Thượng đỉnh EU : 27 nước vẫn bị chia rẽ vì chiến lược phòng thủ chung

Thượng đỉnh EU : 27 nước vẫn bị chia rẽ vì chiến lược phòng thủ chung

Đăng ngày: 07/10/2021

\"Tổng
Tổng thống Pháp Emmanuel Macron phát biểu trước truyền thông, khi đến bữa ăn tối với lãnh đạo các thành viên Liên Âu, tại Kranj, Slovenia, ngày 05/10/2021. AP – Darko Bandic

Thu Hằng

Tổng thống Pháp đã không thuyết phục được các nước thành viên Liên Hiệp Châu Âu về kế hoạch phòng thủ chung châu Âu. Theo lời đề nghị của ông Emmanuel Macron, chủ đề quan hệ đối tác với Hoa Kỳ đã được đưa ra thảo luận trong bữa tối 05/10/2021 giữa nguyên thủ và thủ tướng các nước Liên Hiệp Châu Âu tại Brdo, Slovenia.

Tổng thống Pháp kêu gọi các đồng nhiệm châu Âu cùng « rút bài học từ những cuộc khủng hoảng gần đây », như Mỹ đơn phương rút quân khỏi Afghanistan hoặc thỏa thuận chiến lược AUKUS, gạt Pháp khỏi hợp đồng tầu ngầm với Úc. Ông cũng kêu gọi các nước thành viên « sáng suốt » và « đừng ngây thơ » trước những lựa chọn chiến lược mới của Hoa Kỳ, hiện tập trung vào ganh đua với Trung Quốc.  

Đặc phái viên RFI Julien Chavanne tường trình từ Bdro :  

« Bữa tối kéo dài đến khuya nhưng không có tuyên bố chung sau đó. Điện Elysée cũng không hy vọng điều này. Khối 27 nước sẽ không nhất trí nhanh như thế về dự án quốc phòng châu Âu khổng lồ.  

Những người thân cận của tổng thống Pháp thì nói về « một mức hội tụ cao, không có bất đồng » giữa các nước Liên Âu. Thế nhưng cũng có những phát biểu phấn khởi hơn, ví dụ, theo ông Clément Beaune, « buổi tranh luận không phải là vô ích ». Quốc vụ khanh phụ trách Liên Hiệp Châu Âu nhắc lại « Ý tưởng không phải là để NATO đối lập với lực lượng phòng thủ tương lai của châu Âu ». Ông như muốn trấn an các nước vùng Balkan rất gắn bó với liên minh quân sự Bắc Đại Tây Dương.  

Ông Beaune nói : « Phải vượt qua được những đối lập và những mâu thuẫn đã cản trở chúng ta trong các cuộc tranh luận cấp châu Âu hơi khó hiểu hoặc hơi lý thuyết. Khi nói đến an ninh mạng, khi nói đến cam kết ở vùng Sahel, chúng ta có gần 10 nước châu Âu cùng sát cánh, ví dụ trong Task Force của lực lượng đặc biệt Takuba. Mọi việc được nói rõ. Vì thế hãy thoát khỏi những cuộc thảo luận ít nhiều mang tính lý thuyết và cùng hành động một cách cụ thể ». 

Điều quan trọng đối với ông Emmanuel Macron là đặt được hồ sơ lên bàn ở Liên Hiệp Châu Âu, cho thấy rằng, đối với ông, khủng hoảng tầu ngầm vẫn chưa được sang trang. Trong ba tháng nữa, nguyên thủ Pháp sẽ đứng đầu Liên Hiệp Châu Âu. Thời khắc đếm ngược đã đến. Ông Macron sẽ không bỏ lỡ bất cứ dịp nào để cho thấy những ưu tiên của ông, dù đôi khi có vẻ bị cô lập ».

Bài Liên Quan

Leave a Comment