Quan hệ Liên Hiệp Châu Âu – Trung Quốc : Nhân quyền là \”yếu tố chủ đạo\”
Đăng ngày: 29/09/2021
Thu Hằng
Liên Hiệp Châu Âu tiếp tục cảnh báo Trung Quốc cam kết tôn trọng nhân quyền trong khuôn khổ « đối thoại chiến lược » giữa hai bên ngày 28/09/2021. Trước đó hai tuần, bà Ursula von der Leyen cho biết Ủy Ban Châu Âu sẽ đề xuất cấm tất cả sản phẩm có nguồn gốc từ lao động cưỡng bức, như trong những trung tâm huấn nghiệp ở Tân Cương.
« Đối thoại chiến lược » được thực hiện qua vidéo hội nghị dưới sự chủ tọa của lãnh đạo ngoại giao châu Âu Josep Borrell và ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị.
Trong thông cáo, được AFP trích dẫn, phát ngôn viên của người đứng đầu ngành ngoại giao châu Âu cho biết, ông Josep Borrell đã nhấn mạnh rằng cam kết nhân quyền từ phía Trung Quốc là « một yếu tố chủ đạo cho mối quan hệ chín muồi », cũng như cần nối lại đối thoại giữa Liên Hiệp Châu Âu và Trung Quốc về vấn đề này. Ông « hy vọng cuộc họp tới có thể diễn ra trước cuối năm 2021 ».
Vào tháng 03/2021, lần đầu tiên, Liên Hiệp Châu Âu trừng phạt Trung Quốc vì trấn áp người Hồi Giáo Duy Ngô Nhĩ ở Tân Cương. Tình hình Tân Cương, cùng với Hồng Kông và Đài Loan cũng được phía châu Âu đề cập đến.
Người đứng đầu ngành ngoại giao châu Âu khẳng định khối 27 nước « quan tâm đến phát triển hợp tác với Đài Loan » được Bruxelles đánh giá là « một đối tác quan trọng trong vùng và có chung nhiều tư tưởng ». Tuy nhiên, ông trấn an Bắc Kinh là Liên Hiệp Châu Âu « đã và sẽ luôn áp dụng rạch ròi chính sách một nước Trung Hoa duy nhất ».
NATO chỉ trích Trung Quốc thiếu minh bạch quân sự
Một ngày trước « đối thoại chiến lược » với Liên Hiệp Châu Âu, lần đầu tiên ngoại trưởng Trung Quốc đã họp với tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg qua cầu truyền hình. Ông Vương Nghị khẳng định Trung Quốc « không phải và sẽ không bao giờ là một đối thủ của NATO », nên Liên Minh Bắc Đại Tây Dương « đừng để bị những lời dối trá hay tin đồn lừa phỉnh ».
Ngược lại, tổng thư ký NATO bày tỏ lo ngại về « sự phát triển kho vũ khí hạt nhân » cũng như sự thiếu minh bạch về quân sự của Trung Quốc. Theo ông Jens Stoltenberg, « dù NATO không coi Trung Quốc là một đối thủ », nhưng Bắc Kinh phải « tôn trọng những cam kết quốc tế và hành động có trách nhiệm theo hệ thống quốc tế ».