Đài Loan xin vào CPTPP nhưng lo bị TQ chặn đường
3 giờ trước
Đài Loan đã nộp đơn xin gia nhập hiệp định thương mại quan trọng tại châu Á – Thái Bình Dương, chỉ vài ngày trước khi Trung Quốc đệ đơn vào cùng chỗ.
Nhưng Đài Loan nói rằng nỗ lực của mình trong việc gia nhập Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) có thể gặp rủi ro nếu như Trung Quốc được chấp nhận trước.
Trung Quốc và Đài Loan có mối quan hệ phức tạp.
Đài Loan coi mình là một quốc gia độc lập nhưng Trung Quốc coi đây là một tỉnh ly khai của mình.
Hôm thứ Năm, trưởng thương thuyết gia thương mại của Đài Loan, John Deng, nói với các phóng viên rằng nếu như Trung Quốc gia nhập CPTPP trước, thì \”việc Đài Loan trở thành thành viên có thể sẽ vấp phải rủi ro, điều này tương đối rõ ràng\”.
Việc đạt được chuẩn thuận từ toàn bộ 11 quốc gia thành viên là yêu cầu cần thiết để cho phép các nước mới gia nhập thỏa thuận.
Hôm thứ Năm, Ngoại trưởng Nhật Bản Toshimitsu Motegi nói với các phóng viên rằng ông hoan nghênh đơn của Đài Loan, hãng tin Kyodo tường thuật.
CPTPP ban đầu là do Hoa Kỳ xây dựng, nhằm đối trọng với ảnh hưởng của Trung Quốc. Tuy nhiên, sau đó Hoa Kỳ đã rút lui dưới thời Tổng thống Donald Trump.
Đây là một trong những thỏa thuận thương mại lớn nhất, liên quan tới các quốc gia trong khu vực.
Trung Quốc vẫn chưa bình luận gì về đơn của Đài Loan, tuy trước đây Bắc Kinh thường nói rằng Đài Loan cần phải bị loại khỏi nhiều tổ chức quốc tế, hoặc nếu tham gia thì phải dưới danh nghĩa là một phần của Trung Quốc.
Điều này một số lần đã dẫn đến việc Đài Loan gia nhập dưới những tên gọi khác nhau.
Chẳng hạn, đội Đài Loan tham dự Olympics gọi với tên gọi Đài Bắc Trung Hoa (Chinese Taipei).
Đài Loan cũng đã nộp đơn xin gia nhập CPTPP dưới tên gọi mà họ dùng Tổ chức Thương mại Quốc tế (WTO) – Lãnh thổ hải quan riêng biệt Đài Bắc Trung Hoa (Separate Customs Territory of Taiwan, Penghu, Kinmen).
Cả Trung Quốc lẫn Đài Loan đều nộp đơn sau khi Hoa Kỳ, Anh Quốc và Australia gần đây công bố thỏa thuận an ninh gây tranh cãi – nỗ lực được coi là nhằm đối phó với ảnh hưởng của Trung Quốc tại vùng Châu Á – Thái Bình Dương.
Hiệp ước AUKUS sẽ cho phép Úc lần đầu tiên chế tạo tàu ngầm chạy bằng năng lượng hạt nhân, sử dụng công nghệ do Hoa Kỳ và Anh cung cấp.
Trung Quốc đã chỉ trích AUKUS, với phát ngôn viên Bộ Ngoại giao nước này Triệu Lập Kiên nói rằng liên minh có nguy cơ \”làm tổn hại trầm trọng hòa bình khu vực và làm căng thẳng cuộc đua vũ trang\”.
Thỏa thuận Hợp tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) ban đầu được Tổng thống Hoa Kỳ thời đó là Barack Obama thúc đẩy nhằm tạo một khối kinh tế, thách thức vị thế hùng cường ngày càng tăng của Trung Quốc tại vùng Châu Á – Thái Bình Dương.
Sau khi ông Trump rút Hoa Kỳ khỏi thỏa thuận, Nhật Bản đã dẫn đầu các cuộc đàm phán nhằm tạo CPTPP.
CPTPP được ký vào năm 2018 bởi 11 quốc gia, trong đó có Úc, Canada, Chile, Nhật Bản và New Zealand.