Nhà lãnh đạo Trung Quốc Tập Cận Bình (giữa) và các nhà lập pháp đứng hát quốc ca trong phiên bế mạc Hội nghị của cơ quan Lập pháp tại Đại lễ đường Nhân dân ở Bắc Kinh, Trung Quốc, hôm 11/03/2021. (Ảnh: Kevin Frayer / Getty Images)
Mục tiêu dài hạn của ‘Nhện Chúa’ Trung Quốc nhằm thống trị thế giới (Phần 2)
Bình luậnLê Minh • 28/09/21
Năm 2013, nhà lãnh đạo Trung Quốc Tập Cận Bình đã đưa ra 2 sáng kiến chiến lược nhằm xây dựng một đế chế ‘thuộc địa’ trên toàn thế giới, đồng thời đưa Trung Quốc lên vị trí lãnh đạo toàn cầu: “Sáng kiến Vành đai và Con đường” (còn được gọi là Một vành đai, một con đường) và “Made in China 2025” (Sản xuất tại Trung Quốc 2025). Truyền thông Trung Quốc cũng như truyền thông nhiều quốc gia khác đã rầm rộ đưa tin về sự kiện này.
Kể từ đó, hai sáng kiến của ông Tập luôn được giới thiệu và phân tích chủ yếu dưới góc độ bản chất kinh tế. Tuy nhiên, việc đó chỉ để ngụy trang cho những nỗ lực của ĐCSTQ nhằm đạt được các mục tiêu ở rất nhiều lĩnh vực khác.
Những động thái từ phía Bắc Kinh tạo thành một mạng nhện khổng lồ, ngày càng lan rộng tới các quốc gia trên khắp thế giới thông qua các biện pháp: Hối lộ, tham nhũng, luận điệu giả dối, bẫy nợ, và cưỡng ép. Mục đích cuối cùng là mang đến cho ĐCSTQ sự thống trị và kiểm soát trong hầu hết các lĩnh vực của xã hội nhân loại.
Bài viết này là phần 2 trong số 3 phần tóm tắt ngắn gọn các mục tiêu thứ cấp của ‘Nhện Chúa’ Trung Quốc, chúng có tác dụng hiệp đồng và hỗ trợ nhau để Bắc Kinh đạt được mục đích lớn. Mời độc giả xem phần 1 tại đây.
Lợi dụng Đại dịch để mở rộng ảnh hưởng và tăng trưởng kinh tế Trung Quốc
ĐCSTQ đã nỗ lực tuyên truyền về ‘huyền thoại’ kiểm soát dịch bệnh của chính quyền Bắc Kinh nhằm lôi kéo các quốc gia khác áp dụng phương pháp tương tự. ĐCSTQ cũng ráo riết mua Quyền kiểm soát trong các doanh nghiệp nước ngoài đang gặp khó khăn và dễ bị tổn thương bởi sự sụp đổ của nền kinh tế thế giới trong đại dịch. Không dừng lại ở đó, Bắc Kinh cũng sử dụng “ngoại giao vắc-xin” – cung cấp vaccine do Trung Quốc sản xuất cho các quốc gia được nước này ‘nhắm đến’ – để quảng bá về ‘lòng tốt’ của Trung Quốc, từ đó tăng cường lợi thế địa chính trị, khiến các quốc gia ấy hỗ trợ các mục tiêu của ĐCSTQ tại Liên Hợp Quốc. Trên thực tế, ĐCSTQ không hề quan tâm đến hiệu quả của những loại vaccine mà nước này sản xuất; thay vào đó, hiệu ứng tuyên truyền mới là điều quan trọng nhất đối với ĐCSTQ.
