Freedom House: Việt Nam vẫn không có tự do internet

Freedom House: Việt Nam vẫn không có tự do internet

27/09/2021


\"Việt
Việt Nam nằm trong nhóm các quốc gia không có tự do internet, dẫn đầu là Trung Quốc, theo đánh giá của Freedom House trong một báo cáo mới được đưa ra trong tháng này.

Việt Nam tiếp tục nằm trong nhóm các nước “không có tự do” về internet trong đánh giá thường niên mới nhất của tổ chức Freedom House vừa được đưa ra trong tháng này, trong khi Hà Nội phủ nhận báo cáo của tổ chức ủng hộ dân chủ và nhân quyền có trụ sở ở Mỹ.

Trong báo cáo thường niên của Freedom House, có trụ sở ở Washington DC, về tự do internet có tên “Freedom on the Net 2021”, Việt Nam nằm trong nhóm 21 quốc gia không có tự do về internet, dẫn đầu là Trung Quốc. Việt Nam chỉ ghi được 22 trong thang điểm 100 và đây cũng là điểm số mà Freedom House dành cho Việt Nam trong báo cáo năm 2020, thấp hơn 2 điểm so với đánh giá trong báo cáo năm 2019.

Ngoài Trung Quốc và Việt Nam, nhóm các nước không có tự do về internet còn gồm Cuba, Iran và Myanmar. Iceland là quốc gia đứng đầu trong nhóm không có kiểm duyệt về internet, với 96 điểm. Nhóm “tự do internet” này còn gồm có Estonia, Canada, Costa Rica, Pháp, Anh và Nhật Bản.

Theo tổ chức cổ vũ cho tự do chính trị, một trong ba yếu tố ảnh hưởng đến tổng điểm của Việt Nam là áp lực ngày càng tăng của chính phủ Việt nam đối với Facebook để hạn chế và kiểm duyệt nội dung được coi là “nhạy cảm” hoặc “quan trọng” đối với nhà nước. Ngoài ra sự kiểm duyệt và các cuộc bắt giữ cũng như chiến dịch “bôi nhọ” một số ứng cử viên độc lập trong cuộc bầu cử Quốc hội của Việt Nam là một yếu tố khác được Freedom House dùng để đánh giá sự tự do trên internet của quốc gia độc đảng Đông Nam Á. Yếu tố thức 3 là một dự thảo nghị định liên quan đến việc bảo vệ dữ liệu cá nhân, trong đó yêu cầu các nền tảng trực tuyến thu thập và lưu trữ dữ liệu cá nhân của người dùng Việt Nam để cung cấp cho chính phủ khi được yêu cầu.

Luật An ninh Mạng gây tranh cãi của Việt Nam, bắt đầu có hiệu lực từ đầu năm 2019, yêu cầu các công ty cung cấp dịch vụ internet nước ngoài lư trữ dữ liệu người dùng mạng ở nước sở tại. Một bản dự thảo nghị định được Bộ Công an soạn thảo và đưa ra vào tháng 1 năm nay, nhằm thực thi Luật An ninh Mạng, mở rộng yêu cầu đối với các nền tảng trực tuyến lớn và nhỏ để lưu trữ dữ liệu trên máy chủ ở Việt Nam. Theo đó, cơ quan chức năng có thể truy cập dữ liệu người dùng theo các điều khoản liên quan đến an ninh quốc gia và trật tự công cộng.

Việc các công ty mạng xã hội tuân thủ đầy đủ luật này của Việt Nam, theo Freedom House, sẽ khiến các nhà hoạt động, nhà báo và những người bảo vệ nhân quyền gặp rủi ro trước sự đàn áp khắc nghiệt của chế độ độc đảng đối với các ý kiến bất đồng.

Việt Nam đã phủ nhận báo cáo được đưa ra hôm 21/9 của Freedom House, như những lần trước đây khi tổ chức phi chính phủ này xếp Việt Nam vào nhóm không có tự do internet.

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Thị Thu Hằng hôm 23/9 nói rằng “báo cáo của Freedom House là vô giá trị và không cần thiết phải bình luận thêm.” Nói với các phóng viên tại buổi họp báo thường kỳ ở Hà Nội, bà Hằng cho rằng “đây không phải là lần đầu tiên tổ chức Freedom House đưa ra những đánh giá thiếu khách quan, định kiến dựa trên những thông tin sai sự thật về Việt Nam.”

Theo người phát ngôn của BNG, những “nỗ lực thúc đẩy và bảo đảm quyền con người ở Việt Nam” được các nước, tổ chức quốc tế “đánh giá cao” tại Cơ chế Rà soát định kỳ phổ quát của Hội đồng Nhân quyền Liên Hợp Quốc qua các chu kỳ.

Tuy nhiên, Việt Nam là một trong 55 quốc gia mà Freedom House cho là nơi các quan chức chính phủ “điều tra, bắt giữ và kết án người dân vì những đăng tải trên mạng xã hội của họ.” Tổ chức này xếp Việt Nam trong nhóm 38 quốc gia “theo đuổi những cải cách ảnh hưởng tới việc quản lý dữ liệu của các công ty.” Báo cáo của Freedom House, đánh giá 70 quốc gia trên thế giới, cho rằng các thông tin về chính trị, xã hội hoặc tôn giáo bị chặn ở Việt Nam. Ngoài gia các thảo luận trên mạng ở Việt Nam cũng bị các “dư luận viên” thân chính phủ thao túng, theo đánh giá của tổ chức phi chính phủ.

Chín dân biểu liên bang Mỹ vào tháng trước nói rằng Việt Nam “sử dụng các điều luận ‘an ninh quốc gia mơ hồ’ để bắt giam tuỳ tiện những tiếng nói bất đồng chính kiến cũng như kết tội họ qua các bản án tù dài và khắc nghiệt” khi thúc giục Phó Tổng thống Kamala Harris nêu vấn đề nhân quyền trong chuyến thăm đến Hà Nội cuối tháng 8.

Tổ chức Phóng viên Không Biên giới (RSF) xếp Việt Nam trong nhóm 6 quốc gia ít có tự do báo chí nhất trên thế giới và cho rằng Đảng Cộng sản cầm quyền tăng cường kiểm soát mạng xã hội cũng như tiến hành một làn sóng bắt giam các nhà báo độc lập trong năm qua.

Bài Liên Quan

Leave a Comment