Hạt cát Tân Calédonie và cỗ máy AUKUS

Hạt cát Tân Calédonie và cỗ máy AUKUS

Đăng ngày: 01/10/2021 – 09:09

\"Tổng
Tổng thống Pháp Emmanuel Macron (thứ 2 từ trái) và thủ tướng Úc Malcolm Turnbull (giữa) trên tàu ngầm HMAS Waller tại căn cứ hải quân Garden Island, Sydney. Ảnh tư liệu chụp ngày 02/05/2018. AP – Brendan Esposito

Thụy My

AUKUS có thể coi là mô hình cho địa chính trị thế kỷ 21, khởi đầu cho một liên minh rộng lớn của phương Tây chống Trung Quốc. Tuy vậy cũng như mọi mô hình, có khi chỉ một hạt cát cũng có thể làm hư hỏng một cỗ máy hiện đại.

Trong bài « Pháp tìm một chỗ đứng tại Ấn Độ-Thái Bình Dương », Le Monde cho rằng sau vụ AUKUS, Paris sẽ phải củng cố quan hệ đối tác với các nước trong khu vực như Ấn Độ và Nhật Bản. Một sự thay đổi địa chính trị thế giới đang diễn ra.

Còn lại gì, chiến lược Ấn Độ-Thái Bình Dương của Pháp ?

Chiến lược Ấn Độ-Thái Bình Dương của Pháp còn lại gì sau khi bị mất đi « hợp đồng thế kỷ » ? Vào lúc Bắc Kinh quân sự hóa các đảo nhân tạo đào đắp lên ở Biển Đông, cho xuất xưởng các tàu chiến mới, Pháp muốn khẳng định vị thế « cường quốc Thái Bình Dương ». Chiến lược này chủ yếu dựa vào việc hợp tác với Úc, Ấn Độ, và gần đây tham gia các cuộc tập trận chống đổ bộ với Nhật Bản.

Khi loan báo liên minh AUKUS và hủy bỏ hợp đồng tàu ngầm với Pháp, Hoa Kỳ và Úc cho thấy dưới mắt hai nước này Paris không phải là một nhân tố quan trọng trong khu vực. Trong khi Pháp coi việc bán thiết bị quân sự là cột trụ của chiến lược Ấn Độ-Thái Bình Dương, với hai mục tiêu : thương mại, và góp phần đáp trả thách thức từ Trung Quốc mà không phải tham gia một liên minh chính thức, bị Bắc Kinh nghi ngờ là « NATO chống Trung Quốc ».

Nhà nghiên cứu Lucie Béraud-Sudreau của Viện SIPRI, chuyên về vũ khí xuất khẩu sang châu Á, nhìn nhận khó thể tách biệt giữa vấn đề hợp đồng của Naval Group với Úc và vai trò Pháp tại Ấn Độ-Thái Bình Dương. Từ mười năm qua, Pháp vẫn chủ trương không đơn thuần xuất khẩu vũ khí, mà còn phải dựa vào quan hệ đối tác chiến lược. Còn nhà nghiên cứu Hugo Decis của IISS cho rằng vụ AUKUS trước hết là một đòn ngoại giao và chính trị, hơn cả vấn đề thương mại, công nghệ, và sẽ gây tác động lâu dài, kể cả đối với Úc.

Lãnh thổ hải ngoại khiến Pháp-Úc có cùng lợi ích

Liên minh Mỹ-Anh-Úc hiện mới ở giai đoạn đối thoại, sẽ kéo dài trong 18 tháng, có nghĩa là không thể trước năm 2023. Hiện nay trao đổi giữa Úc và Pháp chỉ giới hạn giữa Canberra và Naval Group, tập đoàn đóng tàu ngầm Pháp, để « giải quyết bất đồng ». Mỗi bên đều huy động cả một đội quân luật sư.

Hợp đồng bán tàu ngầm nằm trong khuôn khổ đối tác chiến lược rộng lớn hơn với Úc, với các cuộc tập trận chung, ghé cảng tiếp liệu. Chẳng hạn tàu ngầm nguyên tử Emeraude của Pháp hồi tháng 10/2020 đã thăm cảng Perth của Úc lúc đi làm nhiệm vụ ở Ấn Độ-Thái Bình Dương.

Pháp sở hữu vùng đặc quyền kinh tế rộng lớn trên biển, và Nam Thái Bình Dương từ Tân Calédonie, Polynésie đến Wallis-et-Futuna sẽ bị ảnh hưởng bởi AUKUS. Tại đây Pháp có 3.000 quân và Hải quân có các tàu tuần tra lớn nhỏ. Trước tình hình mới, các tàu cũ này sẽ được thay thế. Từ 2023 đến 2026, Tân Calédonie và Polynésie sẽ được trang bị hai tàu lớp Félix-Eboué để tuần tra ngoài khơi xa ; và từ 2025 thêm các phi cơ có tầm hoạt động lớn, máy bay không người lái.