‘Nâng cấp’ các thành phố lớn ở Trung Quốc trở nên \’thông minh hơn\’
Ông Tập Cận Bình đã công bố mục tiêu này vào năm ngoái. Ông nói: “Các thành phố lớn có thể trở nên \’thông minh hơn\’ bằng cách sử dụng dữ liệu lớn, điện toán đám mây, và công nghệ trí tuệ nhân tạo để “hiện đại hóa quản trị đô thị”. Điều mà ông Tập đã không nói ra là định nghĩa về “hiện đại hóa quản trị đô thị”. Cụm từ này trên thực tế mang hàm nghĩa: Mở rộng giám sát vào mọi ngóc ngách của xã hội Trung Quốc, bao gồm việc sử dụng hộ chiếu kỹ thuật số và hệ thống tín nhiệm xã hội để quản lý “hành vi đúng đắn” – những hành vi được ĐCSTQ chấp thuận – của tất cả công dân Trung Quốc.Camera giám sát ở một góc Quảng trường Thiên An Môn, Bắc Kinh, hôm 06/09/2019. (Ảnh: Greg Baker / AFP / Getty Images)
Thống trị các đại dương trên thế giới
Mục tiêu này được Hải quân thuộc Quân Giải phóng Nhân dân Trung Quốc (PLAN) định nghĩa là “sự phấn đấu vì sức mạnh hướng ra đại dương”. Trung Quốc đã có hạm đội đánh cá lớn nhất thế giới, hạm đội vận tải container lớn thứ ba thế giới, và bây giờ là lực lượng hải quân lớn nhất thế giới. ĐCSTQ đang tiếp tục thành lập các căn cứ ở nước ngoài để củng cố sức mạnh và bảo vệ các lợi ích hàng hải của Trung Quốc gắn liền với Con đường Tơ lụa Trên biển. Chính quyền Bắc Kinh cũng đẩy mạnh trang bị khí tài cho PLAN nhằm mục đích tạo ảnh hưởng trong khu vực.
Dẫn đầu thế giới về Công nghệ tiên tiến
Mục tiêu của ĐCSTQ là kiểm soát công nghệ thế hệ tiếp theo nhằm thống trị nền kinh tế thế giới trong tương lai. Dưới đây là danh sách ngắn các công nghệ chính mà ĐCSTQ muốn kiểm soát: 5G, trí tuệ nhân tạo, hệ thống thanh toán qua di động, tiền mã hóa và tiền kỹ thuật số để chuyển đổi nền kinh tế thế giới thành nền kinh tế kỹ thuật số, công nghệ robot, và công nghệ cảm biến để khai thác dưới biển.
Kiểm soát các tiêu chuẩn quốc tế
ĐCSTQ tìm cách giành quyền kiểm soát quy trình chứng nhận tiêu chuẩn quốc tế bằng cách thay thế Tổ chức Tiêu chuẩn hóa Quốc tế (ISO) bằng “Tiêu chuẩn Trung Quốc 2035”. Cụ thể, Đảng này tìm cách kiểm soát các tiêu chuẩn; kiểm soát sự phát triển, tích hợp, triển khai và ứng dụng công nghệ trong tương lai.
Thực hiện Kế hoạch Đại học ‘Song Nhất’ – trường Đại học hạng nhất với các Ngành học hạng nhất
Mục tiêu của chính quyền Bắc Kinh là phát triển 100 trường Đại học tốt nhất Trung Quốc thành các Học viện đẳng cấp nhất thế giới vào năm 2049 (nhân kỷ niệm 100 năm thành lập nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa). Điều này bao gồm cách hoạt động: Thu hút các học giả nước ngoài đến các trường đại học Trung Quốc, tài trợ cho các nghiên cứu chung, cũng như thúc đẩy trao đổi học thuật và khoa học với các trường Đại học nước ngoài.
Kết hợp Quân sự – Dân sự để nâng cao năng lực của Quân đội Giải phóng Nhân dân (PLA)
Theo Viện Chính sách Chiến lược Úc, ĐCSTQ đã phát triển và thực hiện chiến lược “tối đa hóa mối liên kết giữa quân đội và khu vực dân sự để xây dựng sức mạnh kinh tế và quân sự của Trung Quốc”. Chính sách này đi liền với mục tiêu trình bày ở trên, đó là: Tận dụng “100 trường Đại học đẳng cấp nhất thế giới” để phát triển các công nghệ quân sự và lưỡng dụng cho PLA.
