Nga sẽ phát triển mạnh tầu ngầm nguyên tử, nếu bị AUKUS đe dọa
Đăng ngày: 04/10/2021
Trọng Thành
Tuyên bố lập liên minh AUKUS Mỹ – Anh – Úc tại Ấn Độ – Thái Bình Dương dường như có nguy cơ làm đảo lộn thế cân bằng chiến lược quân sự với Nga tại khu vực này. Hiện tại chính quyền Nga đang theo dõi các động thái cụ thể của AUKUS. Matxcơva có khả năng phản ứng ra sao ? Chuyên gia về an ninh quốc tế Alexey D. Muraviev (Úc) nêu ba kịch bản.
Phản ứng « thận trọng » của chính quyền Nga
Nếu như Trung Quốc chỉ trích mạnh mẽ sự ra đời của một liên minh mới do Hoa Kỳ lãnh đạo tại khu vực Ấn Độ – Thái Bình Dương, thì chính quyền Nga có phản ứng dè dặt và thận trọng hơn nhiều trong phản ứng đầu tiên. Ngày 17/09, Điện Kremlin ra tuyên bố chính thức, nhấn mạnh rằng « Trước khi đưa ra quan điểm chính thức, chúng tôi cần hiểu được các mục tiêu và các phương tiện » của liên minh này và « trong hiện tại còn rất ít thông tin về vấn đề này ».
Trong bài phân tích trên trang mạng The Conversation, chuyên gia người Úc, Alexey D. Muraviev – phó giáo sư về các nghiên cứu chiến lược và an ninh quốc gia, Đại học Curtin University – ghi nhận vào thời điểm đó, một số nhà ngoại giao Nga cũng bày tỏ quan điểm lo ngại về việc sự phát triển của các tầu ngầm chạy bằng năng lượng hạt nhân của Úc, với trợ giúp của Mỹ và Anh, sẽ vi phạm Hiệp ước cấm phổ biến hạt nhân và « làm gia tăng cuộc chạy đua vũ trang » tại khu vực. Các nhà ngoại giao Nga nói trên cũng gợi ý là việc chế tạo hạm đội tầu ngầm nguyên tử của Úc cần phải được Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế giám sát. Một đề xuất mà theo chuyên gia Úc, chính quyền Canberra chắc chắn sẽ không chấp nhận.
Matxcơva báo động khối « NATO châu Á »
Chuyên gia Úc cho biết thêm là giọng điệu của các quan chức cao cấp Điện Kremlin bắt đầu thay đổi, cùng lúc với việc có nhiều thông tin rõ hơn về Liên minh AUKUS. Sau tuyên bố của cựu đại sứ Úc tại Mỹ, Joe Hockey, rằng AUKUS không chỉ nhằm ngăn chặn Trung Quốc tại khu vực Ấn Độ – Thái Bình Dương, mà Nga cũng là đối tượng của liên minh này, trong một thông điệp đăng tải ngày 21/09 trên truyền thông Nga, thư ký Hội đồng An ninh Nga, Nikolai Patrouchev đánh giá hiệp ước này là « mô hình mẫu cho một liên minh kiểu NATO tại châu Á ». Thư ký Hội đồng An ninh Nga cũng dự báo : « Washington sẽ cố gắng để có thêm một số quốc gia khác gia nhập tổ chức này, chủ yếu để tiến hành các chính sách chống Trung Quốc và chống Nga ».
Hôm 01/10, hai tuần sau thông báo « gây chấn động » thành lập liên minh AUKUS, lần đầu tiên Matxcơva có quan điểm cụ thể. Trả lời hãng tin Nga TASS, tại Thụy Sĩ, thứ trưởng Ngoại Giao Nga, Serguei Riabkov, cho biết Nga quan ngại về việc Úc có thể được trang bị tầu ngầm nguyên tử, và điều này « là một thách thức lớn cho cơ chế quốc tế không phổ biến hạt nhân ».
Cơ hội bán tầu
Chuyên gia Úc Đại học Curtin University nêu ra ba kịch bản khác nhau, và phản ứng của Matxcơva tùy thuộc vào mức độ nguy cơ mà Nga nhìn nhận ở liên minh AUKUS. Cụ thể là, ngay trong trước mắt, khi chưa có đe dọa thực sự rõ ràng, chính quyền Matxcơva có thể coi đây là « đây là nguy cơ về chính trị và quân sự », phản ứng trực tiếp của chính quyền Nga có thể là coi đây như một « tiền lệ » để bản thân Matxcơva quảng bá việc xuất khẩu của công nghệ tầu ngầm hạt nhân đến một số quốc gia có nhu cầu trong khu vực. Đây hoàn toàn không còn là giả thiết mà là điều đã được chính một số chuyên gia quân sự Nga, có mối quan hệ mật thiết với bộ Quốc Phòng nước này, nêu ra ngay sau khi liên minh AUKUS ra mắt.