Không chỉ giám sát, cứu hộ, thu thập thông tin, mà còn có thể chống hạm và chống tàu ngầm, nên Pháp sẽ còn hiện đại hóa thêm Hải quân. Hugo Decis nhận xét, Pháp chưa phải đối phó với đoàn tàu cá hàng mấy trăm chiếc của Trung Quốc như Philippines, nhưng không phải là không có nguy cơ. Riêng về Tân Calédonie, tỉnh trưởng tỉnh Nam, Sonia Backès nhấn mạnh quần đảo này là đòn bẩy chính để đối phó với các mối nguy ở Ấn Độ-Thái Bình Dương, nhưng đang bị Bắc Kinh dòm ngó.

Không chỉ đơn thuần bán vũ khí

Trong số các hợp đồng lớn trong khu vực có hai tàu ngầm Scorpène bán cho Ấn Độ trị giá 3 đến 4 tỉ đô la, 36 chiến đấu cơ Rafale khoảng 7,8 tỉ đô la kể cả phụ tùng thay thế và vũ khí trang bị ; sẽ giao hàng xong vào 2022. Pháp cũng bán 6 tàu Gowind 2500 cho Malaysia, khoảng 2,4 tỉ đô la ; hỏa tiễn Aster cho Singapore – phòng không Singapore hiện nay chủ yếu dựa vào hệ thống Pháp. Trực thăng Pháp cũng được bán cho Việt Nam, Thái Lan, Hàn Quốc, Singapore, Pakistan, New Zealand, Malaysia, Indonesia, Ấn Độ.

Ngoài khía cạnh thương mại, hợp đồng tàu ngầm Úc còn tạo điều kiện cho việc kết hợp các lực lượng trên không và dưới biển, kết nối hệ thống Pháp và Úc, đặc biệt với thế giới khép kín của tàu ngầm. AUKUS vừa hạ gục tham vọng này.

Le Monde ghi nhận sự im lặng kỳ lạ của tổng thống Pháp giữa các khủng hoảng ngoại giao. Từ Afghanistan đến AUKUS rồi Mali, đó là những dư vị cay đắng cho ông Emmanuel Macron, đang mong sẽ tái nhiệm trong 8 tháng tới.

AUKUS và hạt cát Calédonie

Cũng trên Le Monde, tác giả Sylvie Kauffmann lưu ý « AUKUS và hạt cát Calédonie ». AUKUS có thể coi là mô hình cho địa chính trị thế kỷ 21, khởi đầu cho một liên minh rộng lớn của phương Tây chống Trung Quốc. Khi các mảng kiến tạo dịch chuyển nhất định sẽ tạo ra những rạn vỡ, và lần này Pháp bị loại một cách thô bạo, là người phải trả giá.

Tuy vậy cũng như mọi mô hình, có khi chỉ một hạt cát cũng có thể làm hư hại một cỗ máy hiện đại. Trong cuộc đối đầu Mỹ-Trung tại Ấn Độ-Thái Bình Dương, liệu các nhà chiến lược Mỹ, Anh, Úc có quan tâm đến một cuộc bỏ phiếu trong ba tháng tới tại Tân Calédonie, hòn đảo thuộc Pháp 280.000 dân ở Nam Thái Bình Dương ?

Đây là cuộc trưng cầu dân ý lần thứ ba về độc lập của quần đảo, theo hiệp ước Nouméa năm 1998. Hai lần trước, cử tri đã chọn ở lại với Pháp nhưng với số phiếu khít khao. Tân Calédonie nằm gần Úc, trong khi « Con đường tơ lụa mới » Trung Quốc đã vươn đến tận các hòn đảo xung quanh. Vanuatu, Fidji, Samoa, Tonga, quần đảo Salomon đều đã nhường bước trước « ngoại giao chi phiếu » của Bắc Kinh, thường là để đối lấy việc cắt đứt quan hệ với Đài Loan.

Nếu Tân Calédonie rơi vào vòng tay Trung Quốc, sẽ trở thành bàn đạp cho chiến lược chống bao vây Trung Quốc đồng thời cô lập Úc, vì ngoài Nouméa, Bắc Kinh còn có thể dựa vào Port Moresby, Honiara, Port-Vila, Suva. Một khi Pháp rời khỏi, Úc sẽ phải nỗ lực thêm nhiều để đối phó với Bắc Kinh, trong khi đang có rất nhiều việc phải làm. Chẳng hạn trong vụ Digicel Pacific, chính phủ Úc muốn chi ra 1,5 tỉ đô la Úc để ngăn cản Trung Quốc thâu tóm tập đoàn viễn thông khu vực. Bởi vì hạ tầng cơ sở không chỉ là các hải cảng, mà còn là cáp ngầm dưới đáy biển và dữ liệu. Theo tờ báo, có bao nhiêu là lý do để Paris và Canberra nên sớm ngồi lại với nhau, cho dù Paris đến nay vẫn chưa muốn nhấc điện thoại.

