Những nghiên cứu hứa hẹn đoạt giải Nobel 2021
Các nghiên cứu góp phần dẫn tới sự ra đời của vaccine Covid-19 có thể trở thành ứng cử viên tiềm năng cho giải Nobel năm nay.
Những bộ óc vĩ đại nhất trong lĩnh vực vật lý, hóa học và y học sẽ được vinh danh tại giải Nobel, giải thưởng khoa học cao quý nhất, công bố vào tuần tới. Dù dự đoán người đoạt giải Nobel cực khó do danh sách bình chọn và ứng viên được giữ bí mật, giới chuyên gia vẫn nhận định một số nhà nghiên cứu với phát hiện làm thay đổi cuộc sống có khả năng trở thành chủ nhân giải thưởng.
Năm 2021, các giải thưởng Lasker và Breakthrough, vốn thường được xem như kim chỉ nam cho giải Nobel, vinh danh những nhà khoa học có công trình đóng vai trò quan trọng trong phát triển vaccine Covid-19. Giải thưởng Lasker thuộc về Katalin Karikó, phó chủ tịch công ty BioNTech ở Đức và Drew Weissman, giáo sư nghiên cứu vaccine ở Đại học Pennsylvania, nhờ phát triển phương pháp sử dụng ARN thông tin (mARN) nhân tạo để đối phó dịch bệnh, làm thay đổi cách cơ thể sản sinh hợp chất kháng virus. Dù không thu hút nhiều sự chú ý khi công bố lần đầu tiên năm 2005, giờ đây nghiên cứu của họ là nền tảng cho hai loại vaccine Covid-19 được sử dụng rộng rãi.
“Tin chắc vào tiềm năng của liệu pháp mARN bất chấp nhiều hoài nghi, họ đã tạo ra một công nghệ không chỉ thiết yếu trong cuộc chiến chống nCoV hiện nay, mà còn có tiềm năng ứng dụng khổng lồ trong các loại vaccine và phương pháp điều trị tương lai đối với nhiều loại bệnh bao gồm HIV, ung thư, tự miễn và bệnh di truyền”, trích thông báo từ giải thưởng Breakthrough.
Tuy nhiên, vẫn còn nhiều tranh cãi về người xứng đáng được ghi nhận là tiên phong về công nghệ này, do nghiên cứu về mARN ra đời từ thập niên 1980, bao gồm nhiều nhóm nhà khoa học trên khắp thế giới. Vấn đề càng phức tạp hơn đối với Hội đồng tuyển chọn Nobel bởi theo quy định do nhà sáng lập người Thụy Điển Alfred Nobel đặt ra vào năm 1895, giải Nobel chỉ được trao tối đa cho 3 người ở một hạng mục.
David Pendlebury, nhà phân tích ở Viện khoa học thông tin thuộc công ty nghiên cứu Clarivate, chuyên đưa ra dự đoán về giải Nobel bằng cách xem xét những bài báo lớn của một nhà khoa học được đồng nghiệp trích dẫn thường xuyên tới mức nào. Pendlebury cho rằng còn quá sớm để nghiên cứu phía sau vaccine Covid-19 được ghi nhận tại giải Nobel. Hội đồng Nobel có xu hướng bảo thủ và luôn chờ ít nhất một thập kỷ trước khi vinh danh nhà khoa học. Theo Pendlebury, Hội đồng Nobel có thể trao giải thưởng cho Jacques Miller, nhà nghiên cứu người Pháp – Australia, với khám phá về tổ chức và chức năng của hệ miễn dịch vào thập niên 1960, đặc biệt là tế bào B và tế bào T, có nhiều ý nghĩa đối với nghiên cứu về vaccine.
Giải thưởng Breakthrough cũng được trao cho Shankar Balasubramanian, David Klenerman và Pascal Mayer, những người phát triển công nghệ giải trình tự ADN thế hệ tiếp theo. Trước đây, việc giải trình tự lại toàn bộ hệ gene người có thể mất hàng tháng và tiêu tốn nhiều triệu USD. Ngày nay, công việc này có thể hoàn tất trong 24 giờ với chi phí khoảng 600 USD, theo Quỹ giải thưởng Breakthrough. Công trình của 3 nhà khoa học đã thay đổi nhiều lĩnh vực, bao gồm sinh học, sinh thái học, khảo cổ và y học.
Năm 2019, Hội đồng Nobel yêu cầu người đề cử cân nhắc sự đa dạng giới tính, địa lý và lĩnh vực nhưng tất cả học giả đoạt giải năm đó đều là nam giới. Năm ngoái, hai nhà khoa học nữ là Emmanuelle Charpentier và Jennifer A. Doudna, đoạt giải Nobel Hóa học nhờ phát triển phương pháp chỉnh sửa gene CRISPR trong khi nữ giáo sư Andrea Ghez cùng với hai nhà vật lý thiên văn khác giành giải Nobel Vật lý với công trình về hố đen siêu khối lượng.
“Giải Nobel thường vinh danh những nhà nghiên cứu với phát hiện từ cách đây 20, 30, 40 năm. Vào thập niên 1980 và 1990, ở các trường đại học, không có nhiều phụ nữ nắm chức vụ cao như trưởng khoa. Điều đó đã thay đổi đáng kể trong 40 năm qua”, Pendlebury cho biết.
Không hiếm nữ học giả có tiềm năng đoạt giải Nobel năm nay. Jocelyn Bell Burnell, nhà vật lý đến từ Bắc Ireland, có khả năng cao thắng giải nhờ nghiên cứu về sao xung, một trong những phát hiện thiên văn quan trọng nhất thế kỷ 20. Về y học, nhà di truyền học người Mỹ Mary-Claire King phát hiện đột biến BRCA và mối liên quan với nguy cơ ung thư vú năm 1990, giúp xác nhận nguy cơ ung thư di truyền.
Một nhà khoa học được Pendlebury đánh giá cao năm nay là Ho Wang Lee, giáo sư danh dự ở Đại học Hàn Quốc tại Seoul với công trình xác định và cô lập virus Hanta, họ virus lây lan qua chuột và gây ra nhiều bệnh trên khắp thế giới. Tính đến nay, chưa có học giả Nobel người da màu nào trong lĩnh vực vật lý, hóa học và y học. Một ứng viên tiềm năng người da màu ở lĩnh vực y học là bác sĩ và nhà nghiên cứu người Mỹ Marilyn Hughes Gaston cùng công trình về bệnh thiếu máu hồng cầu hình lưỡi liềm, hội chứng di truyền trong đó cơ thể không thể sản sinh hồng cầu bình thường.
Giải Nobel Y học sẽ được công bố hôm 4/10, tiếp đó là giải Nobel Vật lý (5/10), Hóa học (6/10), Văn học (7/10), Hòa bình (9/10) và Kinh tế (11/10).