“Không có cơ hội cho việc đó vào lúc này. Tôi chắc chắn cơ hội sẽ đến đúng lúc”, ông Morrison nói với các phóng viên ở New York khi được hỏi liệu ông có nói chuyện với ông Macron bên lề Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc hay không.

Các nước Liên minh châu Âu đã bày tỏ sự đoàn kết với Pháp hôm 20/9 trong sự thống nhất được coi là đe dọa cho nỗ lực của Australia về một thỏa thuận thương mại tự do với khối này.

Australia và EU sẽ tổ chức vòng đàm phán tiếp theo về thỏa thuận thương mại vào ngày 12/10.

Hôm 20/9, Bộ trưởng Thương mại Australia Dan Tehan nói ông hy vọng các cuộc đàm phán sẽ diễn ra theo đúng lịch trình bất chấp sự thất vọng của người Pháp.

Nhưng ông Morrison đã tìm cách xoa dịu kỳ vọng thỏa thuận sẽ thành hiện thực. Ông nói: “Không phải dễ để đạt được một thỏa thuận với Liên minh châu Âu về thương mại, tôi nghĩ rằng mọi người đều hiểu điều đó”.

Trong khi Australia vất vả hàn gắn mối quan hệ với châu Âu, vấn đề tàu ngầm chạy bằng năng lượng hạt nhân cũng gây chia rẽ các đồng minh châu Á của Canberra và khiến cho Trung Quốc, Triều Tiên tức giận.

Indonesia và Malaysia cho rằng Australia có nguy cơ châm ngòi cho một cuộc chạy đua vũ trang, còn Philippines hôm 21/9 nói họ ủng hộ thỏa thuận tàu ngầm hạt nhân của Canberra vì nó sẽ giúp mang lại sự ổn định cho khu vực.

Ông Morrison sẽ gặp ông Biden và các nhà lãnh đạo châu Âu bên lề Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc tại New York trước khi đến Washington để tham dự cuộc họp của đối thoại an ninh của Bộ tứ, bao gồm Ấn Độ, Nhật Bản, Hoa Kỳ và Australia, vào cuối tuần này.

Bài Liên Quan

Leave a Comment