Trung Quốc: Tên chủ nợ cá mập ranh ma nhất thế giới

Trung Quốc: Tên chủ nợ cá mập ranh ma nhất thế giới

\"\"/

Trung Quốc đang siết chặt cổ Lào (trong ảnh là Ngoại trưởng Vương Nghị phát biểu tại lễ kỷ niệm 60 năm quan hệ Trung Quốc-Lào tổ chức tại Bắc Kinh ngày 21 Tháng Tư 2021 (ảnh: Yue Yuewei/Xinhua/Getty Images)

Loạt bằng chứng mới đều cho thấy các ngân hàng Trung Quốc đã chi hơn gấp đôi số tiền phát triển cho các nước nghèo so với Mỹ và các nước giàu khác, nhưng phần lớn số tiền này không phải viện trợ không hoàn lại mà đến dưới hình thức cho vay nặng lãi ẩn chứa nguy cơ không trả được nợ. Với thủ đoạn tinh vi này, các “nhà hảo tâm Trung Quốc thật sự là “con cá mập cho vay” (loan shark), nói rõ hơn là “kẻ cho vay cắt cổ”.

Cái mồm ngoác rộng của con cá mập

Tổng số tiền Trung Quốc cho các nước ngoài vay đến nay đã gây sửng sốt và nằm ngoài sức tưởng tượng của nhiều chủ nợ khác. Cách đây không lâu Trung Quốc còn phải nhận viện trợ nước ngoài, thậm chí thuộc thế giới đang phát triển được nhận ưu đãi của các tổ chức tài chính quốc tế. Nhưng bây giờ tình thế đã xoay chuyển. Với kho dự trữ ngoại tệ khổng lồ gom được nhờ bóc lột sức lao động của người dân, trả lương không đúng với công việc, chính phủ Trung Quốc đã biết lợi dụng khoản tích lũy để “bắt tiền đẻ ra tiền” và gánh nặng đặt trên vai những nước lỡ “vay dễ” từ Trung Quốc.

Theo phòng nghiên cứu AidData thuộc trường Đại học William & Mary ở tiểu bang Virginia, trong 18 năm qua, Trung Quốc đã cấp vốn hoặc cho vay 13,427 dự án cơ sở hạ tầng với tổng trị giá $843 tỷ tại 165 quốc gia. Phần lớn số tiền này dành cho “sáng kiến” tham vọng “Vành đai và Con đường” (Belt and Road-BRI) của Tập Cận Bình. Từ năm 2013, Trung Quốc đã tận dụng cái gọi là “kinh nghiệm chuyên môn” về cơ sở hạ tầng và nguồn ngoại tệ dồi dào để hợp tác xây dựng các tuyến thương mại toàn cầu mới bằng tiền cho vay và các đóng góp khác. Biểu đồ của AidData cho thấy các khoản cho vay phát triển quốc tế của Trung Quốc đã vượt Mỹ.

Nhiều nhà quan sát tin rằng tiền vay hào phóng nhưng lãi suất cao của Trung Quốc dưới lớp áo “tài trợ phát triển” cho nhiều dự án đang đẩy một số quốc gia vào “bẫy nợ nần”, trong khi tiền vay bị thất thoát do quản lý kém và tham ô, lãng phí. Ngay cả các quan chức chính phủ Trung Quốc cũng bất ngờ về những gì AidData phát hiện trong bốn năm theo dõi tất cả khoản cho vay và chi tiêu toàn cầu của Trung Quốc ở bên ngoài quốc gia.

\"\"
Những nước đang có các dự án “Vành đai và Con đường” với Trung Quốc (tỉ đôla – tính đến Tháng Chín 2021)
\"\"
Những quốc gia dính vào bẫy nợ của Trung Quốc, tính theo tỉ trọng GDP – theo khảo sát mới nhất “Global Chinese Official Finance Dataset” của AidData công bố ngày 29 Tháng Chín 2021
\"\"
Những quốc gia dính vào bẫy nợ của Trung Quốc, tính theo tỉ đôla – theo khảo sát mới nhất “Global Chinese Official Finance Dataset” của AidData công bố ngày 29 Tháng Chín 2021

Bài học từ Lào

Tuyến đường sắt ngoằn ngoèo Yumo nối Trung Quốc và Lào, quốc gia láng giềng, thường được xem là “điển hình về hoạt động cho vay nước ngoài của Trung Quốc”. Trong nhiều thập niên, các chính trị gia luôn nghi ngờ về sự cần thiết của con đường kết nối trực tiếp vùng Tây Nam Trung Quốc với khu vực Đông Nam Á, trong khi các kỹ sư cảnh báo chi phí sẽ rất lớn vì đường ray sẽ phải chạy qua những đồi núi dốc, qua hàng chục cây cầu và đường hầm. Lào là một trong những quốc gia nghèo ở khu vực và ít dân nên không có khả năng chi trả, dù chỉ một phần nhỏ chi phí cho tuyến đường.

Hiểu mối lo này, các chủ ngân hàng của Trung Quốc nhảy ngay vào với sự hỗ trợ của một nhóm công ty nhà nước và một tập đoàn các chủ nợ quốc doanh. Kết quả là vào Tháng Mười Hai năm nay, tuyến đường sắt $5.9 tỷ sẽ bắt đầu đi vào hoạt động. Đổi lại, Lào đã phải vay $480 triệu của một ngân hàng Trung Quốc để tài trợ cho một phần nhỏ vốn sở hữu của mình và sẽ phải dùng lợi nhuận ít ỏi thu được từ các mỏ quặng kali, để trả nợ đáo hạn. Phần sở hữu lớn còn lại của tuyến đường thuộc về một tập đoàn đường sắt liên doanh do Trung Quốc chi phối với các điều khoản ngầm trong thoả thuận buộc chính phủ Lào phải chịu trách nhiệm cuối cùng về khoản nợ tuyến đường.

