Venezuela: Ba phần tư dân số sống trong đói nghèo cùng cực, theo báo cáo mới
3 tháng 10 2021
Ba phần tư người Venezuela sống trong điều kiện đói nghèo cùng cực, một nghiên cứu mới cho thấy, trong bối cảnh khủng hoảng kinh tế vẫn tiếp diễn ở đất nước giàu tài nguyên dầu khí.
Các nhà nghiên cứu tại Đại học Công giáo Andrés Bello (UCAB) cho rằng đại dịch virus corona và khủng hoảng nhiên liệu làm gia tăng đói nghèo.
Từ 2014, Venezuela rơi vào tình trạng thiếu thốn các mặt hàng thiết yếu và siêu lạm phát.
Hàng triệu người cần được trợ giúp.
Chính phủ nước này chưa bình luận nhưng thường xuyên đổ lỗi cho các lệnh trừng phạt của Mỹ.
Tuy nhiên, các ý kiến chỉ trích nói khủng hoảng là kết quả của sai lầm trong quản lý kinh tế của Tổng thống Nicolás Maduro. Dịch vụ công sụp đổ, thất nghiệp tăng vọt và đồng bolivar gần như không có giá trị.
Theo báo cáo Điều tra Quốc gia về Điều kiện sống (Encovi), tình trạng đói nghèo cùng cực lên tới 76,6%, so với 67,7% năm ngoái. Một người được coi là sống trong đói nghèo cùng cực khi họ có thu nhập dưới 1,9 USD một ngày.
Tình trạng thiếu xăng dầu liên miên, trở nên tệ hơn năm 2020, và các biện pháp phogn tỏa nhằm hạn chế sự lây lan của Covid-19 là các lý do chính, báo cáo viết.
Những người nghèo nhất bị ảnh hưởng nặng nhất vì họ không thể tìm việc làm ở một đất nước mà một nửa dân số làm việc trong nền kinh tế không chính thức, và nhiều người chạy ăn từng bữa.
Sự gia tăng của đói nghèo làm đảo ngược những tiến bộ trong năm trước, đạt được sau kh chính phủ chuyển tiền trực tiếp cho những người đói nghèo và thực hiện thay đổi về chính sách kinh tế, trong đó có việc nới lỏng kiểm soát giá cả.
Venezuela: thiên đường bãi biển thành ác mộng bạo lực
Mặc dù có nguồn dự trữ dầu khí lớn nhất thế giới, ngành dầu khí Venezuela đã suy sụp sau nhiều năm thiếu đầu tư và sai lầm trong quản lý kinh doanh.
Gần đây nhât, các lệnh trừng phạt cứng rắn hơn của Mỹ về xuất khẩu dầu khí, được Mỹ đưa ra sau cuộc bầu cử tổng thống gây tranh cãi hồi 2018, khiến khủng hoảng kinh tế thêm trầm trọng.
Báo cáo Encovi ước tính GDP của Venezuela thu nhỏ tới 74% từ năm 2014 đến 2020.
Nền kinh tế suy sụp dẫn tới khủng hoảng nhân đạo ảnh hưởng 28 triệu dân. Trước dịch Covid, Tổ chức Lương thực Thế giới WFP của Liên Hiệp Quốc ước tính một trong ba người Venezuela chật vật để có đủ thức ăn đảm bảo mức dinh dưỡng tối thiểu.
Tình hình này dẫn tới một trong những khủng hoảng chuyển chỗ ở lớn nhất trên thế giới, theo LHQ, và hơn 5,6 triệu người đã rời Venezuela ra nước ngoài.
Điều tra Encovi được mở từ năm 2014 để lấp chỗ trống cho số liệu chính thức. Nó được thực hiện bằng các phiếu câu hỏi gửi tới 14.000 hộ gia đình ở 21 trong số 23 bang Venezuela từ tháng Hai đến tháng Tư năm nay.