Cho đến nay, Matxcơva không chia sẻ công nghệ tầu ngầm nguyên tử. Matxcơva chỉ có một số hợp đồng với Ấn Độ, cho phép New Delhi sử dụng các tầu ngầm tấn công hạt nhân, do Liên Xô trước đây và Nga sản xuất từ năm 1987, nhưng không bao hàm việc chuyển gia công nghệ. Chuyên gia quân sự Nga, trong bài viết « Hoa Kỳ mở chiếc hộp Pandora trong lĩnh vực tầu ngầm hạt nhân », trên trang mạng Nga MKRU, đăng tải ngày 17/09 (được bài viết của chuyên gia Úc trích dẫn), cho biết cụ thể là Algérie, Việt Nam hay thậm chí Trung Quốc có thể là các khách hàng tiềm năng của Nga. Theo chuyên gia nói trên, một thị trường tầu ngầm nguyên tử đang hình thành, và trong trường hợp này, Nga sẽ không thiếu khách hàng. Công nghệ tầu ngầm nguyên tử của Nga được coi là tốt hàng đầu thế giới, và chắc chắn là hơn hẳn Trung Quốc, quốc gia được coi là non trẻ trong lĩnh vực này.
Tăng tốc phát triển lực lượng tầu ngầm
Kịch bản thứ hai là về mặt dài hạn. Theo chuyên gia Úc, trong tương lai có khả năng các tầu ngầm Úc sẽ hoạt động nhiều tại các khu vực phía tây và tây bắc Thái Bình Dương, nơi hiện diện thường xuyên của hải quân Nga. Sự hiện diện của tầu ngầm Úc – được trang bị vũ khí – tại các khu vực này có thể coi là mối đe dọa trực tiếp với vùng Viễn Đông và Siberi của Nga. Nếu Nga coi liên minh AUKUS là một đe dọa về quân sự, Matxcơva sẽ tăng tốc trang bị thêm tầu ngầm nói chung và tầu ngầm nguyên tử nói riêng tại khu vực này, và phạm vi hoạt động « có thể trải dài đến Biển Đông hoặc xa hơn ».
Chuyên gia Úc cũng lưu ý là ngay trong hiện tại Nga cũng đã đang phát triển lực lượng tầu ngầm hạt nhân tại khu vực này. Trong 12 tháng tới, hạm đội Nga tại Thái Bình Dương sẽ có thêm ít nhất ba tầu ngầm nguyên tử. Hai trong số đó thuộc thế hệ thứ tư (lớp Yasen-M), về công nghệ, tiên tiến hơn các tầu của Trung Quốc, và gần như có chất lượng ngang với các tầu ngầm mà Mỹ sẽ chế tạo cho Úc. Từ đây đến năm 2028, tức trước khi Úc có được những chiếc tầu ngầm đầu tiên do Mỹ chế tạo, Hải quân Nga sẽ có thể có thêm ít nhất 14 tầu ngầm nguyên tử và 6 tầu ngầm quy ước tại khu vực Thái Bình Dương.
Liên minh Hải quân Nga – Trung ?
Kịch bản thứ ba là Matxcơva thiết lập liên minh Hải quân với Trung Quốc. Theo chuyên gia Úc, kịch bản căng thẳng nhất là việc Nga và Trung Quốc thiết lập liên minh Hải quân để chống lại liên minh quân sự AUKUS, do Mỹ chỉ huy. Do việc Matxcơva và Bắc Kinh đã siết chặt các quan hệ hợp tác quốc phòng, một hợp tác trong lĩnh vực Hải quân, dường như không phải là điều « phi thực tế ». Tuy nhiên, tác giả nhấn mạnh là liên minh này khó có khả năng trở thành một liên minh Hải quân thực sự, và càng khó trở thành một cơ sở cho phép hình thành một khối quân sự lớn hơn bao gồm nhiều quốc gia khác. Tuy nhiên, chỉ riêng việc Nga và Trung Quốc phối hợp các hoạt động hải quân đã là một thách thức lớn với liên minh AUKUS.
Riêng về nước Úc, trong trường hợp căng thẳng leo thang, Matxcơva và Bắc Kinh có thể coi Úc như « một mắt xích yếu ». Báo mạng Trung Quốc Global Times – đại diện cho quan điểm cứng rắn của chính quyền Bắc Kinh – gần đây đã xác định Úc như « một cái đích tiềm tàng của một cuộc tấn công hạt nhân ». Theo chuyên gia về an ninh quốc tế Úc Alexey D. Muraviev, cho dù viễn cảnh chiến tranh thực sự còn xa vời, việc Úc tham gia vào « câu lạc bộ » của một vài cường quốc hạt nhân quân sự cũng để ngỏ khả năng xảy ra một « cuộc chiến tranh lạnh về hải quân » tại khu vực Ấn Độ – Thái Bình Dương.