Chính các điều khoản ngầm không công bằng này đã khiến các chủ nợ quốc tế hạ bậc “tín nhiệm tín dụng” của Lào xuống mức… “rác” (junk), tức là chẳng có thể vay ai khác, ngoài… Trung Quốc! Tháng Chín, 2020, khi trên bờ vực phá sản, Lào đã phải bán một tài sản lớn cho Trung Quốc. Đó là một phần lưới điện với giá $600 triệu để xóa nợ từ các chủ nợ Trung Quốc. Nhưng tuyến đường sắt của Lào không phải là dự án rủi ro duy nhất được các ngân hàng nhà nước Trung Quốc tài trợ, vì theo AidData, Trung Quốc vẫn là nhà tài trợ chính cho nhiều quốc gia có thu nhập trung bình và thấp. Brad Parks nhận định: “Tính bình quân mỗi năm, các cam kết tài trợ phát triển của Trung Quốc lên tới $85 tỷ.

Mánh khóe láu cá

Tháng Năm 2019, trong lễ khai mạc Hội nghị Đối thoại các nền văn minh châu Á tại Bắc Kinh, ông Tập Cận Bình đã cố trấn an các con nợ sau khi bị chỉ trích về ý đồ đằng sau các dự án cơ sở hạ tầng tại các nước nghèo. Trong quá khứ, khi Trung Quốc còn nghèo, các nước phương Tây từng bị kết tội đưa các nước châu Phi vào cảnh nợ nần chồng chất. Rút kinh nghiệm, lần này Trung Quốc cũng làm như thế nhưng “ranh ma” hơn: Thay vì nhà nước đứng ra viện trợ hoặc cho vay tiền các dự án, hầu như tất cả số tiền đều được trao dưới dạng vay của các ngân hàng nhà nước hoặc tư nhân Trung Quốc và không hiển thị trong tài khoản nợ chính thức của chính phủ.

Các tổ chức chính phủ trung ương thường không có tên trong rất nhiều thương vụ do các ngân hàng Trung Quốc thực hiện. Những thỏa thuận tài trợ cho nước ngoài cũng nằm ngoài bảng cân đối kế toán của chính phủ và được giữ bí mật theo luật bảo mật để không cho bên ngoài biết chính xác nội dung của thỏa thuận được ký sau cánh cửa đóng kín. AidData cho biết số nợ không được báo cáo chính thức đã lên tới $385 tỷ! Nhiều khoản nợ phát triển cho nước ngoài bị buộc tuân thủ các hình thức thế chấp bất thường và chính phủ Trung Quốc không giữ vai trò pháp nhân khi xảy ra tranh tụng.

Một thủ đoạn khác là các khoản vay của Trung Quốc thường yêu cầu bên vay phải hứa trả bằng lợi nhuận ít ỏi từ việc bán tài nguyên thiên nhiên. Chẳng hạn, một thỏa thuận cho Venezuela vay đã yêu cầu nước này gửi thẳng số ngoại tệ kiếm được từ bán dầu vào tài khoản ngân hàng do Trung Quốc kiểm soát. Khi lãi đáo hạn nhưng không trả được, chủ nợ (Trung Quốc) có quyền rút ngay tiền mặt có sẵn trong tài khoản chung. Brad Parks giải thích: Với chiến lược ban phát bánh mì và bơ, Trung Quốc ngầm báo hiệu cho người vay rằng họ mới là ông chủ lớn, với lời cảnh báo: “Các ngài sẽ phải ưu tiên trả nợ cho chúng tôi trước những con nợ khác”.

Phương Tây vào cuộc nhưng quá chậm

Một câu hỏi đặt ra là “Trung Quốc có thông minh không, khi ứng xử ranh ma như thế?”. Anna Gelpern, giáo sư luật Đại học Georgetown, người từng có chân trong nhóm nghiên cứu của AidData hồi đầu năm nay về các hợp đồng cho vay phát triển của Trung Quốc, trả lời: “Chúng tôi có thể kết luận là Trung Quốc đã rất ‘cơ bắp’ và ‘tinh vi’ trong việc thương lượng hợp đồng cho vay với tôn chỉ: Hãy bảo vệ lợi ích của mình trước đã! Các quốc gia khó khăn sẽ có lúc phải dùng một tài sản vật chất có sẵn như rừng, khoáng sản và cảng biển để thanh toán nợ”.

Tuy nhiên, Trung Quốc sẽ sớm phải đối mặt với cạnh tranh cho vay quốc tế. Tại một cuộc họp của nhóm G7, Mỹ và các đồng minh thông báo đã thông qua kế hoạch chi tiêu để cạnh tranh với ảnh hưởng toàn cầu của Trung Quốc, trong đó có cả các khoản tài trợ cho phát triển cơ sở hạ tầng với tiêu chí: Bền vững về tài chính và môi trường. Nhưng theo nhiều nhà quan sát, kế hoạch có vẻ đã quá muộn!

David Dollar, chuyên gia cấp cao tại Viện Brookings và là cựu đại diện Bộ Tài chính Hoa Kỳ tại Trung Quốc, nhận định: “Tôi không tin các sáng kiến ​​của phương Tây sẽ ảnh hưởng đáng kể đến chiến lược cho vay của Trung Quốc. Ngoài việc số tiền cho vay của G7 không lớn lắm để giải quyết hết các dự án cơ sở hạ tầng ở các nước đang phát triển, các nhà tài chính lớn phương Tây còn có thói quen làm việc rất quan liêu nên sẽ mất thời gian dài mới hoàn tất một thỏa thuận”.

Bài Liên Quan

Leave a Comment