Phát triển công nghệ phục vụ chiến tranh dưới biển
Đây là một ví dụ cho thấy sáng kiến kết hợp Quân sự – Dân sự nêu trên được khai thác để đạt một mục tiêu quan trọng khác: Xóa bỏ lợi thế quân sự quan trọng mang tính quyết định của Mỹ trong công nghệ tàu ngầm. Hệ thống công nghệ này gồm có: Cảm biến âm thanh và hệ thống liên lạc, hệ thống dẫn đường cho ngư lôi, và các phương tiện không người lái dưới biển.
Lợi dụng Quyền tiếp cận thị trường Trung Quốc để đạt được các mục tiêu địa chính trị
ĐCSTQ tận dụng ‘quyền tiếp cận nền kinh tế Trung Quốc’ để gây áp lực với các chính phủ nước ngoài, tổ chức quốc tế, truyền thông nước ngoài, và Hoa kiều. Các thực thể nêu trên phải thực hiện các nhượng bộ bao gồm: Đầu tư trực tiếp, thỏa thuận chuyển giao công nghệ, và các liên doanh có lợi cho đối tác Trung Quốc,… để có thể tiếp cận thị trường nội địa Trung Quốc.
Triển khai \’Con đường tơ lụa Y tế\’ mới
ĐCSTQ đặc biệt quan tâm đến việc thiết kế lại ‘trật tự chính trị và kinh tế tự do’ đã được thiết lập sau Thế chiến thứ hai. Bắc Kinh muốn định hình vai trò lãnh đạo của Trung Quốc trên toàn cầu; đẩy mạnh các biện pháp trọng thương (Chủ nghĩa trọng thương là hệ thống kinh tế trong đó chính phủ thao túng nền kinh tế để tạo ra cân bằng thương mại theo ý muốn), và nâng cao quyền kiểm soát trên toàn thế giới. Chủ tịch Tập Cận Bình đã sử dụng “ngoại giao y tế” và “Con đường tơ lụa Y tế” để xây dựng lại các tiêu chuẩn, phương thức, và biện pháp kiểm soát y tế toàn cầu nhằm phục vụ cho lợi ích lâu dài của Bắc Kinh.Người dân chờ tiêm vắc xin COVID-19 ở thành phố Phụ Dương, tỉnh An Huy, miền đông Trung Quốc hôm 13/05/2021. (Ảnh: STR / AFP qua Getty Images)
Chủ nghĩa cơ hội trong việc thúc đẩy các lợi ích của ĐCSTQ
Mục đích là hướng các sự kiện hiện nay như khủng hoảng, thiên tai, và chiến tranh ở nước ngoài phục vụ cho lợi ích chung của Trung Quốc. ĐCSTQ sử dụng phương pháp tiếp cận “chính phủ toàn diện” để gửi đi cùng một thông điệp đến các cơ quan chính phủ nước ngoài, các phương tiện truyền thông đã bị ‘kiểm soát’, đoàn ngoại giao, đoàn trao đổi khoa học, và tổ chức quốc tế.
Theo đuổi ba mũi nhọn
Theo ông H.R. McMaster, cựu cố vấn an ninh quốc gia của Nhà Trắng, ĐCSTQ đang sử dụng chiến lược ba mũi nhọn gồm: Đồng hợp tác, ép buộc, và che giấu để đạt được các mục tiêu địa chính trị lớn và nhỏ. Mọi sáng kiến ngoại giao, kinh tế, khoa học, giáo dục, và quân sự của ĐCSTQ đều phải được kiểm tra dưới kính hiển vi phân tích chi tiết nhằm xác định và khai thác ba mũi nhọn này.
Biến các nhà ngoại giao Trung Quốc thành \’Chiến lang\’
ĐCSTQ sử dụng các đoàn ngoại giao Trung Quốc để mở rộng ảnh hưởng của nước này ở thủ đô các quốc gia và các tổ chức quốc tế nhằm “lấp đầy khoảng trống” khi Mỹ “rút lui” khỏi sân khấu thế giới – theo tưởng tượng của ĐCSTQ. Thay cho hình thức ngoại giao nhẹ nhàng và thụ động trong vài thập kỷ qua, ông Tập Cận Bình đã và đang thúc đẩy các đoàn ngoại giao của mình trở nên mạnh mẽ hơn và đòi hỏi nhiều hơn trong việc xúc tiến vai trò lãnh đạo của Trung Quốc trên trường quốc tế.