Nợ Trung Quốc vượt quá 10% GDP tại 42 nước

Cũng liên quan đến Trung Quốc, Le Monde giải thích Bắc Kinh đã trói chặt các nước nghèo bằng bẫy nợ như thế nào, khiến một số quốc gia đang lệ thuộc nặng nề vào ông chủ nợ đầy thủ đoạn.Theo tính toán của AidData thuộc trường đại học William & Mary công bố hôm qua, trong hai thập niên vừa qua Bắc Kinh đã viện trợ và chủ yếu là cho vay đến 843 tỉ đô la cho 163 nước có thu nhập thấp và trung bình ; gấp 6 lần kế hoạch Marshall để tái thiết châu Âu sau Đệ nhị Thế chiến (đã tính đến trượt giá). Nợ Trung Quốc vượt quá 10% GDP tại 42 nước, trong khi những quốc gia này đang khốn đốn vì Covid.

Để có được số liệu trên, hơn 100 nhà nghiên cứu trên thế giới, từ Đức, Nam Phi cho đến Anh, Hoa Kỳ đã xem xét 91.000 tài liệu chính thức của 13.427 dự án tín dụng của Bắc Kinh viết bằng nhiều thứ tiếng. Trung Quốc tỏ ra hào hiệp nhưng sự trợ giúp này phải trả giá đắt. Ngược với các nước phát triển, thường viện trợ không hoàn lại hay cho vay lãi suất ưu đãi, Bắc Kinh cho vay lãi cao, buộc phải mua bảo hiểm thậm chí bảo đảm bằng tài sản. Chẳng hạn Sri Lanka đã phải gán nợ bằng cảng Hambantota trong 99 năm.

Các chủ nợ Trung Quốc thường đòi đặt cược một phần tín dụng trong một tài khoản ở nước khác, để có thể tịch biên nhanh chóng không thông qua tòa án. Hoặc cho vay thông qua một cơ quan không thuộc nhà nước hoặc công ty để món tín dụng không tính vào nợ công, nhưng buộc chính phủ bảo đảm. Mùa hè 2020, Bắc Kinh đã yêu cầu chính quyền Maldives trả nợ thay cho một doanh nhân bị phá sản.

Bẫy nợ, công cụ gây áp lực

Hơn hai phần ba hồ sơ tín dụng được AidData xem xét thuộc về các liên doanh hoặc các định chế không trực thuộc trực tiếp chính phủ. Khi gặp khủng hoảng, số nợ tư này bỗng chốc có thể biến thành nợ công, khiến không ít nước đang phát triển không biết được trong những năm tới sẽ phải trả nợ bao nhiêu. Những món nợ càng đáng lo trong thời đại dịch vì khả năng chi trả xuống dốc. Một tình trạng mà Trung Quốc, đã trở thành chủ nợ lớn nhất thế giới có thể lợi dụng : năm 2019 Bắc Kinh âm thầm hủy món nợ 70 triệu đô la cho Cameroun, và ngay sau đó Cameroun đã tự rút lại ứng cử viên cho chức tổng giám đốc Cơ quan Lương Nông Liên Hiệp Quốc, nhường chỗ cho Trung Quốc.

Bắc Kinh đòi hỏi số tiền vay phải bí mật, như vậy chính phủ có thể giấu người đóng thuế về số nợ phải trả. Một điển hình là Zambia, mất khả năng chi trả từ tháng 8/2020, và tân chính phủ phải cơ cấu lại số nợ mà họ vẫn chưa biết tầm cỡ ra sao. Cũng theo nhóm chuyên gia trên, món nợ bị che giấu của Zambia với Trung Quốc chiếm khoảng 8% GDP.

Les Echos đưa thêm một ví dụ khác : Cộng hòa Dân chủ Congo đòi xem xét lại « hợp đồng thế kỷ » 6,2 tỉ đô la ký với Trung Quốc năm 2008. Đất nước châu Phi này giàu quặng mỏ, chỉ riêng cobalt đã chiếm 60% sản lượng thế giới, nguyên liệu mà Bắc Kinh rất thèm muốn để sản xuất bình điện. Tổng thống Joseph Kabila đã ký vay 3 tỉ đô la cho cơ sở hạ tầng và 3,2 tỉ để đầu tư vào một mỏ đồng và cobalt. Hơn mười năm sau, chỉ có 1/3 số tiền cam kết đầu tư vào cơ sở hạ tầng được tháo khoán, nhiều dự án còn lại không thấy đâu. Tệ hơn nữa là trước khi rời quyền lực, Kabila bí mật ký điều khoản sửa đổi để chia cổ tức hầm mỏ.

Bài Liên Quan

Leave a Comment