Thiết lập quyền bá chủ khu vực dọc theo vùng ngoại vi của Trung Quốc
Để dẫn đầu thế giới và cũng để có một cơ sở vững chắc thể hiện sức mạnh quân sự và kinh tế, Trung Quốc phải trở thành bá chủ khu vực, cụ thể là ở Đông Á và Đông Nam Á. ĐCSTQ đã dùng các biện pháp đe dọa, ép buộc, và mua chuộc – tức là bất cứ điều gì để đạt được các mục tiêu kinh tế và quân sự ở các nước láng giềng, bao gồm thống trị các vùng biển trong khu vực, kiểm soát các thị trường kinh tế và quan hệ thương mại theo các điều kiện của Trung Quốc.
Kiểm soát tất cả Hoa kiều
Mục tiêu là mở rộng luật an ninh quốc gia mới đến tất cả người Trung Quốc bất kể họ sống ở đâu. ĐCSTQ có khả năng tác động đến các sự kiện chính trị và chính sách của các quốc gia – nơi mà có số lượng đáng kể người Hoa sinh sống. Bắc Kinh muốn thông qua luật pháp để buộc các quốc gia khác chấp nhận sự kiểm soát của ĐCSTQ đối với người Hoa ở nước ngoài — một cách thức xảo quyệt để mở rộng việc tuân thủ khung pháp lý của ĐCSTQ trên toàn thế giới. Kể từ ngày 30/06/2020, luật an ninh quốc gia lần đầu tiên được áp dụng tại Hong Kong đã giới hạn quyền tự do cá nhân và kinh tế của người Hong Kong trong những điều được ĐCSTQ cho phép.
Thực hiện Bộ luật Dân sự Trung Quốc trên toàn thế giới
“Bộ luật Dân sự của Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa” đã được thông qua tại kỳ họp thứ ba của Đại hội Đại biểu Nhân dân Toàn quốc lần thứ 13 hôm 28/05/2020. Bộ luật này quản lý vi mô xã hội Trung Quốc – kinh tế, xã hội, du lịch, giáo dục, v.v. – và bắt buộc tất cả mọi công dân phải tuân thủ. Trong điều 1 có nêu: \”Phát triển chủ nghĩa xã hội đặc sắc Trung Quốc, đồng thời chuyển giao các giá trị cốt lõi của chủ nghĩa xã hội”. Từ ‘chuyển giao’ được đề cập ở đây là việc ‘xuất khẩu’ các giá trị xã hội chủ nghĩa mang màu sắc Trung Quốc sang các nước khác!
Kết luận
Các mục tiêu thứ cấp đang được ĐCSTQ theo đuổi dưới danh nghĩa BRI và Made in China 2025 đều có tác động sâu rộng. Mỗi mục tiêu chính là một viên gạch xây dựng nên đế chế của ĐCSTQ nhằm đạt được “tương lai chung” mà ông Tập Cận Bình và các thuộc hạ của ông đã tuyên truyền trong nhiều năm qua: Một tương lai mà nhân loại nằm dưới sự toàn trị của ĐCSTQ.
Phần 3 sẽ vạch trần các mục tiêu thống trị người dân thế giới của ĐCSTQ.
Quan điểm trong bài viết là ý kiến của tác giả và không nhất thiết phản ánh quan điểm của NTDVN.
Tác giả Stu Cvrk là một Thuyền trưởng/Đại úy về hưu sau 30 năm phục vụ trong Hải quân Hoa Kỳ. Ông đã giữ nhiều chức vụ thường trực và dự bị khác nhau, với kinh nghiệm hoạt động dày dặn ở Trung Đông và Tây Thái Bình Dương. Thông qua kiến thức và kinh nghiệm khi làm nhà phân tích hệ thống kiêm nhà hải dương học, ông Cvrk tốt nghiệp Học viện Hải quân Hoa Kỳ, nơi ông tiếp nhận một nền giáo dục truyền thống và tự do – điều đóng vai trò nền tảng cho các bài bình luận chính trị của ông.
Lê Minh
Theo The Epoch Times